Người thế nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ với bên có quyền

Qua nghiên cứu bài viết “Xác định người phải thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp chuyển giao nghĩa vụ” của tác giả Nguyễn Thị Huệ đăng ngày 13/10/2021, tôi xin có ý kiến trao đổi liên quan đến vấn đề xác định người phải thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp chuyển giao nghĩa vụ mà tác giả đã đặt ra.

Bài viết đã nêu vấn đề liên quan đến việc xác định người phải thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp chuyển giao nghĩa vụ, cụ thể qua tình huống: Ông Nguyễn Văn A nợ tiền bà Nguyễn Thị B. Anh Nguyễn Văn C là con trai của ông A đã thỏa thuận với bà B và viết giấy nhận trả nợ thay cho ông A. Ông A không cùng ký vào giấy nhận trả nợ thay giữa anh C và bà B. Đến ngày hẹn trả nợ, anh C không thực hiện việc trả nợ cho bà B như đã cam kết. Bà B khởi kiện yêu cầu Tòa án huyện H giải quyết, buộc anh C phải trả cho bà B số tiền đã ký nhận trả nợ thay ông A.

Bài viết nêu lên hai quan điểm, có quan điểm cho rằng anh Nguyễn Văn C không có nghĩa vụ thay ông Nguyễn Văn A và một quan điểm ngược lại.

Tôi có một số ý kiến trao đổi như sau: Theo quy định tại Điều 274 BLDS 2015 thì nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền). Liên quan đến việc chuyển giao nghĩa vụ, Điều 370 BLDS 2015 quy định cụ thể như sau: “1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ; 2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ”.  Như vậy, theo quy định nêu trên có thể hiểu rằng chuyển giao nghĩa vụ dân sự là việc người có nghĩa vụ không tự thực hiện nghĩa vụ đã giao kết mà chuyển giao cho người thứ ba (được gọi là người thế nghĩa vụ) thực hiện với bên có quyền. Việc chuyển giao nghĩa vụ sẽ làm chấm dứt quan hệ giữa bên có nghĩa vụ với bên có quyền. Lúc này, người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ và do đó có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với bên có quyền. Có thể thấy rằng việc chuyển giao nghĩa vụ là sự chuyển dịch nghĩa vụ từ chủ thể này sang chủ thể khác. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, việc chuyển giao nghĩa vụ cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật gồm:

-Một là điều kiện đối với nghĩa vụ được chuyển giao. Nghĩa vụ được chuyển giao phải là nghĩa vụ có hiệu lực pháp lý và không thuộc những trường hợp pháp luật không cho phép chuyển giao nghĩa vụ, cụ thể là trường hợp nghĩa vụ “gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ”; hoặc pháp luật quy định không được chuyển giao như nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc các bên đã thỏa thuận phải do chính người đó thực hiện.

-Hai là điều kiện về sự đồng ý của bên có quyền. Việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự phải có sự đồng ý của bên có quyền. Như đã trình bày ở trên, hậu quả pháp lý của việc chuyển giao nghĩa vụ là sẽ dẫn đến sự thay đổi về chủ thể thực hiện nghĩa vụ và điều này có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên có quyền. Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bên có quyền có quyền xem xét, cân nhắc về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên thế nghĩa vụ. Chính vì thế mà sự đồng ý của bên có quyền là điều kiện bắt buộc phải có để việc chuyển giao nghĩa vụ có giá trị pháp lý.

-Ba là điều kiện về sự đồng ý của người thế nghĩa vụ. Cần lưu ý rằng việc chuyển giao nghĩa vụ cũng cần phải có sự thống nhất ý chí giữa người có nghĩa vụ và người thế nghĩa vụ. Do việc chuyển giao nghĩa vụ sẽ làm phát sinh nghĩa vụ của người thế nghĩa vụ với bên có quyền cho nên sự đồng ý của người thế nghĩa vụ là điều kiện bắt buộc phải có khi thực hiện việc chuyển giao nghĩa vụ. Nói cách khác việc chuyển giao nghĩa vụ sẽ không có giá trị pháp lý nếu không có sự đồng ý của người thế nghĩa vụ bởi lẽ về nguyên tắc nghĩa vụ của chủ thể nào thì sẽ do chủ thể đó thực hiện, trừ trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, từ những phân tích ở trên có thể thấy rằng pháp luật dân sự chưa có quy định minh thị việc chuyển giao nghĩa vụ có cần phải có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ ban đầu hay không.  

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng việc không có chữ ký của ông A trong giấy thoả thuận giữa bà B và anh C không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của việc chuyển giao nghĩa vụ. Bởi lẽ, trường hợp này đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về việc chuyển giao nghĩa vụ. Cụ thể, anh C đã thể hiện sự đồng ý của mình về việc thực hiện thay nghĩa vụ cho ông A với sự đồng ý của bên có quyền là bà B và nghĩa vụ được chuyển giao không gắn liền với quyền nhân thân của bên có nghĩa vụ cũng như không thuộc những trường hợp pháp luật không cho phép chuyển giao nghĩa vụ.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả, rất mong nhận được trao đổi từ những đọc giả có quan tâm./.

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật (VNU –HCM)