Tòa án nhân dân các cấp ra sức phấn đấu phụng sự Tổ quốc, bảo vệ công lý

Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống Tòa án nhân dân đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp và pháp luật quy định. Chất lượng, kết quả công tác xét xử ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Năm 2020 là một năm đặt ra nhiều khó khăn, thách thức với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội cả nước nói chung và việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của hệ thống Tòa án nhân dân nói riêng, đặc biệt là sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.  Tuy nhiên, với tinh thần, ý chí quyết tâm cao, phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống Tòa án nhân dân đã nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, trở ngại, tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

1. Tòa án nhân dân – cơ quan thực hiện quyền tư pháp

Cách đây 75 năm, ngày 13/9/1945, chỉ sau 11 ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33C thành lập Tòa án quân sự ở Bắc bộ, Trung bộ và Nam bộ. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Tòa án.

Trong suốt chiều dài lịch sử, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, hệ thống Tòa án nhân dân đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng văn minh và giàu đẹp thêm, sánh vai với các cường quốc năm Châu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.

Bước vào giai đoạn phát triển mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận rõ Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

2. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.

3. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân."

Sự điều chỉnh này thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, chức năng, vai trò của hệ thống Tòa án nhân dân, đồng thời đảm bảo sự tương đồng với nhiệm vụ mà hệ thống Tòa án nhân dân được giao và tính tương thích với hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới. Có thể thấy, đây vừa là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là sứ mệnh hết sức cao cả, nặng nề mà hệ thống Tòa án nhân dân phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 chính thức quy định chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được Quốc hội phê chuẩn, trên cơ sở đó Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm; vị thế, trách nhiệm của Tòa án, của Thẩm phán Tòa án nhân dân được đề cao hơn. Hệ thống các Tòa án được tổ chức thành 4 cấp; cùng với hoạt động xét xử, Tòa án có nhiệm vụ phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật; phát triển án lệ; đào tạo nguồn cán bộ, Thẩm phán và đào tạo nghề xét xử; cơ chế thi tuyển và nâng ngạch Thẩm phán, cùng một số quy định quan trọng khác... Những đổi mới trên đây là một bước ngoặt quan trọng, một thành tựu có tính lịch sử trong tiến trình cải cách tư pháp của đất nước, đánh dấu bước phát triển mới của các Tòa án nhân dân, khẳng định vị thế quan trọng của Tòa án nhân dân trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước, trong suốt những năm qua, Tòa án nhân dân các cấp đã luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đã trưởng thành vượt bậc cả về tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Với tinh thần đoàn kết nhất trí, đồng sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

2. Tòa án nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược cải cách tư pháp

Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện đó là từng bước xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, đòi hỏi phải ban hành và thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp phù hợp với quá trình đổi mới công tác lập pháp và chương trình cải cách hành chính. Ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49 – NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Có thể nói, tính đến giai đoạn hiện nay, Nghị quyết số 49-NQ/TW ra đời là một bước tiến vượt bậc, thể hiện quan điểm đúng đắn trong định hướng xây dựng Nhà nước của Đảng ta; Nghị quyết ra đời và đi vào cuộc sống đã gặt hái được nhiều thành công đáng kể, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong tiểu mục 1.2, mục 1, phần II Nghị quyết số 49-NQ/TW nhấn mạnh: "xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm". Với vai trò là trung tâm trong chiến lược cải cách tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử, hệ thống Tòa án nhân dân ngày càng có nhiều đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, trong năm 2020, hệ thống Tòa án nhân dân triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều biến động, kinh tế tăng trưởng chậm lại, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường, đặc biệt là đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án,... Tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, manh động; một số tội phạm có dấu hiệu gia tăng như: mua bán, vận chuyển ma túy; vi phạm trật tự an toàn giao thông; tổ chức nhập cảnh trái phép; đầu cơ các mặt hàng thiết yếu, y tế, lương thực, thực phẩm để trục lợi; đưa tin không đúng sự thật trên không gian mạng; các tội phạm liên quan đến băng nhóm xã hội đen,... Các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn gia tăng về số lượng và có tính chất ngày càng gay gắt, phức tạp. Tuy nhiên, thành tựu mà hệ thống Tòa án nhân dân đạt được là rất lớn; tỷ lệ giải quyết các loại vụ án đáp ứng yêu cầu; chất lượng xét xử được đảm bảo và có nhiều tiến bộ.

Trong năm 2020, các Tòa án đã thụ lý 602.252 vụ việc, đã giải quyết được 544.604 vụ việc (đạt tỷ lệ 90,4%); so với năm 2019, số vụ việc đã thụ lý giảm 23.727 vụ việc, đã giải quyết tăng 44.243 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 1,06%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.[1]

Năm qua, đất nước chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của công cuộc cải cách tư pháp, một loạt các vụ đại án về tham nhũng được đưa ra xét xử, thu hồi cho ngân sách nhà nước một số tiền rất lớn. Điều này thể hiện sự quyết tâm của toàn hệ thồng chính trị nhằm đạt được mục tiêu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tòa án nhân dân với vai trò là trung tâm của công cuộc cải cách tư pháp đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, các bản án được ban hành kịp thời, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng, tạo niềm tin vào Đảng, Nhà nước của nhân dân. Cụ thể, năm 2020, các Tòa án đã thụ lý sơ thẩm 2.764 vụ án hình sự, với 5.872 bị cáo phạm các tội kinh tế, tham nhũng; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 2.319 vụ với 4.403 bị cáo (chiếm 3,08% số vụ và 3,6% số bị cáo trong tổng số vụ án hình sự đã thụ lý)[2]. Có 25 vụ với 47 bị cáo phạm tội kinh tế, tham nhũng đã áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong giai đoạn điều tra, truy tố chuyển cho Tòa án xét xử và không có vụ án nào Tòa án thay đổi, hủy bỏ các biện pháp này trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Tổng số tài sản phải thu hồi trong các vụ án kinh tế, tham nhũng theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là trên 7,1 nghìn tỷ đồng.

Để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tiền, tài sản trong quá trình xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, Tòa án nhân dân tối cao đã đề ra nhiều giải pháp như: phát huy vai trò, trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác minh, truy tìm tài sản của bị can, bị cáo từ khi khởi tố vụ án để có cơ sở xem xét trách nhiệm dân sự khi xét xử; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội cũng như các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ Thẩm phán các kiến thức, kỹ năng xét xử vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ và các kiến thức về kế toán, tài chính ngân hàng, ngoại ngữ, tin học…; phân công Thẩm phán có đủ năng lực, kinh nghiệm để xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; tích cực vận động bị cáo, gia đình của bị cáo và những người liên quan tự nguyện nộp lại tiền, tài sản đã chiếm đoạt, thu lợi bất chính nhằm khắc phục hậu quả. Việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tài sản trong quá trình xét xử đã tạo điều kiện cho việc thu hồi tài sản khi thi hành án, hạn chế được việc tẩu tán tài sản mà các bị cáo đã chiếm đoạt.

Năm 2020, với sự xuất hiện và bùng nổ của đại dịch Covid – 19 đã kéo theo một loạt những hậu quả không mong muốn, trong đó có vấn nạn tội phạm với những hình thức phạm tội mới xuất hiện, tính chất và thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Để thực hiện tốt công tác xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh, ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 để hướng dân Tòa án nhân dân các cấp trong cả nước áp dụng trong quá trình xét xử.

Có thể nói, Công văn số 45/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao đã kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho Tòa án nhân dân các cấp trong giải quyết các loại hình tội phạm mới, kịp thời đưa ra xét xử những hành vi phạm tội mới, lợi dụng dịch bệnh, gây ảnh hưởng to lớn đến tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn, đe dọa sự an toàn của người dân. Từ đó, nâng cao hơn nữa sự tin tưởng của nhân dân vào công lý, công bằng xã hội, vào Đảng và Nhà nước ta.

Bên cạnh đó, năm 2020, hệ thống Tòa án nhân dân tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ khác, như: Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được đảm bảo thực hiện kịp thời; công tác xây dựng pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật và ban hành án lệ được chú trọng, góp phần đảm bảo tốt hơn việc giải quyết các vụ việc trong thực tiễn; đội ngũ cán bộ Tòa án các cấp tiếp tục được bổ sung, kiện toàn; công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn được quan tâm, triển khai có hiệu quả.

Đặc biệt, công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được các Tòa án trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của Thẩm phán, tăng tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, cũng như tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của Tòa án. Cụ thể, năm 2020, hệ thống Tòa án nhân dân đã công bố được hơn 500.000 bản án, quyết định, với tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là hơn 22 triệu lượt và hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định.

Trong năm 2020, công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp tập trung vào việc đổi mới các quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý công việc và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Tòa án thông qua các hoạt động: nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến; nghiên cứu, xây dựng phần mềm phân công án ngẫu nhiên áp dụng cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện; phần mềm chuyển giọng nói tại phiên tòa thành văn bản.

Công tác hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng và tăng cường theo đúng định hướng đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức thành công nhiều chuyến thăm, làm việc tại nước ngoài và đón tiếp các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam nhằm mở rộng mối quan hệ hợp tác với Tòa án và các cơ quan tư pháp nước ngoài, chia sẻ thông tin, tham khảo kinh nghiệm về công tác xét xử[3]. Chú trọng nghiên cứu pháp luật quốc tế về những vấn đề có liên quan để học tập kinh nghiệm và triển khai thực hiện cho phù hợp với điều kiện và khung pháp lý của Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 8 Hội đồng Chánh án ASEAN tại Việt Nam bằng hình thức trực tuyến. Tại Hội nghị, Chánh án TANDTC Việt Nam đã chính thức được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Chánh án các nước ASEAN nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Về công tác tài chính và cơ sở vật chất, Tòa án nhân dân các cấp đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, năm 2020, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trụ sở mới Tòa án nhân dân tối cao; trùng tu, đón nhận Bằng xếp hạng di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia trụ sở Tòa án nhân dân tối cao tại số 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Có thể nói, việc hoàn thiện công trình này vào đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Tòa án nhân dân (13/9) là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn. Điều này thể hiện vai trò, vị thế của Tòa án nhân dân trong mắt bạn bè quốc tế, xứng tầm là cơ quan thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về công tác thi đua - khen thưởng, năm 2020, TANDTC tổ chức thành công Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV. Tại Đại hội, hệ thống TAND vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng nhiều Huân chương cao quí các loại của Đảng, Nhà nước trao tặng.

Đồng thời, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, đã triển khai nhiều hoạt động có sự lan tỏa như: Tiếp tục xây dựng và phát sóng thường kỳ Chương trình Truyền hình TAND; phối hợp với Trung tâm sản xuất phim truyền hình tổ chức biên tập kịch bản và phát sóng 72 tập phim truyền hình dài tập về người Thẩm phán TAND với tên gọi “Lựa chọn số phận”; phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương xây dựng kịch bản và phát sóng 3 tập phim “Tòa án nhân dân xét xử những vụ án điển hình”; tổ chức thành công “Cuộc thi sáng tác thơ, truyện ngắn và ký sự về TAND” kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống TAND; tổ chức Cuộc vận động viết về “Những kỷ niệm sâu sắc, không thể lãng quên của Thẩm phán” trong TAND;… Đây là những sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng, tạo sự lan tỏa cao, giúp người dân hiểu hơn về tính chất, đặc thù công việc của người cán bộ Tòa án, hiểu hơn về sứ mệnh lịch sử mà Tòa án nhân dân được giao phó; từ đó củng cố thêm sự đồng thuận, chia sẻ của nhân dân đối với hệ thống các cơ quan xét xử nói riêng, niềm tin đối với Đảng và Nhà nước nói chung.

Để có được thành công nói trên, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Đảng, Nhà nước và Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành ở Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, còn có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao; sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của đội ngũ công chức, viên chức và người lao động Tòa án các cấp.  

Ngay từ đầu năm, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị[4] để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các Tòa án nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản trong thực hiện các nhiệm vụ công tác năm 2020 với chủ đề hành động tiếp tục được xác định là: “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”. Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu các Tòa án tiếp tục thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị mình chủ động, sáng tạo đề ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, đảm bảo các vụ việc được giải quyết đúng quy định của pháp luật.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống trong năm 2020, Tòa án nhân dân đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đặt ra, góp phần từng bước xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

3. Một số giải pháp cần triển khai thực hiện trong thời gian tới

Với vai trò là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, việc nâng cao chất lượng xét xử là nhiệm vụ chính trị quan trọng, được ưu tiên hàng đầu của hệ thống Tòa án nhân dân. Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp, cũng như các chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Tòa án nhân dân và góp phần ổn định tình hình, phát triển kinh tế- xã hội đất nước, hệ thống Tòa án nhân dân cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

- Các Tòa án tiếp tục tập trung thực hiện tốt 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; chú trọng làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ việc.

- Tăng cường công tác hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử; tập trung giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, nhất là kỹ năng điều hành phiên tòa, các văn bản pháp luật mới hướng dẫn đường lối xét xử cho Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân; chú trọng hình thức đào tạo thông qua hệ thống truyền hình trực tuyến và động viên cán bộ, công chức tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử.

- Kiện toàn đội ngũ công chức của các Tòa án, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp ở TAND cấp huyện. Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn đầu mối bên trong của các Tòa án gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức. Thực hiện việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác để bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị có số lượng công việc nhiều, đồng thời, bồi dưỡng, rèn luyện đối với cán bộ thuộc diện quy hoạch các chức vụ lãnh đạo, quy hoạch bổ nhiệm Thẩm phán TAND các cấp.

 - Cải tiến phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng phân công, phân cấp hợp lý, đảm bảo rành mạch giữa quản lý, điều hành hoạt động nội bộ của các Tòa án với hoạt động tố tụng; phát huy tính sáng tạo và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đối với từng đơn vị Tòa án. Tăng cường công tác quản lý cán bộ, Thẩm phán; chỉ đạo các Tòa án làm tốt công tác tự kiểm tra và phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên nâng cao kỷ cương, kỷ luật công vụ, kịp thời khen thưởng, vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác; đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

- Đề xuất cơ quan có thẩm quyền đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, trong đó tập trung đổi mới về định mức chi, chế độ chi, định mức trang cấp phương tiện làm việc và quy mô xây dựng trụ sở, nhằm cải thiện điều kiện làm việc cho các Tòa án. Xây dựng chế độ, chính sách tiền lương phù hợp với lao động đặc thù của Tòa án, có chính sách ưu tiên, khuyến khích cán bộ, công chức đến làm việc ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo và những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

- Đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Năm công tác 2020 của hệ thống Tòa án nhân dân đã kết thúc với nhiều thành tựu rất đáng tự hào; trong năm công tác mới năm 2021, Tòa án nhân dân các cấp với truyền thống lịch sử vẻ vang, bằng sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực không ngừng, cùng với sự động viên, ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành cũng như các cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống Tòa án nhân dân quyết tâm tiếp tục vượt qua những khó khăn, trở ngại để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân./.

 

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC - Ảnh: TC TAND

 

 

[1] Số liệu được thống kê từ ngày 01/10/2019 đến ngày 30/9/2020

[2] Gồm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế tại Chương XVIII và các tội phạm tham nhũng tại Mục 1 Chương XXIII Bộ luật Hình sự.

[3] Tổ chức thành công chuyến thăm và tham dự Hội nghị lần thứ 7 Hội đồng Chánh án các nước ASEAN tại Thái Lan; Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Tòa Hiến pháp Ai Cập; khóa họp lần thứ 56 Phiên họp nhóm V của Liên Hợp quốc về Luật thương mại quốc tế tại Áo; Hội nghị cấp cao mạng lưới liêm chính toàn cầu được tổ chức Qatar... Đón và tiếp xã giao Đoàn Quốc vụ khanh CHLB Đức, Đoàn Hiệp hội Thẩm phán quốc tế, Đoàn Luật sư tỉnh Chungbuk (Hàn Quốc), Đoàn Thẩm phán Hoa Kỳ, Đoàn công tác Bộ Tư pháp Singapore, Cuba…

[4] Nghị quyết số 01-NQ/BCS ngày 02/01/2020 về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2020 của Tòa án nhân dân; Chỉ thị số 01/2020/CT-CA ngày 09/01/2020 về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các Tòa án.

PGS.TS. NGUYỄN HÒA BÌNH - Bí thư TW Đảng, Chánh án TANDTC