Cứu vợ bị bắt cóc chồng gây án mạng – Được phép phòng vệ chính đáng

Sau khi nghiên cứu bài viết “Cứu vợ bị bắt cóc, chồng đâm chết hung thủ sẽ bị tội gì?”, tôi cho rằng người chồng được phép phòng vệ chính đáng.

Theo điều tra ban đầu, trưa ngày 15/11, một nhóm người đi trên xe 7 chỗ đứng trước quán cà phê Nam Giao ven quốc lộ 53, xã Long An, huyện Long Hồ, Vĩnh Long rồi vào bên trong khống chế, bắt giữ nữ chủ quán tên Võ Thị Thúy Hằng (29 tuổi) để đưa lên xa tẩu thoát. Lúc này, chồng chị Hằng là anh Trần Ngoại Giao đang hái dừa phía sau vườn nghe thấy tiếng vợ la hét nên lao ra giải cứu.

Bị nhóm đối tượng chống trả bằng cách xịt hơi cay vào mặt nên anh Giao cầm chĩa sắt dài 1,3m đâm về phía đối phương khiến N.M.T (30 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tử vong tại chỗ và một người khác bị thương phải nhập viện cấp cứu. Sau đó, anh Giao đến cơ quan Công an đầu thú.

Qua nghiên cứu nội dung vụ án, tôi có ý kiến trao đổi như sau:

Theo như khoản 1Điều 22 BLHS “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải tội phạm.”

Dấu hiệu về cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ chính đáng là khi có hành vi xâm phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại. Khi có cơ sở cho phép phòng vệ, người phòng vệ có quyền chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm ngay cả trong trường hợp có biện pháp khác tránh được hành vi này. Hành vi chống trả này phải nhằm vào người đang có hành vi xâm phạm. Sự chống trả của người phòng vệ là sự chống trả cần thiết. Phòng vệ chính đáng không đòi hỏi phương pháp, phương tiện người phòng vệ được phép sử dụng phải giống như phương pháp, phương tiện người có hành vi xâm phạm sử dụng.

Như vụ việc trên, anh Giao thực hiện hành vi đâm chết người trong hoàn cảnh vợ anh (chị Hằng) đang bị tấn công, khống chế, đưa lên ô tô. Anh Giao đến ngăn cản thì bị các đối tượng đánh trả, xịt hơi cay nên đã chống trả. Ở đây, nhóm đối tượng đã thực hiện hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng anh (quyền nhân thân), hành vi bắt cóc người và hành vi chống trả của anh Giao vào đúng lúc các đối tượng đang có hành vi xâm hại quyền và lợi ích của vợ chồng anh, cũng đúng thời điểm hành vi tấn công xảy ra. Hơn nữa, sự chủ động, tương quan lực lượng, công cụ phương tiện… của nhóm đối tượng hơn hẳn người phòng vệ chính đáng.

Trong trường hợp như vậy, sự chống trả của anh Giao là cần thiết, được phép thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ  quyền lợi của mình.

Nếu anh Giao vì mục tiêu bảo vệ sự an toàn tính mạng, sức khỏe của bản thân và vợ mình, mà có hành vi chống trả, dẫn đến chết người, thì tính chính đáng của hành vi phòng vệ, đã triệt tiêu tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó.  Tôi cho rằng, với diễn biến sự việc, hành động chống trả này là cần thiết.

Tuy nhiên, nếu chứng minh được anh Giao chủ ý giết hại các đối tượng tấn công thì mới có dấu hiệu của tội phạm “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” vì theo quy định tại khoản 1 Điều 126 BLHS.

Khi đó, hành vi của anh Giao xâm phạm đến tính mạng người có hành vi tấn công mình, cụ thể hành vi của anh Giao xâm phạm đến tính mạng của N.M.T. Hành vi của anh Giao là trái pháp luật do đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Dấu hiệu “vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” ở đây anh Giao đủ cơ sở thực hiện quyền phòng vệ nhưng đã phòng vệ quá mức khi gây ra hậu quả chết người.

Nếu anh Giao chủ ý giết người là lỗi cố ý. Cố ý “cầm chĩa sắt dài 1,3m đâm về phía đối phương” mặc dù biết trước hậu quả sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tính mạng của người khác nhưng anh Giao vẫn thực hiện.

Trên đây là nội dung trao đổi của tôi về vụ án mong các độc giả đóng góp ý kiến để trao đổi.

VŨ VĂN HOÀNG (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân) –