Nguyễn Thị Đ phạm tội Xâm phạm chỗ ở của người khác

Qua nghiên cứu bài viết “Chiếm lại nhà vừa bị cưỡng chế thi hành án, tội gì?” của tác giả Nguyễn Xuân Kỳ (Tòa án quân sự Quân khu 5), tôi cho rằng Nguyễn Thị Đ phạm tội Xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158 BLHS năm 2015).

Điều này xuất phát từ những lý do như sau:

Thứ nhất, cần phải xác định công trình nhà ở có phải là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 BLDS năm 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, bao gồm động sản và bất động sản. Đồng thời, khoản 1 Điều 107 BLDS năm 2015 cũng quy định đất đai, nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai là bất động sản.

Trong khoa học Luật hình sự, đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu là tài sản. Tuy nhiên, không phải tài sản nào cũng là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu, nhất là những tài sản có tính năng đặc biệt, chẳng hạn khoa học Luật hình sự không thừa nhận đất đai là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu vì xuất phát từ đặc điểm, tính chất của đất đai là tài sản không thể dịch chuyển, di dời, không thể bị hư hỏng, phá hoại, đồng thời còn là đối tượng tác động của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế như tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, tội Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai…

Chúng ta cũng có thể thấy trong khoa học Luật hình sự, hành vi chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi cố ý chuyển biến, chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của người khác thành tài sản của mình. Đất đai là tài sản không thể dịch chuyển, di dời, luôn tồn tại hiện hữu tại một vị trí cố định và quyền sở hữu được thể hiện thông qua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, không thể chuyển biến, chuyển dịch đất đai là tài sản đang thuộc sự quản lý của người khác thành tài sản của mình được nên đất đai không phải là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt.

Công trình nhà ở được xây dựng bằng gạch, đá, xi măng rất chắc chắn, gắn liền với đất đai, gần như không thể dịch chuyển, di dời, tồn tại hiện hữu tại một vị trí cố định và quyền sở hữu cũng được thể hiện thông qua Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Vì vậy, cũng không thể chuyển biến, chuyển dịch công trình nhà ở là tài sản đang thuộc sự quản lý của người khác thành tài sản của mình được nên công trình nhà ở cũng không phải là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt.

Tuy nhiên, cần lưu ý công trình nhà ở vẫn là đối tượng tác động của các tội phạm sở hữu không có tính chất vụ lợi vì vẫn có thể bị đập phá, làm hư hỏng, khác với đất đai là tài sản không thể bị hư hỏng, phá hoại. Đồng thời, những công trình nhà ở có thể dịch chuyển, di dời như nhà thuyền, nhà tự nổi… thì vẫn có thể là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt.

Như vậy, trong tình huống đưa ra, công trình nhà ở được xây dựng kiên cố bằng gạch, đá, xi măng, gắn liền với đất đai nên không phải là đối tượng tác động của các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt. Do đó, Nguyễn Thị Đ không phạm vào tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172 BLHS năm 2015).

Thứ hai, trong tội Không chấp hành án (Điều 380 BLHS năm 2015), hành vi không chấp hành án là hành vi của người có điều kiện mà không chấp hành bản hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Trong tình huống đưa ra, bà Nguyễn Thị Đ tuy không đồng ý kí vào biên bản nhưng vẫn dọn đồ đạc, tài sản ra khỏi nhà và giao lại nhà cho bà Nguyễn Thị Ngọ, Nguyễn Thị Tuất và Đội Thi hành án theo đúng bản án đã có hiệu lực pháp luật mà Tòa án đã tuyên, tức vẫn chấp hành án. Việc bà Đ tự ý phá khóa, dọn đồ đạc, tài sản vào nhà để ở lại xảy ra sau khi đã thi hành án xong. Vì vậy, hành vi này của bà Đ không phải là hành vi không chấp hành án, bản thân bà Đ cũng chưa bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cũng như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành án nên không phạm vào tội Không chấp hành án.

Thứ ba, trong tình huống đưa ra, nhận thấy:

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014 thì Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, gia đình. Như vậy, toàn bộ khu vực gồm nhà, sân và kiot bán hàng đều là công trình nhà ở.

– Sau khi giao lại nhà cho bà Nguyễn Thị Ngọ và Nguyễn Thị Tuất, lợi dụng lúc bà Ngọ và Tuất chưa vào ở, Nguyễn Thị Đ đã tự ý phá khóa, dọn đồ đạc, tài sản vào ở, cho người khác thuê kiot để kinh doanh và không giao nhà cho bà Ngọ và Tuất nữa. Hành vi này của Đ là hành vi xâm nhập trái pháp luật và chiếm giữ chỗ ở của người khác nên phạm vào tội Xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158 BLHS năm 2015).

Cũng cần phải nói thêm để xâm nhập được vào nhà của bà Ngọ và Tuất, Đ đã cho người đập phá bức tường gạch ngăn cách phần đất giữa 02 bên. Đây cũng là một phần của công trình nhà ở. Việc Đ đập phá bức tường đã làm phát sinh hậu quả bị thiệt hại về tài sản của bà Ngọ và Tuất, đồng thời việc Đ chiếm giữ chỗ ở không loại trừ hậu quả bị thiệt hại về tài sản nêu trên mà Đ đã gây ra cho bà Ngọ và Tuất. Vì vậy, hành vi của Đ có dấu hiệu của tội Hủy hoại tài sản (Điều 178 BLHS năm 2015). Tuy nhiên, do tình huống đưa ra không thể hiện rõ trị giá của bức tường bị đập phá là bao nhiêu nên không có cơ sở để xác định Đ có phạm vào tội này hay không.

Tóm lại, Nguyễn Thị Đ phạm vào tội Xâm phạm chỗ ở của người khác (Điều 158 BLHS năm 2015) mà không phạm vào tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 172 BLHS năm 2015) hay tội Không chấp hành án (Điều 380 BLHS năm 2015) như tình huống đã đưa ra.

Trên đây là quan điểm của tôi về tội danh trong vụ án này, rất mong nhận được sự trao đổi của quý bạn đọc.

Một đường phố Hà Nội – Ảnh minh họa của Thái Vũ

PHẠM VĂN MINH (Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)