Bảo đảm quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam trong BLTTHS năm 2015
Bài viết phân tích quy định của pháp luật về bảo đảm quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam, từ đó đưa ra một số kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói chung và quyền của người bị tạm giữ, tạm giam nói riêng.
Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là giá trị chung của các dân tộc. Ngày nay, quyền con người được xem như là thước đo sự tiến bộ và trình độ văn minh của các xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển và bản sắc văn hóa.
Về lý luận cũng như trên thực tế, nhân quyền hay quyền cơ bản của con người là những quyền không thể thiếu để cá nhân có thể tồn tại và phát triển bình thường với tư cách là một thành viên của cộng đồng xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Hiện nay, có nhiều cách phân loại quyền con người nhưng chủ yếu là phân loại theo lĩnh vực đời sống xã hội và trong các lĩnh vực của đời sống, quyền con người được phân thành hai nhóm chính: nhóm các quyền kinh tế – xã hội – văn hóa và nhóm các quyền dân sự – chính trị.
Quyền con người trong tư pháp hình sự là lĩnh vực chuyên biệt thuộc nhóm quyền dân sự – chính trị gắn với quyền được sống, quyền tự do và sinh mệnh chính trị của mỗi cá nhân; Trong đó, bảo đảm quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam là những vấn đề đặc thù trong áp dụng các biện pháp ngăn chặn của BLTTHS năm 2015.
1. Quy định pháp luật về bảo đảm quyền con người trong việc tạm giữ, tạm giam
Tạm giữ, tạm giam người là các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế một số quyền con người, quyền công dân của người bị tạm giữ, tạm giam. Mục đích của các biện pháp này là để đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, đảm bảo trật tự pháp luật. Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn buộc phải nắm vững nội dung, thẩm quyền, thủ tục bắt, tạm giữ, tạm giam sẽ bảo đảm cho các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng áp dụng đúng pháp luật, tránh vi phạm các quy định pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân khi thực thi công vụ.
Kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992; Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm,…”; “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang…”[1].
Khoản 5 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự…”.
Thực thi quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định “… việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người”[2]. Bên cạnh đó, người bị tạm giữ, tạm giam “có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”[3]. Ngoài ra, để đảm bảo tính nghiêm minh pháp luật “… cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình. Người vi phạm pháp luật trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật”[4]. Đồng thời, quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục thực hiện việc tạm giữ, tạm giam; thời hạn tạm giữ, tạm giam; thẩm quyền quyết định, thay đổi biện pháp tạm giữ, tạm giam.
2. Thực trạng việc đảm bảo quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam
2.1. Tạm giữ là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự do cơ quan và những người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú hoặc đầu thú hay đối với người bị bắt theo lệnh truy nã nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm cho xã hội của họ, ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội, trốn tránh pháp luật hoặc có hành động cản trở cho việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án[5].
Những năm gần đây, việc tạm giữ, tạm giam người thu hút sự chú ý của nhiều cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, và đông đảo quần chúng nhân dân. Việc bắt người tuỳ tiện, bắt oan người không có tội, tạm giữ người không có lệnh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Có trường hợp cơ quan cấp dưới giữ người nhưng không báo cáo cơ quan có thẩm quyền, xử lý vụ việc tùy tiện, xâm hại nghiêm trọng đến quyền tự do, quyền được bảo hộ về danh dự, nhân phẩm của con người, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước ta và các cơ quan tiến hành tố tụng.
Ví dụ, trường hợp oan sai của thầy giáo Nguyễn Minh Hoàng ở tỉnh Trà Vinh. Một lần đi dự tiệc cưới về, thầy “chếnh choáng” và bị té ngã bầm tay. Cũng đêm đó xảy ra vụ đánh nhau tại nhà vợ chồng anh Hùng, chị Đôi. Nghe tiếng lộn xộn bà Hum và con trai là anh Đức chạy sang. Một bóng đen dùng gậy phang anh Đức và bà Hum ngất xỉu. Bóng đen cùng đồng bọn bỏ chạy. Anh Hùng bị thương tật 4%, chị Đôi 10%, Bà Hum 10%, anh Đức 8%. Một tuần sau thầy giáo Hoàng được mời lên xã. “Tới nơi thấy có đủ cả công an tỉnh, công an huyện, công an xã, chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì thầy nghe tiếng hô: Tên giết người, cướp của hạ vũ khí đầu hàng! Thầy choáng váng, đang nghĩ xem vũ khí của mình là gì thì họ thoăn thoắt cởi hết đồ của thầy, đánh đập, dọa nạt,… rồi thầy bị đưa lên xe chở thẳng về nơi giam giữ. Suốt 6 tháng trong phòng giam thầy mới láng máng hiểu mình bị bắt vì có các yếu tố gần giống với những điều mà các nạn nhân kể lại một cách lộn xộn thiếu thống nhất” (Theo http//www.vietnamnet.vn/phongsu.)
Từ ví dụ đó, có thể thấy Điều 13 BLTTHS năm 2015 quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Trong trường hợp này những người thi hành pháp luật đang làm ngược lại quy định tại Điều 13 Bộ luật này. Vậy thì, khi cơ quan công an thực hiện lệnh bắt nhưng không nói lý do bắt cho thầy Hoàng, việc công an gọi thầy là “tên giết người, cướp của”, rồi bắt giữ thầy, cởi hết đồ của thầy là vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền con người một cách nghiêm trọng, xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của thầy Hoàng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bắt người tùy tiện, bắt oan sai, không đúng trình tự thủ tục là do trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan tố tụng còn hạn chế, ý thức pháp luật chưa được đề cao, nhận thức không đầy đủ về tính chất, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động tạm giam, tạm giữ cũng như các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án làm cho việc vận dụng thiếu chính xác dễ dẫn đến những hoạt động tuỳ tiện, trái pháp luật xâm hại đến quyền con người, lợi ích hợp pháp của công dân. Để bảo đảm được quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng, cần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng bồi dưỡng nâng cao ý thức pháp luật, ý thức chính trị và đạo đức công vụ cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán; thực hiện tốt chế độ báo cáo đối với cơ quan có thẩm quyền và trước nhân dân, thông qua cơ quan đại diện của họ tại địa phương (ở mức độ cho phép nếu không làm ảnh hưởng tới việc giải quyết khách quan, toàn diện vụ án); đảm bảo cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền và của nhân dân.
Mặt khác, để nâng cao hiệu quả công tác và bảo đảm được quyền con người, chủ thể tiến hành tố tụng phải nhận thức rõ ý nghĩa của việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Hiểu rằng áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam là nhằm bảo vệ trật tự pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, nhưng cần chú ý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam. Bởi vì, người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn chưa phải là tội phạm, họ mới chỉ tạm bị hạn chế một số quyền như quyền tự do đi lại, quyền tự do cư trú. Những quyền khác của người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn vẫn phải được bảo đảm và được tôn trọng. Chẳng hạn, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.
Việc áp dụng tùy tiện các biện pháp ngăn chặn như việc tạm giữ hoặc tạm giam không đúng thủ tục, thẩm quyền, quá hạn,… đều làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm quyền bất khả xâm phạm thân thể và sinh mạng chính trị của con người, của công dân, làm suy giảm uy tín của Đảng ta, Nhà nước ta, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Vì vậy, việc hiểu đúng, hiểu đầy đủ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về các biện pháp ngăn chặn sẽ nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm; qua đó góp phần quan trọng và cần thiết để bảo đảm quyền con người.
2.2. Tạm giam bị can, bị cáo là tạm giam người đã bị khởi tố về hình sự hoặc người đã bị Toà án quyết định đưa ra xét xử để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự. Người chưa bị khởi tố với tư cách là bị can, hoặc người không bị Toà án đưa ra xét xử không thể bị tạm giam trong trường hợp này. Khi áp dụng biện pháp tạm giam phải có lệnh tạm giam được phê chuẩn bởi Viện kiểm sát cùng cấp, nếu thiếu sự phê chuẩn sẽ bị coi là không có giá trị pháp lý và công dân có quyền không chấp hành.
Bên cạnh đó, cơ quan tiến hành tố tụng khi có những dấu hiệu cho thấy người phạm tội không có ý trốn tránh pháp luật, không gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì không nên tạm giam (thậm chí không được tạm giam) mà có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác. Chẳng hạn, người phạm tội lần đầu, tính chất ít nghiêm trọng hoặc phạm tội do vô ý, có việc làm, nơi cư trú rõ ràng, không có hành động cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì không cần tạm giam; bởi vì, mục đích là để ngăn chặn hành vi phạm tội và việc lẩn trốn pháp luật của bị can, bị cáo.
3. Một số kiến nghị góp phần bảo đảm quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam
Một là, hoàn thiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định chặt chẽ hơn nữa về một số vấn đề như đề cao trách nhiệm cá nhân của người ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam; người thi hành lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam để bắt, tạm giữ, tạm giam đúng người phạm tội, tránh oan sai, bên cạnh đó cần tôn trọng và bảo đảm những quyền và lợi ích chính đáng của người bị bắt. Qua nghiên cứu chúng tôi thấy, cơ quan có thẩm quyền cần quy định rõ hơn hoặc hướng dẫn cụ thể về các điều, khoản sau:
(i) Điểm b khoản 1 Điều 73 quy định quyền của người bào chữa: “Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can”. Theo chúng tôi thì Luật quy định như vậy là vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng. Khi nào thì người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý, khi nào thì không? Điều này phụ thuộc ý chí chủ quan của người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung, do người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung quyết định. Vì vậy, luật cần quy định rõ các trường hợp người bào chữa được quyền hỏi bị can, người bị tạm giữ, được quyền tham gia một số hoạt động điều tra cụ thể.
(ii) Khoản 2 Điều 118 quy định về thời hạn tạm giữ “Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trong trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần hai nhưng không quá 03 ngày”. Quy định này không có gì thay đổi so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, tức là vẫn còn chưa cụ thể, dễ làm cho chủ thể tiến hành tố tụng có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, tạo ra cho chủ thể áp dụng một phạm vi khá rộng. Trường hợp nào được coi là “cần thiết”, trường hợp nào là “đặc biệt”? Điều đó hoàn toàn do chủ thể tiến hành tố tụng nhận định và thực hiện. Vì vậy, để đảm bảo tính chặt chẽ, đảm bảo quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam, luật phải quy định cụ thể từng trường hợp; không nên dùng văn bản dưới luật để quy định hoặc hướng dẫn vì dễ tạo ra sự tùy tiện và áp dụng không thống nhất.
(iii) Khoản 4 Điều 119 quy định: “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp…”. Quy định như vậy không có gì khác biệt so với khoản 2 Điều 88 BLHS năm 2003. Theo tôi, để thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn, vì con người của chế độ xã hội chủ nghĩa, khoản 4 Điều 119 cần bổ sung thêm trường hợp bị can, bị cáo là người đang phải nuôi, chăm sóc người thân của mình là người tàn tật nặng, ốm nặng hoặc sắp chết (gia đình neo đơn, nếu thiếu sự chăm sóc của bị can, bị cáo thì những người này không thể tự mình sinh sống được) thì có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn khác (chẳng hạn cấm đi khỏi nơi cư trú), trừ những trường hợp cụ thể như đã quy định tại khoản này.
(iv) Về việc đảm bảo quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, tạm giam: Khoản 4 điều 78 quy định: “Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án;…”. Với các quy định như trên, trường hợp thuận lợi, trong 24 giờ cơ quan tiến hành tố tụng có thể tiếp nhận thủ tục, điều kiện bào chữa, sau đó vào nhà tạm giữ, trại tạm giam gặp hỏi người bị buộc tội về quy định điều kiện bào chữa, thông báo cho người bào chữa. Tuy nhiên, đối với trường hợp các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương thụ lý giải quyết hoặc trường hợp khác mà cơ quan tiến hành tố tụng ở phía Bắc, nhưng người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam ở Trại tạm giam phía Nam thì việc gặp hỏi để lấy ý kiến người bị buộc tội về sự đồng ý hay không đồng ý nhờ luật sư bào chữa, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng vào sổ đăng ký và thông báo cho người đăng ký bào chữa trong thời hạn 24 giờ là không thể thực hiện.
Hai là, về cơ chế thực hiện, cơ quan lập pháp cần bám sát thực tiễn cuộc sống, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật để bảo vệ các giá trị nhân văn của con người. Tiếp nhận sự phản hồi từ các cơ quan thực thi pháp luật, các nhà nghiên cứu, ý kiến đóng góp của nhân dân để sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật ngày một hoàn thiện, đảm bảo tốt các quyền con người, quyền công dân. Quốc hội, Hội đồng nhân dân tăng cường công tác giám sát và hoạt động chất vấn đối với các cơ quan nhà nước đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo cho các cơ quan này hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật.
Ba là, đối với cơ quan công an, cơ quan điều tra nói chung và các điều tra viên nói riêng, thường xuyên học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức chính trị, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật; nắm chắc các quy định của pháp luật về bắt, tạm giữ, tạm giam; hiểu rõ tính chất, mục đích của các biện pháp tạm giữ, tạm giam; đảm bảo khi thực hiện bắt, tạm giữ, tạm giam phải có lệnh và có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, hạn chế tình trạng “tiền trảm hậu tấu” khi bắt, tạm giữ, tạm giam người; tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam; phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia ngay trong quá trình bắt, tạm giữ, tạm giam khi giải quyết vụ án.
Bốn là, đối với Viện kiểm sát, chỉ phê chuẩn lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam khi đã xác định rõ căn cứ chứng minh bị can, bị cáo sẽ gây khó khăn cho hoạt động tố tụng. Viện kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, nghiên cứu kỹ tài liệu vụ án, gặp trực tiếp điều tra viên, những người có liên quan đến vụ án, và cả người bị bắt, tạm giữ, tạm giam về các tình tiết của vụ án để quyết định phê chuẩn hay không phê chuẩn lệnh bắt tạm giữ, tạm giam. Mỗi kiểm sát viên cần phải luôn đề cao trách nhiệm, ý thức pháp luật, ý thức chính trị trong quá trình thực thi công vụ của mình.
Năm là, đối với việc ra lệnh tạm giam của Tòa án và hội đồng xét xử, thực hiện quy định của BLTTHS năm 2003, Hội đồng Thẩm phán TANDTCđã hướng dẫn thống nhất thực hiện trong cả hệ thống Tòa án theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004. Thực tế cho thấy, việc thực hiện quy định pháp luật về tạm giam bị can, bị cáo của Tòa án được vận hành thông suốt, đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những vụ án, do đã khởi tố, bắt tạm giam nên quá trình giải quyết, dù không đủ chứng cứ khách quan vẫn cố buộc tội, xét xử và kết án dẫn đến vi phạm nghiêm trọng quyền cơ bản của con người. Hiện nay, theo BLTTHS năm 2015, thẩm quyền ra lệnh tạm giam bị can, bị cáo của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án các cấp, Hội đồng xét xử dù cơ bản không thay đổi so với quy định của BLTTHS năm 2003, nhưng trình tự, thủ tục thực hiện việc tạm giam bị can, bị cáo và nhất là việc đảm bảo quyền con người cho đối tượng này đã được quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn nhiều. Vì vậy, thiết nghĩ Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần hướng dẫn áp dụng thống nhất, kịp thời trong toàn hệ thống Tòa án để đảm bảo tốt nhất quyền con người cho người bị tạm giữ, tạm giam.
Bảo đảm quyền con người là vấn đề rất quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quan tâm, bảo vệ. Bằng nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Hiến pháp; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Thi hành án hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam;… Nhà nước đã chính thức ghi nhận và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, coi đó như những chế định quan trọng. BLTTHS năm 2015 của nước ta đã thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, ghi nhận bảo vệ quyền con người, quyền công dân qua nhiều chế định khác nhau. Các quy định về tạm giữ, tạm giam là một trong các quy định nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân của nhân dân mà trực tiếp là của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Tất cả những quy định của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tạm giữ, tạm giam đều nhằm góp phần phát huy dân chủ, tăng cường hơn nữa hiệu lực của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Theo http://tcdcpl.moj.gov.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận