Xét xử các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm tại Quảng Bình và một số đề xuất

Quảng Bình là tỉnh có kinh tế - xã hội chậm phát triển hơn so với mặt bằng chung toàn quốc, đời sống nhân dân đang gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những vùng xa trung tâm, lại có nguồn tài nguyên rừng phong phú, trải rộng trên diện tích hơn 4.800km2, rất khó kiểm soát, nên loại tội phạm xâm phạm động vật hoang dã có điều kiện phát sinh.

Quảng Bình có diện tích tự nhiên là 8.065, 27 km2, dân số tính đến ngày 1/4/2019 là 895.430 người, phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía Tây giáp các tỉnh Khăm Muộn, Savanakhet của Lào và phía Đông giáp biển Đông. Quảng Bình có diện tích rừng là 486.688 ha, trong đó rừng tự nhiên là 447.837 ha, rừng trồng là 38.851 ha, nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn, nơi có khu hệ động thực vật phong phú, đa dạng và độc đáo, với nhiều nguồn gen quý hiếm rất cần được bảo tồn. Đặc trưng cho đa dạng sinh học Quảng Bình là vùng Karst Phong nha- Kẻ Bàng, nơi có di sản thiên nhiên thế giới Phong nha- Kẻ Bàng rất nổi tiếng

I.Tình hình xét xử và một số nhận xét

1.1.Tình hình xét xử

Trong quãng thời gian từ ngày 1/1/2018 đến 30/6/2020, các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Bình đã xét xử 10 vụ/15 bị cáo về các tội “ Vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”, theo Điều 234 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015; “ Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, theo Điều 244 BLHS năm 2015 và “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo Điều 190 BLHS năm 1999 (Có 1 vụ/ 2 bị cáo xử theo luật cũ là Điều 190 BLHS năm 1999, do hành vi phạm tội xảy ra khi luật cũ đang có hiệu lực và nếu xử theo luật mới thì không có lợi cho bị cáo). Hành vi phạm tội phổ biến nhất là các bị cáo vào rừng đặt bẫy, khi con mồi dính bẫy thì xẻ thịt để mang về nhà sử dụng hoặc bán lấy tiền. Có 4vụ/8 bị cáo thuộc loại này. Loại hành vi xảy ra phổ biến thứ hai là hành vi buôn bán, vận chuyển cá thể động vật, hoặc một số bộ phận cơ thể và sản phẩm của các loại động vật hoang dã; động vật nguy cấp, quý, hiếm. Có 4vụ/4 bị cáo thuộc loại này. Và loại hành vi còn lại (2 vụ/3 bị cáo) là vào rừng săn bắn các động vật nguy cấp quý hiếm để lấy thịt và các bộ phận cơ thể khác của chúng. Các Tòa án đã xử phạt tù toàn bộ 15 bị cáo, trong đó có 5 bị cáo được hưởng án treo (có 1 vụ án cấp phúc thẩm sửa bản án của cấp sơ thẩm, chuyển sang cho hưởng án treo đối với 2 bị cáo); 9 bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt; 5 bị cáo mức án ở mức thấp nhất của khung hình phạt và 1 bị cáo mức án cao hơn một ít so với mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng trường hợp này được hưởng án treo.

1.2.Một số nhận xét

Số vụ án được đưa ra xét xử quá ít so với thực tế tình hình tội phạm:

Trong hai năm rưỡi qua, các Tòa án nhân dân cấp huyện trong tỉnh Quảng Bình chỉ xét xử 10 vụ án/15 bị cáo về các tội phạm xâm hại động vật hoang dã. Đây là con số quá ít, phản ánh không đúng so với thực tế tình hình loại tội phạm này đã và đang diễn ra rất phức tạp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Điều này cho thấy công tác phát hiện, điều tra, truy tố loại hành vi phạm tội này đang có những khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đặt ra. Theo tác giả thực trạng này có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, cơ quan chức năng mà chủ yếu là lực lượng Kiểm lâm, Hải quan không thể có đủ lực lượng để phát hiện, điều tra, xử lý, đề nghị truy tố đối với loại hành vi phạm tội này trong điều kiện Quảng Bình là tỉnh có diện tích rừng thuộc loại lớn trong toàn quốc, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trong toàn quốc nói chung, cũng như trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng ngày càng tăng, do đời sống, thu nhập của một bộ phận dân cư trong những năm gần đây được nâng lên đáng kể, họ có niềm tin vào hiệu quả của việc sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã đối với vấn đề về sức khỏe, tâm linh. Những điều kiện này đã kích thích, tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm xảy ra.

Thứ hai, các thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến việc điều tra của lực lượng Hải quan, Kiểm lâm, nhất là của lực lượng Kiểm lâm để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại hành vi phạm tội này thường rất phức tạp, tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức, như các quy định pháp luật về điều kiện tạm giữ người có hành vi vi phạm, về điều kiện nuôi nhốt, lưu giữ động vật hoang dã và các sản phẩm đông lạnh của chúng, cơ sở pháp lý của việc xác định giống loài động vật, việc chuyên chở động vật đi giám định, việc cứu hộ, chăm sóc, thả chúng về môi trường tự nhiên v.v… Do đó để giải quyết nhanh, tiết kiệm chi phí, công sức, các cơ quan này thường xử lý hành vi vi phạm bằng biện pháp xử lý hành chính thay cho biện pháp xử lý hình sự. (Theo Báo cáo số 414/KL-TTPC ngày 19/4/2019 của Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình tại buổi làm việc ngày 10/5/2019 giữa Đoàn công tác của Ban tư pháp Quốc hội với các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng tỉnh Quảng Bình về khảo sát tình hình đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm tại tỉnh Quảng Bình).

Mức hình phạt mà các Tòa án áp dụng có phần nhẹ so với yêu cầu của việc phòng chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay:

Thống kê mức hình phạt của các bản án mà Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Bình xét xử trong quãng thời gian qua thấy rằng:

– Mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là 9/15 (chiếm tỉ lệ 60%); mức án ở mức thấp nhất của khung hình phạt là 5/15 (chiếm tỉ lệ 33,3%) và mức án trên mức thấp nhất của khung hình phạt là 1/15 (chiếm tỉ lệ 6,6%);

– Án treo 5/15 (chiếm tỉ lệ 33,3%).

Qua số liệu thống kê sơ bộ nói trên, phần nào cho chúng ta thấy có xu hướng xử nhẹ, cho miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện đối với các bị cáo của các Tòa án đối với loại tội phạm này.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo tác giả có thể xuất phát từ các lý do sau đây :

Thứ nhất là chưa nhận thức hết tầm quan trọng cấp bách của việc bảo vệ đa dạng sinh học nói chung, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm nói riêng đối với đời sống con người, dẫn đến không nhận thức đầy đủ tính nguy hiểm của loại hành vi phạm tội này.

Thứ hai là có tình trạng tìm cách để tạo ra hoặc nhấn mạnh quá mức các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, như khai báo thành khẩn; ăn năn hối cải; phạm tội chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; người phạm tội sống ở vùng sâu, vùng xa, đời sống gặp nhiều khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế v.v… để xử mức án thấp hoặc cho hưởng án treo, trong khi lẽ ra các tình tiết giảm nhẹ này nếu có và được áp dụng, thì việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng chỉ nên ở mức độ vừa phải.

II. Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử loại tội phạm này:

Còn có những kẻ hở, sự thiếu chặt chẽ trong các quy định pháp luật, gây khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử, cụ thể như sau:

–  Các điểm a,b khoản 1 Điều 234 Bộ luật Hình sự (BLHS) có quy định hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB hoặc phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (gọi tắt là động vật thuộc nhóm IIB hoặc phụ lục II Công ước); hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc nhóm IIB hoặc phụ lục II Công ước trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 700 triệu đồng thì bị xử lý hình sự theo khoản 1 Điều 234 BLHS. Với cách quy định như vậy thì đối với loại hành vi xâm hại cả động vật thuộc nhóm IIB hoặc phụ lục II Công ước, cả động vật hoang dã khác, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định loại hành vi nói trên có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì phạm vào khoản nào của Điều luật. Ví dụ hành vi tàng trữ động vật thuộc nhóm IIB hoặc phụ lục II Công ước trị giá 100 triệu đồng, động vật hoang dã khác trị giá 200 triệu đồng có phạm tội hay không, hoặc hành vi tàng trữ động vật thuộc nhóm IIB hoặc phụ lục II Công ước trị giá 400 triệu đồng và động vật hoang dã khác trị giá 600 triệu đồng là phạm vào khoản 1 hay khoản 2 Điều luật này? Nếu căn cứ vào BLHS sẽ không có lời giải đáp. Hiện tại hướng dẫn về Điều 234 BLHS có Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP ngày 5/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nhưng Nghị quyết cũng không đề cập đến vấn đề này.

– Khoản 1 Điều 234 BLHS phần chế tài có quy định các loại hình phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; khoản 2 Điều luật quy định các  loại hình phạt là phạt tiền từ 300 triệu đồng  đến 1 tỉ 5 trăm triệu đồng, phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Việc trong một khoản của Điều luật quy định nhiều loại hình phạt mặt thuận lợi là giúp cho Tòa án có nhiều sự lựa chọn khi quyết định hình phạt, nhưng lại có khó khăn, vướng mắc đó là BLHS của chúng ta không quy định rõ mối liên hệ, tính nặng nhẹ giữa các loại hình phạt này, nên việc áp dụng gặp khó khăn. Cụ thể BLHS có nói đến việc chuyển sang một loại hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn (quy định Điều 54 BLHS), hay nói đến loại hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù (quy định ở Điều 3 BLHS). Với các nội dung được trình bày như vậy trong BLHS, buộc chúng ta phải hiểu các loại hình phạt trong BLHS có tính nặng nhẹ khác nhau và so sánh được với nhau. Tuy vậy giữa loại hình phạt cải tạo không giam giữ và loại hình phạt tiền không có văn bản pháp luật nào nói rõ hình phạt nào nhẹ hơn, hay giữa mức phạt 3 tháng tù với phạt tiền một tỉ đồng, mức phạt nào nặng hơn. Phải khẳng định ở đây là việc đặt ra sự so sánh này là cần thiết, bởi lẽ trong một vụ án có thể có bị cáo đủ điều kiện để được áp dụng loại hình phạt cải tạo không giam giữ, bị cáo khác lại không đủ điều kiện để được áp dụng loại hình phạt này, như không có nơi cư trú rõ ràng, nên Tòa án phải áp dụng loại hình phạt tiền hoặc phạt tù có thời hạn. Và trong trường hợp tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của hai bị cáo là tương tự nhau, thì nếu Tòa án áp dụng hình phạt 1 năm cải tạo không giam giữ đối với bị cáo này, thì cũng phải xác định được bị cáo kia phải áp dụng hình phạt tiền hoặc phạt tù có thời hạn là bao nhiêu mới phù hợp, tương xứng. Do không có quy định rõ điều này, trong khi các khoản 1,2 của Điều luật thì chế tài lại quy định nhiều loại hình phạt khác nhau, nên việc áp dụng của Tòa án gặp nhiều khó khăn, hạn chế tác dụng răn đe, giáo dục của hình phạt, bởi để có tính răn đe, giáo dục thì hình phạt phải được áp dụng tương xứng với hành vi phạm tội, mà khi chúng ta chưa xác định được một cách tường minh sự tương quan nặng nhẹ giữa các loại hình phạt khác nhau, thì khó có thể nói đến sự tương xướng giữa hành vi phạm tội và hình phạt.

(Vướng mắc này, tương tự cũng xảy ra tại khoản 1 Điều 244)

– Điều 244 BLHS có hai khái niệm là động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm và động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo logic của vấn đề thì động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ phải là một bộ phận  của động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm. Hay nói cách khác động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trước hết phải là động vật nguy cấp, quý, hiếm, và do các động vật này có mức quý, hiếm, khả năng tuyệt chủng cao hơn các loại động vật nguy cấp, quý, hiếm nói chung khác, nên trong việc bảo vệ có sự ưu tiên của Nhà nước. Tuy nhiên qua nghiên cứu các Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, thấy rằng có một số loài nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ quy định tại Phụ lục I Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định 64 nói trên lại không phải là động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 06 nói trên. Cụ thể gồm 23 loại sau: chồn bay, voọc chà vá chân đen,voọc chà vá chân đỏ, voọc chà vá chân xám, cầy giông đốm lửa, cầy vằn bắc 3334, các loài hổ không phải là hổ đông dương, các loài voi không phải là voi Châu Á, bò xám, cá heo Trung Hoa, bò biển, vạc hoa, cò mỏ thìa, quắm cánh xanh, quắm lớn, công, rẽ mỏ thìa, choắt mỏ vàng, rùa biển đầu to, vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, rùa da. Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn, vướng mắc, tranh cải trong việc kết tội, xác định điều khoản khi xảy ra các hành vi săn bắt, giết nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán 23 loài động vật trên.

– Có sự mâu thuẫn giữa điểm b và điểm c khoản 1 Điều luật này. Cụ thể hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là phạm vào điểm b khoản 1 Điều luật. Quy định này không buộc việc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép phải đạt đến một khối lượng, hoặc giá trị bao nhiêu thì mới xác định là phạm tội mà chỉ cần có hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ là phạm tội. Điều này cũng có nghĩa tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bất kỳ khối lượng ngà voi (loại có tên khoa học elephas maximus), sừng tê giác một sừng thì đều được xác định là phạm tội. Tuy vậy điểm c khoản 1 Điều luật lại quy định việc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi phải từ 2 kg trở lên, sừng tê giác phải 50 gam trở lên mới phạm tội. Quy định này chung cho tất cả các loại voi và tê giác, chứ không phải chỉ đối với voi Châu Á và tê giác một sừng. Do đó rõ ràng các quy định tại các điểm b,c của Điều luật là mâu thuẫn nhau, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xử lý loại hành vi này trong một số trường hợp cụ thể.

– Trong trường hợp săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm, nhưng không phải là động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và việc săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm này không phải chỉ đối với một lớp mà là nhiều lớp, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP ngày 5/11/2018 hướng dẫn việc giải quyết. Tuy nhiên việc hướng dẫn tại Điều 6 của Nghị quyết này còn bất hợp lý, vì đã bỏ lọt, không xử lý về hình sự các hành vi nguy hiểm đáng lẽ ra phải xử lý về hình sự. Như theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều luật thì hành vi buôn bán 3 cá thể động vật nguy cấp, quý, hiếm (nhưng không thuộc loài được ưu tiên bảo vệ) lớp thú thì bị xử lý về hình sự, trong khi hành vi buôn bán 2 cá thể loại này lớp thú, 6 cá thể loại này lớp chim hoặc bò sát, 9 cá thể động vật loại này lớp khác thì theo hướng dẫn tại Nghị quyết 05 nói trên sẽ không bị xử lý về hình sự.

– Các điểm điểm d và điểm đ khoản 1 Điều luật quy định trùng nhau  đối với hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép các cá thể động vật nguy cấp, quý, hiếm (nhưng không phải cần được ưu tiên bảo vệ) trong trường hợp trong trường hợp số lượng lớp thú là từ 3-7 cá thể, lớp chim, bò sát là từ 7-10 cá thể, lớp khác là từ 10-15 cá thể.

– Điều luật có đưa ra khái niệm bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống. Liên quan đến khái niệm này vẫn còn một số vướng mắc cụ thể như sau:

Tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật được xác định tương tự với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể động vật. Điều này thể hiện ở điểm đ khoản 2 Điều luật. Cụ thể hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép 3-7 cá thể lớp thú, 7-10 cá thể lớp chim, bò sát, 10-15 cá thể động vật lớp khác và hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép 3-7 bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống lớp thú, 7-10 bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống lớp chim, bó sát, 10-15 bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống động vật lớp khác cùng được quy định chung tại điểm d khoản 2 Điều luật, với khung hình phạt như nhau là phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Với quy định này, trong thực tế đã phát sinh vướng mắc, đó là trong một vụ án việc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép các bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật, các cơ quan tiến hành tố tụng có buộc phải chứng minh các bộ phận này là của các cá thể động vật khác nhau hay không, bởi nếu tất cả chúng nằm trong một hoặc vài cá thể, chứ không phải mỗi bộ phận nằm ở một cá thể riêng biệt thì mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi sẽ khác? Trong trường hợp chứng minh được một số bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật chỉ thuộc một cá thể động vật, thì có được gộp chung tính đó chỉ là 1 bộ phận cơ thể động vật không? Hay khi phát hiện, bắt giữ việc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật nguy cấp, quý, hiếm, người thực hiện hành vi khai nhận đây là những bộ phận cơ thể còn lại của các động vật nguy cấp, quý, hiếm mà trước đó vụ việc đã bị các cơ quan pháp luật phát hiện, xử lý. Họ cho rằng nếu lần này họ tiếp tục bị xử lý thì thực chất số động vật mà người thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép các bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của chúng là ít, nhưng việc tính toán của các cơ quan tiến hành tố tụng để xử lý về hình sự đối với họ lại tăng lên nhiều lần, gây nên oan sai đối với họ, thì xử lý thế nào? Tất cả những vướng mắc trên hiện chưa có giải thích, hướng dẫn của các cơ quan chức năng.

– Cách trình bày của Điều luật thiếu chặt chẽ, logic, dẫn đến có sự mâu thuẫn nhau. Cụ thể điểm a khoản 2 Điều luật quy định phạt tù 5 năm đến 10 năm đối với hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ với số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 3-7 cá thể lớp thú, 7-10 cá thể lớp chim, bò sát, hoặc 10-15 cá thể động vật lớp khác. Chúng ta đều biết rằng voi, tê giác, gấu, hổ thuộc lớp thú, nên với cách trình bày tại điểm a khoản 2 Điều luật này, buộc người đọc phải hiểu hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép 3-7 cá thể, hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của voi, tê giác, gấu, hổ mới phạm vào khoản 2 Điều luật. Tuy vậy điểm c khoản 2 Điều luật này lại có một quy định riêng xử lý các hành vi trái phép đối với voi, tê giác, gấu, hổ và quy định này mâu thuẫn với quy định tại điểm a khoản 2 Điều luật.

Cách trình bày thiếu chặt chẽ này tương tự có tại khoản 3 Điều luật.

Có một thực tế là xã hội chúng ta chưa nhận thức đầy đủ tính nguy hiểm của loại hành vi phạm tội này, kể cả một bộ phận những người làm công tác xét xử, vì vậy ít có thái độ căm phẫn, lên án trong xã hội đối với loại hành vi phạm tội này như một số loại tội phạm khác; nhiều trường hợp những người có trách nhiệm áp dụng các hình thức xử lý nhẹ, không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó khi hành vi phạm tội bị phát hiện, người phạm tội thường có những tác động, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Thực tế này dẫn đến loại hành vi phạm tội này không những đã ít bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà đến khi bị xét xử thì việc xét xử cũng thường là nhẹ, cho hưởng án treo nhiều, không đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

III.  Một số ý kiến đề xuất

Thứ nhất, ngay trong BLHS hoặc văn bản hướng dẫn phải có quy định một cách khoa học việc xác định một hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép các nhóm động vật khác nhau bao gồm: nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước thuộc danh mục được ưu tiên bảo về; nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước nhưng không thuộc danh mục được ưu tiên bảo về; nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước; nhóm các động vật hoang dã khác, trong trường hợp hành vi xâm hại đến nhiều nhóm khác nhau, thì khi nào phạm tội, phạm vào khoản mấy của các điều 234, 244 BLHS. ( Hiện nay đối với Điều 234 chưa có hướng dẫn; đối với Điều 244 có hướng dẫn nhưng không hợp lý). Cách xác định có thể làm tương tự như Nghị định 19/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của BLHS năm 2015.

Thứ hai, BLHS cần có những quy định rõ hơn về sự so sánh tính nặng nhẹ, nghiêm khắc của các loại hình phạt tù có thời hạn, hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ để tránh tình trạng như hiện nay, một người bị phạt 3 tháng tù, một người bị phạt 3 năm cải tạo không giam giữ, một người bị phạt 500 triệu đồng, người dân không thể biết mức án của ai nặng hơn, căn cứ vào đau để xác định? Ngay những người làm công tác pháp luật cũng không thể giải thích một cách tường minh được vấn đề này. Làm được như vậy tác dụng giáo dục, răn đe của việc xét xử của Tòa án  đối với loại tội phạm xâm hại động vật hoang dã sẽ phát huy hiệu quả hơn.

Thứ ba, Chính phủ cần sửa đổi các Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 về sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo hướng quy định danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ trước hết đó phải là động vật nguy cấp, quý, hiếm, không nên để xảy ra tình trạng một số động vật nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ không có trong danh mục động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Thứ tư, khắc phục những mâu thuẫn, trùng lặp do kỷ thuật lập pháp gây ra, như mâu thuẫn giữa điểm b và điểm c khoản 1, giữa điểm a, điểm c khoản 2 Điều 244 BLHS, sự trùng lặp nội dung ở điểm d,đ khoản 1 Điều 244 BLHS.

Thứ năm, cần có văn bản hướng dẫn, làm rõ một số vướng mắc liên quan đến khái niệm bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của động vật, như phần trước bản tham luận đã đề cập.

Thứ sáu, cần tăng cường công tác phổ biến các thông tin khoa học làm cho toàn xã hội nhận thức đúng, đầy đủ tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề đa dạng sinh học đối với cuộc sống con người; cũng như tính nguy hiểm cao của của các hành vi tàn sát hoặc tiếp tay cho việc tàn sát động vật hoang dã; lên án, căm phẫn đối vói loại tội phạm này. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc xét xử các vụ án xâm phạm động vật hoang dã để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, xác định trách nhiệm đối với những sai phạm, lệch lạc về xét xử loại tội phạm này./.

HOÀNG QUẢNG LỰC (Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Bình)