Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) được thông qua với sự biểu quyết tán thành gần như tuyệt đối của các ĐBQH

Sáng ngày 14/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) với 91,53% tổng số Đại biểu Quốc hội tán thành.

Sáng 14/6, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 17, Điều 27, Điều 33 và toàn văn Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Một số nội dung được quan tâm của Luật thi hành án hình sự như:

Đảm bảo quyền của phạm nhân (Điều 27)

Kết quả biểu quyết thông qua Điều 27 của dự thảo Luật về Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân : Số đại biểu tham gia biểu quyết: 446 (bằng 92.15% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 433 (bằng 89.46 %); Số đại biểu không đồng ý: 10 (bằng 2.07%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 03(bằng 0.62 %).

Tại báo cáo giải trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Kết quả lấy ý kiến ĐBQH về nội dung này cho thấy, đa số ý kiến tán thành phương án quy định tại khoản 3 Điều 27 của dự thảo Luật theo hướng: Phạm nhân chỉ được hưởng các quyền quy định trong Luật Thi hành án hình sự.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Điều 27 của dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung các nhóm quyền, như: Được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Cụ thể, phạm nhân được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân.

Phạm nhân cũng được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế theo quy định; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án. Được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; lao động, học tập, học nghề. Được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự.

 

Gần 92% Đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thông qua Luật Thi hành án hình sự

Ngoài ra, trên cơ sở cân nhắc kỹ quy định của pháp luật về quyền dân sự nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của phạm nhân và thực tiễn thi hành án phạt tù nhiều năm qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị, Quốc hội cho phép quy định tại Điều 27 về quyền được tự mình, hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật của phạm nhân.

Phạm nhân cũng được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo; được đề nghị xét đặc xá, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hưởng chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Phạm nhân được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; và được khen thưởng khi có thành tích trong quá trình chấp hành án.

Chưa quy định nội dung tổ chức lao động cho phạm nhân (Điều 33)

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) về nội dung tổ chức lao động cho phạm nhân (Điều 33), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết:

“Nhiều ý kiến tán thành phương án quy định cho phép doanh nghiệp hợp tác với trại giam để tổ chức lao động cho phạm nhân theo hướng: doanh nghiệp tổ chức các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động.

Nhiều ý kiến không nhất trí phương án quy định nêu trên.

UBTVQH nhận thấy, chính sách nhất quán của Nhà nước ta từ trước đến nay là: đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội (điểm e khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự). Do đó, đối với người bị phạt tù thì lao động là nghĩa vụ bắt buộc và là nội dung quan trọng trong công tác giáo dục cải tạo phạm nhân. Để nâng cao hiệu quả công tác này thì việc trại giam hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức lao động cho phạm nhân là cần thiết.

Pháp luật hiện hành cho phép trại giam tự mình hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân để tổ chức các khu lao động, dạy nghề cho phạm nhân; các khu này phải do trại giam trực tiếp đứng ra tổ chức, thuộc phạm vi quản lý của trại giam.

Riêng đối với các khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, xây dựng, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý; trại giam phối hợp và đưa phạm nhân ra lao động thì đây là vấn đề mới. UBTVQH đã tổ chức xin ý kiến ĐBQH về vấn đề này. Kết quả xin ý kiến chưa đạt được sự đồng thuận cao của ĐBQH (chưa đạt 50% tổng số ĐBQH) nên UBTVQH đề nghị chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật. Do đó, xin Quốc hội cho phép bỏ khoản 4 Điều 33 của dự thảo Luật trình Quốc hội”.

Về kết quả biểu quyết Điều 33 (Tổ chức lao động cho phạm nhân): Số đại biểu tham gia biểu quyết: 446 (bằng 92.15% tổng số đại biểu Quốc hội); Số đại biểu đồng ý: 410 (bằng 84.71%); Số đại biểu không đồng ý: 30 (bằng 6.2%); Số đại biểu không tham gia ý kiến: 06 (bằng 1.24%).

NGỌC TRÚC