Những góp ý thiết thực đối với Dự thảo Đề án đổi mới tổ chức bộ máy TAND

Ngày 31/5/2021, TANDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo Đề án "Đổi mới tổ chức bộ máy TANDTC bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII của Đảng, đáp ứng tình hình mới". Ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội nghị.

Tham dự còn có ông Nguyễn Trí Tuệ, Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án, ông Nguyễn Văn Du, Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC. Ông Nguyễn Văn Tiến, Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC. Cùng dự tại điểm cầu trung tâm còn có các Thẩm phán TANDTC, thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC...

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu chỉ đạo

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết Bộ Chính trị giao Ban cán sự  Đảng, lãnh đạo TANDTC xây dựng đề án tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 của Hội nghị trung ương VI khoá XII theo yêu cầu tinh gọn, nhưng phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là bước đầu tiên để xây dựng lộ trình cải cách tư pháp mới 2021-2030 tầm nhìn đến 2045 theo tinh thần Nghị quyết 49. Theo đó sẽ có 2 giai đoạn, từ nay đến 2022 nhằm cải cách nội bộ, sơ bộ, thí điểm. Sau năm 2022, tiến hành xác định lại địa vị pháp lý, hoạt động, nội dung, tố tụng.

Thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao, Ban Cán sự đảng TANDTC đã thành lập Ban chỉ đạo nghiên cứu Đề án, TANDTC là cơ quan chủ trì, thành viên Ban chỉ đạo có sự tham gia của ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, tất cả các ban đảng Trung ương, và các cơ quan liên quan. Trong thời gian vừa qua ban chỉ đạo đã làm việc rất tích cực và hiệu quả và đang trong quá trình hoàn thiện đề án. Đề án này sẽ được báo cáo Bộ Chính trị vào cuối tháng 7, đây là một cơ hội quý để Toà án có được quyết định quan trọng tiến tới đổi mới toàn diện bộ máy. Đây cũng là cơ hội để tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn, 

Sau khi thảo luận, hầu hết các đơn vị đều đồng tình, nhất trí cao với Đề án, và góp ý nhiều nội dung quan trọng về tổ chức tòa án; một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; những yêu cầu mới đặt ra trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa đồng tình với việc gộp một số đơn vị tòa có số lượng án ít với nhau vì lý do lo ngại người dân phải di chuyển xa. Về vấn đề này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình đã giải thích rằng, việc gộp các đơn vị tòa có số lượng án ít với nhau nhưng trụ sở xét xử của các đơn vị bị gộp vẫn được giữ nguyên, từ đó Thẩm phán tiến hành di chuyển đến xét xử tại các trụ sở đó. Chánh án nhấn mạnh phải tạo thuận lợi cho người dân, khó khăn Tòa phải nhận lấy.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Theo Chánh án, Hội nghị đã có những ý kiến có tính chất gợi mở, như việc thi hành án hiện nay chưa có đề án thì nên được đưa vào. Các địa phương phải tăng cường nhận đơn qua Internet, khuyến khích người dân gửi đơn thư qua mạng, trả kết quả qua mạng. Nếu trực tiếp phải di chuyển, người dân nên gửi qua bưu điện. Tiến hành thí điểm xét xử 1 số loại án qua mạng như án hành chính đang thí điểm tại một số đơn vị. Tiến tới xét xử tất cả các loại án (trừ án hình sự) sau khi xây dựng Tòa án điện tử. 

Chánh án cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, đưa ra các đề xuất mới mang tính đột phá, góp phần hoàn thiện Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua về tổ chức, hoạt động của bộ máy Tòa án nhân dân, góp phần xây dựng một nền tư pháp “trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, đáp ứng những đòi hỏi của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

NCS. ThS VŨ THỊ MINH (Đại học Thái Nguyên)