Tòa án hướng dẫn tách vụ án có đúng luật?

Bị đơn tham gia ba dây hụi với số tiền 153 triệu đồng do nguyên đơn làm chủ hụi và vay của nguyên đơn 200 triệu đồng. Khi nguyên đơn khởi kiện, Thẩm phán đã hướng dẫn nguyên đơn tách thành bốn vụ kiện khác nhau.

1.Tình huống pháp lý

 Bà Nguyễn Thị Tốt và bà Trần Thị Tuyền là chỗ quen biết với nhau nên giữa hai bên có phát sinh nhiều giao dịch dân sự về tiền bạc. Bà Tuyền là chủ đầu thảo hụi, hụi có hoa hồng. Bà Tốt có tham gia 03 dây hụi do bà Tuyền làm chủ đầu thảo. Tổng cộng số tiền nợ hụi của bà Tuyền nợ bà Tốt là 153.000.000đ.

 Ngoài ra, ngày 27/7/2017, bà Tuyền có vay của bà Tốt số tiền là 200.000.000đ. Khi vay hai bên có lập biên nhận cụ thể và thỏa thuận là lãi suất 3%/tháng, hẹn trong vòng 6 tháng bà Tuyền sẽ trả lãi và vốn một lần. Do bà Tuyền làm ăn thất bại nên tuyên bố vỡ nợ, mất khả năng chi trả.

Do bà Tuyền không thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay và giao hụi nên bà Tốt đã khởi kiện bà Tuyền chung một đơn khởi kiện với quan hệ pháp luật là tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hợp đồng góp hụi ra Tòa án nhân dân huyện CK, tỉnh T, để yêu cầu bà Tuyền phải trả số tiền vốn vay là 200.000.000đ và 153.000.000đ tiền nợ hụi.

Tuy nhiên, trong quá trình thụ lý giải quyết đơn khởi kiện của bà Tốt, Thẩm phán trực tiếp giải quyết đơn đã hướng dẫn bà Tốt là nên kiện thành 04 vụ, ba vụ xác định quan hệ pháp luật là tranh chấp hợp đồng góp hụi đối với ba dây hụi, vụ còn lại là tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Thậm chí, Thẩm phán trực tiếp giải quyết đơn làm dùm bà Tốt 4 đơn khởi kiện mới để thụ lý giải quyết thành 4 vụ nhằm mục đích báo cáo thành tích giải quyết số vụ việc giải quyết tăng lên. Và cuối cùng bà Tốt đã đồng ý với phương án thụ lý giải quyết án theo hướng dẫn của Thẩm phán.

2.Tòa án hướng dẫn đương sự tách thành nhiều vụ án có đúng luật?

Trên thực tiễn thụ lý và giải quyết các loại vụ án thì trường hợp nêu trên như thẩm phán Tòa án nhân dân huyện CK, tỉnh T diễn ra là khá phổ biến đối với một số đơn vị Tòa án …Tuy nhiên, việc hướng dẫn đương sự tách ra thành nhiều vụ án như trên theo quan điểm của tác giả là chưa đảm bảo đúng pháp luật.

Điều 42 của BLTTDS năm 2015 quy định: “1. Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

Đối với vụ án có nhiều người cùng yêu cầu khởi kiện đối với một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.

Tòa án tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật. 

Khi nhập hoặc tách vụ án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Tòa án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định và gửi ngay cho Viện Kiểm sát cùng cấp, đương sự, cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan.” 

Như vậy, trong trường hợp nêu trên, bà Tốt có cùng một yêu cầu đối với bà Tuyền về việc trả tiền nợ vay là 200.000.000đ và tiền nợ hụi là 153.000.000đ thì việc giải quyết trong cùng một vụ án sẽ đảm bảo đúng pháp luật và sẽ tiết kiệm cho chi phí xã hội và tiền ngân sách của nhà nước hơn.

Việc hướng dẫn tách ra thành nhiều vụ án có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các đương sự, gây thất thoát ngân sách nhà nước, tốn kém chi phí của xã hộị.

– Bằng chứng là, nếu trường hợp một đương sự nợ 03 dây hụi của người khác nhưng số tiền nợ hụi của mỗi dây chỉ là 4.000.000đ, tổng cộng 03 dây là 12.000.000đ. Nếu thụ lý một vụ án thì khi xét xử bên thất kiện sẽ chịu 600.000đ án phí. Còn nếu tách thành 03 vụ khác nhau thì bên thất kiện sẽ chịu mỗi vụ là 300.000đ án phí. Tổng cộng 03 vụ án là 900.000đ; gây thiệt hại cho đương sự 300.000đ.

– Đối với chi phí bồi dưỡng cho Hội đồng xét xử: Nếu một vụ thì chi phí bồi dưỡng này là (thẩm phán, hội thẩm, thư ký) 305.000đ nhưng nếu tách thành ba vụ thì 915.000đ. Như vậy, chính cách tách thành nhiều vụ án đã làm thất thoát ngân sách của nhà nước 610.000đ.

– Mặt khác, chính việc tách ra thành nhiều vụ án này của Thẩm phán và Tòa án sẽ dẫn đến số lượng án của Tòa án tăng lên, dẫn đến tăng số lượng vụ việc phải thi hành án. Từ đó, dẫn đến ngân sách cấp cho Tòa án, Cơ quan thi hành án các cấp tăng lên, thẩm chí là có thể dẫn đến tăng biên chế.

Chính vì vậy, việc hướng dẫn đương sự tách một vụ án thành nhiều vụ án để giải quyết là không đúng quy định của pháp luật, gây thất thoát ngân sách nhà nước, tốn kém chi phí xã hội, ảnh hưởng quyền lợi của đương sự.

Do đó, thiết nghĩ trong các nội dung thanh, kiểm tra định kỳ của TANDTC cần kiểm tra, thanh tra hoạt động thụ lý án của các đơn vị Tòa án để từ đó có những hướng dẫn, chấn chỉnh cần thiết.

Trên đây là trao đổi của tác giả, rất mong nhận được sự góp ý của các đồng nghiệp và độc giả!

HUỲNH MINH KHÁNH ( TAND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)