Thẩm quyền của Tòa án trong thi hành án hình sự

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi, nhiều nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân đã được các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến.

Quy định chưa đầy đủ

Điều 21 của dự thảo quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự bao gồm:

-Ra quyết định thi hành án; quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình.

-Ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện; miễn, giảm thời hạn chấp hành án; quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành; quyết định buộc người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ phải chấp hành hình phạt tù của bản án được hưởng án treo, kéo dài thời hạn trục xuất; rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

-Xem xét, giải quyết việc cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình.

-Gửi bản án, quyết định được thi hành và quyết định quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tài liệu có liên quan cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật này.

-Ra quyết định tiếp nhận, chuyển giao và quyết định thi hành quyết định tiếp nhận, chuyển giao người bị kết án.

-Ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với người bị kết án phạt tù có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức.

-Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về thi hành án hình sự theo thẩm quyền và nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.

Tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) những quy định trên đây vẫn chưa đầy đủ. Ví dụ, Tòa án còn phải ra các quyết định khác như các quyết định hủy, quyết định hoãn chấp hành án phạt tù quy định tại khoản 4 Điều 25 hay là quyết định hủy, quyết định tạm đình chỉ án phạt tù hoặc một số quyết định khác liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn tòa án trong thi hành án hình sự. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung theo 2 hướng có thể là rà soát tất cả các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và dự thảo Luật Thi hành án hình sự để liệt kê đầy đủ các quyết định thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự hoặc là bổ sung vào khoản 2 nội dung “và các quy định khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật này”.

Đại biểu Nguyễn Chí Tài (Thừa Thiên Huế) cho rằng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tại Điều 21, Ủy ban nhân dân tại Điều 19 trong Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) còn thiếu và chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự. Cụ thể, tại Điều 19 và Điều 21 của dự thảo Luật Thi hành án hình sự không quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp xã và Tòa án về xóa án tích cho bị án tại Điều 71, Điều 72 của Bộ luật Hình sự lại quy định nhiệm vụ, quyền hạn cho Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án.

Mặt khác, tại đoạn cuối của Điều 21 quy định thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật này nghĩa là các quy định khác trong Luật Thi hành án hình sự liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quyền hạn của Tòa án thì phải thực hiện, trong khi đó Luật Thi hành án hình sự không quy định thì mặc nhiên nhiệm vụ quyền hạn về xóa án tích sẽ được không thực hiện và sẽ mâu thuẫn với Bộ luật Hình sự. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể nội dung này và sửa đổi, bổ sung đoạn cuối của Điều 19, 21 như sau: “Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của luật này và các bộ luật khác có liên quan” thì sẽ đầy đủ hơn.

Xem xét giảm án quá mức trại giam đề xuất

Đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) góp ý về thẩm quyền của Tòa án trong việc quyết định giảm án phạt tù, theo quy định của Luật Thi hành án hình sự trước đây, trần là 1 năm. Hiện nay, các ngành đang thực hiện theo Nghị quyết 02/2007 của Hội đồng thẩm phán TANDTC và Thông tư liên tịch số 02/2013 của liên ngành ngày 15 /5/ 2013. Việc Tòa án không được phép xem xét giảm quá thời hạn các trại giam, các đơn vị đề xuất, đại biểu Mai Khanh cho là ảnh hưởng rất lớn. Hiện nay các cơ quan, các hội đồng xét xử khi xem xét để quyết định hình phạt rất chặt chẽ, thẩm quyền của của hội đồng xét xử rất cao. Có thể xem xét xử ở mức cao hơn hay ở tội danh khác với tội danh mà cơ quan truy tố, nhưng riêng về việc xem xét tha tù, giảm án, tha tù trước hạn thì lại không được phép.

Trong thực tiễn đã có những việc rất khó xử lý. Ví dụ, khi các cơ sở giam giữ đề xuất miễn, giảm hình phạt (giảm án) đã xuất hiện những dấu hiệu không công bằng. Trong trường hợp không công bằng như thế Tòa án rất khó xử lý được. Ví dụ, hai phạm nhân cùng có điều kiện như nhau nhưng khi trại đề xuất một phạm nhân giảm 6 tháng, một phạm nhân giảm 9 tháng, khi xem xét các Hội đồng thấy có căn cứ để phạm nhân 6 tháng cũng có thể giảm được 9 tháng thì lại không có cơ sở điều chỉnh việc này. “Đây là một thực tiễn tôi cho rằng bất cập, cần phải luật hóa luật này để đảm bảo thẩm quyền của các Hội đồng xét giảm thi hành án” – đại biểu chốt lại.

Điều 14 của dự thảo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh. Tại khoản 3 Điều 14 dự thảo luật quy định: “Đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân. Rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Trưng cầu giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật”.

Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) nói, qua nghiên cứu cho thấy TAND cấp tỉnh có thẩm quyền hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 66 Bộ luật Hình sự và buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù còn chưa chấp hành. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh bổ sung khoản 3 Điều 14 dự thảo luật như sau: “Đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân. Rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Trưng cầu giám định pháp y và hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 66 Bộ luật Hình sự và buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù còn chưa chấp hành theo quy định của pháp luật”.

Cần giao cho TANDTC hướng dẫn

Điểm c khoản 1 Điều 79 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi hành án tử hình, đại biểu Tống Thanh Bình (Lai Châu) đề nghị xem xét, bổ sung quy định về thực hiện xác minh các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường để xem xét việc cho hay không cho nhận tử thi. Vì trong thực tiễn thi hành án hình sự cho thấy, đây là vấn đề rất phức tạp, tại các địa phương khi có vấn đề xảy ra còn xử lý rất lúng túng. Vì vậy, theo đại biểu cần có quy định rõ ràng điểm này sau khi sửa đổi, bổ sung như sau: Thực hiện xác minh các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường để xem xét việc cho hay không cho nhận tử thi, yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thông tin, cung cấp tài liệu cần thiết cho việc thi hành án, yêu cầu lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan, tổ chức hỗ trợ đảm bảo thi hành án trong điều kiện cần thiết. Đồng thời, giao trách nhiệm cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, hoặc liên ngành cơ quan tố tụng Trung ương có hướng dẫn quy định cụ thể trường hợp nào được nhận tử thi, trường hợp nào không được nhận tử thi của người thi hành án tử hình để đảm bảo thực hiện và áp dụng thống nhất.

Về thi hành án hình sự tại Chương IV, có đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời gian người bị kết án tử hình chờ thi hành án. Bởi vì, trên thực tế hiện nay, rất nhiều phạm nhân án tử hình bị tạm giam khá lâu do phải chờ quyết định của Chủ tịch nước chấp nhận hay không chấp nhận đơn xin ân xá. Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng vướng mắc trong thi hành án tử hình hiện nay là do tổ chức thực hiện chưa chính xác và thỏa đáng. Vì thời gian xem xét quyết định phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm, kháng cáo, kháng nghị đã được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tại Điều 367 nhưng thực hiện quá lâu, kéo dài là do nguyên nhân hiện nay chưa có điều luật nào quy định thời hạn xem xét đơn xin ân xá của Chủ tịch nước.

Trước đây, để bảo đảm việc xét đơn ân xá được giảm thì thực hiện theo Quyết định số 60 ngày 5 tháng 9 năm 2003 của của Văn phòng Chủ tịch nước và Quyết định số 72 về phối hợp công tác giữa hai cơ quan Văn phòng Chủ tịch nước và Tòa án tối cao. Theo đó, thời gian giải quyết đối với mỗi hồ sơ trung bình là 45 ngày. Tuy nhiên, đến ngày 1 tháng 1 năm 2012, Văn phòng Chủ tịch nước ban hành Quy chế số 21 thay thế Quy chế 72. Quy chế 21 lại không quy định rõ thời hạn Văn phòng Chủ tịch nước xem xét trình giải quyết đơn xin ân giảm. Như vậy, vướng mắc chủ yếu là luật chưa quy định cụ thể về thời hạn xem xét đơn xin ân giảm của Chủ tịch nước. Do đó đại biểu đề nghị cần quy định rõ trong luật hoặc văn bản dưới luật.

**
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại diện cơ quan soạn thảo bày tỏ ghi nhận những điều các đại biểu đã góp ý và sẽ tiếp thu. Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu để chỉnh sửa trong dự thảo dự án luật sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, hoàn chỉnh dự án để trình Quốc hội.

THÁI VŨ