Đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá thực sự xác đáng, đúng tầm về thông tin và truyền thông

Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương (Nghệ An) phát biểu thảo luận ngày 9/11 tại Quốc hội đã đề nghị Chính phủ có thêm những đánh giá thực sự xác đáng, đúng tầm về sự phát huy tác dụng của thông tin và truyền thông và đề nghị ban hành Nghị quyết của Trung ương về đổi mới toàn diện, chấn hưng văn hóa nước nhà.

Phát biểu thảo luận tại Quốc hội, Đại biểu Đặng Xuân Phương bày tỏ quan điểm  cơ bản tán thành với những nhận định của Chính phủ về những kết quả trong năm 2021 cùng những nỗ lực lớn của toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng chủ lực tham gia phòng chống đại dịch Covid-19 để có thể đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới và phục hồi kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong Báo cáo của Chính phủ, cần có thêm những đánh giá thực sự xác đáng, đúng tầm về sự phát huy tác dụng của thông tin và truyền thông,  một lĩnh vực đã trở thành nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, là liều thuốc tinh thần bảo vệ sức chịu đựng lâu dài của Nhân dân thoát khỏi đại dịch.

Nhằm khẳng định thêm tầm quan trọng và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thông tin, truyền thông, đại biểu Đặng Xuân Phương nên một số ý kiến cụ thể.

Thứ nhất, Chính phủ cần có một chiến lược truyền thông theo đúng nghĩa cho cuộc chiến chống dịch bệnh lâu dài cũng như phục hồi kinh tế. Chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước được truyền tải nhanh nhất, trực tiếp nhất đến người dân thông qua các “thông điệp” ngắn, gọn, do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đưa ra, dẫn dắt hành động của người dân. Do đó, tất cả các cấp, các ngành phải nắm lấy toàn bộ đủ, chính xác để giải thích được với mọi người. Các thông điệp đó cần phải được tư vấn truyền thông một cách chuyên nghiệp, mà không xuất hiện một cách ngẫu hứng hay đến từ những ý tưởng, đề xuất mang tính phong trào.

Thứ hai, thời gian qua, có biểu hiện do dịch bệnh phức tạp, tình hình giao thương, kinh tế có nhiều khó khăn, nên trên mạng xã hội xuất hiện thêm nhiều thông tin xấu độc, tin giả, tin chưa được kiểm chứng do một số đối tượng, cá nhân đăng tải, thậm chí thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ, tiềm tàng nguy cơ bất ổn, gây ảnh hưởng không tốt đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, còn phải kể đến các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo và từ thiện để trục lợi. Trước thực tế này, đain biểu đề nghị Quốc hội sớm tổ chức giám sát về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng xã hội và yêu cầu các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, khẩn trương xử lý, làm rõ trách nhiệm trước pháp luật của các bên. Đồng thời, cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này.

Thứ ba, các sản phẩm thông tin giải trí trên các phương tiện truyền thông đại chúng đóng vai trò là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi gia đình, mọi người dân trong xã hội. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm thông tin này rất đa dạng, được phát tràn lan trên các nền tảng số xuyên quốc gia, gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu sản xuất các chương trình giải trí và phim trên các kênh truyền hình trong nước. Để khắc phục, nhiều đài, kênh truyền hình trong nước đã chọn cách phát các bộ phim, chương trình giải trí nước ngoài hoặc có nguồn gốc kịch bản của nước ngoài hợp với thị hiếu để thu hút được tỷ suất người xem cao vào các khung giờ vàng, giúp tăng doanh thu từ quảng cáo. Trong quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, chúng ta càng phải quyết tâm thực hiện mục tiêu xây dựng, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam đã được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra. Trong đó, đại biểu cho rằng, cần quan tâm đầu tư cho công nghiệp văn hoá và truyền thông đại chúng, với định hướng chiến lược rõ ràng, giúp nâng cao chất lượng phim và các sản phẩm giải trí phổ biến trên các kênh truyền hình trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Thứ tư, cần có sự phối hợp chính sách thông qua việc quan tâm hơn đến ngành sử học và văn học lịch sử để làm cơ sở cho việc thúc đẩy sáng tạo ra các tác phẩm điện ảnh, truyền hình về các đề tài lịch sử có chất lượng cao, góp phần bồi đắp kiến thức cho giới trẻ về lịch sử, văn hóa của dân tộc. Cần sớm có chỉ đạo để những trung tâm lớn về khoa học xã hội của nước ta tăng cường phối hợp với các hội trong lĩnh vực khoa học xã hội, văn học nghệ thuật, cùng các quỹ nghiên cứu đẩy mạnh đặt hàng, hỗ trợ, tài trợ thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, sáng tác về các chủ đề văn hoá nghệ thuật lịch sử, góp phần tạo lập cơ sở khoa học, văn học cho việc sản xuất các chương trình.

Thời gian qua, giới trẻ Việt Nam đã có rất nhiều thành quả sáng tạo quan trọng trong nghiên cứu lịch sử, thời trang phục cổ, sáng tác âm nhạc mang âm hưởng truyền thống, xuất bản truyện tranh, sản xuất các bộ phim truyện và video clip về các chủ đề lịch sử, dã sử, văn học dân gian… Trào lưu này trong giới trẻ đã và đang thu hút được đông đảo công chúng quan tâm, nên rất cần được Đảng, Nhà nước khuyến khích, có chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển thích đáng.

Trong không khí hướng tới Hội nghị văn hóa toàn quốc sắp tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đã có kiến nghị lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương Đảng sớm ban hành Nghị quyết nhằm định hướng đổi mới toàn diện, chấn hưng văn hóa nước nhà, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đại biểu cho rằng các dịch vụ phát thanh, truyền hình và xuất bản cần được coi là phương tiện chủ lực để tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, lịch sử dân tộc.

 

Đại biểu Quốc hội Đặng Xuân Phương phát biểu - Ảnh: Qh.vn

THÁI VŨ