Tuyên trả lại tài liệu là bản chính trong quyết định giải quyết vụ án dân sự

Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm là việc Tòa án quyết định ngừng việc giải quyết vụ án. Vấn đề đặt ra, hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được thể hiện trong Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của các Tòa án hiện nay đã đảm bảo đầy đủ hay chưa?

Quy định của luật

 Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm là việc Tòa án quyết định ngừng việc giải quyết vụ án khi có những căn cứ được pháp luật quy định tại Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015. Khi ra Quyết định về việc đình chỉ giải quyết vụ án, Tòa án phải ghi rõ hậu quả của việc đình chỉ theo quy đình tại Điều 218 của BLTTDS.

Vấn đề đặt ra, hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được thể hiện trong Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của các Tòa án hiện nay đã đảm bảo đầy đủ hay chưa?

Ở góc độ văn bản, tại Điều 218 BLTTDS quy định hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự bao gồm các vấn đề như sau:

– Quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án.

– Xử lý tiền tạm ứng án phí đã nộp.

– Kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Tại biểu Mẫu số 45-DS Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC), có hướng dẫn: Tuỳ vào từng trường hợp đình chỉ vụ án cụ thể mà ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 218 của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) (kể cả về tiền tạm ứng án phí).

Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 217 BLTTDS lại có quy định về hoạt động của Tòa án khi đình chỉ giải quyết vụ án, cụ thể:

Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu có yêu cầu; trong trường hợp này, Tòa án phải sao chụp và lưu lại để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu.”

Cách hiểu khác nhau

 Từ các quy định của pháp luật cũng như hướng dẫn của Tòa án tối cao về mẫu Quyết định đình chỉ, tác giả có ý kiến sau:

Thứ nhất, việc trả lại tài liệu (bản chính) cho đương sự được xem là việc giải quyết hậu quả của việc đình chỉ, vì với bất cứ lý do đình chỉ giải quyết vụ án nào thì khi có yêu cầu của đương sự Tòa án đều phải trả lại mà không được từ chối, tương tự như việc giải quyết tiền tạm ứng án phí đã nộp. Vì khi so sánh giữa tài liệu (bản chính) với tiền tạm ứng án phí, có thể mốt số điểm tương đồng như: Đều là tài sản của đương sự, đương sự có quyền nhận hoặc không, đều phát sinh sau khi đình chỉ vụ án.

Thứ hai, khi khởi kiện vụ án dân sự ngoài gửi đơn khởi kiện cho Tòa án, người khởi kiện còn phải gửi các tài liệu (bản chính) để làm căn cứ cho việc khởi kiện của mình. Tương tự, đối với việc khi khởi kiện lại vụ án dân sự đã bị đình chỉ trước đây thì đương sư vẫn phải nộp các tài liệu (bản chính) nêu trên, chính vì thế để đảm bảo quyền khởi kiện của mình, đương sự phải nhận lại các tài liệu (bản chính) đã nộp. Mặt khác, đối với một số trường hợp thì tài liệu (bản chính) đã nộp cho Tòa án như: Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, biên nhận tiền, Hợp đồng,… thì ngoài việc được sử dụng để khởi kiện thì các tài liệu trên còn được sử dụng với những mục đích khác.

Thứ ba, trong thực tiễn áp dụng pháp luật tại các Tòa án cấp huyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tuy không thể hiện việc trả lại tài liệu (bản chính) cho đương sự trong Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nhưng các Tòa án đều chủ động thực hiện việc này ngay sau khi đình chỉ vụ án mà không cần phải có yêu cầu của đương sự vì các lý do sau:

– Việc lưu trữ các tài liệu là bản chính nêu trên có thể bị thất lạc, bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vì thực tế hiện nay việc bảo quản hồ sơ còn nhiều hạn chế về mặt cơ sở vật chất. Từ đó, dẫn đến tình trạng Tòa án không muốn giữ các tài liệu (bản chính) trên để tránh bị những khiếu nại không đáng có liên quan đến việc lưu trữ, bảo quản.

– Do quy định pháp luật không quy định về thời hạn đương sự được quyền yêu cầu nhận lại các tài liệu (bản chính) đã nộp nên sẽ dẫn đến tình trạng khi các hồ sơ vụ án đã kết thúc và lưu trữ trong kho lưu trữ một thời gian đến khi đương sự có yêu cầu nhận lại thì Tòa án phải tra tìm hồ sơ để trả lại cho đương sự, việc này gây mất thời gian và ảnh hưởng đến hoạt động của Tòa án.

Kiến nghị có hướng dẫn

Thực tiễn tại các TAND cấp huyện hiện nay vẫn còn lúng túng trong việc ghi hay không ghi nội dung trả lại các tài liệu (bản chính) cho đương sự theo quy định tại khoản 3 Điều 217 BLTTDS. Tuy nhiên, vẫn có một số TAND đã đưa nội dung này vào phần giải quyết hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án, điển hình như: TAND huyện Đô Lương, Nghệ An; TAND huyện Quỳ Hợp, Nghệ An; TAND thị xã Cửa Lò, Nghệ An; TAND thị xã Phước Long, Bình Phước; TAND thành phố Huế, Thừa Thiên Huế; TAND huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai; TAND huyện Thuận Châu, Sơn La; TAND huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng; TAND huyện Đông Sơn, Thanh Hóa; TAND huyện Bắc Quang, Hà Giang; TAND huyện Minh Hóa; Quảng Bình; TAND huyện Đăkglei, Kon Tum; TAND huyện Chương Mỹ, Hà Nội; TAND huyện Kỳ Anh, Hà Tỉnh;… (Thông tin dựa trên khảo sát tại trang wedsite https://congbobanan.toaan.gov.vn/)

Từ những phân tích trên, tác giả đề xuất, kiến nghị đến TANDTC trong thời gian tới cần có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này để tạo sự thống nhất trong ngành Tòa án.

Trên đây là quan điểm cá nhân về việc đưa nội dung trả lại tài liệu (bản chính) cho đương sự vào Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả.

 

HĐXX một vụ án dân sự tại Cà Mau – Ảnh: Phan Thanh Răng / TCKS

NGUYỄN KHẮC TÍN ( VKSND huyện Cai Lậy, Tiền Giang)