Lê Khắc T phạm tội gì?

Đánh tráo chiếc điện thoại hỏng để lấy điện thoại Iphone 4s, trị giá 8 triệu đồng, hành vi đó phạm tội gì? Hiện có ba quan điểm khác nhau.

Đánh tráo điện thoại

Khoảng 15g ngày 20/8/2012, Lê Khắc T (20 tuổi, trú tại thành phố H, tỉnh T) mang chiếc điện thoại Iphone 4s đã bị hỏng (trị giá vào thời điểm hiện tại khoảng 04 triệu đồng) ra tiệm điện thoại Hoàng T nằm trên đường Hồ Đắc Di, thành phố H, tỉnh TH để sửa. Ban đầu, T có ý định nếu như việc sửa điện thoại mất nhiều thời gian thì T sẽ mua một chiếc máy rẻ tiền để xài tạm. Tuy nhiên, khi tới tiệm điện thoại T phát hiện trong tủ kính cửa hàng có trưng bày một chiếc Iphone 4s giống của mình nên đã hỏi chủ cửa hàng cho mình xem. Sau khi được chủ tiệm đưa cho xem, một lúc sau T hỏi: “Có bán không và bán với giá bao nhiêu?”. Khi được chủ cửa hàng trả lời là: “Trưng bày như vậy nếu có khách hàng trả được giá thì bán, nếu anh mua thì em bán 08 triệu khuyến mãi cho anh vỏ bọc điện thoại trị giá 300 nghìn đồng”. Chủ tiệm vừa nói dứt lời thì cửa hàng có nhiều khách hàng tới mua bán và sửa chữa điện thoại, do đó đã không để ý tới T và để cho T xem xét chiếc điện thoại Iphone 4s một cách thoải mái. Nhân lúc chủ cửa hàng mải mê trao đổi với các khách hàng khác thì T đã lấy trong túi áo chiếc Iphone 4s bị hỏng của mình để tráo đổi với chiếc điện thoại của chủ cửa hàng. Sau đó, T đưa chiếc điện thoại đã bị hỏng của mình cho chủ cửa hàng và nói là sẽ về nhà suy nghĩ, có gì hai ngày sau sẽ quay trở lại lấy máy nếu chưa có ai mua.

Một ngày sau, có khách hàng đến hỏi mua máy và qua kiểm tra lại chủ cửa hàng mới phát hiện ra chiếc Iphone của mình đã bị tráo đổi. Chủ cửa hàng đã đến cơ quan Công an trình báo và ba ngày sau thì bắt được T, T đã khai lại đúng nội dung vụ việc trên.

Tuy nhiên, xung quanh việc xác định tội danh đối với Lê Khắc T hiện nay vẫn có ba quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Lê Khắc T phạm tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015, bởi lẽ, hành vi của T mang tính chất bí mật, lén lút với chủ tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản.

Quan điểm thứ hai: Lê Khắc T phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 BLHS 2015[1].

Quan điểm thứ ba: Lê Khắc T phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 BLHS 2015, bởi lẽ: “Khi chủ tiệm đưa chiếc điện thoại của mình cho T xem thì lúc đó T chưa có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt chiếc điện thoại này. Chỉ khi đã có chiếc điện thoại trong tay, T mới nảy sinh ý định chiếm đoạt. Như vậy là T đã chiếm đoạt tài sản đang do mình chiếm giữ. Đây chính là đặc trưng của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đặc trưng này cho phép phân biệt tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội trộm cắp tài sản”[2].

Trộm cắp tài sản?

Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất khi cho rằng: Lê Khắc T phạm tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 BLHS 2015, với các lý do sau:

Nếu chỉ đơn thuần dựa vào những tình tiết được nêu trong nội dung vụ án thì rất khó có thể xác định chính xác tuyệt đối là đối tượng T nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản là chiếc Iphone 4s của chủ cửa hàng điện thoại (người bị hại) là khi nào. Ý định đó có trước khi T có hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản hay là sau khi có được tài sản rồi mới nảy sinh ý định và thực hiện hành vi nhằm chiếm đoạt tài sản đó. Vấn đề này, quá trình điều tra đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải làm rõ, tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thật kỹ về các tình tiết được nêu ra trong nội dung vụ án.

Vụ án có nêu: “Ban đầu, T có ý định nếu như việc sửa điện thoại mất nhiều thời gian thì T sẽ mua một chiếc máy rẻ tiển để xài tạm”. Điều này cho thấy, khi đi đến cửa hàng điện thoại, T chưa có ý định phạm tội, mà đơn thuần chỉ là đi sửa điện thoại Iphone 4s của mình. Khi đến cửa hàng điện thoại, T nhìn thấy có chiếc điện thoại giống điện thoại của mình nên đã hỏi chủ cửa hàng cho xem, một lúc sau thì hỏi về giá cả. Về mặt logic thông thường, nếu giá cả của chiếc điện thoại Iphone 4s tại cửa hàng mà rẻ thì có khả năng T sẽ mua chiếc điện thoại đó nếu có đủ tiền. Nhưng với điều kiện thực tế, chiếc điện thoại hiện tại của T giá trị khoảng 04 triệu đồng, mà chiếc điện thoại của chủ cửa hàng là 08 triệu đồng thì khả năng T mua được chiếc điện thoại đó là không khả thi, vì nếu đủ điều kiện để mua được đã không phải mang điện thoại Iphone 4S bị hỏng đi sửa. Do đó, chúng tôi đánh giá, ý định chiếm đoạt tài sản của T được nảy sinh sau khi T đã có chiếc điện thoại Iphone 4s mà chủ cửa hàng điện thoại đưa cho xem.

Vậy, để định tội danh đối với T trong trường hợp này, thì cần phải xác định được xem bằng phương thức, thủ đoạn nào để T có thể chiếm đoạt được chiếc Iphone 4s mà T đang cầm, giữ.

Trước tiên, phải xác định tại thời điểm T đang cầm, giữ chiếc điện thoại được chủ cửa hàng đưa cho xem thì quyền quản lý chiếc điện thoại đó thuộc về ai?
Thực tế cho thấy rằng, khi một người đi mua hàng hóa như quần áo, điện thoại hay những vật phẩm khác tại cửa hàng nào đó thì việc chủ cửa hàng đưa cho xem hàng hóa để kiểm tra, đánh giá là bình thường. Nhưng không phải vì thế mà khẳng định, những hàng hóa trên đã thuộc quyền quản lý của người đi mua hàng, họ muốn làm gì đối với hàng hóa đó thì làm, không thể tùy tiện sử dụng, định đoạt hay cầm, di chuyển ra chỗ khác nếu không có sự đồng ý của chủ cửa hàng. Giống như khi một người vào siêu thị mua hàng, họ được thoải mái lựa chọn, xem xét, kiểm tra bên ngoài đối với hàng hóa, nhưng họ không được quyền tự ý mang hàng hóa đó ra khỏi siêu thị, không được làm hư hỏng, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm… mà hành vi của họ đều được giám sát, quản lý.

Quay trở lại với vụ việc của T, việc T được chủ của hàng điện thoại đưa cho xem điện thoại Iphone 4s không có nghĩa là sự quản lý chiếc điện thoại đó là thuộc quyền của T, T muốn mang đi đâu thì mang (quyền chiếm hữu), sử dụng như thế nào thì sử dụng (quyền sử dụng) hay cho ai thì cho (quyền định đoạt)… mà những hành vi, việc làm của T đối với chiếc điện thoại được giao vẫn trong sự quản lý, kiểm soát của chủ cửa hàng, trong tầm (khu vực) quản lý của chủ cửa hàng. Việc T đang cầm, giữ chiếc điện thoại được chủ của hàng giao cho xem không có nghĩa là chiếc điện thoại đó đang thuộc sự quản lý của T, mà nó vẫn thuộc sự quản lý của chủ cửa hàng. Do đó, chúng tôi cho rằng, hành vi T chiếm đoạt chiếc điện thoại trên không phải là T có hành vi chiếm đoạt tài sản đang trong sự quản lý của mình và T không phạm tội lạm dụng tín nhiệm tài sản như quan điểm thứ ba đã phân tích.

Thứ hai, xác định phương thức, thủ đoạn cốt lõi để T có thể chiếm đoạt được chiếc điện thoại Iphone 4s trong sự quản lý của chủ cửa hàng.

Với những tình tiết của vụ án cho thấy, việc T chiếm đoạt được chiếc điện thoại của chủ cửa hàng thành công là do T đã lợi dụng lúc chủ cửa hàng mải mê nói chuyện với khách khác, không chú ý đến mình nên đã bí mật, lén lút đánh tráo chiếc điện thoại bị hỏng của mình, cất chiếc điện thoại Iphone 4s chiếm đoạt được vào trong người. Sau đó, đưa chiếc điện thoại hỏng cho chủ cửa hàng và nói sẽ về nhà suy nghĩ, để cho chủ cửa hàng tin tưởng rằng, chủ cửa hàng đã nhận lại chiếc điện thoại của mình và để cho T ra về.

Về mặt ý thức chủ quan của người bị hại, bản thân họ không tin tưởng, tự nguyện giao tài sản cho T là chiếc điện thoại Iphone 4s của cửa hàng để cho T mang về, bởi vì người bị hại đã lấy lại tài sản của mình do T đưa cho. Họ cho rằng, họ không giao tài sản gì cho T tại thời điểm T bỏ về và tất nhiên họ sẽ không bị thiệt hại gì. Còn bản chất của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với thủ đoạn gian dối của mình làm cho người bị hại tin tưởng và tự nguyện giao tài sản cho người bị hại và thủ đoạn gian dối đó quyết định đến việc đối tượng chiếm đoạt được tài sản. Quay trở lại vụ án, người bị hại không có hành vi tự nguyện giao tài sản gì cho T để T chiếm đoạt được nó cả. Do đó, chúng tôi cho rằng, T không thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quan điểm thứ hai.

Về mặt lý luận, hành vi chiếm đoạt tài sản là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp tài sản của người khác thành của người phạm tội hoặc của người thứ ba mà người phạm tội quan tâm. Đối với những tài sản có tính chất nhỏ gọn, dễ cất giấu như điện thoại, đồng hồ, nhẫn… thì thời điểm chiếm đoạt được tài sản chính là khi người phạm tội đã cất giấu được tài sản đó mà người bị hại không biết.

Thời điểm T chiếm đoạt được chiếc điện thoại Iphone 4s của chủ cửa hàng là khi T đã cất giấu được chiếc điện thoại đó vào trong người. Và phương thức, thủ đoạn cốt lõi để T thực hiện được việc chiếm đoạt tài sản đó là T đã lợi dụng sự không chú ý của chủ cửa hàng, lén lút, bí mật cất chiếc điện thoại Iphone 4s vào trong người mà không để cho chủ cửa hàng biết. Do đó, đây là dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội trộm cắp tài sản. Còn hành vi T đã lấy chiếc điện thoại Iphone 4s cũ, hỏng của mình ra để đưa lại cho chủ cửa hàng là thủ đoạn đánh lừa người bị hại, để họ tin rằng tài sản vẫn thuộc về họ, thuộc quyền sở hữu của họ, họ sẽ không nghi ngờ gì đối với T nên để cho T ra về. Thực chất, đây chính là thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội của T đối với chủ cửa hàng.

Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, hành vi của T trong vụ án trên đã phạm tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 BLHS 2015. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả.

Ảnh minh họa của PLO

1 Xem: Nguyễn Thị Bình: LÊ KHẮC T. PHẠM TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN HAY PHẠM TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, https://www.noichinhphuyen.vn/noichinh/LÊ KHẮC T. PHẠM TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN HAY PHẠM TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, ngày 19/05/2015.
2 Xem: Trần Quang Hiển (Chủ biên): Bình luận án hình sự phức tạp, có nhiều quan điểm khác nhau trong quá trình tiến hành tố tụng theo Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nxb. Lao Động, 2018, tr.19.

ĐOÀN ĐẮC CHINH - HOÀNG MINH THIẾT ( Học viện Cảnh sát nhân dân)