Phải đánh giá một cách khách quan, toàn diện để xác định đúng tội danh.

Sau khi nghiên cứu bài viết “A có phạm tội trộm cắp tài sản?” của tác giả Bùi Viết Vinh, đăng ngày 06/11/2021 và các ý kiến trao đổi, tôi đồng ý với quan điểm của tác giả khi xác định hành vi của A không phạm vào tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS.

Trước hết, cần phải khẳng định vấn đề sau đây: Để xác định tội danh đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt thì cần phải xác định được 04 vấn đề sau đây: Xác định ý thức chiếm đoạt; Xác định phương thức, thủ đoạn chiếm đoạt; Xác định thời điểm chiếm đoạt; Xác định tại thời điểm chiếm đoạt, ai đang là người quản lý tài sản.

Quay trở lại tình huống, chúng ta thấy: C là người giúp việc của B và khi B đi công tác dài ngày đã giao cho C quản lý, trông coi toàn bộ ngôi nhà. Vì vậy, tại thời điểm A lấy bộ bàn ghế trị giá khoảng 30 triệu đồng từ nhà của B về nhà mình thì C đang là người quản lý hợp pháp đối với tài sản này. Do C đang là người quản lý hợp pháp đối với tài sản nên nếu A muốn chiếm đoạt, dịch chuyển những tài sản trong nhà của B thì phải thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đối với C như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực đối với C, dùng thủ đoạn gian dối đối với C hay lén lút, bí mật đối với C… Rõ ràng, khi thực hiện hành vi dịch chuyển bộ bàn ghế nêu trên từ nhà của B về nhà mình, A hoàn toàn công khai hành vi này đối với C và không có bất kỳ hành vi nào thể hiện việc chiếm đoạt như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, dùng thủ đoạn gian dối hay lén lút, bí mật… A không hề nói lý do vì sao lại lấy bộ bàn ghế mang về nhà mình cho C biết và C cũng không can ngăn việc này do C có quen biết A và nghĩ rằng A và B đã có thỏa thuận với nhau từ trước. Suy nghĩ này của C không phải do A tạo ra tại thời điểm dịch chuyển tài sản nên A phải nhận thức được rằng C hoàn toàn có thể thông báo cho B biết việc A lấy bộ bàn ghế nhưng A không quan tâm đến vấn đề này và vẫn công khai hành vi dịch chuyển tài sản của mình cho B và C biết.

Mục đích A lấy bộ bàn ghế là để gán nợ, yêu cầu B trả tiền cho mình. Vì vậy, tại thời điểm dịch chuyển tài sản, A công khai hành vi và mục đích dịch chuyển tài sản của mình đối với chủ sở hữu, người quản lý tài sản là B và C (nếu như B và C có hỏi) nên hành vi này của A không phải là hành vi lén lút, bí mật trong tội Trộm cắp tài sản. Đồng thời, sau khi lấy được bộ bàn ghế, A cũng mang về nhà cất giữ để chờ B đến liên hệ giải quyết vấn đề vay mượn tiền chứ không đưa đi tiêu thụ nên xét toàn bộ quá trình thực hiện hành vi, A không có ý thức chiếm đoạt bộ bàn ghế của B. Từ đó, có thể thấy, A không có ý thức chiếm đoạt bộ bàn ghế của B và tại thời điểm thực hiện hành vi dịch chuyển tài sản, A công khai hành vi và mục đích của mình cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản biết chứ không che giấu nhằm thực hiện một cách lén lút, bí mật nên hành vi của A không phạm vào tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS.

Bên cạnh đó, tôi cũng có một số ý kiến trao đổi thêm về tình huống trên như sau:

- Như đã phân tích ở trên, tại thời điểm dịch chuyển tài sản, A công khai hành vi và mục đích của mình cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản (là B và C) biết. A cũng không thực hiện bất kỳ hành vi nào thể hiện việc chiếm đoạt đối với C như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, nhanh chóng chiếm đoạt, nhanh chóng lẩn trốn… và bản thân C cũng không có hành vi nào can ngăn A (mặc dù hoàn toàn có khả năng can ngăn) nên hành vi dịch chuyển tài sản của A trong trường hợp này không phải là hành vi chiếm đoạt tài sản và không có tính chất chiếm đoạt.

- Do C để cho A lấy tài sản đi mà không có bất kỳ hành vi nào can ngăn (mặc dù hoàn toàn có khả năng can ngăn) và hành vi lấy tài sản của A không phải là hành vi chiếm đoạt tài sản nên mối quan hệ giữa A và C trong trường hợp này là một dạng giao dịch dân sự được thể hiện dưới hình thức hợp đồng quản lý tài sản, trong đó C là người quản lý tài sản đã chuyển giao quyền quản lý đối với tài sản của mình cho A và để A lấy tài sản đi, tức A đã nhận được tài sản từ C thông qua hợp đồng quản lý tài sản. Vì vậy, nếu sau khi lấy được bộ bàn ghế, A đã mang đi bán để trừ nợ của B thì hành vi này của A có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 BLHS. Để làm rõ A có phạm vào tội này hay không thì cần phải củng cố chứng cứ, tài liệu để chứng minh A có dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời hạn trả lại tài sản, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc đã sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản hay không. Nhìn chung, nếu chỉ dừng lại ở việc A mang bộ bàn ghế đi bán để trừ nợ của B thì hành vi của A không phạm vào tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 BLHS do không thỏa mãn 01 trong 04 hành vi nêu trên.

- Trường hợp sau khi lấy được bộ bàn ghế, do biết đây là bộ bàn ghế hết sức quan trọng đối với B và B mong muốn được lấy lại bộ bàn ghế này nên A đã đe dọa, ép buộc B phải trả tiền nợ cho mình, nếu không sẽ bán bộ bàn ghế này đi cho người khác và B vì mong muốn lấy lại được bộ bàn ghế nên đã phải trả đủ tiền nợ cho A thì hành vi này của A đã phạm vào tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 BLHS. Trước hết, cần phải khẳng định việc chủ nợ dùng thủ đoạn trái pháp luật để đe dọa, ép buộc con nợ phải trả nợ cho mình trái với ý muốn của họ là hành vi chiếm đoạt tài sản. Sở dĩ như vậy là vì hành vi này cũng là hành vi cố ý chuyển biến một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của con nợ thành tài sản của chủ nợ và việc trả nợ này là trái pháp luật, trái với ý muốn của con nợ. A đã dùng tài sản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với B để đe dọa, uy hiếp tinh thần nhằm buộc B phải trả nợ cho mình nếu không sẽ gây thiệt hại cho tài sản đó. Đây là biểu hiện của hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản trong tội Cưỡng đoạt tài sản nên hành vi đòi nợ như trên của A đã phạm vào tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 BLHS.

Đây là tình huống phức tạp và thường xảy ra trong thực tế, đòi hỏi cần phải có sự đánh giá một cách khách quan, toàn diện nhằm bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.  

 

TAND tỉnh Long An xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Kiên Định/ Báo LA 

 

 

                       

PHẠM VĂN MINH (Công an TP. Long Khánh, Đồng Nai)