Lái xe phạm tội gì?

Lái xe cho ô tô kéo theo rơ mooc, đỗ ở nơi có biển báo “Cấm dừng đỗ xe”, do buổi tối hạn chế tầm nhìn, một người đi mô tô đã tông vào rơ mooc ô tô dẫn đến tử vong. Lái xe phạm tội gì?

Nội dung vụ án

Khoảng 22 giờ 30 phút ngày 27/5/2017, Đinh Hữu Công điều khiển xe ô tô tải đầu kéo biển số 51C-720.16 kéo theo rơ mooc chở ghế gỗ từ Bình Định đi Tp. Hồ Chí Minh, trên xe có Trần Minh Tú đi nhờ xe. Khi đến Km 1425+100 quốc lộ 1A thuộc thôn Tân Khê, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa thấy biển báo “cấm dừng xe và đỗ xe” nhưng Công vẫn cho xe dừng lại đỗ xe sau biển báo vì cho rằng gần trạm thu phí có nhiều đèn điện nên tránh được việc mất trộm tài sản. Khoảng 00 giờ 10 phút ngày 28/5/2017, ông Nguyễn Ngọc Tuấn điều khiển xe mô tô biển số 79H1-339.76 hướng Ninh Hòa – Nha Trang tông vào sau rơmooc xe, ông Tuấn chết tại chỗ. Khi nghe tiếng động, Tú xuống xe thì thấy  ông Tuấn đã tắt thở, Công hoảng hốt điều khiển xe rời khỏi hiện trường. Đến ngày 29/5/2018 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã Ninh Hòa vào Tp Hồ Chí Minh làm việc thì Công mới thừa nhận hành vi của mình.

Tại bản kết luận giám định pháp y về tử thi số 213/TT-TTPY ngày 05/6/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Khánh Hòa xác định nguyên nhân tử vong của ông Nguyễn Ngọc Tuấn là do chấn thương sọ não.

Theo biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 28/5/2017 và biên bản dựng lại hiện trường ngày 01/6/2017 thì nơi xảy ra tai nạn là một đoạn đường đôi thẳng được mở rộng trong phạm vi trạm thu phí Ninh An có tầm nhìn xa tốt, mặt đường rải nhựa bằng phẳng có dải phân cách cứng cố định phân chia mặt đường thành hai chiều đường đi riêng biệt có chiều rộng mặt đường mỗi bên là 12,6m gồm 03 làn đường dành cho xe cơ giới dẫn vào cabin trạm thu phí và 01 làn đường dành cho xe 02 bánh rộng 2,2m đi qua trạm thu phí. Trong mặt đường nhựa bên phải có biển báo hiệu đường bộ “Cấm dừng xe và đỗ xe”.

Sau khi xảy ra tai nạn xe ôtô tải đầu kéo biển số 51C-720.16 kéo theo rơmooc biển số 51R-103.62 dừng trên mặt đường phía bên phải theo chiều đi Ninh Hòa – Nha Trang. Lần lượt từ tâm trục số I-IV bánh xe bên phải của ô tô vào mép mặt đường nhựa bên phải là 50cm, 45cm, 40cm, 40cm và 40cm; từ tâm trục số VI bánh xe sau bên phải xe ô tô đến biển báo hiệu đường bộ “Cấm dừng xe và đỗ xe” và tâm trục bánh xe trước xe mô tô 79H1-339.76 lần lượt là 4m và 2m.

Tại các biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông ngày 01/6/2017 ghi nhận:

– Rơmooc biển số 51R-103.62:  Thanh cản sau phía bên phải bị lực tác động đẩy lệch, cong từ sau ra trước, độ hở 22cm, bị biến dạng, nứt, gãy.

– Xe mô tô 79H1-339.76 có các bộ phận phía trước bị nứt, vỡ, biến dạng: dè chắn bùn, vành nan hoa; ốp nhựa, mặt nạ bảo vệ phần đầu xe vỡ hoàn toàn…

Viện kiểm sát nhân dân thị xã Ninh Hòa đã truy tố Đinh Hữu Công về tội: “Cản trở giao thông đường bộ” theo khoản 1, Điều 203 của BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).

Vụ án có hai quan điểm

Quan điểm thứ nhất: Đinh Hữu Công phạm tội: “Cản trở giao thông đường bộ” theo khoản 1, Điều 203 của BLHS năm 1999. Vì xe ô tô của Công đỗ trái phép làm che khuất tầm nhìn của ông Tuấn khiến ông Tuấn đâm vào đuôi xe ngã tử vong, do đó cần truy tố xét xử Công về tội danh “Cản trở giao thông đường bộ”

Quan điểm thứ hai cho rằng  Đinh Hữu Công phạm tội:  “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm c, khoản 2, Điều 202 Bộ luật hình BLHS 1999. Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai bởi những lý do sau:

– Thứ nhất, hành vi của Đinh Hữu Công đã vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ theo khoản 3 và khoản 4, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ như sau:… 3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết…”

Và tại Điều 19. Dừng xe, đỗ xe trên đường phố… “1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét…;2… Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định…

– Thứ hai, hành vi của Đinh Hữu Công đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của bị hại. Cụ thể tại mục 4, phần I Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS. Theo đó, các tình tiết “gây thiệt hại nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” được hướng dẫn như sau: “4.1 Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà  vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ nếu chỉ căn cứ vào thiệt hại xảy ra, thì gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1, Điều 202 BLHS quy định: a. Làm chết một người”…

Ngoài ra, tại khoản 1, Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 quy định: “Hành vi vi phạm về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS được hiểu là hành vi không thực hiện thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về chết người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 202 BLHS”

Đinh Hữu Công đã vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ vì khi cho xe ôtô dừng, đỗ tại nơi cấm dừng, đỗ và không có tín hiệu thông báo… Trong trường hợp này Công đã có lỗi, lỗi này cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả là anh Nguyễn Ngọc Tuấn chết là do chấn thương sọ não. Hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 202 BLHS năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009).

Đinh Hữu Công còn phải chịu tình tiết định khung theo quy định tại điểm “c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn” .

Do đó, Đinh Hữu Công phải bị truy tố và xét xử về tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm c, khoản 2, Điều 202 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) mới phù hợp.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý đồng nghiệp.

 

NGUYỄN HỮU ĐĂNG THANH ( TAND thị xã Ninh Hoà, Khánh Hòa)