TANDTC lấy ý kiến đối với Dự thảo báo cáo đánh giá 5 năm thi hành Luật Tổ chức TAND

Để có cơ sở cho việc hoàn thiện với Dự thảo báo cáo đánh giá 5 thi hành Luật Tổ chức TAND 2014, ngày 14/12, TANDTC tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thi hành Luật Tổ chức TAND 2014”. TS Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có bà Sitara Syed, Phó Trưởng Đại diện Thường trú, UNDP tại Việt Nam; Bà Audrey-Anne Rochellemagne, đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam; TS. Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án TANDTC; Thẩm phán TANDTC Tống Anh Hào; các đại biểu đến từ Ban nội chính Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSNDTC; lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC,TANDCC tại Hà Nội; đại diện lãnh đạo TAND các tỉnh, thành phố.

Nhằm mục đích đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện thực tiễn 05 năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; xác định những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập trong tổ chức thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hoàn thiện tổ chức bộ máy của các Tòa án nhân dân theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, TANDTC đã thành lập nhóm nghiên cứu đánh giá 05 năm thi hành Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014. Qua quá trình nghiên cứu, nhóm đã có dự thảo đánh giá kết quả 05 năm triển khai, thực hiện Luật tổ chức TAND và kiến nghị đề xuất sửa đổi.

Phát biểu khai mạc buổi Hội thảo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh, ngày 24/11/2014, Luật Tổ chức TAND đã được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 thông qua với 11 chương, 98 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của TAND. Luật có hiệu lực từ 01/06/2015.

Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước được Quốc hội thông qua theo tinh thần Hiến pháp mới; thể chế hóa các quan điểm lớn, tiến bộ của Đảng và Nhà nước ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Trưởng nhóm nghiên cứu Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã trình bài dự thảo Báo cáo tóm tắt "Đánh giá 5 năm thi hành Luật tổ chức TAND năm 2014".

Báo cáo nghiên cứu được xây dựng dựa trên các quy định của Luật Tổ chức TAND, tại báo cáo này, nhóm tập trung đi sâu nghiên cứu về các quy định hiện hành của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; Đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay; Đưa ra những khuyến nghị để việc triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 tiếp tục được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Đánh giá về công tác triển khai thi hành luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014, báo cáo đã nêu bật vai trò của Báo Công lý, Tạp chí Toà án nhân dân, Cổng thông tin điện tử có trách nhiệm chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức hệ thống Tòa án về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các văn bản hướng dẫn thi hành theo Chỉ thị số 04/2014/CT-CA về việc triển khai thi hành Luật; tổ chức quán triệt tới toàn thể cán bộ công chức, người lao động trong hệ thống Tòa án về nội dung của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Nghị quyết số 81/2014/QH13 về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Ngoài ra, trên cơ sở nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2014, tìm hiểu nguyên nhân của những khó khăn vướng mắc nêu trên, Nhóm nghiên cứu xin đưa ra một số khuyến nghị nhằm tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND như: Về tổ chức bộ máy của các Tòa án; Về chức năng, nhiệm vụ của các TAND; Về Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác trong TAND; Về Hội thẩm nhân dân...

 

 

Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến tham luận của lãnh đạo và đại diện các đơn vị. Hội thảo cũng đã nghe nhiều ý kiến phát biểu sôi nổi của các đại biểu tham dự.

 Tại Hội Thảo, bà Audrey-Anne Rochellemagne, đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, để giúp TANDTC có một báo cáo đánh giá đầy đủ, khách quan và toàn diện, chương trình EU JULE hỗ trợ Nghiên cứu các quy định hiện hành của Luật Tổ chức TAND và các văn bản quy định chi tiết và hướng thi hành: Đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định của Luật trong giai đoạn từ 2015 đến nay; và đưa ra các khuyến nghị để việc triển khai thi hành Luật tiếp tục được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Phó đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Sitara Syed nhấn mạnh, các tiêu chuẩn và điều kiện quốc tế về tính độc lập của ngành tư pháp, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc về tính độc lập của tòa án (được thông qua năm 1985) và Tuyên bố Bắc Kinh về tính độc lập tư pháp của Hiệp hội Luật châu Á-Thái Bình Dương năm 1997. Theo các nguyên tắc này, cơ quan tư pháp chỉ có thể độc lập khi Tòa án hoạt động như một thể chế riêng và các Thẩm phán cũng hoàn toàn độc lập. Các nguyên tắc này đưa ra các nội dung thiết yếu về tính độc lập tư pháp bao gồm: Độc lập về thể chế, trong xét xử và độc lập về tài chính của tòa án. Nếu thiếu các nội dung này, tòa án không thể thực hiện quyền tư pháp của mình một cách độc lập và công bằng.

Kết thúc buổi Hội thảo, Phó Chánh án Nguyễn Trí Tuệ cảm ơn và ghi nhận các tham luận, các ý kiến góp ý của các đại biểu, các ý kiến sẽ được sẽ được Ban tổ chức tổng hợp để hoàn thiện báo cáo trình Ban Cán sự đảng TANDTC cân nhắc, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy TAND theo hướng tinh gọn và hiệu quả.

XUÂN HÀ