Xác định di sản thừa kế của cụ Huỳnh Văn K và cụ Phạm Thị M

Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Chu Minh Đức được đăng ngày 08/4/2022 với bài viết “Tòa án có xác định thiếu di sản thừa kế hay không?” tôi xin được trao đổi.

Tranh chấp thừa kế tài sản là một loại tranh chấp dân sự phổ biến, phức tạp và khó giải quyết vì liên quan điều chỉnh nhiều văn bản quy phạm pháp luật và liên quan đến những người có mối quan hệ tình cảm gia đình. Việc giải quyết loại tranh chấp này yêu cầu Tòa án cần phải xác định cụ thể các phần di sản thừa kế, các đồng thừa kế, thời điểm mở thừa kế để từ đó có hướng giải quyết thấu tình, đạt lý.

Đứng dưới góc độ pháp lý, tôi có một số quan điểm và ý kiến như sau:

1. Về di sản thừa kế cụ K và M để lại

Căn cứ Điều 612 BLDS thì tổng giá trị di sản thừa kế hai cụ để lại là 12.682,5 m2 quyền sử dụng đất, trong đó 1 thửa đất có diện tích là 1.315,5m và phần đất ruộng diện tích 11.367m2.

Nhận thấy cụ K chết vào năm 2004 và cụ M chết vào năm 1980, cả hai cụ chết đều không để lại di chúc.

Do vậy, di sản thừa kế của hai cụ sẽ được chia theo pháp luật theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 650 BLDS 2015. Theo đó căn cứ tại điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS 2015 thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm có 4 đồng thừa kế là A, B, C, D mỗi người sẽ hưởng suất ngang nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 651 BLDS 2015. Cụ thể, A, B, C, D mỗi người sẽ hưởng là 3.170,625 m2.  

2. Đánh giá về quan điểm giải quyết vụ án của Tòa án

a. Quan điểm thứ nhất

Tại quan điểm thứ nhất, Tòa án đã căn cứ vào khoản 1 Điều 5 BLTTDS 2015 quy định: “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó” để từ đó, Tòa án chỉ chia thừa kế đối với phần diện tích đất 1.315,5m2 mà không giải quyết đối với diện tích đất 11.367m2.  Toà án cho rằng không đương sự nào có yêu cầu đối với diện tích đất 11.367m2 nên không có cơ sở để xem xét diện tích này là di sản thừa kế để giải quyết trong vụ án.

Tác giả không đồng tình với quan điểm giải quyết này của Tòa án, bởi lẽ:

Thứ nhất, căn cứ tại khoản 2 Điều 5 BLTTDS 2015 thì có ghi nhận như sau: “Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”

Với sự ghi nhận trên có nghĩa là đương sự chứ không phải ai khác có quyền tự định đoạt số phận pháp lý của vụ việc dân sự. Đương sự có quyền dừng vụ kiện, rút yêu cầu, thay đổi yêu cầu, bổ sung yêu cầu, hòa giải với nhau, nếu như họ hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Xét thấy, trong trường hợp trên, tại Biên bản hòa giải ngày 09/1/2018, nguyên đơn và bị đơn có nêu nội dung về phần đất diện tích 11.367m2 do cụ K đứng tên, các anh em đã họp thỏa thuận để ông C đứng tên.

Như vậy, mặc dù trong đơn khởi kiện tranh chấp ông B yêu cầu ông A chia thừa kế cho ông B diện tích đất 285m2 trong tổng số diện tích đất 1.315,5m2 và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông A mà không đề cập đến diện tích đất ruộng 11.367m2 nhưng trong quá trình giải quyết các đương sự đã đề cập đến diện tích này, do đó, Tòa án cần phải xem xét để giải quyết để đảm bảo quyền lợi của các đương sự và từ đó mới có cơ sở chấp nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các bên.

Thứ hai, chúng ta cần phải xác định vấn đề tranh chấp ở đây là tranh chấp thừa kế tài sản theo khoản 5 Điều 26 BLTTDS 2015.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 612 BLDS 2015 có quy định về di sản như sau: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.

Với quy định nêu trên, nếu xác định đây là tranh chấp thừa kế tài sản, thì nguyên tắc đầu tiên phải xác định di sản thừa kế của người chết để lại là bao nhiêu? Và bao gồm những loại tài sản nào?

Vì cả cụ M và K chết vào hai thời điểm khác nhau mà trước đó cũng chưa có bất kỳ sự phân chia di sản thừa kế nào, do đó, khối tài sản của các cụ M và K để lại được xác định là 12.682,5 m2 quyền sử dụng đất và đây cũng chính là di sản thừa kế mà hai cụ để lại cho 4 người con của mình là A, B, C, D vì các cụ không đều không để lại di chúc.

Do đó, việc Tòa án chỉ xác định di sản thừa kế là diện tích 1.315,5mtheo căn cứ sự tranh chấp ở phần diện tích này là không phù hợp. Bởi lẽ, Tòa án cần phải xác định tổng giá trị di sản thừa kế để lại của cụ M và cụ K trước và sau đó tiến hành phân chia di sản thừa kế theo đúng quy định pháp luật, nếu các bên có thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện sau khi xác định thì Tòa án mới công nhận những thỏa thuận đó.

Việc xác định, di sản thừa kế tranh chấp chỉ là diện tích 1.315,5mđã vi phạm nghiêm trọng trong nguyên tắc xác định di sản thừa kế mà BLDS 2015 quy định, từ đó đã ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự tại Điều 614 BLDS 2015: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.” Mặc khác, việc xác định như quan điểm trên sẽ vô tình hiểu sai về di sản thừa kế mà cụ K và cụ M để lại trên thực tế.

b. Quan điểm thứ hai

Quan điểm thứ hai thì cho rằng việc phân chia diện tích đất 1.315,5m2 là có điều kiện và liên quan đến diện tích đất 11.367m2. Từ đó, xác định Tòa án đã xác định thiếu di sản thừa kế.

Như đã lập luận và phân tích phía trên, tác giả cho rằng Tòa án đã xác định di sản thừa kế giải quyết không chính xác, cần phải xác định đầy đủ và rõ ràng và di sản hai cụ để lại trên thực tế để lại là tổng bao nhiêu? Hay chỉ để lại là 1.315,5m2 ? Vì thế, tác giả cũng đồng tình với quan điểm 2 trong trường hợp này Tòa án đã xác định di sản thừa kế thiếu 11.367m2.

Từ các vấn đề phân tích trên, quan điểm của tác giả cho rằng khi giải quyết tranh chấp di sản thừa kế nếu có yêu cầu trong một phần di sản, thì Tòa án cần phải xác định tổng giá trị khối di sản thừa kế để lại cụ thể, sau đó tiến hành phân chia. Và cuối cùng dựa vào sự thỏa thuận tự nguyện của các bên Tòa án có thể xem xét và đưa ra quyết định để đảm bảo quyền lợi ích chung của các đương sự, cũng như đảm bảo đúng tinh thần của pháp luật.

 

Một ngôi nhà ở Ninh Thuận - Ảnh minh họa của Thái Vũ

TRẦN VĂN TỪ  (Học viên cao học Luật Kinh tế K14 - Trường Đại học Luật Huế)