TP Hồ Chí Minh- Dịch có dấu hiệu chững lại nhưng còn nhiều khó khăn

Nhiều ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 tại TP.HCM đang có xu hướng chững lại và có dấu hiệu giảm dần. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng chưa vững chắc và còn rất nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống dịch tại TP đông dân nhất nước này.

Số ca dương tính có xu hướng chững lại

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay, ngành y tế thành phố đã lấy 1.074.590 mẫu, trong đó có 594.742 mẫu đơn, 479.848 mẫu gộp, với 4.272.400. Các mẫu này được lấy tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM có hơn 105.000 trường hợp mắc bệnh được phát hiện. TP.HCM cũng không phát hiện thêm ổ dịch mới, hiện có 30 ổ dịch đang diễn tiến đã được khoanh vùng, giám sát chặt.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện thành phố đang điều trị 33.444 ca dương tính SARS-CoV-2 (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính), trong đó có 1.035 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Đó là những dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên trong công tác điều trị, hạn chế số bệnh nhân tử vong thì hiện còn rất nhiều vấn đề khó khăn, nan giải.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã lưu ý quản lý chặt chẽ các F0, nhất là các trường hợp F0 không có triệu chứng để hướng dẫn cách ly tại nhà nếu có đủ điều kiện. Với những trường hợp F0 dù không có triệu chứng nhưng nằm trong khu dân cư đông đúc, hoặc F0 có triệu chứng, có bệnh nền thì phải đưa đi cách ly tập trung. Các địa phương phải nắm thật chặt và theo dõi sát sao các trường hợp F0 để kịp thời xử lý, hạn chế tối đa tử vong.

Thiếu máu dự trữ

Hiện nay, tình  hình phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, khiến cho hoạt động hiến máu tình nguyện gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến thiếu máu dự trữ tại Ngân hàng máu. Hội Y tế Cộng đồng TPHCM – Chi hội Xanh yêu thương – nhịp cầu yêu thương đã phải tổ chức hiến máu tình nguyện bổ sung cho ngân hàng máu để cung cấp cho gần 150 bệnh viện. Sáng 4/8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cùng với lãnh đạo một số sở ngành cùng 90 tình nguyện viên đã tham gia hiến máu nhân đạo.

Tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM, trung bình mỗi ngày đơn vị chỉ tiếp nhận được từ 30-50 túi máu, tức chỉ bằng 1/10 lượng máu cung cấp cho gần 150 bệnh viện trong TP, trong đó có các bệnh viện đang điều trị Covid-19. Kho dự trữ máu đang giảm dần, nếu không nhận được nguồn hiến máu nhân đạo từ các tình nguyện viên và người dân sẽ chạm đến ngưỡng báo động dưới 3.000 túi máu. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu máu cục bộ theo nhóm sẽ xảy ra nếu không kịp thời bổ sung lượng máu dự trữ, đặc biệt là nhóm máu O.

Các tình nguyện viên hiến máu nhân đạo

Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy cũng phát thông báo khẩn kêu gọi người dân tích cực tham gia hiến máu tình nguyện để phục vụ công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh bởi lượng máu sử dụng trong cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện này chỉ còn 13 đơn vị, số lượng máu dự trữ cũng chỉ còn 2.198 đơn vị.

Cần tối thiểu 210.000 liều vắc xin trong tháng 8

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ từ các điểm tiêm cố định, lưu động tại quận - huyện, TP Thủ Đức và một số bệnh viện, TPHCM đã tiêm được 920.329 liều vắc xin trong đợt 5. Tính từ 14 giờ ngày 22/7 đến ngày 3/8/2021, TP đã thực hiện việc tiêm chủng trong vòng 10 ngày. Trong đó, ngày 27/7 có số trường hợp phản ứng sau tiêm nhiều nhất với 283 người. Các trường hợp phản ứng sau tiêm đều được kịp thời xử lý và đảm bảo an toàn sức khỏe.

Hiện nay, có 4 loại vắc xin đang có mặt ở TPHCM gồm: Astrazeneca, Moderna, Pfizer và Vero Cell. Vắc xin được TP tiêm chủ yếu là Astrazeneca, Moderna và Pfizer, từ nguồn cung cấp của Bộ Y tế. Đến nay, Bộ Y tế đã cấp cho TPHCM 16 đợt vắc xin với tổng số khoảng 2,5 triệu liều; trong đó, khoảng 2 triệu người dân TP đã tiêm ít nhất 1 mũi, hơn 70.000 người được tiêm 2 mũi (không kể số lượng Bộ Y tế cấp cho các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn TPHCM).

Ngày 31/7, 1 triệu liều vắc xin Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc) sản xuất đã về đến TPHCM. Số lượng này do nhà tài trợ tặng và đã được gửi đến cơ quan chức năng thẩm định đúng quy trình. Sau khi thẩm định, nếu đảm bảo đủ các điều kiện, vắc xin Vero Cell sẽ được tiêm như các loại vắc xin khác, theo tinh thần tự nguyện.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhấn mạnh, cho đến nay, chính sách của Nhà nước Việt Nam là tiêm vắc xin phòng COVID-19 miễn phí và tự nguyện cho toàn dân. Các loại vắc xin được cung ứng tiêm cho người dân hiện nay phải thỏa mãn 2 điều kiện: được Tổ chức Y tế thế giới cấp phép sản xuất và Việt Nam cấp phép sử dụng khẩn cấp.

Từ 3/8, TPHCM bước vào đợt 6 của chiến dịch tiêm vắc xin, dự kiến kéo dài đến hết tháng 8 với sự hỗ trợ của Chính phủ. Theo thống kê, TP có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên, khoảng 2 triệu người đã được tiêm. Vì vậy, TPHCM đã đề xuất Bộ Y tế cấp khoảng 5 - 5,5 triệu liều vắc xin trong tháng 8/2021; riêng từ 5/8 – 31/8, TP cần tối thiểu 210.000 liều để có thể tiêm đúng tiến độ, để TP có có mức bao phủ vắc xin đạt 70 - 80% cho người từ 18 tuổi trở lên.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM. Ảnh: Bộ Y tế

Về năng lực tổ chức, Sở Y tế huy động toàn bộ nguồn lực y tế công lập và tư nhân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành bạn cũng đã hỗ trợ nhân lực theo sự huy động của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng. Hiện nay, TP đang triển khai 1.200 đội tiêm, công suất tiêm 250 người/đội/ngày, đạt tổng công suất 300.000 người/ngày (có thể nâng lên 350.000 người/ngày). Nếu được cung cấp vắc xin đủ và đúng tiến độ, TP có thể đạt được mục tiêu tiêm chủng đợt 6.

Cam kết đảm bảo ổn định cho người dân ở lại TPHCM

TP HCM nỗ lực phối hợp tỉnh, thành tạo điều kiện tối đa cho người dân ngoại tỉnh lưu trú tại TP HCM có điều kiện tốt nhất để duy trì cuộc sống, sức khỏe. Lãnh đạo TP mong người dân không di chuyển tự phát, gây khó khăn, mất ổn định trật tự, ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng. TP cam kết đảm bảo ổn định cho người dân ở lại TPHCM trong thời gian chống dịch.

Đối với tình hình đảm bảo an sinh xã hội và các gói an sinh xã hội mới của TP, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, TP đã hoàn tất việc thực hiện gói hỗ trợ 868 tỷ đồng theo Nghị quyết 09/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn TP và đang tiếp tục thực hiện các nội dung hỗ trợ khác.

Theo thống kê, đến nay, kinh phí hỗ trợ người mất việc làm không có cam kết hợp đồng lao động là hơn 480 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng cho hộ kinh doanh phải dừng hoạt động; giải quyết hỗ trợ hơn 10.400 điểm kinh doanh với số tiền gần 16 tỷ đồng; hỗ trợ 44.244 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương gần 84 tỷ đồng; hỗ trợ gần 400 triệu đồng cho khoảng 200 lao động bị chấm dứt, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh gói hỗ trợ chính thức cấp TP, TPHCM còn nhận được hỗ trợ từ các nguồn lực xã hội khác với tổng số tiền hơn 2.143 tỷ đồng. Số tiền trên được sử dụng cho việc thu mua trang thiết bị y tế, hỗ trợ các hộ dân, lực lượng tuyến đầu…

Đối với việc cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cho biết, TPHCM đảm bảo năng lực dự trữ từ 120.000 - 150.000 tấn hàng/tháng. Từ đó, góp phần đảm bảo đầy đủ nhu cầu phục vụ cho người dân.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, những ngày qua, nguồn hàng từ các địa phương cung ứng cho TPHCM rất dồi dào, TP cũng triển khai phát phiếu mua sắm cho người dân. Tuy nhiên, công tác trên gặp một số khó khăn do số lượng lớn hệ thống phân phối phải tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh, dẫn tới tình trạng hết hàng tại một số khu vực. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các địa phương mở lại một số điểm bán hàng thiết yếu tại các chợ truyền thống.

 

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức hiến máu - Ảnh: PV

KIM DUNG