Xe ô tô của Tòa án sẽ gắn biểu trưng Tòa án nhân dân

Chánh án TANDTC vừa ban hành Quyết định 140/2021/QĐ-TANDTC ngày 19/5/2021 về quy chế quản lý sử dụng xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng trong hệ thống TAND.

Mục đích của Quy chế là nhằm quản lý sử dụng xe ô tô đúng quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công và hướng dẫn của TANDTC; phát huy tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống TAND khi sử dụng xe ô tô phục vụ công tác, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí.

Theo Quy chế, xe ô tô phục vụ chức danh là loại ô tô có từ 5 đến 7 chỗ ngồi; xe ô tô phục vụ công tác chung là loại xe 7 đến 45 chỗ ngồi, loại xe có từ 1 đến 2 cầu chủ lực; xe ô tô chuyên dùng được hiểu là xe ô tô có một cầu chủ lực 7 chỗ ngồi, loại xe có 2 cầu chủ lực 7 chỗ ngồi, loại xe ô tô có một cầu chủ lực 16 chỗ ngồi, 30 chỗ ngồi và 45 chỗ ngồi.

Đối với chủng loại xe, nhãn hiệu xe, màu sơn của xe, căn cứ vào tình hình thực tế của nhà sản xuất cung ứng ra thị trường tại thời điểm trang bị do Chánh án TANDTC quyết định.

Các xe này sau khi mua từ nhà sản xuất đưa vào lưu hành thì gắn biểu tượng logo của TAND hai bên cửa trước xe với đường kính logo là 20cm với ô tô 7 chỗ ngồi, 25 cm đối với xe ô tô 16 chỗ ngồi.

Nguyên tắc quản lý sử dụng xe ô tô: Xe ô tô phải được sử dụng đúng mục đích, công năng, tiêu chuẩn, định mức và đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm, theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp một cán bộ giữ nhiều chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thì được áp dụng tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô theo chức danh cao nhất. Khi người tiền nhiệm nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác mà xe ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thay thế theo quy định thì người mới được bổ nhiệm tiếp tục sử dụng, không trang bị xe mới.

Quy định cụ thể trách nhiệm cá nhân khi được giao quản lý sử dụng xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng, đi đôi với việc phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quản lý sử dụng tài sản của đơn vị.

Nghiêm cấm việc sử dụng xe ô tô vào việc riêng, bán, trao đổi, tặng, cho mượn, cho thuê hoặc điều chuyển cho bất cứ tổ chức cá nhân nào nếu không được phép của cấp có thẩm quyền.

Về chế độ sử dụng xe ô tô phục vụ công tác: Xe ô tô phục vụ Chánh án TANDTC, Phó Chánh án TANDTC, Thẩm phán TANDTC và các chức vụ có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ một 1,25 trở lên được Nhà nước bố trí sử dụng xe ô tô theo nhu cầu công tác.

Cán bộ, lãnh đạo có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 và các đối tượng khác khi có nhu cầu sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng thì thủ trưởng các đơn vị căn cứ vào số lượng xe ô tô hiện có trong từng thời điểm quyết định bố trí xe ô tô phục vụ công tác cho đối tượng này, bảo đảm đúng quy định và hiệu quả.

Đối với xe ô tô chuyên dùng trang bị cho TAND cấp huyện, Chánh án TAND cấp tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn TAND cấp huyện trong việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô chuyên dùng theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công và các văn bản hiện hành của Nhà nước, của TANDTC, đồng thời chấp hành chế độ báo cáo định kỳ hàng năm và đột xuất theo quy định.

Chánh án TAND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án TANDTC về quản lý sử dụng xe ô tô chuyên dùng đúng mục đích, an toàn, hiệu quả theo quy định của pháp luật và quy chế này.

Quy chế còn quy định về trách nhiệm của đơn vị, bộ phận được giao nhiệm vụ quản lý xe ô tô; phân công lái xe ô tô; trách nhiệm của lái xe khi quản lý vận hành xe ô tô; trách nhiệm của cá nhân, bộ phận sử dụng xe ô tô; về bảo dưỡng; quản lý xe; định mức cấp phát nhiên liệu; hạch toán, báo cáo kiểm kê, tính hao mòn xe ô tô và xử lý vi phạm trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

THÁI VŨ