Bị hại trong vụ án hủy hoại rừng thông là UBND huyện MĐ

Qua nghiên cứu bài viết xác định tư cách tham gia tố tụng, bồi thường thiệt hại trong vụ án “Hủy hoại rừng” của tác giả Đinh Minh Lượng, tác giả cho rằng bị hại trong vụ án này là UBND huyện MĐ.

BLTTHS năm 2015, tại Chương IV quy định về người tham gia tố tụng, trong đó Điều 55 quy định có 20 tư cách người tham gia tố tụng khác nhau và có 15 điều - từ Điều 56 đến Điều 70 để giải thích về khái niệm, quyền, nghĩa vụ của từng người tham gia tố tụng. Như vậy, việc xác định tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án hình sự có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện đúng các quy định của BLHS, BLTTHS và các quy định pháp luật có liên quan. Trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự cho thấy việc xác định tư cách đối với người tham gia tố tụng là bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong một số vụ án cụ thể không đúng dẫn đến việc xác định sai tư cách người tham gia tố tụng dẫn đến việc giải quyết vụ án hình sự không được toàn diện, triệt để.

Việc xác định sai tư cách người tham gia tố tụng còn làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng như: Nếu họ là bị hại hay nguyên đơn dân sự mà lại xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì họ mất đi quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản… Trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự cho thấy việc xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại nghiêm trọng và còn được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm phải hủy bản án để điều tra, xét xử lại.

Tại Điều 62 BLTTHS 2015 quy định: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”, còn Điều 51 BLTTHS năm 2003 quy định: “Người bị hại là người bị thiệt hại về vật chất, tinh thần hoặc tài sản do tội phạm gây ra”. Như vậy, so với BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 quy định về chủ thể bao gồm không chỉ cá nhân mà còn là cơ quan, tổ chức cũng là bị hại trong vụ án hình sự. Theo đó, cá nhân là người trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản còn nếu là cơ quan, tổ chức thì bị thiệt hại về tài sản, uy tín.

Tại Điều 63 BLTTHS năm 2015 quy định: “Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại”;

Như vậy, chúng ta cần phải phân biệt được rằng, bị hại và nguyên đơn dân sự đều có chủ thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức và có một số quyền như nhau theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 BLTTHS năm 2015.  Ngoài ra, theo quy định của BLTTHS thì bị hại còn có thêm một số quyền mà nguyên đơn dân sự không có quyền như: “Được tham gia tố tụng hay cả trong trường hợp không có yêu cầu, quyền trình bày buộc tội tại phiên tòa, quyền đề nghị hình phạt, quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án để đề nghị tăng hoặc giảm hình phạt còn nguyên đơn dân sự chỉ có quyền kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra không có quyền kháng cáo về hình phạt”.

Theo đó, bị hại là người bị thiệt hại mà mục đích của người phạm tội là trực tiếp gây ra thiệt hại cho người bị hại (lỗi trực tiếp của người phạm tội); còn nguyên đơn dân sự bị thiệt hại gián tiếp từ hành vi của người phạm tội, mục đích của người phạm tội không nhằm trực tiếp gây ra thiệt hại cho bị hại (lỗi gián tiếp của người phạm tội).

Ví dụ: Nguyễn Văn A và Trần văn B vào trụ sở UBND huyện C. Tại đây A đánh B gây thương tích. Hậu quả làm cho B bị thương còn trụ sở UBND huyện C cũng bị hư hỏng một số tài sản. Sau đó, A bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Trong trường hợp này thì mục đích của A là người trực tiếp gây ra thương tích cho B, còn A không có mục đích làm hư hỏng tài sản mà lổi làm hư hỏng tài sản của A ở đây là lỗi gián tiếp gây ra nên phải xác định B là bị hại còn UBND huyện C là nguyên đơn dân sự trong vụ án hình sự nếu UBND huyện C có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do A gây ra..

Trở lại nội dung vụ án mà tác giả Đinh Minh Lượng đưa ra cụ thể: Lô 11, 12, 21 khoảnh 3 tiểu khu 1555, rừng phòng hộ cảnh quan Quốc lộ 14 thuộc thôn H, xã N, huyện MĐ, tỉnh ĐL do UBND huyện MĐ, tỉnh ĐL quản lý. Ngày 15/3/2020,  Lê Hải A, Nguyễn Thành B và Nguyễn Đức C bàn bạc, thống nhất với nhau đi tìm và hủy hoại rừng thông hành lang Quốc lộ 14, mục đích chiếm đất mặt đường để chia nhau. Lê Đức A dùng tiền cá nhân mua 01 máy khoan tay và 50 chai thuốc diệt cỏ. Nguyễn Thành B, Nguyễn Đức C chuẩn bị 02 chai nhựa loại 1,5 lít độ chế nắp có gắn van xe máy để đựng thuốc diệt cỏ mang đi đổ thuốc vào lỗ khoan trên cây Thông. Theo biên bản khám nghiệm hiện trường và kết luận định giá tài sản thì tổng diện tích rừng Thông bị hủy hoại là 10.012m2, gồm 421 cây Thông bị khoan lỗ chết, trữ lượng gỗ bị hủy hoại là 165,783m3, giá trị tính thành tiền là 320.430.000 đồng;

Như vậy, trong vụ án này mục đích của Lê Hải A, Nguyễn Thành B và Nguyễn Đức C bàn bạc, thống nhất với nhau đi tìm và hủy hoại rừng thông hành lang Quốc lộ 14 để chiếm mặt đường chia nhau, dẫn đến tài sản bị thiệt hại là 421 cây thông bị khoan lỗ chết, trữ lượng gỗ bị hủy hoại là 165,783m3, giá trị tính thành tiền là 320.430.000 đồng. Như vậy, mục đích của Lê Hải A, Nguyễn Thành B và Nguyễn Đức C là người trực tiếp gây ra thiệt hại cho UBND huyện MĐ, tỉnh ĐL là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý (lỗi trực tiếp của Lê Hải A và đồng phạm), chứ không phải là Lê Hải A, Nguyễn Thành B và Nguyễn Đức C là người gây ra thiệt hại gián tiếp cho UBND huyện MĐ, tỉnh ĐL. Do vậy, phải xác định bị hại trong vụ án này là UBND huyện MĐ.

Đối với phần bồi thường và xử lý vật chứng trong vụ án tuy 421 cây thông bị hủy hoại vẫn còn tại hiện trường, tài sản không bị mất đi, nhưng thực tế số cây thông này do bị khoan đã bị chết (đã có thiệt hại xảy ra). Do vậy, UBND huyện MĐ phải yêu cầu Lê Đức A cùng đồng phạm bồi thường cho UBND huyện MĐ, tỉnh ĐL. Số tiền bị thiệt hại là 320.430.000 đồng. Đối với số cây thông mà Lê Đức A cùng đồng phạm hủy hoại hiện đang còn tại hiện trường tuy đã chết nhưng phải tuyên trả lại cho đơn vị quản lý, bảo vệ là UNND huyện MĐ, tỉnh ĐL.

Trên đây là quan điểm của tác giả về xác định tư cách tham gia tố tụng của UBND huyện MĐ, tỉnh ĐL và xác định bồi thường thiệt hại; xử lý vật chứng đối với vụ án.

 

Bị hại tại phiên tòa - Ảnh minh họa

 

 

THS. LÊ VĂN QUANG (Phó Trưởng phòng 7, VKSND tỉnh Bình Phước)