Trần Văn A phạm tội gì?

Trần Văn A ký hợp đồng không xác định thời hạn với Tổng Công ty Bưu chính X với chức danh là Quản lý bán hàng điểm bán. A đã chiếm đoạt tổng số tiền là 215.000.000 đồng của Tổng Công ty Bưu chính X.

Năm 2016, Trần Văn A (trú tại huyện M, tỉnh N) ký hợp đồng không xác định thời hạn với Tổng Công ty Bưu chính X với chức danh là Quản lý bán hàng điểm bán và được phân công làm việc tại Chi nhánh Bưu chính khu vực huyện M, tỉnh N. Trần Văn A có nhiệm vụ phát triển, chăm sóc điểm bán, bán sim, thẻ cào điện thoại và chuyển tiền thông qua dịch vụ Zalo Pay cho các điểm bán trong khu vực quản lý, sau đó quản lý số tiền bán hàng thu được và chuyển về tài khoản chuyên thu của Tổng Công ty X.

A được Tổng Công ty X cung cấp 01 User (BCCS) để thực hiện chuyển tiền của Tổng Công ty vào các tài khoản Zalo Pay của các điểm bán. Trong giai đoạn 2016 - 2020 A luôn thực hiện đúng các công việc theo chức năng, quyền hạn của mình và nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao của cấp trên và cấp dưới.

Vào khoảng cuối năm 2021, do thiếu tiền tiêu xài, A đã nảy sinh ý định chiếm đoạt và sử dụng để tiêu xài cá nhân. Cụ thể, A đã sử dụng thông tin điểm bán của anh Nguyễn Văn B (địa chỉ: Thôn 4, xã Nhân Bắc, huyện M, tỉnh N) để tự đăng ký tài khoản Zalo Pay (bằng số điện thoại phụ thứ nhất của A) cho điểm bán Nguyễn Văn B. A sử dụng User của mình thực hiện chuyển tiền vào tài khoản Zalo Pay của điểm bán Nguyễn Văn B và tiếp tục chuyển tiền từ tài khoản Zalo Pay của điểm bán Nguyễn Văn B vào tài khoản Zalo Pay của A (tài khoản này đăng ký bằng số điện thoại chính của A). Sau đó, chuyển từ tài khoản Zalo Pay của A vào tài khoản BCCS của A để gạch công nợ ngày hôm trước. Đồng thời A đã sử dụng User của mình chuyển tiền vào tài khoản Zalo Pay (đăng ký bằng số điện thoại phụ thứ hai của A) của điểm bán là anh Hồ Văn C (địa chỉ: Thôn 9, xã Nhân Bắc, huyện M, tỉnh N) và nhờ anh C chuyển lại tiền vào tài khoản Zalo Pay của A, sau đó A sử dụng số tiền trên để gạch công nợ của mình.

Bằng thủ đoạn như trên, tính đến ngày 29/12/2021, A đã chiếm đoạt tổng số tiền là 215.000.000 đồng của Tổng Công ty Bưu chính X. Ngày 30/12/2021, Chi nhánh Bưu chính tại khu vực huyện M, tỉnh N tiến hành kiểm tra công nợ và phát hiện hành vi của A. Cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố để xử lý về hành vi vi phạm pháp luật của A.

Có nhiều quan điểm khác nhau về tội danh của A.

- Quan điểm thứ nhất cho rằng: A phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 BLHS. Bởi vì mối quan hệ công việc giữa A và Tổng Công ty X được xác lập thông qua một hợp đồng dân sự trong đó có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của A đó là quản lý số tiền bán hàng thu được từ các điểm bán trong khu vực do A phụ trách và phải chuyển tiền về cho Tổng Công ty, về quy định thì A hoàn toàn không có quyền sử dụng đối với số tiền này. Tuy nhiên A đã sử dụng số tiền đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản cho Tổng Công ty X, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của pháp nhân. Đồng thời ý định chiếm đoạt của A chỉ xuất hiện sau khi A nhận được số tiền này. Do đó hành vi của A phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

- Quan điểm thứ hai cho rằng: A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 BLHS. Bởi vì việc A sử dụng một loạt các thao tác chuyển tiền liên tiếp nhau về mặt thời gian để thực hiện việc chuyển tiền giữa các tài khoản của điểm bán với tài khoản của cá nhân, tuy về mặt hình thức là để chuyển tiền gạch công nợ nhưng thực chất là để che giấu ý định chiếm đoạt của mình, đồng thời thông qua các thao tác nói trên A đã thực hiện được ý định chuyển dịch bất hợp pháp tài sản của Tổng Công ty thành tài sản của mình, thời điểm hoàn thành của hành vi là khi A có được tài sản thông qua các giao dịch mà A đã thực hiện. Như vậy A đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của Tổng Công ty X. Do đó hành vi của A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

- Quan điểm thứ ba (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng: A phạm tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 353 BLHS. Bởi vì A là người có chức vụ, quyền hạn đồng thời là người có trách nhiệm quản lý đối với tài sản bị chiếm đoạt, hành vi của A đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của pháp nhân được pháp luật bảo vệ, đối tượng chiếm đoạt là số tiền thuộc quyền sở hữu của Tổng Công ty X, được xác định là doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Theo quy định của BLHS thì đối với trường hợp chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước vẫn thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội này. Hành vi của A là lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý là số tiền bán hàng của các điểm bán trong khu vực do A phụ trách, vì vậy hành vi của A đã phạm tội “Tham ô tài sản”.

Rất mong nhận được ý kiến đóng góp trao đổi thêm của quý đồng nghiệp và bạn đọc.

 

Một điểm giao dịch của Viettel - Ảnh MH

 

NGUYỄN MINH CƯƠNG (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)