Vướng mắc về biện pháp tạm giam trong giai đoạn xét xử hình sự phúc thẩm

Vấn đề áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn xét xử phúc thẩm hiện có những vướng mắc, cần có hướng dẫn để áp dụng được thống nhất.

1. Thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm giam trong giai đoạn xét xử hình sự phúc thẩm

Khác với những loại vụ án trên lĩnh vực như dân sự hay kinh tế, lao động những vụ án trong lĩnh vực hình sự có những đặc thù riêng, trong đó, có việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế. Tạm giam là một trong những biện pháp ngăn chặn được áp dụng vào quá trình giải quyết vụ án hình sự. So với những biện pháp ngăn chặn khác, tạm giam là biện pháp đặc biệt.

Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 thì tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc với tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng trong một số trường hợp có đủ căn cứ theo quy định.

Như vậy, đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm giam phải là bị can hoặc bị cáo, nghĩa là những người đã bị khởi tố, truy tố, xét xử về các tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự và bị hạn chế một số quyền con người, quyền công dân.

Theo quy định có ba chủ thể có thẩm quyền ra quyết định tạm giam trong giai đoạn xét xử phúc thẩm là Chánh án, Phó Chánh án, Hội đồng xét xử phúc thẩm.

Khác với các biện pháp ngăn chặn khác, chủ thể có quyền ra quyết định tạm giam bị hạn chế hơn khi chỉ có Chánh án, Phó Chánh án và Hội đồng xét xử mới có thẩm quyền, trong khi các biện pháp ngăn chặn khác Thẩm phán chủ tọa có quyền áp dụng để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án.

2. Vướng mắc trong thực tiễn

Theo quy định tại Điều 347 BLTTHS 2015, thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử là không quá 60 ngày đối với Tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu và 90 ngày đối với TANDCC, Tòa án quân sự Trung ương. Quy định này có sự khác biệt so với BLTTHS 2003, có sự phân biệt giữa TAND cấp tỉnh với TANDCC để đảm bảo cho TANDCC có nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ hơn.
Trước đây, theo Điều 243 BLTTHS 2003 sau khi thụ lý hồ sơ phúc thẩm, thời hạn tạm giam là 02 tháng, nên cứ mặc nhiên khi có kháng cáo, kháng nghị và cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ lên thì sẽ ra quyết định tạm giam 02 tháng kể từ ngày thụ lý hồ sơ húc thẩm, điều đó dẫn đến việc lệnh trùng lệnh.

Ví dụ: Có vụ án xử vào ngày 01, Hội đồng xét xử sơ thẩm ra quyết định tạm giam 45 ngày kể từ ngày tuyên án, theo quy định khi bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp sơ thẩm làm thủ tục và hết 30 ngày kháng cáo, kháng nghị Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ lên cho Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý, có trường hợp ngày thứ 31, 32 hồ sơ đã được chuyển lên, cấp phúc thẩm thụ lý luôn và ra lệnh tạm giam 60 ngày dẫn đến việc trùng quyết định tạm giam tới 14-15 ngày. Để giải quyết điều này, quy định tại khoản 2 Điều 347 BLTTHS 2015 đã nêu rõ việc phải gối lệnh với quyết định tạm giam cấp sơ thẩm, theo tôi quy định như vậy rất hợp lý đảm bảo quyết định không trùng quyết định.

Với quy định: “Nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa” đã giải quyết được vấn đề trước đây có vụ án diễn ra trong nhiều ngày nhưng thời hạn tạm giam lại hết. Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam để bảo đảm việc hoàn thành xét xử, đây là quy định mới so với BLTTHS 2003.

Tuy nhiên, BLTTHS 2015 không có quy định nào về việc Chánh án, Phó Chánh án ra quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa, điều này dẫn đến việc hiện nay trong quá trình giải quyết những vụ án hình sự phúc thẩm có áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam, thời hạn xét xử là 60 ngày đối với TAND cấp tỉnh thì Chánh án, Phó Chánh án sẽ ra quyết định tạm giam 60 ngày, do yếu tố khách quan phiên tòa chưa được mở trong khi quyết định tạm giam đã hết mà Hội đồng xét xử chưa làm việc nên cũng không ra được quyết định tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.

Vấn đề này, theo tôi, cần có hướng dẫn cụ thể vì tạm giam là biện pháp ngăn chặn đặc biệt ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình giải quyết vụ án, các Trại tạm giam không thể giam người mà không có lệnh. Vì vậy, cần có hướng dẫn để bổ sung cho các trường hợp đã hết thời hạn tạm giam theo quyết định tạm giam của Chánh án, Phó Chánh án mà phiên tòa chưa được mở.

Trên đây là một số nghiên cứu của tôi trong quá trình trực tiếp thụ lý các vụ án hình sự phúc thẩm, xin chia sẻ cùng quý độc giả và mong sẽ sớm có những hướng dẫn từ Hội đồng Thẩm phán TANDTC để việc áp dụng biện pháp tạm giam trong xét xử hình sự được hoàn thiện hơn.

PHẠM THỊ THÙY DUNG ( TAND tỉnh Yên Bái)