Hình thức Ủy quyền của cơ quan, tổ chức để thực hiện việc kháng cáo trong tố tụng dân sự

Công ty Luật TNHH Danalaw

      Kháng cáo là việc những người tham gia tố tụng đề nghị Tòa án cấp trên trực tiếp, xét lại bản án và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đang trong thời hạn kháng cáo nhằm đảm bảo cho họ có điều kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi Tòa án giải quyết vụ án[1].

     BLTTDS 2015 có 05 điều luật quy định về việc thực hiện quyền kháng cáo của đương sự đối với bản án/quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, cụ thể:     

     – Điều 271. Người có quyền kháng cáo

     – Điều 272. Đơn kháng cáo

     – Điều 273. Thời hạn kháng cáo

     – Điều 274. Kiểm tra đơn kháng cáo

     – Điều 275. Kháng cáo quá hạn và xem xét kháng cáo quá hạn

     Đối với trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác kháng cáo thì quy định như sau :

     – Khoản 4 Điều 272 BLTTDS 2015: “Người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của đương sự là cơ quan, tổ chức; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó, trường hợp doanh nghiệp kháng cáo thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật doanh nghiệp.

     Trường hợp người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền, của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó và văn bản ủy quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.”

     – Khoản 6, Điều 272 BLTTDS 2015: “Việc ủy quyền quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này phải được làm thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.”

     Như vậy, có thể hiểu hình thức ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức cho người khác kháng cáo được thực hiện như sau : (1) Lập văn bản ủy quyền có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công, (2) Văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, (3) Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền, của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó và văn bản ủy quyền. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

     Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện đã phát sinh vấn đề tranh cãi về quy định “việc ủy quyền phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công”.

     Ví dụ: Ngày 21/08/2017, người đại diện theo pháp luật của Công ty X lập giấy ủy quyền số 176 ủy quyền cho ông A thực hiện công việc sau: “Thay mặt bên ủy quyền làm, nộp và ký đơn kháng cáo bản án số 54/2017/DS-ST ngày 17/08/2017 của TAND Quận H, thay mặt bên ủy quyền tham gia tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm”.

     Văn bản ủy quyền được người ủy quyền ký, đóng dấu công ty và người được ủy quyền ký tên.

     Ngày 29/08/2017, ông A làm Đơn kháng cáo đối với bản án số 54/2017/DS-ST theo nội dung ủy quyền.

     Đơn kháng cáo có chữ ký của ông A và đóng dấu Công ty X.

     Vấn đề đặt ra là việc hình thức ủy quyền kháng cáo tại ví dụ nêu trên của Người đại diện theo pháp luật của Công ty X cho ông A có phù hợp với quy định tại khoản 4, khoản 6 Điều 272 BLTTDS 2015. Hiện có 02 luồng quan điểm như sau :

     – Quan điểm thứ nhất: Công ty X là pháp nhân do đó khi ủy quyền cho ông A thực hiện việc kháng cáo thì trong văn bản ủy quyền chỉ cần người đại diện theo pháp luật của Công ty ký và đóng dấu công ty là hợp lệ không cần phải thực hiện việc công chứng, chứng thực. Do đó, Tòa án vẫn tiến hành thụ lý và giải quyết vụ án theo quy định.

     Quan điểm này, hiện nay được đa số các Tòa án chấp nhận khi xem xét việc kháng cáo.

     – Quan điểm thứ hai: Căn cứ vào quy định tại khoản 6, Điều 272 BLTTDS 2015 được viện dẫn ở trên thì mặc dù văn bản ủy quyền của Công ty X  ủy quyền cho ông A đã có ký tên của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu Công ty nhưng không thể được xem đã được “công chứng, chứng thực”. Bởi lẽ, việc công chứng/chứng thực được quy định như sau :

     + Khoản 1, Điều 2 Luật công chứng số 53/2014/QH13 giải thích như sau: Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

     + Điều 2 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch :

     Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

      Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.

       Chứng thực hợp đồng, giao dịch là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

     Như vậy, có đủ cơ sở để khẳng định việc Người đại diện theo pháp Công ty X ký tên và đóng dấu Công ty trong văn bản ủy quyền cho ông A là không hợp lệ, trái với quy định tại khoản 6, Điều 272 BLTTDS 2015. Điều này, kéo theo hậu quả pháp lý là việc kháng cáo của Công ty X do ông A được ủy quyền thực hiện không hợp lệ.

     Đối với 2 luồng quan điểm trên, tác giả nghiêng về quan điểm thứ hai và cho rằng cần thay đổi nhận thức đối với việc xem xét hình thức văn bản ủy quyền của Người đại diện của Công ty cho cá nhân khi tham gia tố tụng vì không phải đối với văn bản ủy quyền nào của Công ty cho cá nhân do Người đại diện theo pháp luật xác lập, ký tên và đóng dấu Công ty đều được mặc nhiên coi là hợp lệ và không cần xem xét.

     Rất mong nhận được sự góp ý, trao đổi của Ban biên tập và độc giả.

[1] Theo Từ điển Luật học

LÊ XUÂN CẢNH