Trộm tài sản sau đó giết người, phạm mấy tội, tội gì ?

Ngày 27 /5 /2021 Tạp chí đăng bài viết: A, B phạm tội “Giết người” hay “Cướp tài sản” gây hậu quả làm chết người của tác giả Thanh Thịnh, tôi cho rằng hai đối tượng này không phạm tội cướp.

Qua nội dung vụ án ta thấy A và B trộm cắp tài sản (bắt trộm chó) thì bị ông H (bị hại) phát hiện, khi A và B kéo con chó lên xe máy để bỏ chạy thì bị ông H đuổi và theo ôm B ngồi phía sau xe rồi tri hô, thấy vậy A cầm súng bắn chết ông A để chạy thoát. Vậy hành vi của A và B phạm tội gì?

- Thứ nhất: Ta thấy rõ, A và B đã lén lút trộm cắp tài sản của ông H là con chó, nếu con chó trên 2.000.000 đồng thì A và B đã phạm tội trộm cắp tài sản. (trường hợp con chó dưới 2.000.000 đồng thì A và B phải có tiền án hoặc tiền sự về tội xâm phạm sở hữu mới phạm tội).

Vậy hành vi khi bị hại H đuổi theo và ôm B lại thì bị A ngồi phía trước bắn chết thì có chuyển hóa tội danh đối với A và B không?

Tại khoản 6 mục I TTLT 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn áp dụng quy định về tình tiết "Hành hung để tẩu thoát" là căn cứ để chuyển hóa tội danh từ trộm cắp sang cướp tài sản như sau:

“Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là "hành hung để tẩu thoát" mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”.

Theo Thông tư hướng dẫn như trên ta thấy tội trộm cắp chỉ chuyển hóa thành tội cướp tài sản trong hai trường hợp:

1. Người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản.

2. Người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản.

Đối chiếu hành vi của A và B với ông H ta thấy thuộc trường hợp người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản nhưng bị hại chưa giành lại được tài sản này, (Bị hại H chỉ ôm vào người B chứ chưa giành lại được con chó, chưa cầm vào con chó) do đó không thuộc trường hợp chuyển hóa tội danh từ trộm cắp tài sản thành cướp tài sản đối với A và B; hành vi của A và B vẫn phạm tội trộm cắp tài sản với tình tiết “hành hung để tẩu thoát”.

 - Thứ hai: Đối với hành vi bắn chết ông H của A: A và B đi trộm cắp cùng nhau, việc A và B mang theo súng mục đích là để đánh lại hoặc dằn mặt bị hại khi bị phát hiện ra hành vi trộm cắp. Do đó việc A bắn chết ông H thì B phải chịu trách nhiệm cùng A; hành vi của A và B đã phạm tội giết người.

Hơn nữa trong vụ án này A và B thực hiện 2 hành vi là Trộm cắp tài sản và hành vi giết ông H, do đó theo Điều 2 Công văn số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của TANDTC về trao đổi nghiệp vụ quy định: “Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.”

 A và B đã thực hiện 2 hành vi và 2 hành vi này đã cấu thành tội phạm tương ứng là trộm cắp tài sản và giết người.

Xin được trao đổi cùng tác giả và bạn đọc.

 

Tòa án  tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án “Trộm cắp tài sản” - Ảnh: Hoàng Khánh

 

 

 

PHẠM THÀNH TRUNG (TAND huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam)