Nguyễn Thị H có phạm tội cướp tài sản không?

Chị Nguyễn Thị G nợ Nguyễn Thị H tiền, đến hạn không trả. Trong khi đòi nợ, H đã sử dụng dao đập mặt bản dao lên mặt chị G nhưng không lấy tài sản. H có phạm tội cướp tài sản không?

Chị Nguyễn Thị G, sinh năm 1971, bán thịt lợn tại chợ Q phường Q, quận T, thành phố H. Qua công việc bán hàng, chị G có quen biết Nguyễn Thị H, sinh năm 1989, nhà gần chợ. Do cần tiền kinh doanh nên từ năm 2016 đến đầu năm 2017, chị G đã vay của H số tiền 465.000.000 đồng, với lãi suất theo thỏa thuận. Đến cuối tháng 10/2017 chị G đã trả cho H 53.000.000 đồng, còn nợ 412.000.000 đồng, hẹn thu xếp trả tiếp 200.000.000đ vào ngày 31/10/2017.

Khoảng 10g ngày 31/10/2017, H ra hàng thịt gặp chị G và nói: “Hôm nay là đến hạn trả 200.000.000 đồng, chị lo thu xếp cho em”. Chị G nói: “Chị đã đóng cho em 1.000.000 đồng/ ngày từ ngày 7/8/2017, em xem được bao nhiêu thì trừ đi cho chị, còn lại cho chị trả dần”. H không đồng ý và yêu cầu chị G phải trả đủ số tiền đã cam kết là 200.000.000 đồng.  Chị G nói: “Để chị về bàn bạc với chồng chị xem thế nào”.

Trong khoảng thời gian từ 11g 20 đến 13g 54  cùng ngày, H đã nhiều lần gọi điện cho chị G để đòi tiền. Chị G trả lời là đang đi lấy tiền và hẹn H đến 14g sẽ trả tiền. Do không vay được tiền trả nợ nên khoảng 13g, chị G nhắn tin qua điện thoại cho H với nội dung: “H ơi, em mở đường sống cho chị, cho chị đóng mỗi ngày 1.000.000 đồng”. H gọi điện lại cho chị G hẹn về nhà H nói chuyện, chị G đồng ý.

Đến 14g, không thấy chị G đến nhà như đã hẹn, nên H sang nhà mẹ đẻ  gần nhà H lấy một con dao phay loại dao chặt xương, rồi đi bộ về nhà. Khi đi đến gần chợ, nhìn thấy chị G đang đứng bán thịt, H hỏi: “Tiền của em chị tính thế nào ?”. Chị G trả lời là không lấy được tiền hàng và không có khả năng trả nợ, xin trả dần với số tiền 1.000.000 đồng/ ngày. H bực tức nói: “ Thế thì nát hết tiền của người ta à?!” và dùng con dao phay đập nhẹ bản dao vào má trái của chị G, mục đích là bắt chị G phải trả ngay số tiền như đã hứa.

Hai bên giằng co con dao khiến chị G bị rách da, chảy máu ở đầu ngón tay phải. Thấy hai người giằng co nên mọi người can ngăn. H cầm điện thoại của chị G xóa hết phần tin nhắn trong điện thoại và đưa cho M là em trai H, bảo M gọi điện thoại cho anh Nguyễn Văn B ( là chồng chị G) và nói: “Anh lo trả tiền cho H đi, nó đang đánh bà G ở ngoài này”. Cùng lúc này thấy ngón tay cái của chị G bị chảy máu, chị Nguyễn Thị V là hàng xóm, đưa chị G vào nhà để băng bó, còn H tiếp tục đứng ngoài chửi chị G, bắt phải trả tiền.

Nhận được tin báo, Công an phường Q đã đến giải quyết sự việc, yêu cầu H và chị G về phường làm việc, sau đó đưa chị G đi khám và điều trị vết thương. Tại Giấy chứng thương số 305 ngày 31/10/2017 của bệnh viện T xác định thương tích của chị G: “ Sưng nề nhẹ vùng gò má bên trái, ấn đau; xước da ngón 1 tay phải”. Trong quá trình điều tra chị G từ chối đi giám định tỷ lệ thương tật, không yêu cầu bồi thường về dân sự và đề nghị xử lý Nguyễn Thị H theo quy định của pháp luật.

Hiện tại chị G cùng chồng vắng mặt tại nơi cư trú. Cơ quan công an đã nhiều lần về địa phương xác minh nhưng gia đình và chính quyền địa phương không biết hai vợ chồng hiện ở đâu, làm việc gì.

Tại cơ quan Công an  H thay đổi lời khai về việc dùng dao đánh để bắt chị G phải trả ngay số tiền 200.000.000 đồng cho H, nếu không đủ thì phải có ngay 20.000.000 đến 30.000.000 đồng để trả.

Viện Kiểm sát đã quyết định truy tố Nguyễn Thị H về tội: “Cướp tài sản” quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015.

Có ba quan điểm về hành vi của Nguyễn Thị H.

 Quan điểm 1:  H là chủ nợ, khi đến hạn trả nợ mặc dù đã đòi nhiều lần nhưng chị G tỏ ra chây ỳ, dùng thủ đoạn đối phó để trì hoãn việc trả nợ nên gây bức xúc cho H, khiến H không làm chủ được bản thân dẫn đến xô xát. Việc dùng dao của H gây thương tích nhẹ nên chị G không đi giám định, việc xô xát để nhằm mục đích đòi nợ, nhưng tại thời điểm xô xát H không lấy đi tài sản của chị H và việc hai bên xô xát ở chỗ đông người, do đó chỉ xử lý H tội gây rối trật tự công công là phù hợp.

Quan điểm 2: Nguyễn Thị H phạm tội “Cướp tài sản” với tình tiết định khung tại điểm a khoản 3 Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 vì đã dùng dao đe dọa nhằm đòi tài sản.

Quan điểm 3: Hành vi của H nhằm thực hành quyền và nghĩa vụ dân sự chứ không hề xâm hại quyền sở hữu tài sản, chị G không bị thương, không có yêu cầu gì nên chỉ xử phạt hành chính là phù hợp.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các độc giả.

PHẠM LÊ HOÀNG