Nội hàm của khái niệm xóa tư cách về chức vụ trong quá khứ

Nội hàm của xóa tư cách chức vụ trong quá khứ, có giữ chế độ viên chức suốt đời, bỏ hình thức kỷ luật giáng chức,… là những nội dung được quan tâm thảo luận kỹ tại Phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ, dự thảo Luật tập trung vào 3 nhóm vấn đề: Một là, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng đã được ghi rõ trong Nghị quyết; Hai là, sửa đổi, bổ sung các điều để định hướng phát triển trong thời gian tới theo chủ trương, đường lối của Đảng; Ba là, sửa đổi các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 

Kỷ luật xóa tư cách

Điều 84 dự thảo quy định cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thị Thanh Hải đặt vấn đề cần phải làm rõ nội hàm cả khái niệm “xóa tư cách chức vụ” mà người vi phạm đã đảm nhiệm. Xóa tư cách thì cụ thể là xóa những gì…

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, với người đã nghỉ hưu, pháp luật hiện hành điều chỉnh về hình sự, hành chính, dân sự là không có vấn đề gì vì đều có quy định thời hiệu hay không rất cụ thể. Tuy nhiên, kỷ luật lại là vấn đề lớn và khác, vừa mang tính pháp lý vừa mang tính chính trị. bà Lê Thị Nga cho rằng nên cân nhắc quy định cho chuẩn.

“Xoá là xoá cái đang hiện hữu, tồn tại, không thể xoá cái không còn”, bà nói và dẫn chứng một bộ trưởng nghỉ hưu được hưởng những gì bắt nguồn từ chức vụ trước đây họ đảm nhiệm. Ví dụ các quyền lợi về tinh thần, vật chất như được vinh danh, đưa vào bảng vàng truyền thống của bộ, được hưởng chế độ nghỉ dưỡng, khi từ trần được hưởng một số chế độ chính sách…

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga – Ảnh QH.VN

Do đó bà Nga cho rằng, cần tìm khái niệm chỉ rõ, xóa là xóa các quyền lợi về tinh thần, vật chất mà người đó được hưởng bắt nguồn từ chức vụ họ đã đảm nhiệm trước khi nghỉ hưu. Đây là quyền về nhân thân gắn với chức vụ đó. Còn những quyền khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… không gắn với chức vụ Bộ trưởng ấy thì họ vẫn được hưởng bình thường.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói rõ một người giữ hai nhiệm kỳ thì vi phạm ở nhiệm kỳ nào sẽ bị xoá tư cách nhiệm kỳ đó, nếu kỷ luật cũng chỉ xử lý về quyền lợi từ chức danh đó mang lại, còn quyền lợi khác theo quy định vẫn được giữ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Ban soạn thảo phải cân nhắc để bảo đảm sự hợp lý. Về việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, Chủ tịch Quốc hội đồng tình giao Chính phủ quy định chi tiết.

Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, do đó đề nghị cân nhắc thêm các vấn đề về thời hạn, thời hiệu xử lý, hình thức xử lý, trình tự thủ tục, mối quan hệ giữa xử lý kỷ luật đối tượng này với trách nhiệm hành chính, hình sự đối với vi phạm và giải quyết hậu quả pháp lý của việc xử lý kỷ luật với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Bỏ chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn của viên chức

Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức đề nghị bỏ chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn của viên chức để khắc phục tình trạng tâm lý viên chức suốt đời.

Với phương án này, sẽ không thực hiện ký hợp đồng không xác định thời hạn đối với các trường hợp tuyển dụng mới, kể cả trường hợp hết thời hạn lần thứ 2 (theo quy định hiện hành là phải ký hợp đồng không xác định thời hạn).

Chính phủ cũng đưa ra phương án 2 giữ quy định như hiện hành, đồng thời, bổ sung quy định, đối với đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì khi tuyển dụng mới viên chức được ký kết ngay hợp đồng không xác định thời hạn.

Đa số ý kiến tán thành phương án tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Quy định như vậy bảo đảm thể chế, bám sát yêu cầu của nghị quyết Trung ương, tạo được sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm; đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.

Báo cáo thẩm tra do ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, phương án này sẽ tạo ra sự không thống nhất giữa viên chức được tuyển dụng trước và sau ngày dự thảo luật này có hiệu lực. Đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung quy định về vấn đề này của Bộ luật Lao động theo hướng mở để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật vì theo Điều 22 của Bộ luật Lao động thì không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định – Ảnh: QH.VN

 

Bên cạnh đó, theo ông Định, một số ý kiến tán thành phương án 2 vì quy định như vậy tạo tâm lý yên tâm cho người lao động là viên chức (hợp đồng làm việc), bảo đảm thống nhất với bộ luật Lao động, bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong quản lý viên chức, đồng thời có thay đổi một phần, tạo cơ chế sàng lọc bước đầu.

Tuy nhiên, theo phương án này cần nghiên cứu sửa đổi đồng bộ một số quy định liên quan, bảo đảm mạnh mẽ hơn cơ chế có “đóng” có “mở” để đề cao vai trò của người sử dụng lao động trong việc lựa chọn người lao động phù hợp với vị trí công việc (như gắn việc đánh giá, phân loại với sử dụng, làm động lực để người lao động luôn nỗ lực, cố gắng); đồng thời, bảo đảm quyền của người lao động.

Đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức

Ủy ban đã thảo luận kỹ về nhiều nội dung được dư luận quan tâm. Một trong những nội dung đó là sửa Điều 79 của Luật Cán bộ, công chức về các hình thức kỷ luật để tương đồng với các hình thức kỷ luật của Đảng, trong đó đề xuất bỏ hình thức kỷ luật giáng chức để bảo đảm xử lý kỷ luật nghiêm đối với người giữ chức vụ có hành vi vi phạm, đồng thời cũng phù hợp với quan điểm xây dựng vị trí việc làm.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định hình thức hạ bậc lương áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý để tương ứng với 4 hình thức kỷ luật của Đảng đối với từng đối tượng. Dự thảo cũng nâng thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức từ 24 tháng theo quy định hiện hành lên 60 tháng.

Báo cáo thẩm tra dự án luật sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, về mặt pháp lý quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua hình thức kỷ luật này cũng đã được áp dụng. Do đó, đề nghị tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật này.

Về thời hiệu xử lý kỷ luật, Ủy ban Pháp luật tán thành việc kéo dài thời hiệu, song cho rằng, đây là nội dung quan trọng cần phải được cân nhắc, đánh giá kỹ, có lộ trình hợp lý và phải đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong việc phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm, tránh tình trạng kéo dài, chậm trễ trong việc xử lý.

**

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về nội dung ngạch công chức, phân loại cán bộ, công chức, thi tuyển xét tuyển, phân cấp trong tuyển dụng gắn với trách nhiệm của đơn vị được phân cấp, sát hạch đầu vào; hình thức kỷ luật cán bộ công chức, viên chức; phân công công việc và bổ nhiệm trở lại đối với đối tượng sau thời gian kỷ luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm cơ sở lý luận, thực tiễn, cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách mới, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội cho ý kiến.

 

 

Ths NGUYỄN VĂN LIN (CĐ DLHN)