“Hai người khổng lồ trong một căn phòng” và lần đầu tiên trong lịch sử APEC không ra được thông cáo chung

"Các lãnh đạo APEC thống nhất sẽ không ra tuyên bố chung như truyền thống. Thay vào đó, Papua New Guinea sẽ ra thông báo với vai trò nước chủ nhà, thay mặt cho các nền kinh tế thành viên tham dự hội nghị lần này", đại diện phái đoàn Trung Quốc Zheng Xiaolong đã phát biểu trong lễ bế mạc hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26.

Hội nghị thượng đỉnh tại Papua New Guinea năm nay được đánh dấu bởi sự đối đầu trực diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong bối cảnh tranh giành ảnh hưởng tại khu vực.
Trước đó, theo tuyên bố ngày 14.11 của Bộ Ngoại giao Mỹ, tại cuộc họp, Mỹ sẽ tái khẳng định cam kết duy trì, củng cố một khu vực Ấn Độ Dương tự do và mở cửa, dựa trên luật lệ rõ ràng và tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Tại cuộc họp thứ ba ở Singapore ngày 15.11, “Bộ tứ kim cương” (QUAD) bàn luận cách đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như một cuộc họp bên lề của hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS 2018).

Nhóm cũng cẩn trọng thuyết phục các nước Đông Nam Á, rằng đây không phải chiến lược kiềm chế Trung Quốc, mà là một sự cân bằng với Trung Quốc. Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết: Úc xem QUAD là một cơ chế quan trọng ở khu vực, có thể hợp tác về kinh tế, quân sự và chiến lược.

Tại Hội nghị APEC, trước những màn đấu khẩu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề thương mại hay sự chia rẽ giữa các nền kinh tế về chính sách hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa, cũng như sự cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc lớn, lãnh đạo nhiều nền kinh tế thành viên APEC đã kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ trong khu vực để đối phó với các thách thức.

Cuộc họp cấp cao hai ngày với sự tham dự của lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên là cơ hội để thảo luận các thách thức kinh tế cũng như cơ hội tăng trưởng cho khu vực.

Phát biểu tại phiên họp ngày thứ 2, Thủ tướng Papua New Guinean Peter O’Neill khẳng định, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với hàng loạt các thách thức và hợp tác cùng nhau là giải pháp để vượt qua những thách thức này.

Ông O’Neill nói: “Chúng tôi đánh giá cao sự tham gia của quý vị tại Hội nghị cấp cao lần này. Điều này không chỉ mang lại hi vọng cho người dân Papua New Guinea mà còn hi vọng cho cộng đồng toàn cầu, đặc biệt khu vực châu Á Thái Bình Dương. Để làm được điều này thì chúng ta cần phải tăng cường sự hợp tác giữa các nước, các nền kinh tế. Thách thức đang ở phía trước và chúng ta có thể giải quyết nếu hợp tác cùng nhau”.

Lời kêu gọi của Thủ tướng nước chủ nhà được đưa ra khi Hội nghị bị bao phủ  bởi sự căng thẳng của Trung- Mỹ mà mở đầu là màn tranh cãi kịch liệt  về chính sách thương mại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 17/11 đã đưa ra lời cảnh báo đầy ẩn ý nhắm đến chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump khi cho rằng, các quốc gia đang theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ chắc chắn sẽ thất bại.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đáp lại rằng Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng sức ép thuế quan cho đến khi Trung Quốc thay đổi hành động. Theo một nhà ngoại giao tham gia vào đàm phán Tuyên bố APEC, thương mại là một vấn đề căng thẳng và nước chủ nhà đã đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tìm ra ngôn ngữ chung được sự chấp nhận của tất cả các nền kinh tế tham gia.

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh chiều ngày 18/11, lần đầu tiên trong lịch sử APEC, các nhà lãnh đạo 21 quốc gia và nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương không ra được thông cáo chung.

Thủ tướng Papua New Guinea, ông Peter O’Neill cho biết sẽ ra thông cáo tổng kết hội nghị trong những ngày tới, đồng thời khẳng định APEC đang tìm cách bảo đảm hoạt động thương mại “tự do và cởi mở” trước năm 2020.

Thủ tướng Papua New Guinea chỉ phát biểu ngắn gọn với báo chí : “Quý vị biết đó, có hai người khổng lồ trong một căn phòng. Tôi biết nói gì hơn ?”. Còn thủ tướng Canada Justin Trudeau nhìn nhận đã có những quan điểm khác biệt, nhất là về thương mại.

Ngoại trưởng Papua New Guinea Rimbink Pato cho biết xung đột về tầm nhìn khiến các thành viên không thể thống nhất dự thảo tuyên bố chung, nhất là khi Bắc Kinh và Washington hé lộ những tham vọng cạnh tranh tầm ảnh hưởng trong khu vực, đồng thời không có dấu hiệu giải quyết chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.

 

NGUYỄN TIẾN DŨNG (tổng hợp)