Trả lại đơn kiện trong trường hợp không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán

Theo qui định tại khoản 3 Điều 191 BLTTDS năm 2015, nếu đơn khởi kiện chưa đáp ứng yêu cầu, chưa đầy đủ về hình thức, nội dung thì Thẩm phán có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện. Nếu người khởi không thực hiện đúng theo yêu cầu thì Thẩm phán sẽ bị trả lại đơn khởi kiện.  Đây là trường hợp còn nhiều vấn đề cần bàn luận, nghiên cứu. Sau đây, tác giả xin đề cập đến một số nội dung qui định về việc trả lại đơn khởi kiện để có cái nhìn cụ thể và hướng đến hoàn thiện pháp luật về trả đơn khởi kiện.

1.Thực trạng qui định về trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn tr lại đơn khởi kiện

Theo qui định tại khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015, Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong những trường hợp tương ứng với với bảy điểm a, b, c, d, đ, e, g.)[1], một trong những trường hợp đó là người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của Bộ luật này.

Theo khoản 4 Điều 189 BLTTDS, đơn khởi kiện phải đáp ứng hai tiêu chí cơ bản: Thứ nhất về hình thức đơn khởi kiện phải đúng theo mẫu, phải thể hiện thông tin của người khởi, người bị kiện, người liên quan,  tên Toà án giải quyết, danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện..; Thứ hai đơn khởi kiện phải thể hiện rõ được nội dung về quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm là gì; những vấn đề cụ thể của người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan[2]. Nếu không đáp ứng được tiêu chí này thì Thẩm phán yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, nếu không thực hiện trong thời hạn luật định thì Thẩm phán trả đơn khởi kiện.

Ngoài ra, người khởi kiện khi nộp đơn khởi kiện phải nộp kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Dựa vào qui định này, nếu nhận thấy đơn khởi kiện không kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm hoặc có nhưng không đầy đủ thì Thẩm phán yêu cầu người khởi kiện phải nộp kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm bằng thông báo, sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện. Nếu người khởi kiện không thực hiện hoặc có nhưng không đầy đủ như yêu cầu thì Thẩm phán trả đơn khởi kiện.

Vấn đề đặt ra là Thẩm phán có quyền yêu cầu người khởi kiện phải nộp kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm hay không? Căn cứ vào qui định Khoản 5 Điều 189 Bộ luật TTDS năm 2015, khẳng định rằng: Thẩm phán có quyền yêu cầu người khởi kiện phải nộp kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Nhưng hệ quả của chế tài đối với người khởi kiện không thực hiện theo yêu cầu cầu của Thẩm phán thì cần phải bàn. Nếu người khởi kiện không kèm theo tài tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì Thẩm phán có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện với nội dung là phải nộp kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm hay không? Nếu Thẩm phán thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung nhưng người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung và không giao nộp tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi mình bị xâm phạm thì Thẩm phán có quyền trả đơn khởi kiện hay không? Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm là gồm những tài liệu nào? Theo Điều 193 Bộ luật TTDS 2015, Thẩm phán chỉ được quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 189 Bộ luật TTDS. Qui định này rõ ràng đã loại trừ Thẩm phán quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện với nội dung là phải nộp kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Căn cứ vào Điều 192 Bộ luật TTDS, sẽ trả lời được câu hỏi: Nếu Thẩm phán thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung nhưng người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung và không giao nộp tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi mình bị xâm phạm thì Thẩm phán không có quyền trả đơn khởi kiện vì không thuộc một trong các trường hợp trả lại đơn khởi kiện tại Điều luật này. Như vậy, người khởi kiện khi khởi kiện mà đơn khởi kiện đã thoả mãn khoản 4 Điều 189 của BTTDS thì Toà án phải thụ lý vụ án và giải quyết mà không được yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

Còn đối với qui định “Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm” tại khoản 5 Điều 189 BLTTDS là một điều khoản qui định có tính khuyến nghị mà không có qui định ràng buộc nếu không thực hiện thì sẽ gách chịu hậu quả nào. Trước đây, Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 05 năm 2006 của HĐTP TAND TC và Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của HĐTP TANDTC (Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP), có đề cập đến tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện quy định tại Điều 165 của BLTTDS: Về nguyên tắc, khi gửi đơn khởi kiện cho Toà án, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp. Hướng dẫn và ví dụ tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP, Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP có sử dụng cụm từ “ người khởi kiện phải nộp…”  điều này có nghĩa là bắt buộc nhưng cũng không cho biết được nếu người khởi kiện không nộp kèm tài liệu, chứng cứ thì Toà án có được quyền trả lại đơn khởi kiện hay không[3].

Trên thực tế, một phần do qui định của pháp luật, một phần vì chưa có biểu mẫu và chưa có hướng dẫn cụ thể nên Thẩm phán sử dụng mẫu số 26-DS về thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện (Ban hành kèm theo số Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP) để bắt buộc người khởi kiện phải nộp, bổ sung tài liệu nộp tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện không thực hiện hoặc không thể thực hiện được nên thẩm phán đã sử dụng Mẫu số 27-DS về thông báo trả lại đơn khởi kiện (Ban hành kèm theo số Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP) để trả đơn khởi kiện. Hệ quả người khởi kiện khiếu nại, Viện kiểm sát kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện. Nếu căn cứ vào mẫu số 26 (với căn cứ được viện dẫn trong mẫu này) điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS thì việc trả đơn của Thẩm phán đối với trường hợp không “Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm” là sai vì người khởi kiện chỉ phải sửa đổi, bổ sung nội dung và hình thức theo đơn khởi kiện (Khoản 4 Điều 189 Bộ luật TTDS). Đây là một bất cập thật sự đang tồn tại, nên tác giả chia sẽ cùng Thẩm phán đối với những khó khăn, vướng mắc trong việc vận dụng pháp luật tố tụng để trả lại đơn khởi kiện của hai trường hợp nêu trên. TAND TC cần có hướng dẫn, qui định bổ sung vấn đề này.

Như vậy, qui định kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm nếu người khởi kiện không nộp, nộp không đầy đủ không phải là trường hợp trả lại đơn khởi kiện. Theo quan điểm này, Toà án vẫn phải thụ lý vụ án sau đó nếu đương sự không có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm thì Toà án sẽ bác yêu cầu hoặc xử bị xử thua kiện và người khởi kiện phải gánh chịu hậu quả về án phí. Nhưng cũng có quan điểm không đồng tình cho rằng: Một người muốn yêu cầu Toà án giải quyết bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho mình thì người đó ban đầu phải chứng minh với Toà án về quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thông qua tài liệu, chứng cứ chứng minh (trừ trường hợp có lý do chính đáng). Quan điểm này cho rằng nếu thụ lý ngay cả trường hợp không có tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm thì làm cho Toà án quá tải, gây lãng phí thời gian ngay cho cả Toà án và các chủ thể khác có liên quan.

Ngoài hai quan điểm trên, còn có quan điểm: Khi khởi kiện, người khởi kiện không nộp kèm theo đơn khởi kiện tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm (Trừ trường hợp có lý do chính đáng) là thuộc trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện nên Thẩm phán căn cứ vào điểm a Khoản 1 Điều 192 BLTTDS trả đơn khởi kiện. Quan điểm này không phù hợp với Điều 1 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn về trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện và cũng không phù hợp với quan điểm của HĐTP TANDTC về trường hợp “Không có quyền khởi kiện” trong một vụ án cụ thể.

2.Hướng hoàn thiện pháp luật về trả đơn khởi kiện

Pháp luật tố tụng hiện hành không có qui định cụ thể về việc người khởi kiện phải nộp tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm là những tài liệu, chứng cứ nào nhưng qua những vụ việc cụ thể, người khởi kiện và Thẩm phán có thể nhận biết được hệ thống các tài, liệu chứng cứ gồm những gì thông qua yêu cầu của người khởi kiện mà họ có tranh chấp yêu cầu được qui định tại các Điều 26, 28, 30, 32, 34 của BLTTDS. Đồng thời để biết người khởi kiện có quyền khởi kiện hay không thì cũng phải căn cứ vào những qui định pháp luật cụ thể gắn liền với yêu cầu của của người khởi kiện. Cần có sự thống nhất với nhận thức của HĐTP TANDTC rằng chỉ trong trường hợp rõ ràng nguyên đơn không có quyền theo pháp luật thì họ mới không có quyền khởi kiện. Nhận thức này đến thời điểm hiện nay vẫn phù hợp với nội dung hướng dẫn và ví dụ tại Điều 2 của Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP về người khởi kiện không có quyền khởi kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS. Sau đây một số đề xuất cụ thể:

Đề xuất thứ nhất:

Để qui định của khoản 5 Điều 189 BLTTDS năm 2015 được thực hiện cần qui định bổ sung: Quyền yêu cầu nộp, bổ sung tài liệu chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm khi Toà án nhận và xử lý đơn khởi kiện.

Nội dung bổ sung:Đối với trường hợp người khởi kiện khi nộp đơn khởi kiện mà không nộp tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm hoặc có nhưng không đầy đủ thì Thẩm phán có quyền Thông báo yêu cầu người khởi kiện phải nộp bổ sung và ấn định thời gian để thực hiện nhưng không quá ba mươi ngày. Nếu hết thời hạn ấn định mà người khởi kiện không giao nộp mà không có lý do chính đáng thì Toà án căn cứ vào hồ sơ mà người khởi kiện đã nộp để thụ lý vụ án theo thủ tục chung”.

Qui định này có ý nghĩa: Thứ nhất tránh trình trạng người khởi kiện khi nộp đơn khởi kiện mà không nộp tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm hoặc có nhưng không đầy đủ nhưng Thẩm phán không có quyền Thông báo yêu cầu người khởi kiện phải nộp bổ sung. Thứ hai để thống nhất trong nhận thức của hệ thống Toà án: Trường hợp người khởi kiện khi nộp đơn khởi kiện mà không nộp hoặc nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm thì Toà án vẫn phải thụ lý, sau thông báo nếu họ không giao nộp thì hậu quả bất lợi họ sẽ phải gánh chịu, đồng thời đảm bảo Toà án là nơi cầu viện công lý của tất cả mọi người, tránh trình trạng Toà án ấn định buộc người khởi kiện phải giao nộp những chứng cứ, tài liệu lẽ ra nó có thể được giao nộp cho Toà án sau khi thụ lý.

Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm biểu mẫu: Thông báo giao nộp, bổ sung tài liệu chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Bổ sung biểu mẫu này có ý nghĩa khắc phục trình trạng sử dụng Mẫu số 26-DS về thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện.

Đề xuất thứ hai:

Ngoài việc hướng dẫn Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các chủ thể quy định tại Điều 186, Điều 187 BLTTDS (khoản 1 Điều 2) và yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân không cần xác minh, thu thập chứng cứ cũng đủ căn cứ kết luận là không có việc quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm hoặc cần bảo vệ  (khoản 2 Điều 2) thì TANDTC cần có hướng dẫn bổ sung thêm một khoản (khoản 3) vào Điều 2 của Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn về người khởi kiện không có quyền khởi kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS.

Nội dung bổ sung: “3. Chỉ trong trường hợp rõ ràng người khởi kiện không có quyền theo pháp luật thì họ mới không có quyền khởi kiện”, và cho một số trường hợp ví dụ cụ thể kèm theo hướng dẫn này.

 

[1] Xem Khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015.

[2] Xem Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05 tháng 05 năm 2017 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

[3]  Khoản 5 Điều 189 BLTTDS năm 2015 qui định Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Cụm từ “bị xâm phạm” thay cho cụm từ có “căn cứ và hợp pháp”  được qui định tại Điều 165 BLTTDS năm 2004.

Th.S TRƯƠNG THANH HÒA (TAND huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi)