Lấy ý kiến về Quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp Thẩm phán

Hội nghị toàn quốc về công tác cán bộ đang tập trung thảo luận bốn dự thảo gồm: Báo cáo công tác tổ chức cán bộ của Hệ thống Tòa án nhân dân; Nghị quyết của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về việc lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ của Tòa án nhân dân; Quy chế đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức trong Tòa án nhân dân và đặc biệt là Bộ Quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp Thẩm phán.

 

I.Những nội dung cơ bản của dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp Thẩm phán

Sau khi nghiên cứu Hiến pháp và các quy định của pháp luật Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người Thẩm phán; quan điểm, định hướng của Đảng về cải cách tư pháp; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, nhiều văn kiện quốc tế quan trọng khác; Bộ nguyên tắc Bangalore về đạo đức tư pháp 2002 , Hiến chương Thẩm phán toàn cầu , Quy tắc đạo đức đối với thành viên và cựu thành viên Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu 2016, Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán của một số quốc gia trên thế giới như Nga, Mỹ, Israel, Singapore, Philippines,…, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức-Cán bộ, Học viện Tòa án và một số đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp Thẩm phán, bên cạnh Lời nói đầu là 3 Chương với 17 điều. Cụ thể như sau:

Chương I về những quy định chung

Chương này gồm 2 điều quy định về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và yêu cầu chung. 

a) Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh: Bộ Quy tắc này quy định những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của Thẩm phán; áp dụng đối với Thẩm phán công tác tại Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp; là cơ sở để Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thực hiện việc giám sát, đánh giá về phẩm chất đạo đức của Thẩm phán, người được tái nhiệm, được tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán và là một trong những căn cứ để xem xét việc khen thưởng, kỷ luật đối với Thẩm phán (Hoạt động giám sát được thực hiện theo Chương III Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia). 

b) Về yêu cầu chung: Trước hết, Thẩm phán phải là người trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần dũng cảm, kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực; là tấm gương về liêm chính, độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Thẩm phán phải xử sự bản lĩnh, đúng mực, khoan dung, nhân ái, lịch thiệp và thận trọng khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong đời sống cá nhân để gìn giữ sự tin tưởng, tôn trọng của người dân và xã hội đối với Thẩm phán và Tòa án; không được làm những việc ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng, địa vị cao quý của mình; không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp.

Đối với những người đã từng là Thẩm phán thì khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác cũng có trách nhiệm tiếp tục giữ gìn những giá trị đạo đức của người Thẩm phán.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị – Ảnh Nguyên Anh

 

Chương II về những chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán

Chương này gồm 7 điều quy định về những chuẩn mực đạo đức không thể thiếu của Thẩm phán như tính độc lập; sự vô tư, khách quan; liêm chính; công bằng, bình đẳng; bên cạnh đó là những vấn đề đạo đức đối với các nghề nghiệp khác trong xã hội là bình thường nhưng với Thẩm phán thì phải được nâng thành chuẩn mực đạo đức, đó là sự đúng mực; sự tận tụy và không chậm trễ; năng lực và sự chuyên cần. Quy định về các nội dung này trong dự thảo được thiết kết theo hướng xác định nội hàm, ý nghĩa và yêu cầu của từng chuẩn mực đạo đức. Theo đó, các chuẩn mực được thể hiện như sau:

Về tính độc lập:

Độc lập là nguyên tắc Hiến định về tổ chức và hoạt động của Tòa án. Theo đó, khi xét xử, Thẩm phán và các thành viên khác của Hội đồng xét xử phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Sự độc lập của Thẩm phán là một trong những điều kiện tiên quyết để bảo đảm cho việc xét xử vô tư, khách quan, công bằng, không thiên vị. Bởi lẽ đó, Thẩm phán phải độc lập trong mối quan hệ tổ chức hành chính của Tòa án; độc lập với áp lực xã hội, kinh tế; độc lập với những người tiến hành tố tụng khác, với đồng nghiệp và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc đưa ra quyết định giải quyết vụ việc.

Với tính độc lập thì trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán phải tự quyết định trên cơ sở đánh giá của mình về tình tiết sự việc, chứng cứ và chỉ tuân theo pháp luật; không bị tác động hoặc can thiệp từ bên ngoài, dù trực tiếp hay gián tiếp, ở bất cứ đâu hoặc vì bất cứ lý do gì.

Về sự vô tư, khách quan:

Vô tư, khách quan là một trong những yếu tố bảo đảm cho Thẩm phán thực hiện tốt nhiệm vụ xét xử, thực thi công lý. Bởi lẽ đó, Thẩm phán phải luôn thể hiện sự vô tư, khách quan; thực hiện nhiệm vụ của mình một cách đúng đắn, không vì lợi ích riêng của cá nhân, không thiên vị bất cứ bên nào trong vụ việc.

Trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật, án lệ hoặc lẽ công bằng để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ việc; Thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.

Thẩm phán phải từ chối tham gia tố tụng khi nhận thấy mình có khả năng sẽ giải quyết vụ việc một cách không vô tư, khách quan theo đánh giá chủ quan hoặc theo đánh giá của một người bình thường. Đồng thời, Thẩm phán phải tự điều chỉnh hành vi ứng xử của mình để tránh trường hợp không được phân công giải quyết vụ việc do không đủ điều kiện về sự vô tư, khách quan.

Về sự liêm chính:

Liêm chính là giá trị hình thành nên nhân cách của người Thẩm phán; là phẩm chất cốt lõi không thể thiếu của người Thẩm phán. Bởi lẽ đó, mỗi Thẩm phán phải thể hiện sự liêm chính; luôn trong sạch, thẳng thắn, trung thực, không tham lam; luôn nghĩ, làm, nói những điều đúng với thực tế và chuẩn mực xã hội.

Thẩm phán không được lợi dụng địa vị Thẩm phán của mình để thúc đẩy lợi ích của mình hoặc của người khác; Thẩm phán không được và không cho phép các thành viên trong gia đình, cán bộ, công chức Tòa án dưới quyền quản lý của mình yêu cầu hoặc nhận tiền, tài sản, những lợi ích khác liên quan đến công việc mà Thẩm phán đã làm, đang làm, sẽ làm hoặc cố ý không làm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán.

Thẩm phán chỉ có thể nhận món quà lưu niệm, giải thưởng hay khoản tiền phù hợp với sự kiện được tổ chức, với điều kiện món quà, giải thưởng hay khoản tiền đó không bị coi là thể hiện sự thiếu vô tư, khách quan, có thể ảnh hưởng tới quá trình thực hiện nhiệm vụ của Thẩm phán; có thể nhận sách, tài liệu hoặc kết quả các công trình nghiên cứu về pháp luật; Thẩm phán phải công khai thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.

 

Đại biểu tham dự Hội nghị – Ảnh: Nguyên Anh

Về sự công bằng, bình đẳng:

Công bằng là giá trị căn bản tạo thành đạo đức Thẩm phán; bảo đảm đối xử bình đẳng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trước Tòa án là yêu cầu cốt yếu của việc xây dựng một Tòa án công bằng. Bởi lẽ đó, Thẩm phán có trách nhiệm bảo đảm sự bình đẳng, công bằng để những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của họ trong quá trình giải quyết vụ việc tại Tòa án.

Người Thẩm phán phải nhận thức được tính đa dạng và những khác biệt trong xã hội phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau, không giới hạn ở các yếu tố như chủng tộc, màu da, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc, trình độ văn hóa, tình trạng hôn nhân, xu hướng tình dục, giới tính, địa vị xã hội và các nguyên nhân khác. Do vậy, trong quá trình giải quyết vụ việc, Thẩm phán không được và không cho phép các hành vi thể hiện sự phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội; hình thức sở hữu và thành phần kinh tế của cá nhân, pháp nhân.

Về sự đúng mực:

Sự đúng mực của Thẩm phán là yếu tố quan trọng giúp bảo vệ phẩm chất, nhân cách, niềm tin và sự tôn trọng của công chúng đối với Thẩm phán và Tòa án. Bởi lẽ đó, trong mọi hoạt động của mình, Thẩm phán không được thể hiện sự thiếu đúng mực và phải luôn hành xử lịch thiệp, thận trọng, phù hợp với phẩm cách của chức danh tư pháp mà mình đảm nhận. Thẩm phán phải chấp nhận mọi sự hạn chế cá nhân để ứng xử văn minh trong mọi hoàn cảnh, thời gian, địa điểm.

Thẩm phán phải duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình tố tụng tại Tòa án; luôn thể hiện sự kiên nhẫn, nghiêm trang, khoan dung và nhân ái đối với các bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng khác. Tại phiên họp, phiên tòa hoặc trong các văn bản tố tụng, Thẩm phán phải không được đưa ra những bình luận gây tổn thương hoặc xúc phạm người khác.

Về sự tận tụy và không chậm trễ:

Thẩm phán phải tận tụy với công việc nhằm giải quyết nhanh nhất các vụ việc được giao và phải cống hiến hết mình trong việc thực hiện nhiệm vụ tư pháp. Khi giải quyết các vụ việc, Thẩm phán phải triệt để tuân thủ các quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các vụ việc quá hạn luật định; bởi lẽ, công lý chậm trễ là công lý không hoàn chỉnh.

Về năng lực và sự chuyên cần:

Thẩm phán phải không ngừng học hỏi, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử và tạo ra sự chuyên nghiệp của người Thẩm phán.

Thẩm phán phải luôn tự cập nhật thông tin về sự phát triển của luật pháp trong nước và quốc tế, các vấn đề quan trọng của đời sống kinh tế – chính trị trong nước và quốc tế nhằm tạo sự hiểu biết sâu sắc về mọi vấn đề của cuộc sống để áp dụng pháp luật đúng đắn nhất.

Chương III về những quy tắc ứng xử của Thẩm phán

Chương này gồm 08 điều quy định về những quy tắc ứng xử, cụ thể là ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ; ứng xử tại cơ quan; ứng xử với các cơ quan, tổ chức có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí; ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; ứng xử tại nơi cư trú, trong gia đình, ở nơi công cộng; ứng xử đối với các hoạt động bên ngoài nhiệm vụ xét xử. Bên cạnh việc kế thừa các quy định về quy tắc ứng xử tại Quyết định số 1253/2008/QĐ-TANDTC ngày 18-9-2008 về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân, thì Tổ soạn thảo có nghiên cứu, bổ sung thêm một số quy định mới. Trong đó, có một số quy định đặc biệt lưu ý sau đây:

Một là trong ứng xử với các cơ quan, tổ chức có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí:

– Thẩm phán phát biểu quan điểm của mình thông qua bản án, quyết định. Khi chưa ban hành bản án, quyết định, Thẩm phán không được phát biểu quan điểm của mình về việc giải quyết vụ việc.

– Thẩm phán không được cung cấp bản án, quyết định cho các cơ quan, tổ chức có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí, trừ các hình thức đã được pháp luật quy định.

– Thẩm phán chỉ phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu về xét xử, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng với các cơ quan, tổ chức có liên quan và cơ quan thông tấn, báo chí khi được cấp lãnh đạo có thẩm quyền giao theo đúng quy định của pháp luật.

– Thẩm phán có thể tham gia phỏng vấn, khảo sát dựa trên kinh nghiệm công tác chuyên môn để phục vụ nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế khi  hoạt động này không gây ảnh hưởng đến hoạt động xét xử hoặc thể hiện sự bày tỏ quan điểm về việc giải quyết vụ việc chưa được ban hành bản án, quyết định.

Hai là trong ứng xử tại gia đình:

Thẩm phán không được để thành viên trong gia đình lợi dụng danh nghĩa của bản thân để vụ lợi cho gia đình và bản thân;

Ba là trong ứng xử tại nơi công cộng:

Thẩm phán không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi khi tham gia các hoạt động xã hội;

Bốn là trong ứng xử đối với các hoạt động bên ngoài nhiệm vụ xét xử:

– Thẩm phán phải ưu tiên sử dụng quỹ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ xét xử.

– Thẩm phán có thể tham gia viết báo, viết sách, nghiên cứu khoa học, giảng dạy hoặc các hoạt động có thu nhập khác mà pháp luật không cấm nhưng không được tham gia các hoạt động có thể ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức của Thẩm phán.

– Thẩm phán có thể thực hiện trợ giúp pháp lý trong những trường hợp không vi phạm các chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán quy định tại Chương II Bộ Quy tắc này.

II.Nội dung cần thảo luận, đóng góp ý kiến

Bộ quy tắc này tác động trực tiếp đến đội ngũ Thẩm phán của hệ thống Tòa án nhân dân, do đó tác động trực tiếp đến hoạt động xét xử, chất lượng xét xử của Tòa án, nên rất cần được thảo luận, đóng góp ý kiến của chính các Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức các chức danh tư pháp trong Tòa án và nhân dân cả nước.

Các ý kiến góp ý tập trung vào các nội dung sau đây:

Đối tượng, phạm vi điều chỉnh quy định như của dự thảo đã phù hợp chưa? Việc dự thảo quy định Bộ Quy tắc này là cơ sở để Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thực hiện việc giám sát, đánh giá về phẩm chất đạo đức của Thẩm phán, người được tái nhiệm, được tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán và là một trong những căn cứ để xem xét việc khen thưởng, kỷ luật đối với Thẩm phán có phù hợp hay không? 

Các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được quy định tại Chương II dự thảo đã đầy đủ chưa? Nội hàm của từng chuẩn mực có cần sửa đổi, bổ sung gì? 

Những quy tắc ứng xử được quy định tại Chương III dự thảo đã phù hợp chưa? Cần bổ sung, chỉnh lý gì?

Các ý kiến góp ý sẽ được tapchitoaan.vn chuyển đến Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học để tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định.

THÁI VŨ