Thi hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP 15/5/2018 – Vướng mắc và kiến nghị

Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Thực tiễn áp dụng Nghị quyết có những thuận lợi nhưng cũng bộc lộ những vướng mắc, cần được khắc phục.

Áp dụng pháp luật được thống nhất

Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP được triển khai thi hành trên thực tế đã tạo những điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tư pháp địa phương; đặc biệt là các Thẩm phán áp dụng pháp luật được thống nhất.

Cụ thể như: Các điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo, những trường hợp không cho hưởng án treo (theo Điều 2, Điều 3 của Nghị quyết số 02/2018) được quy định cụ thể, chi tiết, dễ áp dụng hơn so với Điều 2 của Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về việc xem xét cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo. Bởi vì, Điều 2 và Điều 3 của Nghị quyết số 02/2018 quy định mang tính khẳng định “… khi có đủ các điều kiện sau đây” nên dễ áp dụng và tạo được cách hiểu thống nhất giữa Tòa án các cấp khi xét xử cho bị cáo có được được hưởng án treo hay không. Trong khi tại Điều 2 của nghị quyết 01/2013 quy định mang tính tùy nghi như “chỉ có thể xem xét cho hưởng án treo khi thuộc một trong các trường hợp sau”; theo cách hiểu này thì có thể Hội đồng xét xử sơ thẩm cho hưởng án treo nhưng cấp phúc lại không cho hưởng án treo vì nó mang tính cảm tính của Hội đồng xét xử. Do đó, Nghị quyết 02/2018 đã khắc phục được bất cập về những trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định trong quá trình xét xử của Tòa án các cấp.

Về việc tuyên hậu quả của việc vi phạm trong thời gian thử thách đối với bị cáo cho hưởng án treo trong bản án. Đây là căn cứ để Tòa án buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt tù nếu vi phạm nghĩa vụ cho hưởng án treo nên đảm bảo được tính ren đe, nghiêm trị đối với bị cáo mà Nghị quyết số 01/2013 chưa điều chỉnh.

Nghị quyết đã quy định đầy đủ, cụ thể về điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo; về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo… cùng với các biểu mẫu kèm theo để Tòa án địa phương áp dụng được thuận lợi và thống nhất. Trước đây Nghị quyết số 01/2013 chưa quy định.

Vướng mắc, bất cập

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi như đã nêu trên thì trong thực tiễn áp dụng Nghị quyết số 02/2018 vẫn còn một số vướng mắc, bất cập như:

Thứ nhất, tại khoản 5 Điều 5 Nghị quyết số 02/2018 quy định không cho hưởng án treo đối với người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Việc quy định như vậy là bất lợi cho người phạm tội và mâu thuẫn với Điều 65 của BLHS. Bởi vì, đối với bị cáo phạm tội nhiều lần nhưng các lần thực hiện hành vi phạm tội đều cùng về một tội và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nhân thân tốt là ngoài lần phạm tội này thì trước đây chưa có tiền án, tiền sự gì, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình có công cách mạng… thiết nghĩ Hội đồng xét xử vẫn có thể cho bị cáo được hưởng án treo, để bị cáo có cơ hội cải tạo, giáo dục.

Ví dụ: Bị cáo Hồ Văn B, là người dân tộc thiểu số; trú tại xã Trà K, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đi làm rẫy thấy công trình thủy điện đang thi công có để các thùng dầu bên đường nên bị cáo lấy một thùng dầu đem cất giấu; đến chiều B đi làm rẫy về vẫn thấy các thùng dầu để bên đường nên B lấy tiếp 01 thùng dầu nữa và mang hai thùng dầu về bán được 3.000.000 đồng. Khi hành vi bị phát hiện, định giá mỗi thùng dầu trị giá 2.500.000 đồng.

Bị cáo là người dân tộc thiểu số, có nhân thân tốt vì ngoài lần phạm tội này thì trước đây B chưa có tiền án, tiền sự và chưa vi phạm pháp luật gì; chấp hành tốt các nghĩa vụ công dân nơi cư trú được chính quyền địa phương xác nhận; sau khi hành vi bị phát hiện tài sản đã được thu hồi trả lại cho người bị hại. Bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn: bị cáo là lao động duy nhất trong gia đình có vợ đang nuôi con nhỏ và gia đình thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Như vậy, việc nghiên cứu nhân thân của bị cáo B có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt; vì nó không chỉ đánh giá được khả năng giáo dục, cải tạo của bị cáo mà còn đánh giá được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để có hình phạt phù hợp.

Trong trường hợp này, mặc dù bị cáo Hồ Văn B phạm tội 02 lần trở lên thuộc tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 nhưng xét về tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội thì bị cáo chỉ nhất thời phạm tội và có nhân thân tốt nên có khả năng cải tạo, giáo dục nên theo quan điểm của chúng tôi không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà có thể xử cho bị cáo được hưởng án treo vẫn đảm bảo được tính ren đe, giáo dục đối với bị cáo. Và việc cho bị cáo hưởng án treo vẫn không gây nguy hiểm cho xã hội.

Thứ hai, trong giai đoạn tinh giản biên chế hiện nay thì số lượng biên chế của hệ thống Tòa án qua các năm không tăng nhưng số lượng án hằng năm đều tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Theo quy định của Quốc hội và TANDTC thì chỉ tiêu biên chế Thẩm phán giao căn cứ vào số lượng án thụ lý giải quyết. Theo đó, đối với các huyện đồng bằng bình quân mỗi Thẩm phán 100 vụ, việc/năm, đối với các huyện miền núi 50 vụ, việc/năm. Do vậy, thực tiễn tại các huyện miền núi thời gian qua số lượng các vụ án thụ lý trong 01 năm thường dưới 100 vụ việc nên chỉ tiêu biên chế được giao cho mỗi đơn vị từ 01 đến hai Thẩm phán. Cá biệt có Tòa án miền núi 01 năm chỉ thụ lý 03 vụ án và chỉ có 01 Thẩm phán vừa là Chánh án của đơn vị.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 9 của Nghị quyết số 02/2018 quy định về thủ tục xét rút ngắn thời gian thử thách án treo thì Hội đồng phải có 3 Thẩm phán là khó khăn cho các Tòa án huyện miền núi như tình trạng hiện nay. Và phải chữa cháy bằng cách mời hai Hội thẩm tham gia cùng với Thẩm phán để thành lập Hội đồng phiên họp xét rút ngắn án treo vì Tòa án huyện này chỉ có 1 Chánh án vừa là Thẩm phán.

Đề xuất, kiến nghị

Qua thực tiễn, chúng tôi xin đề xuất, kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung đối với Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP.

-Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC sửa đổi khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 02/2018 theo hướng: “Người phạm tội nhiều lần nhưng về cùng một tội và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự và chưa bị xử lý hành chính; có nhiều tình tiết giảm nhẹ mà xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù vẫn không nguy hiểm cho xã hội thì có thể xem xét cho hưởng án treo” để đảm bảo phù hợp với Điều 65 của BLHS năm 2015.

-Đối với Hội đồng phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết số 02/2018 nên bổ sung theo hướng: “…gồm 03 Thẩm phán, đối với các huyện dưới 03 Thẩm phán thì mời thêm Hội thẩm tham gia” để đảm bảo cho việc rút ngắn án treo được đúng luật và tránh trường hợp Viện kiểm sát từ chối tham gia phiên họp hoặc kháng nghị do phiên họp không đúng thành phần quy định.

 

TAND quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Ngô Thị Hồng Thấm - VKSND Q. Ngũ Hành Sơn

 

 

NGUYỄN CÔNG TRƯỜNG, VÕ VĂN THỂ (Thẩm phán TAND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam)