Xác định người phải thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp chuyển giao nghĩa vụ

Xác định người phải thực hiện nghĩa vụ đối với người có quyền trong vụ án liên quan đến chuyển giao nghĩa vụ rất quan trọng. Giải quyết vụ án liên quan đến chuyển giao nghĩa vụ có những quan điểm khác nhau, cần có sự hướng dẫn thống nhất của TANDTC để áp dụng đúng quy định của pháp luật.

Điều 370 của BLDS năm 2015 quy định: 1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ; 2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.”

Tuy nhiên, khi giải quyết vụ án xác định người phải thực hiện nghĩa vụ dân sự một số quan điểm khác nhau. Ví dụ: Trong một vụ án dân sự ông Nguyễn Văn A nợ tiền của bà Nguyễn Thị B,  hai bên có viết và ký giấy tờ vay. Do làm ăn thua lỗ ông A không trả được tiền cho bà B. Anh Nguyễn Văn C là con trai của ông A đã thỏa thuận với bà B và viết giấy nhận trả nợ thay cho ông A. Ông A không cùng ký vào giấy nhận trả nợ thay giữa anh C và bà B. Đến ngày hẹn trả nợ, anh C không thực hiện việc trả nợ cho bà B như đã cam kết. Bà B khởi kiện yêu cầu Tòa án huyện H giải quyết, buộc anh Nguyễn Văn C phải trả cho bà Nguyễn Thị B số tiền đã ký nhận trả nợ thay ông Nguyễn Văn A. Quá  trình giải quyết vụ án anh C không đồng ý trả nợ cho bà B, anh C cho rằng việc nhận nợ thay khi đó chưa được sự đồng ý của ông A, không có chữ ký xác nhận của ông A, giữa ông A và anh C chưa thống nhất về khoản nợ của bà B. Ông Nguyễn Văn A vắng mặt và không hợp tác trong quá trình làm việc tại Tòa án.

Quan điểm thứ nhất cho rằng:  Anh Nguyễn Văn C không có nghĩa vụ thay ông Nguyễn Văn A  trả nợ cho bà Nguyễn Thị B vì khi viết giấy nhận trả nợ thay ông A chưa ký xác nhận, chỉ có anh C và bà B ký. Ông Nguyễn Văn A chưa thực hiện việc chuyển giao nghĩa vụ của mình cho anh Nguyễn Văn C. Vì vậy nghĩa vụ trả nợ thay chưa phát sinh đối với anh C. Việc viết và ký giấy thỏa thuận giữa bà Nguyễn Thị B và anh Nguyễn Văn C không có giá trị. Vì vậy, ông Nguyễn Văn A phải có nghĩa vụ trả nợ cho bà Nguyễn Thị B.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Anh Nguyễn Văn C có nghĩa vụ trả nợ cho bà Nguyễn Thị B. Trường hợp này đã phát sinh chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ vì đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại Điều 370 BLDS 2015 là: Được sự đồng ý của bên có quyền yêu cầu, nghĩa vụ không gắn liền với quyền nhân thân của bên có nghĩa vụ, không thuộc trường hợp pháp luật không cho phép.

Đối với hình thức chuyển giao nghĩa vụ BLDS năm 2015 không quy định cụ thể nên có thể chuyển giao nghĩa vụ qua lời nói hay bằng văn bản. Bên có nghĩa vụ biết hoặc không biết việc chuyển giao nghĩa vụ không là điều kiện bắt buộc. Bên có nghĩa vụ có thể biết và có thỏa thuận việc chuyển giao nghĩa vụ nhưng nhằm mục đích che dấu sự thật gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án mà coi như không biết và không hợp tác tham gia giải quyết vụ án. Đối với bên được chuyển nghĩa vụ (người thế nghĩa vụ) dựa vào vấn đề này để trốn tránh nghĩa vụ của mình đối với bên có quyền.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai. Hiện nay để giải quyết vụ án về chuyển giao nghĩa vụ mới chỉ quy định tại Điều 370 BLDS năm 2015 và chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Do đó rất mong TANDTC có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Tác giả mong quý bạn đọc trao đổi, đóng góp ý kiến./.

 

TAND huyện Cao Lộc, Lạng Sơn xét xử vụ án dân sự – Ảnh: Nguyễn Phương Anh/ VKSND CL

NGUYỄN THỊ HUỆ (TAND Tp Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông)