Tọa đàm những vướng mắc của BLTTHS và BLHS năm 2015

Ngày 16/10 tại Bắc  Ninh, Cụm Thi đua số 1- Các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ đã tổ chức Tọa đàm những vướng mắc của BLTTHS và BLHS năm 2015. TS Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, thành viên Hội đồng khoa học TANDTC chủ trì tọa đàm.

Cụm Thi đua số 1 gồm 14 tỉnh khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ đã gửi về TAND tỉnh Bắc Ninh, đơn vị Trưởng cụm thu đua, trên 100 vấn đề vướng mắc trong quá trình áp dụng BLTTHS, BLHS năm 2015. Trên cơ sở những vướng mắc đó, TAND tỉnh Bắc Ninh đã phân loại, đưa ra bình luận khoa học về vấn đề vướng mắc, kiến nghị hướng tháo gỡ, giải đáp.

Tại Tòa đàm, từng vấn đề được đưa ra thảo luận, sau khi TS Phạm Minh Tuyên nêu quan điểm, các đại biểu đến từ Tòa án 14 tỉnh, đại biểu Vụ Pháp chế, quản lý khoa học TANDTC, Học viện Tòa án, TANDCC tại Hà Nội… cùng tham gia thảo luận sôi nổi.

 

 TS Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, thành viên Hội đồng khoa học TANDTC chủ trì tọa đàm.

Các vướng mắc được thảo luận là những nội dung thường gặp, còn nhiều quan điểm khác nhau. Ví dụ, TAND Tp Hải Phòng nêu trong vụ án về tội buôn lậu, ngoài hành vi buôn lậu, bị cáo còn thực hiện hành vi làm giả giấy tờ của các cơ quan, tổ chức để hợp thức hóa việc buôn lậu. Vậy hành vi làm giả giấy tờ của các cơ quan, tổ chức có cấu thành tội phạm độc lập hay không?

Bị cáo là nhân viên thu ngân tại một siêu thị, lợi dụng việc khách hàng mua rau củ quả không lấy hóa đơn, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền hàng hóa đã bán. Trong trường hợp này bị cáo bị xét xử về tội gì?

 

Các đại biểu tham dự Tọa đàm

Trường hợp số tiền thu được trên chiếu bạc nhiều hơn số tiền các bị can khai dùng để đánh bạc thì khởi tố các bị can tội đánh bạc theo số tiền thu được trên chiếu bạc hay theo số tiền các bị can đem theo để đánh bạc?

TAND Tp Hà Nội nêu vướng mắc về tội cướp tài sản, thực tế hiện nay có tình trạng sau khi giết người, bị cáo lấy tài sản của người bị giết, khi đó bị cáo có phạm tội cướp tài sản hay không? Về tội tham ô tài sản, trước đây chủ thể của tội này là người có chức vụ quyền hạn trong khối Nhà nước, hiện nay, theo khoản 6 Điều 353 đã mở rộng phạm vi chủ thể tội này sang các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhưng thực tiễn chưa có vụ nào xét xử theo chủ thể mở rộng, do đó cần có hướng dẫn.

Vướng mắc của TAND tỉnh Hà Tĩnh đưa ra là với tình tiết giảm nhẹ “Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 được hiểu là một hay hai tình tiết? Trong tội gá bạc tại Điều 322 BLHS, tình tiết thu lợi bất chính có phải là yếu tố bắt  buộc hay không?

Tọa đàm thảo luận vướng mắc của TAND tỉnh Nghệ An, tội cho vay nặng lãi tại Điều 201, trường hợp có nhiều hành vi vi phạm mà giá trị mỗi lần thu lợi bất chính đều dưới 30 triệu đồng, nhưng tổng các lần thu lợi bất chính là trên 30 triệu đồng thì có khởi tố không? Giá trị thu lợi mỗi lần đều trên 30 triệu đồng nhưng dưới 100 triệu đồng thì khởi tố ở khoản 1 hay khoản 2?

Tọa đàm thảo luận sôi nổi

TAND tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra tình huống: A có hành vi cạy cửa nhà, phá két sắt nhằm mục đích trộm cắp tài sản và đã lấy được 5 triệu đồng, tài sản do A làm hư hỏng có giá trị 10 triệu đồng. Vấn đề đặt ra là A chỉ phạm tội trộm cắp tài sản hay phạm hai tội, trộm cắp tài sản và cố ý làm hư hỏng tài sản…

Tọa đàm cũng thảo luận về các vướng mắc về tố tụng hình sự. TAND tỉnh Quảng Ninh nêu vướng mắc: Điều 67 BLTTHS quy định: Người chứng kiến là người tham gia tố tụng và được Tòa án triệu tập đến phiên tòa. Tuy nhiên chưa có quy định nào về vắng mặt của người làm chứng. Điểm d khoản 2 Điều 67 quy định về người không được làm chứng “có lý do khác cho thấy người đó không khách quan” nhưng chưa có quy định “lý do khác” là lý do gì.

Hay vấn đề của TAND tỉnh Thái Bình: Trong vụ án mua dâm người dưới 18 tuổi, người bán dâm dưới 16 tuổi thì tư cách tham gia tố tụng của người bán dâm là gì?

Hội nghị thảo luận kỹ từng vướng mắc được nêu ra, TS Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh kết luận, sẽ chuyển lên TANDTC đề nghị hướng dẫn, giải đáp hoặc ban hành Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán TANDTC để nhận thức và áp dụng được thống nhất.

Tổ chức tọa đàm thảo luận vướng mắc trong nghiệp vụ là một sáng kiến rất bổ ích, thiết thực của TAND tỉnh Bắc Ninh, nhằm nâng cao chất lượng xét xử, nâng cao thành tích thi đua một cách hiệu quả.

Phó Chánh án TAND tỉnh Nghệ An Phạm Hồng Trang cho rằng: “Tham gia tọa đàm, được lắng nghe, trực tiếp thảo luận trao đổi về nghiệp vụ cùng các đồng nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, tôi thấy rất cần thiết và mang lại hiệu quả cụ thể. Sau khi về đơn vị, chúng tôi sẽ phổ biến cho Thẩm phán, Thư ký”.

Phó Chánh án Nghệ An đề nghị sáng kiến này được duy trì và phát huy hơn nữa.

 

 

THÁI VŨ