Khoanh tiền nợ thuế đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, đã nghe thẩm tra dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Ba trường hợp được xóa nợ thuế

Thừa ủy của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lý giải về sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Theo Điều 65 của Luật Quản lý thuế hiện hành quy định 3 trường hợp được xóa nợ thuế, theo đó Chính phủ, Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp cho người nộp thuế kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, số nợ đọng không có khả năng thu hồi được xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành rất thấp (chỉ bằng 0,51% số nợ không còn khả năng thu), trong khi các khoản nợ thuế này đều bị tính tiền chậm nộp (0,03%/ngày), dẫn đến số nợ đọng không có khả năng thu ngày càng tăng cao qua các năm , tạo sức ép về nhiệm xử lý nợ đọng lên cơ quan quản lý thuế, mặc dù ngân sách nhà nước không còn khả năng thu từ các đối tượng này.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế hiện hành không quy định việc khoanh nợ, trong khi việc thực hiện quy định về xóa nợ đối với 3 nhóm đối tượng trong Luật Quản lý thuế hiện hành còn nhiều bất cập, không thể thực hiện được, cụ thể như sau:

-Trong quá trình sản xuất, kinh doanh có nhiều doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, chấm dứt hoạt động kinh doanh nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định của Luật Phá sản hoặc chỉ thông báo phá sản nhưng không hoàn thành các thủ tục phá sản. Do đó, cơ quan quản lý thuế không có hồ sơ làm căn cứ xem xét việc xử lý xóa nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật Quản lý thuế hiện hành;

-Trường hợp xóa nợ cho người nộp thuế đã chết, mất tích mà không còn tài sản để nộp thuế, thực tế khi cá nhân đã chết thì không xác nhận được người nộp thuế còn tài sản hay không, trường hợp còn tài sản thì tài sản này còn thuộc quyền sở hữu chung của gia đình vợ hoặc chồng và các con và không thực hiện phân chia tài sản theo quy định của pháp luật về thừa kế, dẫn đến tình huống không xác định được người nộp thuế có còn tài sản hay không để xử lý xóa nợ theo quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật Quản lý thuế hiện hành;

-Đối với trường hợp xóa nợ quá 10 năm, cơ quan thuế phải áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế, bắt buộc phải thực hiện đầy đủ 07 biện pháp cưỡng chế , nhưng trên thực tế, cơ quan quản lý thuế mới thực hiện cưỡng chế lần lượt bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa các tài khoản của người nộp thuế tại các ngân hàng thương mại, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Sau những bước cưỡng chế này, hầu như các doanh nghiệp phá sản, giải thể, mất khả năng kinh doanh, không còn tài sản ở nơi đăng ký kinh doanh, nhiều người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, chết, mất tích… Do vậy, cơ quan quản lý thuế không thể thực hiện tiếp các biện pháp cưỡng chế còn lại theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành.

Hơn nữa, đối với doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thì cũng bị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy phép. Do đó, cơ quan thuế không thể xử lý xóa nợ theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 65 của Luật Quản lý thuế hiện hành.

Luật Quản lý thuế hiện hành không bao quát đầy đủ các đối tượng cần khoanh nợ, xóa nợ đối với các trường hợp không còn khả năng nộp NSNN, dẫn đến số nợ đọng không có khả năng thu ngày càng cao và phát sinh thêm đối tượng nợ thuế, như trường hợp người nộp thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh, bị thu hồi giấy phép kinh doanh, các trường hợp bị thiên tai, bất khả kháng hoặc nợ thuế do chưa được Nhà nước thanh toán…

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 152 của Luật Quản lý thuế số 38, đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành.

Nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ, thay mặt Ủy ban Tài chính và Ngân sách Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện việc khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không có khả năng nộp ngân sách theo đề nghị của Chính phủ.

Đánh giá kỹ hơn về trách nhiệm cá nhân

Về hồ sơ, trình tự thông qua, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo trình tự tại một kỳ họp như Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ trình dự án Nghị quyết đã bao gồm đầy đủ các nội dung về Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, Báo cáo đánh giá tổng kết công tác quản lý nợ thuế, thực hiện các quy định của xóa nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế; tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính đối với các ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp…. đảm bảo phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về điều khoản thi hành, tại khoản 1 của dự thảo Nghị quyết quy định “Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 và được thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành”: Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí với dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định về hủy quyết định xóa nợ, khoanh nợ không đúng và phải nộp vào ngân sách nhà nước khoản nợ đã được xóa không đúng (khoản 4 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết) không chỉ thực hiện trong thời hạn 03 năm;các khoản nợ thuế sau 03 năm mới phát hiện thuộc trường hợp được khoanh, được xóa theo quy định của Nghị quyết này thì vẫn phải được khoanh nợ, xóa nợ theo Nghị quyết này. Do đó, đề nghị không quy định Nghị quyết được thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Trường hợp cần thiết để giải quyết dứt điểm các khoản nợ không có khả năng thu nộp ngân sách nhà nước thì đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ tổ chức thực hiện Nghị quyết này trong 3 năm. Tại khoản 3, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị sửa lại như sau: “Báo cáo Quốc hội cụ thể, chi tiết về kết quả xử lý hằng năm khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước”.

Trên cơ sở thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về trách nhiệm chủ quan của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn, kéo dài qua nhiều năm; báo cáo rõ việc khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Nghị quyết này và có đánh giá tác động cụ thể./.

MINH KHÔI