Bị cáo có mấy tiền sự?

Người có tiền sự là người đã bị kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, mà người này chưa được xóa kỷ luật, chưa được xóa việc xử phạt hành chính. Xác định đúng tiền sự có liên quan đến quyết định hình phạt, nhưng trong thực tế nhiều trường hợp khó thống nhất về tiền sự của bị cáo.

1. Tình huống pháp lý

Ngày 13/01/2014, Trần Văn Nghĩa bị Công an thị trấn C, huyện C, tỉnh T ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 78/QĐ-XPVPHC về hành vi đánh nhau với người khác, phạt Nghĩa số tiền là 750.000 đồng.

Ngày 07/8/2014, Trần Văn Nghĩa bị Công an thị trấn C, huyện C, tỉnh T ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 158/QĐ-XPVPHC về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, phạt Nghĩa số tiền là 375.000 đồng.

Ngày 13/1/2015, Nghĩa đã chấp hành xong quyết xử phạt vi phạm hành chính số 158/QĐ-XPVPHC, tính đến nay, Nghĩa vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 78/QĐ-XPVPHC.

Ngày 05/5/2016, Trần Văn Nghĩa bị Ủy ban nhân dân thị trấn C, huyện C, tỉnh T ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 47/QĐ-XPVPHC về xâm hại sức khỏe của người khác, phạt Nghĩa số tiền là 2.500.000 đồng, Nghĩa chưa chấp hành xong quyết định xử phạt này.

Ngày 25/4/2017, Nghĩa đã dùng dao gây thương tích đối với chị Trần Thị Giàu. Theo kết luận giám định thì chị Giàu bị tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 5%. Và Nghĩa đã bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội cố ý gây thương tích nhưng khi xác định tiền sự đối với bị cáo Nghĩa, các cơ quan tố tụng tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về xác định tiền sự đối với bị cáo.

2. Bị cáo có mấy tiền sự?

Quan điểm thứ nhất: Quan điểm này cho rằng bị cáo có hai tiền sự gồm:

Tiền sự thứ nhất: Bị cáo bị xử phạt vi phạm hành chính vào ngày 13/01/2014 về hành vi đánh nhau với người khác nhưng bị cáo chưa thi hành quyết định này, chưa hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính này và bị cáo đã tái phạm hành vi vi phạm hành chính vào ngày 13/01/2015.

Tiền sự thứ hai: Bị cáo bị xử phạt vi phạm hành chính vào ngày 05/5/2016 về hành vi xâm hại sức khỏe của người khác nhưng tính đến thời điểm bị cáo phạm tội (25/4/2017), chưa hết thời hiệu 01 năm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bị cáo không chấp hành quyết định này nên bị cáo bị tính là có tiền sự trong lần vi phạm này là hoàn toàn phù hợp.

Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả): Bị cáo chỉ có một tiền sự thuộc tiền sự thứ hai của quan điểm thứ nhất. Bởi vì các lẽ sau:

Khoản 1, Điều 7 của Luật xử lý vi phạm hành chính đã quy định các trường hợp được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính để làm xác định tiền sự như sau:

Một là, Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Hai là, Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác (khác quyết định xử phạt cảnh cáo) mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ba là, Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính nếu hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, trong trường hợp này, căn cứ để xác định tiền sự của bị cáo là việc xác định bị cáo có tái phạm trong thời hạn theo quy định pháp luật hay không?

Quan điểm thứ nhất xác định bị cáo vẫn có một tiền sự đối với hành vi vi phạm lần thứ nhất (ngày 13/01/2014) là vì quan điểm này chỉ xác định trong bối cảnh giữa hai lần vi phạm thứ nhất và lần vi phạm thứ hai (ngày 07/8/2014). Nên tại thời điểm lần vi phạm thứ hai, họ đã cho rằng bị cáo đã có hành vi tái phạm theo khoản 5 Điều 2 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc tách bạch từng hành vi như quan điểm thứ nhất để tính tiền sự đối với bị cáo là không chính xác. Vì khi xác định tiền sự của bị cáo, chúng ta cần xem xét một cách toàn diện quá trình vi phạm của bị cáo theo nguyên tắc tính thời gian ngược về trước tính từ thời điểm phạm tội.

Trong trường hợp này, bị cáo phạm tội vào ngày 25/4/2017, trước đó bị cáo đã vi phạm hành chính lần ba vào ngày 05/5/2016, trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng bị cáo không chấp hành và đã thực hiện hành vi phạm tội nên lần vi phạm thứ ba này được tính là một tiền sự.

Thời gian vi phạm lần ba là ngày 05/5/2016 và lần vi phạm lần 2 là ngày 07/8/2014 và bị cáo đã chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính lần hai vào ngày 13/01/2015 nên bị cáo không có tiền sự trong lần vi phạm lần hai vì thời điểm bị cáo chấp hành xong quyết định xử phạt đến thời điểm vi phạm lần ba đã hơn thời hạn một năm; trường hợp này, bị cáo được xem là chưa bị xử lý vi phạm hành chính. Do lần vi phạm thứ hai, bị cáo được xem là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, nghĩa là lần vi phạm thứ hai của bị cáo đã được “xóa” nên yếu tố tái phạm của lần vi phạm thứ nhất để làm căn cứ xác định tiền sự không còn. Do đó, lần vi phạm thứ nhất của bị cáo không được xác định là tiền sự.

Tác giả rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp và đọc giả.

HUỲNH MINH KHÁNH ( TAND huyện Cái Bè, Tiền Giang)