Sự cần thiết và một số định hướng nghiên cứu, xây dựng đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân

Đứng trước các nhiệm vụ và thách thức mới, khi Đảng ta có chủ trương xây dựng và ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 thì việc xây dựng Đề án “đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới” là hoàn toàn phù hợp, kịp thời và cần được đẩy nhanh trên cơ sở nghiên cứu sâu sắc và toàn diện những vấn đề đã được đặt ra cũng như những vấn đề mới nảy sinh trong lý luận và thực tiễn.

1. Đặt vấn đề

Hiến pháp năm 2013 đã hiến định nhiều quan điểm, nguyên tắc quan trọng, trong đó, quan điểm nhất quán và xuyên suốt là xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (Điều 2), công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân (Điều 3, Điều 14). Có thể khẳng định, bảo đảm quyền con người được coi là trục xoay cho toàn bộ sự vận hành của bộ máy nhà nước, bao gồm cả hoạt động của các cơ quan tư pháp, mà trung tâm là Tòa án nhân dân.

Sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành và trên cơ sở quan điểm nhất quán của Hiến pháp, một loạt các văn bản pháp luật đã được ban hành làm cơ sở cho việc đưa các quan điểm đó vào hoạt động của Tòa án nhân dân (TAND), như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tổ chức TAND, cũng như nhiều văn bản do TAND tối cao ban hành. Trên cơ sở đó, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, nhân lực hệ thống TAND đã có những đổi mới tích cực và rõ rệt theo hướng nâng cao vị thế của Tòa án, khẳng định vị trí của TAND trong cấu trúc quyền lực nhà nước theo nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”, đáp ứng đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới.

Tuy nhiên, khoảng thời gian gần 10 năm qua cho thấy, những chuyển biến đó chưa đủ để tạo được lực đẩy cần thiết trong việc thực hiện các tư tưởng lớn của Chiến lược cải cách tư pháp và của Hiến pháp năm 2013. Nỗ lực của Nhà nước ta, nổi bật là của hệ thống TAND là rất rõ nét trên nhiều mặt, nhưng mới chỉ dừng lại trong các quan điểm hoặc các thử nghiệm bước đầu; nhiều quan điểm, ý tưởng của các Nghị quyết số 48/NQ-TW và Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị năm 2005 và của Hiến pháp 2013 đã được quán triệt nhiều lần, đạt được sự đồng thuận cao về lý luận và thực tiễn, nhưng chưa được triển khai thực hiện đầy đủ và có hệ thống.

Tình hình hiện nay đã và đang đặt ra yêu cầu mới và đặt các cơ quan tư pháp, mà trung tâm là TAND trước những thách thức mới: tình hình tội phạm gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất; số lượng các tranh chấp dân sự ngày càng gia tăng; đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh kế của người dân, là những nguyên nhân trực tiếp của tình hình xã hội, trong đó, có căng thẳng xã hội dẫn đến vi phạm và tội phạm v.v…

Đứng trước các nhiệm vụ và thách thức mới, khi Đảng ta có chủ trương xây dựng và ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 thì việc xây dựng Đề án “đổi mới tổ chức bộ máy TAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới” là hoàn toàn phù hợp, kịp thời và cần được đẩy nhanh trên cơ sở nghiên cứu sâu sắc và toàn diện những vấn đề đã được đặt ra cũng như những vấn đề mới nảy sinh trong lý luận và thực tiễn.

2. Các quan điểm và nội dung chủ đạo trong tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân

Hệ thống tổ chức, cấu trúc của hệ thống TAND được hình thành qua nhiều giai đoạn, cho đến nay là tương đối hoàn chỉnh. Để bàn về tổ chức, trước hết cần nhất quán ở tầm quan điểm và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của TAND ở nước ta.

 Hiến pháp năm 2013 đã đặt ra các nguyên tắc lớn xác định vị trí và vị thế của TAND trong cơ cấu quyền lực nhà nước Việt Nam đó là nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (khoản 3 Điều 2); “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (khoản 1, Điều 102). Những quy định này hàm chứa nội dung về tính độc lập của TAND trong cơ chế phân công, phối hợp của quyền lực nhà nước. Đề án về sửa đổi, sắp xếp tổ chức bộ máy của TAND cần tiếp tục ghi nhận và làm rõ hơn, cụ thể hơn những nội dung lớn trong các quy định của Hiến pháp. Xuất phát từ những nội dung trên đây, có thể xem xét một số vấn đề sau đây:

- Sự độc lập trong xét xử của Tòa án là bảo đảm để có thể coi án lệ, tập quán và lẽ công bằng là nguồn pháp luật bên cạnh nguồn cơ bản là các quy định của pháp luật. Điều này đã được ghi nhận tại Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tổ chức TAND và triển khai thực hiện trong toàn bộ hệ thống Tòa án. Tính độc lập là cơ sở để TAND có được các bản án, quyết định bảo đảm công lý. Thừa nhận án lệ chính là sự ghi nhận tính độc lập của Tòa án và của Thẩm phán, ngược lại, có thể hình thành được án lệ khi Tòa án và Thẩm phán có vị thế độc lập.

- Sự độc lập trong xét xử của Tòa án là cơ sở để thực hiện nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm để các yêu cầu về tranh tụng được thực hiện trên thực tế. Đã có những đổi mới về mặt này nhưng chưa thực sự rõ ràng bằng Bộ luật Tố tụng dân sự khi quy định về chứng cứ và chứng minh, về Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, mối liên hệ giữa ba chức năng trong tố tụng: chức năng xét xử, chức năng công tố, chức năng bào chữa.

- Sự độc lập trong xét xử của Tòa án đặt ra yêu cầu quy định Tòa án có quyền giải thích chính thức văn bản quy phạm pháp luật và từ đó bảo đảm cho các giải thích đó có hiệu lực pháp lý bắt buộc. Đây là điều mà thế giới đã coi là đương nhiên, nhưng ở nước ta về pháp lý thì chưa có quy định và về thực tiễn chưa có tiền lệ, mặc dù yếu tố giải thích đã hiện hữu trong án lệ (khác với thẩm quyền giải thích pháp luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội). Trên thực tế, các cơ quan trong hệ thống công quyền, trong đó có Tòa án ở nước ta đã và đang thực hiện việc giải thích pháp luật. Tuy nhiên, các giải thích đó có đầy đủ nội hàm của chế định giải thích pháp luật trong hệ thống pháp luật hay chưa là điều cần phải bàn tiếp. Không chỉ trong quá trình tổng kết thực tiễn xét xử đã dẫn đến việc giải thích pháp luật của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mà việc Luật Tổ chức TAND giao cho Hội đồng này chức năng phát triển án lệ cũng dẫn đến thẩm quyền giải thích pháp luật của cơ quan này, bởi một điều hiển nhiên là mọi án lệ đều dựa trên lý lẽ và lập luận về pháp luật, tức là giải thích pháp luật[1]. Bằng chứng là, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ (Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP) cũng đã xác định “án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án”. Giải thích của Tòa án, trong trường hợp này là của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, nhất thiết cần được hiểu là một yếu tố của pháp luật, bởi chính Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã gián tiếp xác định điều đó khi coi Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là văn bản quy phạm pháp luật (khoản 7 Điều 4). Trong khi đó, án lệ do Hội đồng Thẩm phán TANDTC công bố lại đặt ra vấn đề về bản chất của án lệ của cơ quan này. Bởi lẽ, đã là án lệ với đúng nghĩa của nó là có hiệu lực bắt buộc áp dụng đối với tất cả các Tòa án, thế nhưng, Luật Tổ chức TAND năm 2014 lại coi án lệ là “để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng nhắc lại quan niệm đó về án lệ. Cách hiểu này của Luật Tổ chức TAND và của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là không tương thích với quy định tại khoản 2 Điều 6 của Bộ luật Dân sự.

Vấn đề giải thích pháp luật nhất thiết cần được nhìn nhận trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực, đặc biệt là trong hội nhập ASEAN, bởi quá trình hội nhập đó đang đặt ra những vấn đề liên quan đến hoạt động giải thích pháp luật.

Cộng đồng kinh tế ASEAN vận hành trên cơ sở Hiệp định về khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (ASEAN Free Trade Area - AFTA) lần đầu tiên được ký kết vào năm 1992 và được mở rộng dần cùng với sự tham gia của các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam. Đến lượt nó, sự vận hành của Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN được thúc đẩy phát triển trên cơ sở 4 Hiệp định trụ cột là: Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (The ASEAN Trade in Goods Agreement - ATIGA) năm 2009. Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (ASEAN Framework Agreement on Services - AFAS) năm 1995; Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (The ASEAN Comprehensive Investment Agreement - ACIA) năm 2009; Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân (Agreement on the Movement of Natural Persons - MNP) năm 2012.

Ngoài Hiến chương ASEAN và các hiệp định đã nêu trên thì cần phải kể thêm về một dạng “luật mềm” của ASEAN- đó là hình thức thỏa thuận công nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Agreements - MRAs) về các tiêu chuẩn - một phương thức quốc tế hóa pháp luật rất phổ biến trong thời đại toàn cầu hóa và khu vực hóa. Theo đó, chẳng hạn, tại Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ năm 1995 đã xác định việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn thông qua việc ký kết nhiều hiệp định giữa các quốc gia thành viên: Thỏa thuận khung thừa nhận lẫn nhau của ASEAN về dịch vụ kế toán (2009), về chứng nhận trình độ (2010), về dịch vụ kỹ thuật (2005), về dịch vụ điều dưỡng (2006), về kiến trúc (2007), về hành nghề y và nha khoa (2009), về hành nghề du lịch (2012). Tuy nhiên, ở ASEAN vẫn còn sự thiếu vắng những cấu trúc có thẩm quyền ban hành quyết định có hiệu lực bắt buộc chung đối với tất cả các quốc gia thành viên. Các Hiệp định của ASEAN chưa đạt đến trình độ có thể bảo đảm để mọi công dân của từng quốc gia thành viên có những quyền chủ thể, hoặc, nói khác đi, những quy định hiện hành của ASEAN chưa trực tiếp phát sinh hiệu lực đối với công dân tại các quốc gia thành viên, điều mà một tổ chức “siêu quốc gia” nhất thiết phải có, ASEAN chưa tạo ra được sự bảo hộ pháp lý chắc chắn cho công dân và công dân vẫn còn lệ thuộc vào thiện chí bảo vệ của Chính phủ quốc gia mình khi nảy sinh tranh chấp pháp lý. ASEAN thiếu vắng cơ quan tư pháp của cộng đồng khu vực: không có Tòa án ASEAN. Vì vậy, không có các chuẩn mực trong việc giải thích và áp dụng các quy định của ASEAN. Điều đó dẫn đến sự gia tăng khoảng cách giữa các nỗ lực xây dựng quy phạm, thể hiện ở việc đã đạt được một số lượng lớn các văn bản, văn kiện pháp lý của ASEAN, với khả năng các văn kiện đó đến được với thực tiễn của cuộc sống tại các quốc gia thành viên. Từ kinh nghiệm đó có thể thấy rằng, các quy phạm, chế định được Hiến chương ASEAN xác lập làm nền tảng pháp lý chung thúc đẩy hội nhập và liên kết của ASEAN sẽ phụ thuộc nhiều vào việc củng cố vị trí độc lập và năng lực áp dụng pháp luật và chức năng giải thích pháp luật của các Tòa án trong từng quốc gia thành viên, song song với nhu cầu xây dựng cho được một thiết chế tư pháp của ASEAN - Tòa án ASEAN.

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy rằng, trong giai đoạn hiện nay vấn đề áp dụng pháp luật của Tòa án đã có chỗ đứng trong hệ thống pháp luật của nước ta trước đòi hỏi bức thiết của quá trình phát triển.

3. Về một số nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của Tòa án

3.1. Nguyên tắc độc lập trong xét xử của Tòa án

Tính độc lập của Tòa án đặt ra yêu cầu để Tòa án hành chính có thẩm quyền cao hơn phạm vi được quy định tại Điều 6 Luật Tố tụng hành chính là kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật.

Tính độc lập trong xét xử của Tòa án là điều kiện để thực hiện nguyên tắc quan trọng của Hiến pháp năm 2013 là nguyên tắc suy đoán vô tội. Chính Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa nguyên tắc suy đoán vô tội rất rõ ràng là: “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội” (Điều 13). Không độc lập và trách nhiệm trước con người thì Thẩm phán không thể làm được cái việc là “kết luận” về sự vô tội của người bị buộc tội!

Sự độc lập của Tòa án và của Thẩm phán trong xét xử cần đến những bảo đảm về nhận thức của xã hội, của lãnh đạo các cấp và của bản thân hệ thống Tòa án cũng như của Thẩm phán. Cùng với đó là đòi hỏi về trình độ, năng lực chuyên môn, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của Thẩm phán. Điều này đã nhiều diễn đàn bàn đến, nhưng chuyển biến chưa thật nhiều so với yêu cầu.

Sự độc lập của Tòa án và của Thẩm phán như đã nói ở trên đặt ra yêu cầu và các bảo đảm về địa vị pháp lý của Thẩm phán. Ở nước ta hiện nay Thẩm phán là do bổ nhiệm (Điều 7 Luật Tổ chức TAND năm 2014) với nhiệm kỳ 5 năm, có bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác với thời hạn 10 năm (Điều 74 Luật Tổ chức TAND). Luật cũng quy định các chế độ điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán.

Nếu nhìn rộng ra thế giới, xu hướng phổ biến để bảo đảm sự độc lập cao của Tòa án và của Thẩm phán thì cần có những quy định rất đặc biệt và đặc thù, không giống như đối với các công chức hành chính nhà nước. Thiết nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta cần đi theo hướng đó khi bàn về các vấn đề nhiệm kỳ, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, kỷ luật, truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với Thẩm phán.

Sự độc lập của Tòa án và của Thẩm phán đặt ra vấn đề nhìn nhận lại mối quan hệ pháp lý trên trong hệ thống Tòa án nhân dân. Hệ thống Tòa án nước ta, cũng như của các quốc gia theo hệ thống Civil Law là hệ thống phi tập trung, gồm các loại, các cấp Tòa án khác nhau, nhưng về quan hệ lại do TAND tối cao quản lý về tổ chức.

Sự độc lập của Thẩm phán cũng đòi hỏi xem xét lại và quy định cụ thể hơn mối quan hệ, thẩm quyền bên trong mỗi Tòa án, giữa Chánh án và các Thẩm phán trên nhiều mặt: về tổ chức, nhân sự, về phân công xét xử v.v..

3.2. Về nguyên tắc kết hợp cấp hành chính lãnh thổ với cấp thẩm quyền xét xử

Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị có nhắc đến việc chuyển tổ chức hệ thống Tòa án theo cấp xét xử. Kết quả, theo Luật Tổ chức TAND thì chúng ta có: Tòa án tối cao; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án quân sự (Điều 3). Trên thế giới, nguyên tắc tổ chức phổ biến nhất đối với Tòa án vẫn là nguyên tắc kết hợp giữa hành chính – lãnh thổ với thẩm quyền xét xử. Không có trường hợp chỉ thiên về một nguyên lý.

Nhiều năm nay, giới luật học và hệ thống Tòa án đã có nhiều diễn đàn bàn về tổ chức các Tòa án khu vực. Theo đó, việc tổ chức này là để bảo đảm sự độc lập trong xét xử của Tòa án và của các Thẩm phán từ phía chính quyền địa phương. Và về tổ chức thì được hiểu là việc lập ra các Tòa án khu vực ở một số huyện (vì cấp huyện là cấp thấp nhất của hệ thống Tòa án nước ta). Từ lúc ra đời cho đến nay, chủ trương đó đã qua hơn 15 năm nhưng chưa thực hiện được, thậm chí còn có ý kiến trái chiều. Quá trình thành lập và vận hành của các Tòa án khu vực chắc chắn liên quan đến việc giải mã một nguyên tắc quan trọng bậc nhất đối với tổ chức và hoạt động của TAND: nguyên tắc về tạo khả năng tối đa cho việc thực hiện quyền tiếp cận công lý. Theo quan điểm của tác giả, việc thành lập Tòa án khu vực là một cách tiếp cận vấn đề bảo đảm nguyên tắc độc lập của Tòa án, tuy vậy, vẫn có thể có những cách tiếp cận khác để thực hiện nguyên tắc này.

Trong tinh thần đó, xin đề xuất một mô hình tổ chức, tuy khác về hướng đi nhưng cùng nằm trong một “vector” của nguyên tắc tổ chức các Tòa án khu vực. Đó là việc nghiên cứu mô hình các Tòa án dưới cấp huyện (tất nhiên, việc nghiên cứu đề xuất này phải nằm trong bối cảnh chung, đặt trong tổng thể của Đề án đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân và phải phù hợp với các nghị quyết của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy). 

Mô hình này sẽ phải đụng chạm đến ranh giới truyền thống của hệ thống TAND là cấp huyện. Việc đặt tên cho loại hay cấp Tòa án này là gì là điều còn phải bàn thêm, nhưng bản chất của mô hình này là ở các đặc điểm sau đây:

1. Giải quyết (xét xử) các vụ án dân sự, kinh tế không phức tạp, hầu hết các vụ án hôn nhân và gia đình, các tranh chấp mà ta hay gọi là phát sinh từ sinh hoạt nội bộ dân cư v.v..; xét xử các vụ án hình sự mà hình phạt được BLHS quy định dưới 2 năm tù và các hình phạt khác nhẹ hơn.

2. Thẩm phán các Tòa án này không nhất thiết là những người đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 67 Luật Tổ chức TAND mà đa phần là những người do nhân dân các cộng đồng bầu ra dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của hệ thống Tòa án.

3. Quyền kháng cáo, kháng nghị bản án của các Tòa án này vẫn được bảo đảm mà cấp phúc thẩm ở đây sẽ là Tòa án cấp huyện.

4. Mô hình Tòa án này rất giống với mô hình tổ chức Cảnh sát khu vực, bác sỹ khu vực v.v..

Việc lập ra loại Tòa án này nhằm bảo đảm giảm tải cho các Tòa án hiện nay, bảo đảm giải quyết kịp thời các mâu thuẫn nội tại trong xã hội là thiên chức của tư pháp và là con đường để nâng cao vị thế, uy tín của nó trong con mắt của người dân.

Trên thế giới, loại Tòa án này rất phổ biến. Chỉ xin nêu ví dụ về hai quốc gia là Vương quốc Anh và Liên bang Nga. Ở Anh, loại Tòa án này có tên gọi là Magistrate’s Court, còn Thẩm phán của Toà án này là Squire. Hệ thống Tòa án này ra đời từ thế kỷ XIV và đặc biệt phổ biến từ sau những cải cách tư pháp vào cuối thế kỷ XIX. Hiện nay, ở Anh đã có 330 Tòa án này và văn bản mới nhất điều chỉnh tổ chức và hoạt động của Tòa án này là Magistrate’s Court Act 1980.

Ở Liên bang Nga, từ năm 1991 đã khôi phục lại hệ thống các Tòa hòa giải của thời Nga hoàng với tính cách là các Tòa án dưới cấp huyện, được thành lập theo các khu vực trong phạm vi một huyện - Мировой Суд. Như vậy, ở Nga hiện nay cũng có khái niệm Tòa án khu vực, nhưng không phải là tại một hoặc một số huyện và cấp tương đương mà được tổ chức tại một số khu vực trong phạm vi một huyện hoặc cấp tương đương. Tại các nước khác mô hình này cũng rất phổ biến.

Để phù hợp với mô hình này, nhất thiết phải nghiên cứu lại cách phân loại tội phạm trong Bộ luật Hình sự. Theo đó, cách phân loại tội phạm của BLHS Pháp có thể được coi là khả thi cho việc tiếp thu.

3.3. Nguyên tắc về sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án

Nguyên tắc này là xuất phát từ hai nguyên tắc hiến định lớn: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dânthông qua các cơ quan khác của Nhà nước” (Điều 6 Hiến pháp 2013); “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị” … “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội” (Điều 28 Hiến pháp năm 2013).

Ở nước ta, chế định đặc trưng để cụ thể hóa quyền hiến định này là chế định Hội thẩm nhân dân. Hiến pháp năm 1946 đặt ra chế định phụ thẩm nhân dân (Điều 65); các Hiến pháp năm 1959 (Điều 99), năm 1980 (Điều 130), năm 1992 (Điều 129) gọi đó là Hội thẩm nhân dân; đến Hiến pháp 2013 gọi là Hội thẩm (Điều 103). Ở Liên Xô trước đây cũng có chế định Hội thẩm nhân dân (народный заседатель), nhưng kể từ 1996 ở Liên bang Nga có hai chế định song song tồn tại là chế định Hội thẩm nhân dân và chế định Bồi thẩm (присяжный заседатель). Chế định Bồi thẩm đoàn là chế định ra đời từ lâu trong lịch sử tư pháp và tồn tại, phát triển cho đến ngày hôm nay tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, chế định đó được chia thành hai loại: một loại Bồi thẩm có thẩm quyền xem xét về sự việc, hành vi tức là về có tội hay vô tội và Thẩm phán có thẩm quyền phán quyết về pháp luật, tức là quyết định hình phạt trên cơ sở phán xét của Bồi thẩm đoàn; một loại khác là các Bồi thẩm và Thẩm phán có thẩm quyền như nhau. Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam đã từng có quy định đặc sắc tại Điều 65: Phụ thẩm nhân dân tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình hoặc cùng quyết định với Thẩm phán nếu là việc đại hình. Các bản Hiến pháp về sau này (1959, 1980, 1992) đều quy định, khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm ngang quyền với nhau; Hiến pháp 2013 không nói rõ điều đó nhưng khoản 4 Điều 103 của Hiến pháp này và Điều 10 của Luật Tổ chức TAND quy định TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn. Quy định này đồng nghĩa với quy định về sự ngang quyền và cùng quyết định mọi việc giữa Hội thẩm và Thẩm phán.

Thực tiễn cho thấy, nhiều ví dụ về sự thiếu hiệu quả của chế định Hội thẩm và điều đó có nhiều lý do. Tuy nhiên, cũng vì lý do đó mà đã có một số xu hướng có thể nói là sai trái trong nhận thức, chủ trương và thực tiễn. Đó là, hoặc coi nhẹ vai trò của Hội thẩm trong thành phần Hội đồng xét xử, trước hết là từ phía Thẩm phán chuyên nghiệp hoặc ngược lại, đòi hỏi họ phải có chuyên môn pháp luật mà không chú trọng tới khía cạnh nhân dân, khía cạnh xã hội của chế định này, từ khâu tuyển chọn, hướng dẫn nghiệp vụ Hội thẩm, cho đến chế độ làm việc và đãi ngộ. Tăng cường chế định Hội thẩm nhân dân theo hướng thực chất và hiệu quả, là một trong những bảo đảm thực thi công lý trên thực tế, bởi công lý trong từng vụ án là kết quả của sự kết hợp giữa pháp luật với lẽ công bằng, với các giá trị xã hội khác được nhìn nhận bằng nhãn quan xã hội mà đại diện cho người dân là các Hội thẩm nhân dân.

Tư tưởng về công lý, hướng tới công lý, thực thi công lý cần được coi là tư tưởng chủ đạo của công cuộc cải cách tư pháp nói chung và của tổ chức và hoạt động của TAND nói riêng. Tư tưởng gắn công lý và quyền con người với lĩnh vực tư pháp cần được coi là tư tưởng vượt trội, rất đúng đắn của Đảng ta, xuất phát từ quan điểm đề cao giá trị con người. Do đó, có thể nói, trong tiến trình cải cách tư pháp ở nước ta, công lý và quyền con người không chỉ đã gắn với nền tư pháp mà còn phải trở thành giá trị cốt lõi làm nên bản sắc của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa. “Đẩy mạnh hơn nữa công cuộc cải cách tư pháp … để Nhân dân cảm nhận và thụ hưởng được công bằng và lẽ phải; nghiêm minh và nhân văn trong mỗi phán quyết tư pháp.”[2]

 

[1] Bell J. (1995), English Law and French Law - no so Different, Current Legal Problems, Vol. 48, Part II, pp. 312-323. Sauveplanne J. (1994), Codified and Judge Made Law. The Role of Courts and Legislation, New York.

[2] Phát biểu của Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tại Lễ Tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội khóa XV ngày 26/7/2021, Cổng Thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao, https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/ca/chi-tiet?dDocName=TAND183290  (26/7/2021).

GS.TSKH ĐÀO TRÍ ÚC (Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội, Nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật học, Ủy viên Hội đồng Giáo sư nhà nước)