Về nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” của BLTTHS năm 2015 - So sánh với BLTTHS năm 2002 của Liên bang Nga

Điều 26 BLTTHS năm 2015 đã quy định nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, vậy các quy định của bộ luật có đáp ứng được việc thực hiện nguyên tắc này hay không ? Xin được trao đổi về vấn đề này, so sánh với BLTTHS của Liên bang Nga năm 2002 (sửa đổi năm 2010).

Mở đầu

 Trước đây, mô hình tố tụng hình sự (TTHS) của Việt Nam và của Liên bang Nga đều theo mô hình tố tụng xét hỏi, theo đó thẩm phán chủ toạ phiên toà đóng vai trò chủ động và là trung tâm của phiên toà, họ quyết định việc triệu tập nhân chứng và thẩm vấn nhân chứng để ráp các sự kiện lại với nhau, luật sư chỉ đóng vai trò thứ hai (1).Giai đoạn điều tra ban đầu đóng vai trò trung tâm trong việc thu thu thập chứng cứ. Trong phần lớn các vụ án, giai đoạn phiên toà không bổ sung gì thêm vào những gì đã làm được trong giai đoạn điều tra hoặc bác bỏ kết luận đạt được trong giai đoạn điều tra. Phiên toà thường trở thành một sự kiện đơn thuần “đọc ra chính thức” những tài liệu được lập trong giai đoạn điều tra (2).

Năm 1991,sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga đã “cải cách pháp lý”, thay đổi hệ thống pháp luật Xô – viết. Theo đó, mô hình TTHS đã có những bước quan trọng trên con đường dẫn đến mô hình tố tụng tranh tụng, một mô hình được hiểu là bên công tố và bên luật sư của bị cáo phải có trách nhiệm cung cấp cho thẩm phán các bằng chứng để bảo vệ cho quan điểm của họ. Thẩm phán giữ vai trò trung lập và là vị chủ toạ vô tư (3). Với vai trò này, thẩm phán có trách nhiệm bảo đảm rằng các bên tuân thủ đúng các quy tắc về chứng cứ. Việc truy tố của công tố viên phải thuyết phục toà án rằng bị cáo là có tội “dựa trên sự nghi ngờ thích đáng “(4). Ngày 22/11/2001, ĐUMA quốc gia Nga đã thông qua BLTTHS Liên bang Nga được xây dựng dựa trên định nghĩa “tranh tụng“ này (và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2002).

Ngày 2/1/2002, Bộ chính trị ĐCS Việt Nam ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp, trong đó nêu rõ : “Bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác…; việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà “. Tiếp theo, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng nhấn mạnh “… nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Thực hiện định hướng của các nghị quyết này, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014 và các bộ luật tố tụng đều đã quy định nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử. Điều 26 BLTTHS năm 2015 đã quy định nguyên tắc này. Vấn đề trao đổi ở đây (so sánh với BLTTHS năm 2002 của Liên bang Nga) là vị trí và quyền của các bên trong việc giải quyết vụ án có được bộ luật quy định một cách hợp lý để bảo đảm thực hiện được nguyên tắc này hay không?

1.Vị trí của Toà án

a.Theo BLTTHS Việt Nam

Đoạn 2 của Điều 26 BLTTHS quy định “Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo,người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Toà án”. Lời văn của quy định này dường như nói rằng Toà án có vị trí trung gian giữa Kiểm sát viên và bị cáo, người bào chữa khi chỉ có trách nhiệm tạo điều kiện… Tuy nhiên, Điều 15 BLTTHS lại quy định trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ( bao gồm cả Toà án ) phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án; Điều 153 quy định Hội đồng xét xử có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự; Điều 252 quy định Toà án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ; Điều 280 quy định Toà án Trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Với những quy định này thì Toà án còn có thẩm quyền như cơ quan truy tố và cơ quan điều tra. Tại Mục V Thủ tục tranh tụng tại phiên toà, Điều 307 quy định Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ những tình tiết về từng sự việc, từng tội ( tức là phải xác định cả những chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội); với quy định này thì Toà án còn thực hiện cả việc gỡ tội. Điều luật này cũng quy định rõ Thẩm phán chủ toạ phiên toà hỏi trước, sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa thực hiện việc hỏi. Như vậy, Thẩm phán chủ toạ phiên toà vừa là người điều hành việc xét hỏi vừa là người chủ động, tích cực trong việc xét hỏi. Vai trò tạo điều kiện cho bên buộc tội và bên gỡ tội tranh tụng rất mờ nhạt.

b.Theo BLTTHS Liên bang Nga

Điều 15 BLTTHS Liên bang Nga quy định: Tranh tụng giữa các bên

1.Hoạt động tố tụng hình sự được tiến hành dựa trên cơ sở tranh tụng giữa các bên.

2.Các chức năng buộc tội, gỡ tội và giải quyết vụ án hình sự (phán quyết) là độc lập với nhau và không thể giao cho cùng một cơ quan hoặc một người có thẩm quyền thực hiện.

3.Toà án không phải là cơ quan truy tố hình sự, không thuộc bên buộc tội hoặc bên gỡ tội. Toà án tạo những điều kiện cần thiết để các bên thực hiện các nghĩa vụ tố tụng của mình và thực hiện các quyền được giao cho họ.

4.Bên buộc tội và bên gỡ tội bình đẳng trước Toà án.

Theo các quy định tại mục 37 Điều tra tại Toà án (tương ứng với mục V Thủ tục tranh tụng tại phiên toà, BLTTHS Việt Nam), thì trình tự xem xét các chứng cứ do bên đưa ra chứng cứ trước Toà án quyết định, bên buộc tội đưa ra các chứng cứ trước, sau đó đến bên bào chữa (5); trong trường hợp bị cáo đồng ý đưa ra lời khai trước toà thì bên bào chữa cho bị cáo hỏi trước, sau đó đến công tố viên và những người khác thuộc bên buộc tội. Chủ toạ phiên toà không chấp nhận những câu hỏi có tính chất gợi ý và những câu hỏi không liên quan đến vụ án. Sau khi các bên đã hỏi xong, toà án đưa ra các câu hỏi đối với bị cáo (6).

Như vậy, nếu như theo BLTTHS Việt Nam, toà án vừa có vị trí là cơ quan xét xử, vừa là cơ quan truy tố, điều tra, lại vừa thực hiện chức năng của bên  gỡ tội thì theo BLTTHS liên bang Nga, Toà án chỉ là cơ quan xét  xử, Thẩm phán chủ toạ phiên toà không chủ động, tích cực trong việc xét hỏi mà chỉ giữ vai trò điều hành việc hỏi của bên buộc tội và bên gỡ tội.

2.Về sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa

a. Theo BLTTHS Việt Nam

Đoạn một Điều 26 BLTTHS quy định: Trong quá trình khởi tố, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Tuy nhiên, các quy định cụ thể của BLTTHS cho thấy chưa có sự bình đẳng giữa bên buộc tội (Điều tra viên, Kiểm sát viên) và bên gỡ tội (bị can, bị cáo, người bào chữa). Cụ thể như sau :

-Theo Điều 58 và Điều 59 BLTTHS thì người bị bắt, người bị tạm giữ có quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội  và được nhờ người bào chữa, nhưng lại không quy định khi đã nhờ người bào chữa thì có quyền chỉ trình bày lời khai khi có mặt người bào chữa. Việc người bào chữa có mặt ngay khi người bị bắt, người bị tạm giữ trình bày lời khai đầu tiên là rất quan trọng, giúp họ hiểu thế nào là lời khai chống lại chính mình. Mặc dù Điều 74 BLTTHS quy định Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Tuy nhiên, Điều 75 BLTTHS quy định rằng  trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ thì cơ quan đang quản lý những người này có trách nhiệm chuyển đơn yêu cầu này cho người bào chữa, và người bào chữa còn phải làm thủ tục đăng ký bào chữa theo quy định tại Điều 78 BLTTHS, trong khi đó thời hạn tạm giữ theo quy định tại Điều 118 là không quá 03 ngày (có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày). Điều này cho thấy người bị bắt, người bị tạm giữ rất khó có thể thực hiện được quyền nhờ người bào chữa của họ.

-Theo quy định tại Điều 73 BLTTHS và Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam thì người bào chữa được gặp bị can,bị cáo đang bị tạm giam, và mặc dù các điều luật này không quy định về hình thức cuộc gặp nhưng tại khoản 3, Điều 10 TTLT 01/ 2018 ngày 23/01/2018 của BCA- BQP- TANDTC- VKSNDTC lại quy định: Trường hợp cần giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát. Với một quy định tuỳ nghi như vậy thì rất dễ dẫn đến việc tất cả các cuộc gặp giữa người bào chữa với bị can, bị cáo đang bị tạm giam sẽ đều bị giám sát. Điều này chắc chắn là ảnh hưởng không tốt đến cuộc gặp .

-Điều 73 ( điểm g, khoản 1) BLTTHS quy định người bào chữa có quyền đề nghị triệu tập người làm chứng, nhưng bộ luật lại không có quy định cụ thể nào để người bào chữa có thể thực hiện được quyền này. Mặc dù theo tinh thần của Điều 175 BLTTHS thì nếu đề nghị này của người bào chữa không được chấp nhận thì họ có quyền khiếu nại và việc giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII của BLTTHS. Tuy nhiên, dường như việc không chấp nhận đề nghị triệu tập người làm chứng của người bào chữa không thuộc loại việc được giải quyết ở chương này .

- Điều 88 ( khoản 2 ) BLTTHS quy định người bào chữa có quyền … đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa, nhưng lại không có một quy định nào đảm bảo cho người bào chữa thực hiện được quyền này.

- Điều 322 BLTTHS quy định Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa… ( khoản 2), và Chủ toạ phiên toà yêu cầu Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của người bào chữa… mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận. Tuy nhiên, nếu Kiểm sát viên không đối đáp đến cùng từng ý kiến  cũng như không “nghe theo” yêu cầu của Chủ toạ phiên toà  thì thường là Thẩm phán cũng vẫn sẽ quyết định theo “buộc tội của VKS”.

b.Theo BLTTHS Liên bang Nga

Chương II BLTTHS Liên bang Nga quy định về các chủ thể tham gia tố tụng hình sự, đã quy định rõ ba mục: Toà án; các chủ thể tham gia tố tụng hình sự thuộc bên buộc tội; các chủ thể tham gia tố tụng hình sự thuộc bên bào chữa. Theo quy định ở Mục 7 Các chủ thể tham gia tố tụng hình sự thuộc bên bào chữ thì:

-Khi người bị tình nghi thực tế bị bắt giữ (người bị tình nghi là người chưa bị khởi tố nhưng đã khởi tố vụ án hình sự đối với họ và người bị bắt giữ - tương tự người bị bắt, bị tạm giữ theo quy định của BLTTHS Việt Nam), họ có quyền từ chối đưa ra những lời giải thích và khai báo; có quyền được sự giúp đỡ của người bào chữa ngay từ khi bị bắt giữ và được gặp gỡ riêng và bí mật với người bào chữa trước khi lấy lời khai của họ (7). Lời khai của người bị tình nghi mà không có sự tham gia của người bào chữa, kể cả lời khai trong trường hợp họ từ chối có người bào chữa nhưng không được họ thừa nhận tại Toà án, đều không được Toà án chấp nhận (8).

- Bị can có quyền từ chối đưa ra những lời khai, được gặp gỡ riêng và bí mật với người bào chữa kể cả trước lần hỏi cung đầu tiên và không bị hạn chế về số lần và thời gian (9).

- Người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ bằng cách: (i) Nhận những vật, tài liệu và những thông tin khác; (ii) Hỏi ý kiến những người khác nếu được họ đồng ý;(iii) Tìm hiểu các chứng từ, bản nhận xét và những tài liệu khác từ các cơ quan quyền lực nhà nước, các cơ quan tự quản địa phương, các tổ chức xã hội mà những cơ quan, tổ chức này có nghĩa vụ cung cấp những tài liệu hoặc bản sao tài liệu được yêu cầu(10). Người bào chữa cũng có quyền trưng tập nhà chuyên môn (11), có quyền triệu tập người làm chứng đến phiên toà(12).

- Một điểm đáng chú ý khác là Điều 258 Những biện pháp áp dụng đối với những người vi phạm trật tự phiên toà quy định nếu người bào chữa không chấp hành sự điều hành của chủ toạ phiên toà thì theo quyết định của Toà án việc xét xử có thể bị tạm hoãn nếu không có khả năng thay đổi họ mà không gây thiệt hại đến vụ án. Đồng thời Toà án thông báo việc này cho Văn phòng luật sư tương ứng. Trường hợp này ở Việt Nam thì chủ toạ phiên toà sẽ “mời “ người bào chữa rời khỏi phòng xử án (có nghĩa là tước bỏ quyền nhờ người bào chữa của bị cáo).

Có thể thấy BLTTHS của Liên bang Nga đã có những quy định quan trọng nhằm nâng cao vai trò của luật sư, đảm bảo cho họ sự bình đẳng với bên buộc tội .

Kết luận

1.BLTTHS của Liên bang Nga là sự chuyển đổi sang mô hình tố tụng tranh tụng, theo đó bộ luật đã quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm tranh tụng của các bên trong giải quyết vụ án hình sự, vai trò của người bào chữa đã được nâng cao nhằm bảo đảm thực hiện việc tranh tụng, như được trợ giúp pháp lý cho người bị tình nghi, được gặp riêng và bí mật với bị can không giới hạn về số lần và thời gian gặp … , đặc biệt là quy định người bào chữa có quyền mời nhà chuyên môn, triệu tập người làm chứng đến phiên toà. Tuy nhiên, có thể thấy có những quyền mà người bào chữa khó có thể thực hiện được, thí dụ như quyền thu thập chứng cứ: không có biện pháp bảo đảm nào để họ có thể nhận được những tài liệu từ các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội (vấn đề này cũng tương tự như quy định của BLTTHS Việt Nam).

2.BLTTHS năm 2015 của Việt Nam mới chỉ quy định về nguyên tắc “bảo đảm tranh tụng trong xét xử”, chứ không phải là đã chuyển đổi sang mô hình tố tụng tranh tụng. Các quy định của bộ luật về cơ bản vẫn giữ nguyên như BLTTHS năm 2003, là bộ luật của mô hình tố tụng hình sự xét hỏi. Mục V Chương XXI Thủ tục tranh tụng tại phiên toà về cơ bản vẫn giữ nguyên các nội dung đã được quy định tại Chương XXI Tranh luận tại phiên toà của BLTTHS  năm 2003. Vấn đề đặt ra là cần làm rõ nội dung của nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử và cần tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc  kinh nghiệm của các nước trên thế giới để hoàn thiện các quy định của BLTTHS nhằm bảo đảm cho việc thực hiện nguyên tắc này.

 

HĐXX một phiên tòa hình sự tại TAND tỉnh Vĩnh Phúc- Ảnh: Đào Thị Tuyền 

 

  1. Kate Malleson – Hệ thống pháp luật – Lexis Nexis- UK .
  2. Giulio Illuminati – Bước chuyển đổi tuyệt vọng sang thủ tục tố tụng tranh tụng tại Ý ( Bộ luật TTHS Ý 1988 ) – https://openscholarship.wust.edu/law globalstudises/vol4/iss3/5.
  3. Russell F.Canan ( thẩm phán Hoa Kỳ ) – Thủ tục tranh tụng và thủ tục xét hỏi – Kỷ yếu tập huấn BLTTHS- TANDTC-UK- UNDP, Hà nội 2005.
  4. Xem chú thích (1).
  5. Điều 274 BLTTHS LB Nga
  6. Điều 275 ——
  7. Điều 46 ——-
  8. Điều 75 ——-
  9. Điều 47 ——

(10)Điều 86 ——

    (11) Điều 53 ——

    (12)Điều 221, khoản 2(3) Điều này quy định: “kiểm sát viên có quyền: Bổ sung hoặc bỏ bớt danh sách những người được triệu tập đến phiên toà, trừ danh sách những người làm chứng thuộc bên bào chữa”.

 

 

 

 

   

    

    

    

 

    

NGÔ CƯỜNG