Những vướng mắc trong xác định giá trị tài sản tranh chấp để tính tạm ứng án phí chia tài sản chung và chia thừa kế

Đối với các vụ án tranh chấp chia tài sản chung khi ly hôn hoặc chia thừa kế thì trong thực tiễn có những quan điểm khác nhau trong việc xác định giá trị tài sản tranh chấp để tính tạm ứng án phí dẫn đến việc thu tạm ứng án phí đôi khi vượt quá khả năng của người yêu cầu làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ.

Tạm ứng án phí là khoản tiền mà theo quy định người khởi kiện hoặc người có yêu cầu (người có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập) phải nộp tại Cơ quan Thi hành án (Chi cục hoặc Cục Thi hành án) để Tòa án thụ lý yêu cầu của họ. Khoản tiền tạm ứng án phí này để đảm bảo cho nghĩa vụ nộp tiền án khi giải quyết vụ án và để người yêu cầu cân nhắc lại việc nộp đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu.

1.Quy định của pháp luật về tạm ứng án phí dân sự

Theo quy định tại khoản 2 điều 7 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14, ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu , nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 326) thì “Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.”

Theo quy định trên thì tạm ứng án phí dân sự nói chung hay tạm ứng án phí trong trường hợp chia tài sản chung khi ly hôn hoặc chia thừa kế bằng ½ án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch. Mà án phí dân sự có giá ngạch thì áp dụng theo mức quy định tại tiểu mục 1.3 mục A danh mục án phí, lệ phí tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326 như sau:

Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch  
a Từ 6.000.000 đồng trở xuống 300.000 đồng
b Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng 5% giá trị tài sản có tranh chấp
c Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng
d Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng
đ Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng
e Từ trên 4.000.000.000 đồng 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.

2.Những vướng mắc trong thực tiễn

Tuy nhiên trong thực tiễn xét xử các vụ án tranh chấp chia thừa hoặc chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn có hai quan điểm về xác định “giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết” như sau:

Quan điểm thứ nhất: Theo quy định trên, trong trường hợp đương sự yêu cầu chia tài sản chung khi ly hôn hoặc chia thừa kế thì tài sản trị giá bao nhiêu Tòa án xác định“giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết” là 100% giá trị tài sản đó, không tính trên giá trị mà họ yêu cầu được hưởng.

Ví dụ: Nguyên đơn Nguyễn Văn A khởi kiện xin ly hôn với bị đơn Hồ Thị B trong đó có yêu cầu chia đôi tài khoản tiết kiệm của hai vợ chồng với số tiền 100.000.000 đồng để mỗi người hưởng 50.000.000 đồng. Trong trường hợp này nếu theo quan điểm thứ nhất thì giá trị tài sản tranh chấp là toàn bộ tài khoản tiết kiệm 100.000.000 đồng cho nên ngoài tạm ứng án phí hôn nhân là 300.000 đồng, anh A còn phải nộp tạm ứng án phí chia tài sản chung là 2.500.000 đồng (tức là (100.000.000 đồng x 5%) x 50%).

Quan điểm thứ hai: Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 326 thì trong trường hợp đương sự yêu cầu chia tài sản chung khi ly hôn hoặc chia thừa kế là gì, trị giá bao nhiêu thì đó là căn cứ để xem xét án phí về sau, còn tạm ứng án phí chỉ tính trên giá trị mà họ yêu cầu được hưởng tức là xác định “giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết” tương ứng với tỷ lệ tài sản mà người khởi kiện (người yêu cầu) xin được hưởng.

Cùng ví dụ trên nguyên đơn Nguyễn Văn A khởi kiện xin ly hôn với bị đơn Hồ Thị B trong đó có yêu cầu chia đôi tài khoản tiết kiệm của hai vợ chồng với số tiền 100.000.000 đồng để mỗi người hưởng 50.000.000 đồng. Trong trường hợp này nếu theo quan điểm thứ hai thì giá trị tài sản tranh chấp là 50% tài khoản tiết kiệm 100.000.000 đồng cho nên ngoài tạm ứng án phí hôn nhân là 300.000 đồng, anh A chỉ phải nộp tạm ứng án phí chia tài sản chung là 1.250.000 đồng (tức là (50.000.000 đồng x 5%) x 50%).

Hai ví dụ trên chúng ta thấy giá trị tài sản tranh chấp nhỏ nên tạm ứng án phí chênh lệch không nhiều, tuy nhiên trong thực tiễn có những vụ án ly hôn chia tài sản chung trị giá rất lớn, có những trường hợp yêu cầu chia thừa kế với di sản thừa kế trị giá hàng tỷ đồng thì việc xác định đúng tạm ứng án phí là hết sức cần thiết. Nếu chúng ta xác định tạm ứng án phí theo quan điểm thứ nhất thì ưu điểm là nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ thu được nhiều hơn, thời hạn để chuẩn bị xét xử một vụ án hôn nhân hay dân sự theo điểm a khoản 1 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là 04 tháng (hoặc 06 tháng nếu có quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử) trong trường hợp có quyết định tạm đình chỉ thì thời hạn chuẩn bị xét xử còn kéo dài hơn, như vậy nếu vụ án có tình tiết phức tạp, thời gian giải quyết kéo dài thì khoản thu này sẽ sinh lãi.

Tuy nhiên nếu xác định giá trị tài sản tranh chấp để tính tạm ứng án phí theo quan điểm thứ nhất thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người khởi kiện, người yêu cầu. Bởi lẽ để được chia tài sản, chia thừa kế họ phải nộp khoản tiền khá lớn, nếu họ thuộc vào những người ít tài sản đôi khi khoản tạm ứng án phí vượt quá khả năng của họ, gây khó khăn cho việc họ yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

3.Kết luận

Tác giả thấy rằng quan điểm thứ hai xác định xác định “giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết” tương ứng với tỷ lệ tài sản mà người khởi kiện (người yêu cầu) xin được hưởng để tính tạm ứng án phí là phù hợp với thực tiễn, cũng như quy định về nghĩa vụ chịu án phí theo quy định tại khoản 7 điều 27 Nghị quyết số 326. Theo đó quy định:

“ Đối với vụ án liên quan đến chia tài sản chung, di sản thừa kế thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

a) Khi các bên đương sự không xác định được phần tài sản của mình hoặc mỗi người xác định phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản của mình trong khối di sản thừa kế là khác nhau và có một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó thì mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia, được hưởng trong khối tài sản chung hoặc trong khối di sản thừa kế. Đối với phần Tòa án bác đơn yêu cầu thì người yêu cầu chia tài sản chung, di sản thừa kế không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trường hợp Tòa án xác định tài sản chung, di sản thừa kế mà đương sự yêu cầu chia không phải là tài sản của họ thì đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch;

b) Trường hợp đương sự đề nghị chia tài sản chung, chia di sản thừa kế mà cần xem xét việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản với bên thứ ba từ tài sản chung, di sản thừa kế đó thì:

Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản họ được chia sau khi trừ đi giá trị tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba; các đương sự phải chịu một phần án phí ngang nhau đối với phần tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba theo quyết định của Tòa án.

Người thứ ba là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập hoặc có yêu cầu nhưng yêu cầu đó được Tòa án chấp nhận thì không phải chịu án phí đối với phần tài sản được nhận.

Người thứ ba có yêu cầu độc lập nhưng yêu cầu đó không được Tòa án chấp nhận phải chịu án phí dân sự có giá ngạch đối với phần yêu cầu không được chấp nhận.”

Bởi vì như tác giả đã phân tích, tiền tạm ứng án phí là một phần cơ sở ban đầu khi thụ lý để làm căn cứ thu án phí sau khi giải quyết vụ án. Do đó đối với án phí chia tài sản chung hay chia thừa kế như quy định tại khoản 7 điều 27 Nghị quyết số 326 thì người khởi kiện, người yêu cầu chỉ phải chịu án phí trên phần giá trị tài sản họ được chia, nếu yêu cầu của họ không được chấp nhận thì họ không phải chịu án phí, nếu tài sản yêu cầu chia là của bên thứ ba thì theo mức án phí hiện hành họ chỉ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000 đồng. Như vậy nếu theo quan điểm thứ nhất xác định giá trị tranh chấp là toàn bộ tài sản đem ra chia thì không phù hợp với quy định về án phí. Bởi vì người yêu cầu phải đóng khoản tạm ứng án phí cho cả phần tài sản mà dù yêu cầu của họ được chấp nhận hay không họ cũng không phải chịu án phí (tức là tạm ứng án phí trên phần tài sản mà người khác được hưởng, người yêu cầu đó không tranh chấp từ đầu). Như phân tích ở ví dụ trên, A chỉ yêu cầu hưởng 50.000.000 đồng, phần 50.000.000 đồng còn lại A đồng ý giao cho B, A không tranh chấp khoản tiền này nhưng buộc A phải đóng tạm ứng án phí cho cả khoản tiền này theo tác giả là không phù hợp với quy định.

Do đó tác giả đề nghị cần có những hướng dẫn cụ thể về xác định “giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết” làm căn cứ tính tạm ứng án phí đối với vụ án tranh chấp chia tài sản và chia thừa kế để việc áp dụng pháp luật thống nhất và đồng bộ, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự, cũng không làm thất thu ngân sách của Nhà nước.

VÕ THỊ NGỌC QUYỀN (TAND Tp Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh)