Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại vắng mặt lần thứ nhất: Hoãn phiên tòa hay tiếp tục xét xử?

Điều 297 của BLTTHS năm 2015 thì lại không có quy định nào về trường hợp hoãn phiên tòa nếu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nói chung (bị hại là người dưới 18 tuổi nói riêng) vắng mặt tại phiên tòa lần thứ nhất, dẫn đến có nhiều các xử lý khác nhau trong thực tiễn.

Theo quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của TANDTC về xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là người dưới 18 tuổi có thể do bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của bị hại là người dưới 18 tuổi nhờ. Nếu họ không nhờ nhưng có văn bản đề nghị thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử Luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử Bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là người dưới 18 tuổi.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là người dưới 18 tuổi có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Như vậy, việc tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là người dưới 18 tuổi trong vụ án hình sự là bắt buộc. Tuy nhiên, hiện nay BLTTHS năm 2015 lại không có quy định cụ thể về sự vắng mặt lần thứ nhất tại phiên tòa của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Chính vì mà thực tiễn đã có những cách giải quyết khác nhau.

Vụ việc cụ thể như sau: Ngày 25/12/2020, Tòa án nhân dân huyện X đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích”. Trong vụ án này có bị hại là người chưa thành niên nên Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Y đã cử ông A là Trợ giúp viên để làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là người dưới 18 tuổi. Tại phiên tòa lần thứ nhất, ông A vắng mặt nhưng không rõ lý do. Việc vắng mặt của ông A có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Cho rằng tại phiên tòa do có mặt cha mẹ của bị hại và bị hại. Nếu cha mẹ của bị hại và bị hại thống nhất không cần sự có mặt của ông A thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án mà không cần phải hoãn phiên tòa.

Quan điểm thứ hai: Cho rằng theo quy định của pháp luật việc tham gia tố tụng của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là người dưới 18 tuổi là bắt buộc. Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại là người dưới 18 tuổi một cách tốt nhất. Tại phiên tòa, mặc dù có mặt cha mẹ của bị hại và họ đã có ý kiến là không cần sự có mặt của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó thì thấy rằng sự hiểu biết về pháp luật của cha mẹ bị hại đôi khi còn hạn chế nên ý kiến hay quyết định của họ nhiều khi sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại. Cho nên việc có mặt của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại là người dưới 18 tuổi là rất cần thiết và phù hợp với chủ trương chung. Cho nên cần thiết phải hoãn phiên tòa để có mặt của ông A tại phiên tòa lần thứ hai mặc dù tại phiên tòa do cha mẹ của bị hại và bị có ý kiến thống nhất không cần sự có mặt của ông A.

Tác giả cũng đồng tình với quan điểm thứ hai là hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, vướng mắc nêu trên nằm ở chính quy định của pháp luật. Bởi căn cứ vào quy định tại Điều 297 của BLTTHS năm 2015 thì lại không có quy định nào về trường hợp hoãn phiên tòa nếu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nói chung (bị hại là người dưới 18 tuổi nói riêng) vắng mặt tại phiên tòa lần thứ nhất. Vì vậy mà thực tiễn áp dụng pháp luật tại các Tòa án hiện nay còn khác nhau. Vấn đề này rất cần được TANDTC xem xét hướng dẫn hoặc giải đáp để Tòa án địa phương áp dụng pháp luật cho thống nhất. Tác giả cũng rất mong bạn đọc và đồng nghiệp cùng nghiên cứu, trao đổi thêm.

Ảnh minh họa

 

 

 

DƯƠNG TẤN THANH (Thẩm phán TAND Tx. Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)