Đương sự có dấu hiệu tâm thần nhưng không có yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự

Trong thực tiễn giải quyết án dân sự, có nhiều trường hợp đương sự có dấu hiệu tâm thần nhưng người thân của họ không có yêu cầu tuyên bố người đó bị mất năng lực hành vi dân sự. Điều này làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài cũng như không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Bên cạnh đó, để có thể tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì cần phải có kết luận giám định pháp y tâm thần[1], nếu trong trường hợp chưa có kết luận giám định pháp y tâm thần nhưng gia đình của người bị bệnh không hợp tác để giám định thì thủ tục pháp lý cho việc xem xét người bị bệnh tâm thần có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không gặp nhiều khó khăn. Điều này làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài cũng như không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Các hướng giải quyết

Để giải quyết vấn đề này, hiện tại có ba quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Cần đưa người giám hộ vào tham gia tố tụng dù chưa có quyết định tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự.

Quan điểm thứ hai: Tòa án cần tự xem xét đương sự có bị mất năng lực hành vi dân sự và yêu cầu người giám hộ của người bị mất năng lực hành vi dân sự phải chịu chi phí tố tụng.[2]

Quan điểm thứ ba: Tùy vào việc có đơn yêu cầu tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hay không mà Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hoặc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục chung.[3]

Thực tiễn xét xử cho thấy, quan điểm thứ ba được hầu hết các Tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án. Bởi lẽ, theo mục 6 phần IV của Giải đáp thắc mắc số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 6 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: “Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự năm 2015 thì khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

 Như vậy, khi có chủ thể cho rằng một người là đương sự trong vụ án mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án phải giải thích, hướng dẫn để họ thực hiện quyền yêu cầu tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự theo quy định nêu trên; trường hợp họ có yêu cầu và Tòa án thụ lý, giải quyết yêu cầu này thì Tòa án áp dụng điểm d khoản 1 Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; trường hợp họ không yêu cầu thì Tòa án giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục chung”.

Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng vào thực tiễn, quan điểm này cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhất là việc xét xử không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Bởi lẽ, nếu có đơn yêu cầu giám định nhưng Tòa án không thể giám định tâm thần do có sự ngăn cản của người thân người bị bệnh tâm thần thì vụ án sẽ bị tạm đình chỉ, thời gian giải quyết sẽ kéo dài; ngược lại nếu như Tòa án giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục chung thì không bảo vệ được quyền lợi của người bị bệnh tâm thần, do người bị bệnh tâm thần không thể tự trình bày lời khai, không thể cung cấp các chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đối với quan điểm thứ nhất, việc Tòa án chủ động đưa người giám hộ vào tham gia tố tụng dù chưa có quyết định tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự có ưu điểm là sẽ bảo đảm được quyền lợi của người bị bệnh tâm thần một cách triệt để hơn. Tuy nhiên, cách này cũng bộc lộ bất cập là dễ dẫn đến việc áp dụng một cách tùy tiện. Nếu thật sự người bị bệnh tâm thần chưa bị mất năng lực hành vi dân sự thì sẽ làm cho thủ tục giải quyết phức tạp, rườm rà.

Đối với quan điểm thứ hai, Tòa án cần tự xem xét đương sự có bị mất năng lực hành vi dân sự và yêu cầu người giám hộ của người bị mất năng lực hành vi dân sự phải chịu chi phí tố tụng.

Để khắc phục bất cập của quan điểm thứ nhất, tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai khi cho rằng trường hợp này nên cho Tòa án có quyền tự xem xét đương sự có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không. Như vậy, sẽ tạo ra sự  linh hoạt trong quá trình áp dụng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Vấn đề đặt ra là ai phải chịu chi phí tố tụng và trong trường hợp người thân và người bị bệnh tâm thần không phối hợp cùng Tòa án đi giám định thì giải quyết như thế nào?

Về chi phí giám định, người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp. Cụ thể, Điều 36 Luật Giám định tư pháp quy định về Chi phí giám định tư pháp như sau: “Người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp[4]. Bên cạnh đó, Điều 159, Điều 160, Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định về tiền tạm ứng chi phí giám định, chi phí giám định, nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định và nghĩa vụ chịu chi phí giám định.

Như vậy, quan điểm thứ hai cho rằng yêu cầu người giám hộ của người bị mất năng lực hành vi dân sự phải nộp tạm ứng và chịu chi phí tố tụng là không khả thi nếu như người giám hộ không đồng ý giám định, cũng như không phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp này, cần áp dụng Điều 160 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015[5] để yêu cầu người giám định nộp[6], trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định trưng cầu giám định thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định. Còn nghĩa vụ chịu chi phí giám định thì phải áp dụng Điều 161 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015[7] để xử lý.

Nên áp dụng tương tự như việc giám định tâm thần trong tố tụng hình sự

 Thiết nghĩ, trong trường hợp này nên áp dụng tương tự như việc giám định tâm thần trong tố tụng hình sự. Như chúng ta đã biết, tại khoản 3 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 chỉ mới quy định các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định nhưng lại không có quy định nào về việc cưỡng chế giám định, điều này cũng đã dẫn đến khó khăn trong giải quyết khi phát sinh trường hợp người bị hại hoặc thân nhân của họ từ chối việc giám định, từ chối việc cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định dẫn đến tình trạng các cá nhân, cơ quan, tổ chức giám định không thể đưa ra được kết luận giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, đối với các tội mà kết luận giám định là nguồn chứng cứ trực tiếp để xem xét có khởi tố vụ án hay không (vụ án về vi phạm về an toàn giao thông, vụ án cố ý gây thương tích…).

Với quy định khi người bị hại từ chối giám định theo quyết định trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tụng mà không vì lí do chính đáng thì Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có thể ra quyết định dẫn giải đối với người đó trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015[8] đã đưa ra một giải pháp pháp lý quan trọng cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án.

Tương tự, Điều 78 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng có quy định về việc dẫn giải đối với người làm chứng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, cụ thể: “Phải có mặt tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại Tòa án, phiên tòa, phiên họp; trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.”. Quy định này góp phần làm cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

Do đó, để đảm bảo quyền lợi của người bị bệnh tâm thần (người bị yếu thế) trong quá trình giải quyết vụ án dân sự cũng như đảm bảo quyền lợi của các đương sự còn lại, cần áp dụng tương tự quy định nêu trên, cụ thể, cần bổ sung quy định mới: theo đó, pháp luật nên trao quyền cho Tòa án có quyền ra quyết định dẫn giải người bị bệnh tâm thần đi giám định. Dựa trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần nếu người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì Tòa án đưa người giám hộ của người bị tâm thần làm người đại diện của họ để tham gia tố tụng và bảo vệ quyền lợi của người bị bệnh tâm thần.

Trên đây là trao đổi của tác giả rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc và các đồng nghiệp.

 

 

[1] Khoản 1 Điều 22 BLDS năm 2015 quy định về Mất năng lực hành vi dân sự như sau: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”.

[2]https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xet-xu/giai-quyet-vu-an-co-nguoi-bi-tam-than-nhung-chua-co-quyet-dinh-tuyen-bo-mot-nguoi-bi-mat-nang-luc-hanh-vi-dan-su.

[3]https://kiemsat.vn/huong-dan-giai-quyet-truong-hop-duong-su-co-dau-hieu-tam-than-47032.html

[4]  Thông tư 35/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 21 tháng 3 năm 2014 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y tâm thần; Thông tư 31/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 14 tháng 10 năm 2015 quy định việc áp dụng chế độ bồi dưỡng, thời gian và số người thực hiện giám định đối với từng loại việc giám định pháp y, pháp y tâm thần.

[5] Điều 160. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định

 Trường hợp các đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí giám định được xác định như sau:

  1. Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.

Trường hợp các bên đương sự yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định về cùng một đối tượng thì mỗi bên đương sự phải nộp một nửa số tiền tạm ứng chi phí giám định.

  1. Trường hợp Tòa án xét thấy cần thiết và quyết định trưng cầu giám định thì nguyên đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định.
  2. Đương sự, người có yêu cầu giải quyết việc dân sự, người kháng cáo đã yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định mà không được chấp nhận và tự mình yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định thì việc nộp tiền tạm ứng chi phí giám định được thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp.

[6] Trong trường hợp có người yêu cầu giám định.

3 Điều 161. Nghĩa vụ chịu chi phí giám địnhTrường hợp các bên đương sự không có thỏa thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác thì nghĩa vụ chịu chi phí giám định được xác định như sau:

  1. Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người đó là không có căn cứ. Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu của họ chỉ có căn cứ một phần thì họ phải nộp chi phí giám định đối với phần yêu cầu của họ đã được chứng minh là không có căn cứ. 
  2. Người không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định của đương sự khác trong vụ án phải nộp chi phí giám định, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người yêu cầu trưng cầu giám định là có căn cứ. Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu trưng cầu giám định chỉ có căn cứ một phần thì người không chấp nhận yêu cầu trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định tương ứng với phần yêu cầu đã được chứng minh là có căn cứ. Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của Bộ luật này thì nguyên đơn phải chịu chi phí giám định.

Trường hợp đình chỉ giải quyết việc xét xử phúc thẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 289, khoản 3 Điều 296 của Bộ luật này thì người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải chịu chi phí giám định;

  1. Trường hợp người tự mình yêu cầu giám định theo quy định tại khoản 3 Điều 160 của Bộ luật này, nếu kết quả giám định chứng minh yêu cầu của người đó là có căn cứ thì người thua kiện phải chịu chi phí giám định. Trường hợp kết quả giám định chứng minh yêu cầu giám định của họ chỉ có căn cứ một phần thì họ phải nộp chi phí giám định đối với phần yêu cầu của họ đã được chứng minh là không có căn cứ; Đối với các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án khác theo quy định của Bộ luật này thì người yêu cầu trưng cầu giám định phải chịu chi phí giám định.

[8] Điều 127 BLTTDS năm 2015.

Ths. HUỲNH XUÂN TÌNH (TAND tỉnh Hậu Giang)