Chánh án TANDTC biểu dương thành tích của Học viện Tòa án

Ngày 16/11, Học viện Tòa án tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2018. PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự, Chánh án TANDTC đến dự lễ kỷ niệm và biểu dương, ghi nhận thành tích của các thầy cô giáo, của tập thể Học viện.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thầy, các cô, đến toàn thể giáo viên Học viện Tòa án, các em học viên, sinh viên và các vị đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Chánh án chia sẻ: Bản thân tôi cũng đã nhiều năm đứng trên bục giảng, nên cảm nhận được những tình cảm hân hoan trong những ngày này.

 

TS Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TANDTC, Giám đốc Học viện phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

 

Sau khi điểm lại những thành tích của Học viện, Chánh án nhận xét: Trong những năm qua, với nhiều khó khăn phải vượt qua, thầy trò Học viện đã làm được rất nhiều việc, đã tuyển sinh được ba khóa đại học; nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán và các chức danh Tòa án. Trong đó, chất lượng giảng dạy và đào tạo ngày càng được nâng lên.

Những năm tiếp theo, khó khăn vẫn còn nhiều do Học viện còn non trẻ, đội ngũ giảng viên còn mỏng, Chánh án mong rằng Học viện tiếp tục cố gắng hơn nữa. Chánh án bày tỏ niềm tin tưởng, Học viên chắc chắn sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra, ngày càng khẳng định vị thế của mình trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, nhất là trong khối các trường chuyên ngành pháp luật.

Nhân dịp này Chánh án đã trao tặng Bằng khen cho bảy giảng viên kiêm chức là các TS Luật học của TAND đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đào tạo của Học viện trong những năm qua.

 

TS Nguyễn Văn Điệp – Phó Giám đốc Học viện đọc diễn văn.

 

Trước đó, diễn văn tại Lễ kỷ niệm do TS Nguyễn Văn Điệp – Phó Giám đốc Học viên trình bày đã điểm lại lịch sử ngày 20/11. Tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (Pháp), lấy tên là Liên hiệp quốc tế các Công đoàn giáo dục (FISE). Năm 1949, tại một hội nghị ở Vasava (Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các Công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các Nhà giáo”, với nội dung chủ yếu là đấu tranh với nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục mới, trong đó bảo vệ các quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao vai trò, vị trí của nghề dạy học và nhà giáo. Công đoàn giáo dục Việt Nam là thành viên của Liên hiệp quốc tế các Công đoàn giáo dục từ năm 1953 đã tham gia cuộc họp tại Thủ đô Ba Lan năm 1957, thống nhất lấy ngày 20/11/1958 là ngày Lễ “Hiến chương các nhà giáo”. Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT chính thức lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Lễ mang tên “Ngày Nhà giáo Việt Nam”.

Từ đó, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm trở thành ngày hội của các thế hệ thầy, trò; là dịp để các thế hệ học trò tỏ lòng biết ơn, ghi nhớ công lao của những người làm thầy, luôn hết lòng với học sinh vì sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ngày 20/11 hàng năm đã là dịp để chúng ta phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”, để các thế hệ học trò bằng nhiều hành động tốt đẹp tri ân đến các thầy giáo, cô giáo.

Nhân dịp này, thay mặt tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động Học viện Tòa án, TS Nguyễn Văn Điệp bày tỏ lòng biết ơn về sự quan tâm của lãnh đạo TANDTC, các Thẩm phán TANDTC, lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC, lãnh đạo Tòa án các địa phương trong cả nước, các cơ sở đào tạo cùng bạn bè quốc tế, Tổ chức hợp tác quốc tế Koica Hàn Quốc và các cơ sở giáo dục, tổ chức quốc tế đã tích cực giúp đỡ Học viện Tòa án trong những năm vừa qua; cảm ơn các quý vị đại biểu đã đến chung vui và chúc mừng Học viện Tòa án; cảm ơn các em học viên, sinh viên đã không ngừng phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thể hiện tình cảm tốt đẹp và trân trọng nhất gửi tới các thầy, cô giáo nhân ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa này.

Nói về nhiệm vụ của Học viện, TS Nguyễn Văn Điệp nêu rõ: Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cử nhân luật, đào tạo cán bộ nguồn của các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp; bồi dưỡng cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch”. Nhiệm vụ cải cách tư pháp, cũng như các quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đòi hỏi chất lượng đội ngũ nhân lực của các Tòa án phải được nâng cao về mọi mặt. Học viện Tòa án đã xác định cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán và các chức danh Tòa án, thì việc đào tạo hệ đại học chính quy để tạo nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ hệ thống Tòa án là hai nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược lâu dài.

 

Một tiết mục văn nghệ của thầy trò Học viện Tòa án – Ảnh NAT

 

Với bề dày lịch sử xây dựng và phát triển, Học viện Tòa án đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực, cố gắng vươn lên và đã đạt được nhiều thành tích rất đáng tự hào, góp phần không nhỏ vào thành tựu chung của hệ thống TAND. Học viện Toà án đã và đang thực hiện tốt hai chức năng là đào tạo, bồi dưỡng của mình, tiến tới đào tạo sau đại học. Điều này, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của Học viện trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ Toà án trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, thực hiện quyền tư pháp trong tình hình mới.

Thành tích Học viện Tòa án đạt được trong những năm qua, không thể không kể đến những đóng góp to lớn của các thầy giáo cô giáo; đặc biệt là các thầy giáo cô giáo là giảng viên kiêm chức, giảng viên thỉnh giảng. Mặc dù còn bận rất nhiều công việc tại cơ quan công tác, nhưng các thầy cô đã quan tâm, dành thời gian để truyền đạt những kiến thức tâm huyết đến học viên, sinh viên của Học viện Tòa án. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, ông mong muốn tất cả quý thầy, quý cô tiếp tục dành tình cảm, đem hết trí tuệ, tình thương yêu của mình để đóng góp nhiều hơn nữa cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Tòa án trong thời gian tới.

Diễn văn cũng thể hiện mong muốn tập thể cán bộ, giảng viên, người lao động của Học viện luôn phát huy khối đoàn kết vững chắc, chung sức, chung lòng cùng nhau xây dựng Học viện Tòa án ngày càng phát triển vững mạnh; khẳng định vị trí, vai trò của Học viện Tòa án trong hệ thống TAND và hệ thống các cơ sở giáo dục đào tạo của đất nước.

 

HÙNG LAN -THANH THỦY