Về tình tiết “Lợi ích phi vật chất”

Tại BLHS năm 2015, Điều 354 Tội nhận hối lộ , Điều 358 Tội lợi dụng chức vụ,quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, Điều 364 Tội đưa hối lộ, Điều 365 Tội môi giới hối lộ và Điều 366 Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, đều quy định một tình tiết là “lợi ích phi vật chất”. Bài viết xin được trao đổi về vấn đề này.

Theo các điều luật trên đây, việc nhận hối lộ, đòi hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, không chỉ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác mà còn là lợi ích phi vật chất .

Thế nào là lợi ích phi vật chất ?

Nhiều ý kiến cho rằng, hối lộ “lợi ích phi vật chất” là hối lộ tình dục, hối lộ thông tin, hối lộ thành tích, hối lộ điểm thi…

Trước hết, nói về hối lộ tình dục: Vấn đề đặt ra là việc hối lộ được thực hiện như thế nào? Nếu người đưa, người môi giới hối lộ đưa gái mại dâm đến cho người nhận, thì hành vi của họ phạm vào tội “môi giới mại dâm” (Điều 328 BLHS), nếu đưa người lệ thuộc mình cho người nhận giao cấu thì tuỳ trường hợp mà cả người “đưa và người nhận” đã phạm vào tội “cưỡng dâm” (Điều 143 BLHS) hoặc tội “hiếp dâm” ( Điều 141 BLHS )… Trong thực tế thì khó có thể xảy ra những trường hợp hối lộ tình dục như thế này, vì không lẽ chỉ quan hệ tình dục như thế mà người có chức vụ quyền hạn đã làm hoặc không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ. Và nếu có thì thường đi kèm với việc nhận tiền, tài sản, thì việc quan hệ tình dục này sẽ bị “thu hút” vào hành vi nhận tiền, tài sản hoặc sẽ bị xử lý về hai tội (nhận hối lộ và tội tương ứng).

Trong trường hợp người phụ nữ chủ động quan hệ tình dục với người có chức vụ quyền hạn để yêu cầu người này làm hay không làm một việc vì lợi ích của mình cũng tương tự như vậy, thường là phải đi kèm theo việc hối lộ tiền, tài sản và như vậy thì việc quan hệ tình dục kia cũng bị “ thu hút” vào hành vi nhận tiền, tài sản. Trong trường hợp họ sống như “người tình” với người có chức vụ quyền hạn để yêu cầu người này làm hay không làm một việc (hay nhiều việc) vì lợi ích của mình thì khó có thể nói đây là hành vi “ đưa” và “ nhận” hối lộ … Tóm lại, thực tế khó (hay không muốn nói là không thể) xác định được việc “hối lộ tình dục”. Hơn nữa, quan hệ tình dục như vậy  chỉ có thể được coi là để thoả mãn nhu cầu sinh lý “không chính đáng” chứ không thể coi đó là một “lợi ích” theo ý nghĩa pháp lý được.

Do đó, chúng tôi cho rằng không có cái gọi là “ hối lộ tình dục”.

Tương tự như vậy, chúng tôi cho rằng không có việc hối lộ thông tin, thành tích, điểm thi… Nếu có những hành vi này thì cần xử lý về những tội phạm tương ứng chứ không phải là “đưa” hoặc “nhận” hối lộ.

Tại sao các tội phạm về tham nhũng nêu trên lại quy định tình tiết “lợi ích phi vật chất ?

Chúng ta đều biết, ngày 03/7/2009, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc phòng chống tham nhũng. Theo như bản dịch tiếng Việt, thì điểm d Điều 2 Công ước quy định : “Tài sản có nghĩa là mọi loại tài sản, vật chất hay phi vật chất, động sản hay bất động sản hữu hình hay trừu tượng, và các văn bản pháp lý hay giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó. Do đó, để tương thích với quy định của Công ước, BLHS đã bổ sung tình tiết “lợi ích phi vật chất” vào một số điều luật quy định về tội tham nhũng. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng bản dịch tiếng Việt đó là sai.

Nguyên văn tiếng Anh của quy định này như sau : (d) “Property” shall mean assets of every kind, whether corporeal or incorporeal, movable or immovable, tangible or intangible, and legal documents or instruments evidencing title to or interest in such assets …”

Theo quan điểm của chúng tôi, điều luật này nên dịch như sau: (d) “Tài sản” nghĩa là tài sản thuộc mọi loại, cho dù là quyền tài sản hữu hình hay vô hình, động sản hay bất động sản, hữu hình hay vô hình, văn bản hoặc văn kiện pháp lý chứng minh quyền sở hữu hay lợi ích trên tài sản đó.

Như vậy, có sự khác biệt về cách hiểu thuật ngữ “corporeal or incorporeal” property” trong bản gốc Công ước. Theo bản dịch tiếng Việt hiện hành, thì thuật ngữ này nghĩa là “tài sản vật chất hay phi vật chất”; còn tác giả thì cho rằng thuật ngữ này chỉ “quyền tài sản hữu hình hoặc vô hình”.

Theo từ điển thông thường, thì: “Corporeal: Vật chất, cụ thể, hữu hình; (pháp lý) cụ thể – corporeal property: tài sản hữu hình.

Incorporeal: Vô hình, vô thể; thuộc thần linh, thiên thần; pháp lý: tài sản vô hình”.

Tuy nhiên, theo Từ điển luật học (Black Law Dictionary, Mỹ) thì: Corporeal property: 1. the right of ownership in material things; 2. Property that can be perceived, as opposed to incorporeal property; tangible property”.

Nghĩa là: “Quyền tài sản hữu hình: 1. Quyền chủ sở hữu đối với vật thể vật chất; 2. Tài sản  có thể  nhìn thấy được, đối lập với tài sản không nhìn thấy được; tài sản hữu hình.”

Incorporeal property: 1. An in rem proprietary right that is not classified as corporeal property. Incorporeal property is traditionally broken down into two classes: (1) jura  in re aliena (encumbrances), whether material or immaterial things, examples, being leases, mortgages, and servitudes; and (2) jura in re propria (full ownership over immaterial things), examples being patents, copyrights and trademark. 2. Legal right in property having no physical existence. Patent rights, for example, are incorporeal property.”

Nghĩa là: Quyền chủ sở hữu đối vật, không được phân loại là quyền tài sản hữu hình. Quyền tài sản vô hình truyền thống được chia thành 2 loại: (1) jura  in re aliena, cho dù vật thể là chất hay phi vật chất, ví dụ là hợp đồng thuê, thế chấp, quyền địa dịch; và (2) jura in re propria (quyền sở hữu đầy đủ đối với vật thể phi vật chất), ví dụ là sáng chế, quyền tác giả, nhãn hiệu hàng hóa. 2. quyền pháp lý đối với tài sản không tồn tại vật chất. Ví dụ, quyền sáng chế là tài sản vô hình.

Như vậy, trong Điều 2.d:

-Không có thuật ngữ nào chỉ tài sản là ‘vật chất’ (“material”) hay ‘phi vật chất’ (non-material hoặc immaterial”);

-Không nên chọn nghĩa thứ 2 trong từ điển luật học cho cụm từ ‘corporeal/incorporeal’ là “hữu hình/vô hình”, bởi lẽ nghĩa này đã được dùng cho cụm từ “tangible/intangible” đi sau đó, và cách dùng này là đúng. Nguyên tắc chung trong xây dựng pháp luật là không dùng hai hoặc nhiều từ chỉ cùng một đối tượng.

Như vậy, phải chọn nghĩa thứ 1 của cụm “corporeal/incorporeal”, nghĩa là Quyền tài sản đối với tài sản hữu hình hoặc vô hình.

Tóm lại, Điều 2(d) Công ước chống tham nhũng phải được hiểu rằng “tài sản” có thể dưới các hình thức: (1) Quyền tài sản; (2) Động sản hoặc bất động sản: (3) Hữu hình hoặc vô hình; và (4) Văn bản hoặc giấy tờ pháp lý (chứng minh quyền và lợi ích trên tài sản đó).

Từ một góc độ khác, trong các Điều 15 – tội hối lộ công chức quốc gia, Điều 16 – tội hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công, có đề cập đến khái niệm “lợi ích bất chính”. Ví dụ: “Điều 15 – Hối lộ công chức quốc gia

Mỗi quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác để quy định thành tội phạm các hành vi sau đây, nếu được thực hiện một cách cố ý:

(a) Hứa hẹn, tặng hay cho, trực tiếp hay gián tiếp, công chức bất kỳ một lợi ích bất chính cho chính bản thân công chức ấy hay cho một người hoặc một tổ chức khác, để công chức này làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ;

(b) Hành vi của công chức, trực tiếp hay gián tiếp, đòi hoặc nhận một lợi ích bất chính cho chính bản thân công chức hay cho người hoặc tổ chức khác, để công chức làm hoặc không làm một việc trong quá trình thi hành công vụ.”

Công ước không định nghĩa rõ khái niệm “lợi ích bất chính”. Trong  “Hướng dẫn lập pháp thực hiện Công ước chống tham nhũng” của UNODC xuất bản năm 2006, tại đoạn 196, có nói rõ: “Yếu tố bắt buộc của tội phạm này là phải có việc hứa hẹn, đề nghị hoặc thực sự trao cái gì đó cho công chức. Tội phạm phải bao hàm cả các trường hợp không đề nghị trao quà hoặc vật gì đó hữu hình. Như vậy, lợi ích bất chính có thể là cái gì đó hữu hình hay vô hình, cho dù bằng tiền hoặc không bằng tiền.”

Qua đó có thể nhận xét: Công ước không đưa ra khái niệm lợi ích vật chất hay phi vật chất, mà chỉ đề cập đến lợi ích “bất chính”; Về hình thức của lợi ích đó, Công ước chỉ đề cập đến hai cụm tiêu chí: hữu hình/vô hình  và bằng tiền/không bằng tiền.

Từ những trình bày trên, chúng tôi cho rằng nên bỏ quy định “lợi ích phi vật chất” , mà thay vào đó quy định “lợi ích không chính đáng”. Trong khi chưa sửa đổi được thì cần hiểu “lợi ích phi vật chất” là “lợi ích không chính đáng” như quy định tại Công ước.

***

Lưu ý:

-Đoạn “tangible or intangible” trong Điều 2.d dịch là hữu hình hoặc vô hình là đúng (và không còn nghĩa nào khác). Do vậy, không thể chọn nghĩa hữu hình hoặc vô hình cho cụm “corporeal or incorporeal” được (mặc dù từ điển thông thường dịch ‘corporeal/incorporeal property’ là “tài sản hữu hình/vô hình”), bởi lẽ không bao giờ trong cùng 1 điều luật lại dùng 2 thuật ngữ chỉ cùng 1 đối tượng. Do vậy, phải chọn nghĩa (1) là Quyền đối với tài sản hữu hình/vô hình.

-Trong Từ điển luật học Black, không có khái niệm “tài sản vật chất/phi vật chất” (material/immaterial property), mà chỉ có khái niệm “vật thể vật chất/phi vật chất” (material/immaterial things) [vật thể khác với tài sản]

NGÔ CƯỜNG – CHU TRUNG DŨNG