Bản chất là vụ án dân sự, đan xen trong đó có yêu cầu hủy quyết định hành chính

Qua nghiên cứu bài viết “Xác định người đại diện theo ủy quyền trong vụ án dân sự có xem xét việc hủy quyết định cá biệt” của tác giả Nguyễn Văn Chất – Nguyễn Thị Thùy Linh, đăng ngày 21/9/2021, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai.

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đôi khi Tòa án có thể gặp phải các quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người thẩm quyền. Nhằm đảm bảo việc giải quyết triệt để vụ việc dân sự cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, pháp luật tố tụng dân sự đã ghi nhận quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức (Điều 32a của BLTTDS 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011 và tiếp tục được ghi nhận tại Điều 34 BLTTDS 2015). Cụ thể, Điều 34 BLTTDS 2015 quy định như sau: 1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. 2. Quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó. 3. Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy. 4. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh».

Theo quy định nêu trên, khi giải quyết vụ án dân sự mà có xem xét hủy quyết định cá biệt thì «Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy». Đồng thời, theo quy định của pháp luật tố tung dân sự thì trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong trường hợp này việc ủy quyền của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành quyết định cá biệt bị xem xét hủy trong vụ việc dân sự sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015 (LTTHC 2015) hay BLTTDS 2015? Bởi lẽ quy định về chủ thể đại diện theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức tham gia tố tụng được quy định khác nhau trong hai luật này.

Cụ thể, khoản 3, Điều 60 LTTHC 2015 quy định về chủ thể đại diện theo ủy quyền trong trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này. Trong khi đó, Điều 87 BLTTDS 2015 quy định về người đại diện trong tố tụng dân sự như sau: «1.Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật: a) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện; b) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc. 2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. 3. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật”.

Có thể thấy nếu áp dụng quy định của LTTHC 2015 cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị kiện chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó làm người đại diện. Trong khi đó, pháp luật tố tụng dân sự lại không có quy định bắt buộc cơ quan, tổ chức có quyết định cá biệt bị xem xét hủy trong vụ việc dân sự chỉ được ủy quyền lại cho cấp phó của mình.

Để giải quyết vấn đề này, bài viết đã nêu lên hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: «Việc yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng là yêu cầu hủy quyết định hành chính vì vậy trình tự thủ tục về người được ủy quyền cũng phải tuân theo quy định tại LTTHC 2015, minh chứng cho điều này là khi xác định thẩm quyền của tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt được xác định tương ứng theo luật tố tụng hành chính về thẩm quyền (khoản 4, Điều 34 BLTDS 2015)».

Quan điểm thứ hai cho rằng: «... bản chất đây là vụ án dân sự đan xen trong đó có yêu cầu hủy quyết định hành chính, yêu cầu này phụ thuộc vào việc giải quyết vụ án dân sự, việc giải quyết yêu cầu này sẽ giúp vụ án dân sự được giải quyết chính xác và triệt để hơn chính vì vậy pháp luật cần áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án chính là pháp luật tố tụng dân sự».

Liên quan đến vấn đề này, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai và cũng là quan điểm của tác giả bài viết. Bởi lẽ, theo quy định về xác định người đại diện tham gia tố tụng tại khoản 3, Điều 60 LTTHC 2015 nêu trên thì việc «chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện» được áp dụng trong trường hợp cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức là «người bị kiện». Trong khi đó, theo quy định tại khoản 3, Điều 34 BLTTDS 2015 thì cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định cá biệt được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng với tư cách «người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan».

Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự cũng quy định rõ rằng mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo các quy định của BLTTDS (Điều 3 BLTTDS 2015). Điều này có nghĩa là, về nguyên tắc, việc giải quyết vụ việc dân sự phải tuân theo quy định của BLTTDS, trừ trường hợp có quy định dẫn chiếu đến quy định của luật khác. Do vậy, với những quy định nêu trên thì có thể thấy rằng việc xác định người đại diện theo ủy quyền trong vụ án dân sự có xem xét việc hủy quyết định cá biệt sẽ được thực hiện theo quy định của BLTTDS 2015. Điều này cũng được khẳng định trong Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ ngày 07/4/2017 của TANDTC (khoản 3, Mục IV). Theo đó, hướng dẫn của TANDTC nêu rõ: «... khi giải quyết vụ án dân sự mà Tòa án có xem xét hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều 34 BLTTDS 2015 và phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ban hành quyết định cá biệt đó tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì việc xác định người đại diện theo ủy quyền của họ được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS 2015... Tuy nhiên, vì liên quan đến việc xem xét hủy hay không hủy quyết định hành chính cá biệt nên Tòa án cần có ý kiến để cơ quan đã ban hành quyết định cá biệt đó ủy quyền cho người có đủ năng lực và chuyên môn tham gia tố tụng”. 

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả liên quan đến vấn đề xác định người đại diện theo ủy quyền trong vụ án dân sự có xem xét việc hủy quyết định cá biệt, rất mong nhận được trao đổi từ những độc giả có quan tâm.

 

Tòa án nhân dân Tp Lai Châu xét xử  vụ án dân sự - Ảnh: Bùi Hiền Lương

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật VNU –HCM)