Đào Trung P phạm tội gì?

Đánh nhau do mâu thuẫn, người bị đánh bỏ chạy, để lại xe máy. Các đối tượng bèn lấy xe máy của nạn nhân mang đến tiệm cầm đồ bán lấy tiền tiêu xài. Hành vi đó có cấu thành tội phạm không, tội gì?

Theo hồ sơ, thì vào khoảng 23 giờ ngày 14/12/2016, sau khi giúp việc gia đình bán hàng xong, Đào Trung P (sinh ngày 31/7/2001) điều khiển xe mô tô biển số 47B2 085.98 chở Đỗ Trọng H đi về nhà. Khi đến ngã 3 thì thấy anh Nguyễn Thành L bị ngã xe máy nên P đứng lại xem và xảy ra mâu thuẫn với nhóm bạn của Nguyễn Thành L là V, A, B. Sau đó, P và H chạy xe về nhà của P. P rủ thêm anh trai là Đào Trung T (sinh năm 1999) cùng đi với P và H lên đánh  nhau với nhóm của anh Nguyễn Thành L. Đào Trung T đồng ý và lấy xe máy và một cây gỗ, còn P cầm theo chiếc tu vít dài khoảng 20 cm chở H quay trở lại tìm nhóm của anh L với mục đích đánh nhau.

Khi đến ngã 3 thì gặp nhóm của L. Hai nhóm xông vào đánh nhau, nhưng chưa gây thương tích gì cho ai. Lúc này, do nhóm bên L đông người hơn, nên P, T và H bỏ chạy. Thấy vậy, L cùng các bạn bỏ đi. Do vẫn còn bực tức nên P chở T cùng H đi trên 2 xe máy đuổi theo. Khi chạy đến trước cổng Trường thanh niên Dân tộc nội trú, P nhìn thấy L đang đẩy xe một mình, P điều khiển xe vượt lên, T ngồi sau dùng tay cầm cây gỗ đánh một nhát về phía anh L nhưng không trúng. Bị đánh, anh L sợ, bèn bỏ lại chiếc xe máy và chạy thoát thân. Thấy vậy, T cầm cây gỗ,  P cầm chiếc tu vít đuổi theo anh L được khoảng 20 mét thì không đuổi theo nữa mà quay lại chỗ để chiếc xe của anh L. Tại đây, T dùng cây gỗ đập vào đuôi chiếc xe, còn H thì dùng xe máy đang đi húc vào phần lốc máy xe, nhưng chưa gây ra hư hỏng gì. Thấy vậy, P nói: “Thôi không đập nữa, lấy luôn xe về”. Sáng hôm sau, P, T và H đem chiếc xe của anh L đến tiệm cầm đồ bán được 17 triệu đồng lấy tiền tiêu xài cá nhân thì bị phát hiện bắt giữ.

Vụ án nói trên hiện đang có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, hành vi của các bị can P, T và H đủ yếu tố cấu thành tội “cướp tài sản” theo khoản 2 Điều 133 Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 với tính tiết định khung là sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; quan điểm thứ hai cho rằng, các bị can không phạm tội cướp cũng như không phạm một tội danh nào trong nhóm tội xâm phạm sở hữu.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi các lẽ sau:

Thứ nhất: Một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi hành vi đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS.

Thứ hai: Một hành vi chỉ bị coi là tội phạm khi thỏa mãn 4 yếu tố cấu thành tội phạm đó, gồm: Khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm. Nếu không thỏa mãn một trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm, thì hành vi đó không bị coi là hành vi phạm tội.

Thứ ba: Đối với tội cướp tài sản được quy định tại Điều 133 BLHS 1999, thì mặt khách quan của tội phạm phải thỏa mãn các dấu hiệu Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Theo Điều luật này, ý thức chiếm đoạt tài sản của người thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản phải có trước khi người này thực hiện hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác”. Hay nói cách khác là mục đích của người phạm tội tấn công nạn nhân là nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Nếu mục đích của người tấn công nạn nhân chỉ vì bực tức, đánh nhau hay mục đích khác, sau khi nạn nhân bỏ chạy, ý thức chiếm đoạt của người thực hiện hành vi mới phát sinh, thì đó không phải mục đích tấn công nhằm chiếm đoạt.

Trở lại diễn biến vụ án nói trên, Đào Trung P, Đào Trung T và Đỗ Trọng H dùng hung khí tấn công anh Nguyễn Thanh L với mục đích là đánh nhau do mâu thuẫn chứ hoàn toàn không nhằm chiếm đoạt tài sản của anh L. Khi anh L sợ bị đánh bỏ chạy, các bị can đứng đợi L quay lại lấy xe sẽ tiếp tục tấn công, nhưng không thấy anh L quay lại. Lúc này, các bị can mới nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc xe máy, nên hành vi của các bị can không thỏa mãn về mặt khách quan được mô tả tại Điều 133 BLHS 1999 về hành vi cướp tài sản như đã phân tích ở trên được.

Cũng có ý kiến cho rằng, hành vi của các can phạm có thể thỏa mãn về một tội danh khác. Nhưng theo tôi hành vi của các bị can trong vụ án này không thỏa mãn bất kỳ tội danh nào về nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu được quy định trong BLHS 1999 . Và do hành vi đó chưa được quy định trong BLHS, nên không bị coi là hành vi phạm tội.

Trong thực tế cuộc sống và trong thực tiễn tiến hành tố tụng đã có rất nhiều tranh cãi về các yếu tố cấu thành của tội cướp tài sản tương tự như vụ án trên đây. Do đó, rất cần sự tham gia ý kiến của các nhà làm luật, các chuyên gia về hình sự và sự hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật trong công tác điều tra truy tố, xét xử của cả nước.

 

 

 

Luật sư PHAN NGỌC NHÀN (Nguyên Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk)