Một số ý kiến trao đổi bài “Tranh chấp hôn nhân và gia đình hay dân sự? Xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án”

Sau khi đọc bài “Tranh chấp hôn nhân và gia đình hay dân sự? Xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 24/06/2019, trên cơ sở phân tích các quy định của pháp luật liên quan, tác giả có ý kiến trao đổi như sau:

 

Để các độc giả tiện theo dõi, chúng tôi xin được tóm tắt nội dung bài viết trao đổi đã đăng trên Tạp chí TAND điện tử:

Ông A và bà B chung sống với nhau từ năm 1982 tại huyện T, tỉnh X được hai bên gia đình đồng ý, có tổ chức lễ cưới nhưng không đăng ký kết hôn; ông A và bà B có hai con chung là C (sinh năm 1984) và D (sinh năm 1985). Năm 1997, ông A bỏ nhà lên thành phố L, tỉnh X làm việc. Bà B và các con vẫn sống tại huyện T.

Năm 2000, ông A chung sống với bà E tại thành phố L, tỉnh X và nhập hộ khẩu về nhà bà E. Bà B và các con không có ý kiến gì. Ông A và bà E có 2 con chung là G (sinh năm 2000) và H (sinh tháng 1/2001).

Quá trình chung sống ông A, bà B tạo lập được khối tài sản chung là diện tích 200 m2 liền kề với diện tích đất 500 m2 bà E có trước khi chung sống với ông A tại phường K thành phố L. Cả 2 diện tích đất này được cấp chung một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2009 cho hộ gia đình bà E.

Năm 2015, ông A chết, không có di chúc. Do cần tiền để làm ăn, bà E rao bán nhà, đất nhưng vì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình mà trong hộ khẩu gia đình có cả tên ông A nên bà E không thể bán được. Vì vậy, bà E khởi kiện bà B và các con của bà B và ông A là C, D ra Tòa án yêu cầu chia tài sản chung của bà và ông A.

Đối với tình huống trên các ý kiến đều thống nhất khi nhận định:

Ông A và bà B có quan hệ hôn nhân hợp pháp được thừa nhận, đây là trường hợp xác lập quan hệ vợ chồng trước ngày 03/01/1987[1].Việc chung sống như vợ chồng giữa ông A và bà E là hành vi bị cấm trong Luật HNGĐ 2000 và Luật HNGĐ 2014;

Bà E khởi kiện đối với bà B và C, D. Theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 thì bà B và C, D là bị đơn trong vụ án.

Đối với tình huống nêu trên vẫn còn các ý kiến trái chiều liên quan đến việc xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp là tranh chấp dân sự hay tranh chấp hôn nhân gia đình, cũng như xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, quan hệ giữa ông A và bà E được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật HNGD 2014), thuộc trường hợp không được Nhà nước thừa nhận là vợ chồng vì không đăng ký kết hôn. Nay bà E kiện yêu cầu chia tài sản của bà E và ông A, đây là quan hệ chia tài sản chung theo quy định tại Điều 16 Luật HNGĐ 2014. Do đó, cần xác định tranh chấp trong tình huống nêu trên là tranh chấp hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại Khoản 8 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) và theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 thì vụ án này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nơi cư trú của bị đơn, tức Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh X.

Cùng có quan điểm tương đồng với quan điểm thứ nhất, có ý kiến phân tích thêm về việc chung sống như vợ chồng giữa ông A và bà E (khi đang tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp giữa ông A và bà B) là vi phạm chế độ một vợ một chồng – là hành vi bị Luật HNGĐ 2014 cấm; khi bà E yêu cầu chia tài sản chung, mặc dù ông A đã chết nhưng việc giải quyết vẫn phải áp dụng quy định tại Điều 16 Luật HNGĐ 2014 để giải quyết. Yêu cầu chia tài sản chung của bà E được xác định là tranh chấp hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 8 Điều 28 BLTTDS 2015.

Thêm vào đó, ý kiến này nhận định Luật HNGĐ 2014 đang “trống” các quy định điều chỉnh quan hệ giữa ông A và bà E, bởi Điều 14 của Luật này khi quy định về “Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn” chỉ điều chỉnh các trường hợp “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn” theo quy định của Luật HNGĐ 2014 mà chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn, chứ không điều chỉnh mọi trường hợp không đăng ký kết hôn, và khoảng “trống” này đã được khắc phục bằng quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP (5): “Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) và có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết và áp dụng Điều 9 và Điều 14 của Luật Hôn nhân và gia đình tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ. Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật Hôn nhân và gia đình”. Nay bà E yêu cầu chia tài sản chung, mặc dù ông A đã chết nhưng việc giải quyết vẫn phải áp dụng quy định tại Điều 16 Luật HNGĐ 2014, cụ thể:

Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Quan điểm thứ hai cho rằng, bà E và ông A là quan hệ hôn nhân không được Nhà nước bảo hộ – bà E và ông A không được nhà nước công nhận là vợ chồng. Nay ông A đã chết, bà E khởi kiện đây là tranh chấp quyền tài sản là tranh chấp dân sự theo quy định tại khoản 2 Điều 26 BLTTDS 2015, mà đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất – bất động sản. Điểm c khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 quy định: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Do đó, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND thành phố L, tỉnh X.

Quan điểm của tác giả bài viết: Cần xem xét các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa ông A và bà E trong hai trường hợp phân biệt khi ông A còn sống và khi ông A đã chết để xác định đúng quan hệ pháp luật có tranh chấp và thẩm quyền giải quyết.

Chúng tôi đồng tình với nhận định rằng quan hệ giữa bà E và ông A không được công nhận là vợ chồng, thuộc trường hợp không được Nhà nước thừa nhận là vợ chồng vì không đăng ký kết hôn. Tuy nhiên chúng tôi không đồng tình với quan điểm thứ nhất khi nhận định yêu cầu chia tài sản chung của bà E được xác định là tranh chấp hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 8 Điều 28 BLTTDS 2015. Theo chúng tôi trường hợp trên cần xác định là tranh chấp dân sự theo quy định tại khoản 2 Điều 26 BLTTDS 2015.

Thứ nhất, chúng tôi không đồng tình với ý kiến nhận định rằng tồn tại khoảng “trống” trong L.HNGĐ năm 2014 khi điều chỉnh các trường hợp không đăng ký kết hôn mà có vi phạm thêm một hoặc các điều kiện kết hôn khác. Cụ thể, Khoản 1 Điều 9 L.HNGĐ năm 2014 đã quy định  “Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý”, đồng thời Khoản 2 Điều 53 L.HNGĐ năm 2014 có quy định rõ : “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”. Như vậy, Luật HNGĐ 2014 đã quy định hậu quả pháp lý đối với mọi trường hợp nam nữ không đăng ký kết hôn (không phân biệt có vi phạm thêm các điều kiện kết hôn khác hay không), bao gồm: (1) về quan hệ nhân thân, giữa hai bên nam nữ không được công nhận là vợ chồng; (2) về quan hệ tài sản, giữa hai bên nam nữ không tồn tại chế độ tài sản chung hợp nhất của vợ chồng; (3) về quan hệ nuôi con và cấp dưỡng nuôi con vẫn được giải quyết tương tự trường hợp cha mẹ ly hôn. Ngoài ra, để hướng dẫn L.HNGĐ 2014 về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, Khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP cũng đã có quy định cụ thể như đã nêu ở trên.

Thứ hai, chúng tôi cho rằng, để xác định đúng yêu cầu của bà E là tranh chấp dân sự hay hôn nhân gia đình, cần xem xét các quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ giữa ông A và bà E trong hai trường hợp phân biệt khi ông A còn sống và khi ông A đã chết, từ đó mới xác định được đúng quan hệ pháp luật có tranh chấp đối với tình huống trên.

Trường hợp ông A còn sống, quan hệ giữa ông A và bà E là quan hệ được Luật HNGĐ 2014 điều chỉnh ở cả ba khía cạnh: quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản, và quan hệ giữa cha mẹ và con. Tranh chấp giữa ông A và bà E phát sinh về các quan hệ này là những bất đồng giữa họ về thực hiện quyền và nghĩa vụ về nhân thân; về chiếm hữu, sử dụng định đoạt tài sản chung giữa họ; về việc nuôi con chung và trách nhiệm cấp dưỡng, cụ thể như sau:

Về quan hệ nhân thân giữa hai bên nam nữ, ông A và bà E không được công nhận là vợ chồng. Giữa hai bên nam nữ không được công nhận là vợ chồng nên họ không có quyền đòi hỏi đối phương phải có các nghĩa vụ nhân thân như chung thủy, giúp đỡ, chia sẻ về tình cảm…. Quan hệ nhân thân này chỉ đặt ra khi hai bên nam nữ còn sống. Thực tế xét xử cho thấy đương sự thường có yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu không công nhận quan hệ hôn nhân, có kèm theo tranh chấp về tài sản và con hoặc chỉ một trong hai hoặc không có tranh chấp về tài sản và con. Chúng tôi cho rằng đây là tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc Khoản 8 Điều 28 BLTTDS 2015, bởi giữa hai bên nam nữ không có sự kiện pháp lý đăng ký kết hôn nên quan hệ nhân thân giữa họ phải do Tòa án xét xử có được công nhận hay không công nhận quan hệ vợ chồng, từ đó mới có cơ sở xác định quan hệ tài sản giữa họ do pháp luật hôn nhân gia đình điều chỉnh về quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, hay do pháp luật dân sự điều chỉnh quan hệ tài sản giữa hai cá nhân thuần túy. Tuy nhiên, thực tế xét xử của Tòa án cho thấy, khi xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp, các Tòa thường áp dụng Khoản 1 Điều 28 BLTTDS 2015 xác định đây là tranh chấp về ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, đặc biệt khi đương sự có yêu cầu về ly hôn, trên cơ sở áp dụng Khoản 2 Điều 53 L.HNGĐ năm 2014 theo đó “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng …..”. Có thể thấy quy định này chỉ  quy định Tòa án thụ lý để giải quyết, nhưng thụ lý về tranh chấp nào trong các loại tranh chấp về hôn nhân và gia đình thì không nói rõ. Trong khi đó, tranh chấp về ly hôn quy định tại Khoản 1 Điều 28 BLTTDS 2015 được hiểu là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng hợp pháp ( Khoản 14 Điều 3 Luật HNGĐ 2014), giữa hai vợ chồng tồn tại chế độ tài sản chung của vợ chồng, đồng thời quy định về chia tài sản chung của vợ chồng được áp dụng khi ly hôn hoặc khi hôn nhân còn tồn tại để giải quyết tranh chấp về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung hợp nhất giữa các bên. Trong khi trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn sẽ không được áp dụng các quy định về căn cứ xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân cũng như các quy định về chia tài sản chung của vợ chồng, mà áp dụng pháp luật dân sự để điều chỉnh. Do đó, trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn hoặc yêu cầu không công nhận quan hệ hôn nhân, cần xác định đây là tranh chấp thuộc Khoản 8 Điều 28 BLTTDS 2015 mới thống nhất với các quy định của L. HNGĐ 2014.

Về quan hệ tài sản, giữa hai bên nam nữ không đăng ký kết hôn không tồn tại chế độ tài sản chung của vợ chồng, do đó không được áp dụng các căn cứ xác lập tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng cũng như các quy định về chia tài sản chung khi vợ chồng ly hôn để giải quyết tranh chấp về tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa họ. Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của hai bên nam nữ dựa trên quy định của pháp luật dân sự, nhưng việc chia các tài sản chung giữa họ (nếu có,) giải quyết về nghĩa vụ, hợp đồng đối với bên thứ ba… vẫn phải đảm bảo nguyên tắc của L.HNGĐ năm 2014 tại Điều 14 Khoản 2: “Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập”. Khi hai bên nam nữ sống trong mối quan hệ được nhận định là “nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn” thì họ đã có thể thực hiện với nhau các hoạt động để duy trì đời sống chung, cũng như thực hiện các quyền nghĩa vụ với con chung bằng tài sản của họ, do đó, việc giải quyết quan hệ tài sản giữa họ không thể thuần túy như giải quyết quan hệ tài sản giữa hai cá nhân trong quan hệ dân sự. Vì vậy, trong trường hợp các bên nam nữ còn sống và có tranh chấp giữa họ về tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng, cần xác định tranh chấp này là tranh chấp về hôn nhân gia đình để giải quyết, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của phụ nữ và trẻ em trên cơ sở nguyên tắc của Luật HNGĐ. Tranh chấp về tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa hai bên nam nữ được xác định là tranh chấp quy định tại Khoản 7 Điều 28 BLTTDS năm 2015 nếu giữa họ chỉ có yêu cầu về tài sản mà không có yêu cầu về nhân thân, hoặc tranh chấp quy định tại Khoản 8 Điều 28 BLTTDS năm 2015 nếu họ có yêu cầu về nhân thân đồng thời có yêu cầu về tài sản. Việc xác định loại tranh chấp về tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa hai bên nam nữ là loại tranh chấp về hôn nhân gia đình cũng nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả nghĩa vụ cấp dưỡng (nếu có) của bên không trực tiếp nuôi con.

Ngoài ra, giữa hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không tồn tại quan hệ tài sản chung hợp nhất của vợ chồng nên không đặt ra vấn đề “chia tài sản chung khi chấm dứt quan hệ như vợ chồng” hay “chia tài sản chung khi một bên chết trước” như trường hợp quan hệ hôn nhân hợp pháp.

Về việc nuôi con chung và trách nhiệm cấp dưỡng, đối với trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn, tranh chấp về việc ai là người trực tiếp nuôi con chung và nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ đặt ra khi cả hai bên nam nữ đều còn sống và con chung dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Tranh chấp về nuôi con và cấp dưỡng được xác định là tranh chấp về hôn nhân và gia đình quy định tại Khoản 7 Điều 28 BLTTDS 2015 nếu giữa họ chỉ có yêu cầu về quan hệ nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng mà không có yêu cầu về quan hệ nhân thân của hai bên nam nữ, hoặc trên cơ sở áp dụng Khoản 8 Điều 28 BLTTDS năm 2015 nếu họ có yêu cầu về nhân thân đồng thời có yêu cầu về quan hệ nuôi con và cấp dưỡng nuôi con.

Như vậy, đối với trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, nếu cả hai bên nam nữ đều còn sống, tranh chấp về quan hệ nhân thân, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa họ, cũng như tranh chấp về quan hệ nuôi con và cấp dưỡng nuôi con đều được xác định là các tranh chấp về hôn nhân và gia đình tại Điều 28 BLTTDS 2015 nhằm bảo đảm các nguyên tắc của Luật Hôn nhân và gia đình về bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, việc xác định các tranh chấp trên là tranh chấp hôn nhân và gia đình nhằm bảo đảm áp dụng các quy định trong BLTTDS 2015 theo hướng có lợi cho phụ nữ và con chưa thành niên, ví dụ như các quy định về phiên họp để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ đối với vụ án về hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên[2].

Trường hợp ông A chết, quan hệ nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn giữa ông A và bà E chấm dứt, cụ thể: quan hệ nhân thân giữa họ chấm dứt khi một bên chủ thể là cá nhân chết, sẽ không đặt ra yêu không công nhận quan hệ hôn nhân, bởi giữa họ không có sự kiện pháp lý nào để làm phát sinh quan hệ (không đăng ký kết hôn). Khi một bên nam/nữ chết, quan hệ giữa bên chết và con chung về nghĩa vụ nuôi dưỡng và cấp dưỡng cũng chấm dứt.

Do đó, nếu có tranh chấp phát sinh từ quan hệ nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn sau khi một bên đã qua đời, thì tranh chấp này thuần túy là tranh chấp về tài sản, nghĩa vụ hợp đồng. Nếu một bên nam (nữ) chung sống như vợ chồng đã xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với bên thứ ba hoặc với chính bên còn sống, thì những người thừa kế của người chết tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch, trừ trường hợp chấm dứt nghĩa vụ do nghĩa vụ thuộc loại phải do chính cá nhân chết thực hiện (Khoản 8 Điều 372BLDS 2015). Nếu hai bên nam nữ có tài sản chung thì những tài sản chung này được điều chỉnh theo quy định của pháp luật dân sự, tài sản chung này có thể thuộc sở hữu chung theo phần (Điều 209 BLDS 2015) hoặc thuộc sở hữu chung của các thành viên gia đình (Điều 212 BLDS 2015). Khi một bên nam (nữ) chết, quyền sở hữu của người đó đối với phần tài sản trong khối tài sản chung với bên còn sống chấm dứt do chuyển quyền sở hữu thông qua việc thừa kế cho những người thừa kế của người chết (Điều 238 BLDS 2015). Các tranh chấp về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung giữa bên còn sống và những người thừa kế của người chết là tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản thuộc Khoản 1 Điều 26 BLTTDS 2015; trong khi tranh chấp về nghĩa vụ hợp đồng thuộc Khoản 2 Điều 26 BLTTDS 2015.

Có thể thấy, cũng là tranh chấp về tài sản, nghĩa vụ hợp đồng trong trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn, xác định tranh chấp này là tranh chấp về hôn nhân gia đình trong trường hợp hai bên nam nữ còn sống sẽ có ý nghĩa nhằm giải quyết tốt quan hệ tài sản giữa họ trong mối liên hệ mật thiết với quan hệ nhân thân giữa hai bên nam nữ (cho dù họ coi nhau là vợ chồng nhưng Nhà nước không thừa nhận bằng pháp luật) cũng như quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng giữa cha mẹ và con trên cơ sở các nguyên tắc về bảo vệ phụ nữ và trẻ em của Luật Hôn nhân và gia đình và Luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong trường hợp một bên nam (nữ) đã chết, tranh chấp về tài sản, nghĩa vụ hợp đồng giữa bên còn sống và những người thừa kế của người chết trở nên thuần túy dân sự, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người thừa kế (bao gồm trẻ em không được hưởng di sản theo di chúc[3]) cũng đã được pháp luật về thừa kế bảo vệ, do đó không nên xác định các tranh chấp này là tranh chấp về hôn nhân gia đình thuộc Khoản 8 Điều 28 BLTTDS 2015.

Ngoài ra, ngay cả trong trường chấm dứt quan hệ hôn nhân hợp pháp bằng sự kiện chết, pháp luật hôn nhân gia đình cũng chỉ quy định quyền khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân nếu vợ chồng có tranh chấp không chia được, và quyền khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn (kể cả sau ly hôn đối với tài sản chung chưa chia khi ly hôn[4]), mà không quy định về quyền khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng khi một bên chết trước, mặc dù có quy định nguyên tắc chia đôi tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Hơn thế, việc chia tài sản chung của vợ chồng khi một bên chết trước chỉ được giải quyết “khi có yêu cầu về chia di sản” (Khoản 2 Điều 66 L.HNGĐ 2014). Pháp luật tố tụng dân sự cũng có quy định thống nhất với pháp luật hôn nhân và gia đình về vấn đề này khi quy định tranh chấp về thừa kế tài sản là tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết tại Tòa án (Khoản 5 Điều 26 BLTTDS 2015), và không có bất kỳ quy định nào khác liên quan đến tranh chấp chia tài sản chung của vợ chồng khi một bên chết trước.

Do đó, đối với trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, sau khi một bên chết, không đặt ra vấn đề “chia” tài sản chung giữa họ nếu họ có tài sản chung, mà đây là tranh chấp trong xác định phần quyền của người chết trong tài sản chung với bên còn sống, phần quyền này được chuyển giao cho những người thừa kế của người chết. Việc xác định phần quyền của người chết trong tài sản chung do pháp luật tại thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản điều chỉnh, bao gồm BLDS với tư cách là luật chung, ngoài ra còn chịu sự điều chỉnh của các văn bản luật chuyên ngành như luật đất đai, luật nhà ở…tùy vào loại tài sản đó là tài sản gì. Về cơ bản, theo pháp luật dân sự, phần quyền của bên nam (nữ) đã chết trong tài sản chung được xác định dựa trên sự thỏa thuận của các bên nam nữ tại thời điểm xác lập quyền sở chung đối với tài sản.

Quay trở lại trường hợp đã nêu, nếu ông A chết, bà E khởi kiện bà B và các con của bà B và ông A là C, D ra Tòa án yêu cầu chia tài sản chung của bà E và ông A, cần xác định đây là tranh chấp về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản quy định tại Khoản 2 Điều 26 BLTTDS 2015. Trong trường hợp này, đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất, một loại bất động sản nên theo điểm c Khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015 quy định: “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”. Do đó, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND thành phố L, tỉnh X. Trên đây là một số ý kiến chia sẻ, mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả.

 

[1] Căn cứ Nghị quyết số 35/2000/QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và gia đình  năm 2000.

[2] Ví dụ  Khoản 3 Điều 208, Khoản 2 Điều 209 BLTTDS 2015 liên quan đến phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải  đối với vụ án hôn nhân và gia đình.

[3] Quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc tại Điều 644 BLDS 2015.

[4]  Khoản 1 Điều 28 BLTTDS 2015.

TS. HOÀNG THỊ HẢI YẾN (Khoa luật Dân sự - Trường ĐH Luật – ĐH Huế); HOÀNG THỊ NGUYỆT NGA (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương)