Xác định nghĩa vụ chịu án phí khi Tòa án công nhận thỏa thuận của các đương sự
Án phí có vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách, đồng thời nó cũng tác động ít nhiều đến quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân do đó buộc các chủ phải cân nhắc khi đưa ra yêu cầu, thực hiện việc khởi kiện. Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng pháp luật về án phí còn vài điểm bất cập khi xác định nghĩa vụ chịu án phí của đương sự trong vụ án dân sự mà Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trong thời điểm hiện nay chúng ta đang áp dụng hai văn bản pháp luật hiện hành để điều chỉnh về án phí và lệ phí Tòa án đó là BLTTDS năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14, ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu , nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 326). Theo quy định tại khoản 3 Điều 147 của BLTTDS năm 2015 thì “trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”. Và theo quy định tại khoản 7 Điều 26 của Nghị quyết số 326 thì: “Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.” Từ quy định này trong thực tế có hai cách hiểu và áp dụng.
Cách hiểu thứ nhất cho rằng, theo quy định trên thì trong trường hợp khi các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trước khi mở phiên tòa thì về nguyên tắc án phí mỗi bên phải chịu là ½ trên tổng số án phí mà hai bên phải chịu khi được giảm 50% (tức là mỗi bên chịu 25% án phí so với án phí khi đưa vụ án ra xét xử). Sau đó các bên mới thỏa thuận với nhau xem bên nào chịu thay bên nào bao nhiêu.
Ví dụ, nguyên đơn Nguyễn Văn A khởi kiện đòi tiền vay với bị đơn Hồ Thị B số tiền vay là 100.000.000 đồng. Nếu A và B thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án là B có nghĩa vụ trả cho A 100.000.000 đồng và B tự nguyện chịu toàn bộ án phí. Khi ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quan điểm thứ nhất thẩm phán đã ghi rằng:
“Về án phí dân sự sơ thẩm là 2.500.000 đồng: ông Nguyễn Văn A và bà Hồ Thị B mỗi người phải chịu 1.250.000 đồng án phí nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự … Tuy nhiên bà Hồ Thị B tự nguyện chịu toàn bộ số tiền án phí là 2.500.000 đồng. Do đó ông Nguyễn Văn A không phải chịu án phí…. ” Như vậy quan điểm thứ nhất mặc nhiên cho rằng trong vụ án dân sự thì mỗi bên phải chịu 50% án phí hòa giải thành.
Cách hiểu thứ hai: Trong trường hợp hòa giải thành và Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trước khi mở phiên tòa thì nghĩa vụ chịu án phí do các bên tự thỏa thuận và chịu trong khoản 50% án phí so với án phí khi đưa vụ án ra xét xử chứ không có nguyên tắc nào bắt buộc mỗi bên phải chịu ½ án phí sau đó mới thỏa thuận bên này chịu thay bên kia.
Cùng vụ án trong ví dụ trên, Thẩm phán theo quan điểm thứ hai sẽ ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận với nội dung như sau: “Về án phí dân sự sơ thẩm là 2.500.000 đồng. Bà Hồ Thị B tự nguyện chịu toàn bộ số tiền án phí là 2.500.000 đồng. Do đó ông Nguyễn Văn A không phải chịu án phí… ”. Như vậy quan điểm thứ hai là tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự trước. Không ghi nhận mặc nhiên mỗi bên phải chịu 50% án phí mà các đương sự thỏa thuận B chịu thì ghi nhận là B phải chịu.
Thật ra hai cách hiểu trên thì kết quả bên chịu án phí vẫn là B không có gì thay đổi nhưng vướng mắc phát sinh nếu bà B là đối tượng được miễn án phí (ví dụ B thuộc hộ nghèo) theo điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 và B có đơn xin miễn án phí trước khi Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa B với A.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 26 của Nghị quyết số 326: “Trường hợp các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí thì Tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn phải chịu theo quy định, của Nghị quyết này. Phần án phí, lệ phí Tòa án mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp”.
Như vậy nếu hiểu nghĩa vụ chịu án phí theo quan điểm thứ nhất là mỗi bên trong vụ án dân sự hòa giải thành có nghĩa vụ chịu ½ án phí hòa giải thành sau đó mới thương lượng bên nào chịu thay thì trong trường hợp này B chỉ được miễn 1.250.000 đồng mà B phải chịu theo quy định, còn lại B phải chịu 1.250.000 đồng án phí mà B tự nguyện nộp thay A. Còn nếu hiểu theo quan điểm thứ hai án phí hòa giải thành do các bên tự thương lượng ai chịu thì tòa ghi nhận chứ không phải mặc nhiên mỗi bên chịu 50% thì trong trường hợp này B được miễn toàn bộ án phí 2.500.000 đồng vì đó là nghĩa vụ của B theo thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành.
Đối với người viết thống nhất theo cách hiểu và quan điểm thứ hai. Bởi lẽ quan điểm thứ hai đúng với câu từ trong quy định của BLTTDS “trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm”. Điều luật chỉ quy định họ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm chứ không xác định rõ là đương sự nào phải chịu bao nhiêu %, bên cạnh đó cũng không có văn bản nào hướng dẫn trong vụ án dân sự nếu các bên hòa giải thành trước khi mở phiên tòa thì mỗi bên phải chịu ½ án phí cả.
Bên cạnh đó tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 70-CP ngày 12/6/1997 quy định về án phí lệ phí Tòa án có nêu “Nếu trước khi mở phiên toà, Toà án tiến hành hoà giải mà các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, thì các đương sự chỉ phải chịu 50% mức án phí quy định tại Điều 7 của Nghị định này. Các đương sự có thể thoả thuận với nhau về mức án phí mà mỗi bên phải chịu; nếu họ không thoả thuận được, thì Toà án quyết định.”. Theo tinh thần của Nghị định này thì Tòa án phải tôn trọng sự thỏa thuận của họ về việc xác định nghĩa vụ chịu án phí trước, nếu họ không thỏa thuận được thì Tòa án mới dùng quyền của mình để quyết định.
Từ những vướng mắc trên người viết đề xuất TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể về nghĩa vụ chịu án phí của các đương sự khi họ tự thỏa thuận với nhau trước khi mở phiên tòa xem 50% án phí đó ai sẽ chịu và mức chịu như thế nào nếu họ không thỏa thuận được về án phí này.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
2 Bình luận
lethanhtoan
01:47 26/11.2024Trả lời
3 phản hồi
ongtam
01:47 26/11.2024Trả lời