Toạ đàm Tham vấn dự thảo Nghị quyết của HĐTP TANDTC hướng dẫn giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình

Ngày 18/1/2022, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC tổ chức Tọa đàm tham vấn đối với dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình.

Toạ đàm nằm trong Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, với đóng góp tài chính từ UNICEF và UNDP. Chương trình do hai cơ quan này của Liên Hợp Quốc thực hiện, với sự phối hợp của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Việt Nam.

Tham dự chủ trì buổi Toạ đàm có TS. Nguyễn Chí Công, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC. Cùng dự còn có bà Nguyễn Thanh Trúc – Chuyên gia bảo vệ trẻ em của UNICEF tại Việt Nam; Bà Shelley Casey – Chuyên gia quốc tế về tư pháp với người chưa thành niên của UNICEF tham dự trực tuyến; Cùng các chuyên gia, đại diện các đơn vị chức năng của TANDTC.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, TS Nguyễn Chí Công, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC cho biết, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ra đời thay thế Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 trên tinh thần kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân & gia đình, đồng thời bổ sung nhiều quy định mới để phù hợp với thực tiễn đời sống và xu hướng chung của thế giới. Qua hơn 07 năm thi hành Luật (từ ngày 01/01/2015) đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình của Tòa án cũng cho thấy một số vướng mắc, bất cập, yêu cầu phải có những hướng dẫn áp dụng thống nhất và nâng cao hiệu quả thi hành.

TS Nguyễn Chí Công phát biểu tại buổi Toạ đàm

Do đó, TANDTC xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình trên tinh thần kế thừa các hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, đồng thời bổ sung những hướng dẫn mới nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn Tòa án giải quyết tranh chấp hôn nhân và gia đình.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, bà Shelley Casey – Chuyên gia quốc tế về tư pháp với người chưa thành niên của UNICEF cho biết tranh chấp về quyền chăm sóc và nuôi dưỡng con chưa thành niên gây ra tác động căn bản và lâu dài đối với cuộc sống của trẻ, chẳng hạn trẻ sẽ sống ở đâu, đi học trường nào, cũng như mối quan hệ của trẻ với cha mẹ, anh chị em ruột và họ hàng thân thích. Do đó, người chưa thành niên (NCTN) cần được trao cơ hội để bày tỏ ý kiến của bản thân; trong quá trình ra quyết định, các thẩm phán cần cân nhắc ý kiến của NCTN một cách phù hợp; các quyết định cần dựa trên việc đánh giá đầy đủ lợi ích tốt nhất.

Trẻ em có khả năng hình thành quan điểm riêng cần được trao cơ hội để bày tỏ những quan điểm đó một cách tự do trong bất kỳ quá trình tổ tung hành chính, tư pháp nào ảnh hưởng đến các em. Quan điểm của trẻ cần phải được cân nhắc một cách phù hợp theo độ tuổi và mức độ trưởng thành của trẻ.

Quá trình tố tụng tại tòa án phải được điều chỉnh theo hướng thân thiện với trẻ em để trẻ có thể bày tỏ quan điểm của bản thân một cách hiệu quả, đồng thời không gây ảnh hưởng quá mức hoặc căng thẳng cho trẻ. Không nên gây áp lực hoặc ép buộc trẻ bày tỏ ý kiến của bản thân nếu trẻ không muốn, bởi bày tỏ ý kiến là lựa chọn, không phải nghĩa vụ của trẻ.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên tinh thần kế thừa một số nội dung của Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23-12-2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, đồng thời, bổ sung một số nội dung mới nhằm khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Tại buổi toạ đàm, sau khi nghe dự thảo Nghị quyết, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho dự thảo về các vấn đề như: Căn cứ cho ly hôn; Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn; Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích xin ly hôn; Thỏa thuận nuôi con; Về chia tài sản chung vợ chồng liên quan đến người thứ ba…

Bà Shelley Casey – Chuyên gia quốc tế về tư pháp với người chưa thành niên của UNICEF cho biết các yếu tố cần quan tâm khi xác định lợi ích tốt nhất cho trẻ khi xác định thoả thuận nuôi con bao gồm các yêu tố như: Nguyện vọng và ý kiến của NCTN (được cân nhắc theo lứa tuổi và mức độ thấu hiểu của các em); Tính chất và chất lượng của mối quan hệ giữa NCTN và cha/mẹ (tình yêu thương và sự gắn bó về cảm xúc); trẻ có gắn bó hơn với một trong hai người hay không; Lợi ích của việc duy trì mối quan hệ ý nghĩa với cả cha, mẹ và họ hàng thân thích đối với NCTN; Lợi ích của việc để anh chị em ruột sống cùng nhau nếu có thể; Nhu cầu thể chất, tình cảm, xã hội và giáo dục; Cha hay mẹ sẽ mang đến cho NCTN môi trường gia đình tốt nhất, ổn định nhất?… 

Các đại biểu tham dự Toạ đàm

Từ các kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia cho biết trên thực tế việc tuyên bố mất tích và giải quyết ly hôn trong cùng một vụ án còn nhiều vướng mắc liên quan tới các yếu tố về thẩm quyền, ví dụ như ly hôn có yếu tố nước ngoài,.. Cũng như việc chia tài sản chung vợ chồng liên quan đến quyền lợi của người thứ ba, cần có quy định cụ thể về định mức chu cấp cấp dưỡng...

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đóng góp các ý kiến về các vấn đề mà dự thảo Nghị quyết hướng dẫn  như: thời điểm bắt đầu tính cấp dưỡng nuôi con; Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng; Thẩm quyền giải quyết của Tòa án khi nguyên đơn, bị đơn và tài sản tranh chấp ở những nơi khác nhau; Việc xác định thẩm quyền của Tòa án khi chia tài sản là bất động sản sau ly hôn…

Tại buổi Toạ đàm, TS Nguyễn Chí Công đánh giá cao và cảm ơn các ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, ông Nguyễn Chí Công tin tưởng rằng với sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia Dự thảo Nghị quyết sẽ hoàn thiện với chất lượng cao hơn.

CẢNH DINH