Bất cập trong quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình khi hợp đồng vô hiệu
Bài viết phân tích những vấn đề cơ bản về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi hợp đồng vô hiệu cả về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, lồng ghép pháp luật nước ngoài để từ đó rút ra kinh nghiệm lập pháp cho pháp luật nước nhà hoàn thiện quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình.
1.Dẫn nhập
Hợp đồng vô hiệu không chỉ ảnh hưởng tới các bên trong hợp đồng mà còn ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình khi chủ thể này tham gia vào hợp đồng một cách trung thực, thiện chí và ngay thẳng, do đó trong giao lưu dân sự chủ thể này rất cần được pháp luật bảo vệ.
Bảo vệ người thứ ba ngay tình khi hợp đồng vô hiệu là một vấn đề quan trọng, bởi lẽ khi hợp đồng vô hiệu không chỉ ảnh hưởng tới các bên đối ước mà còn ảnh hưởng tới người thứ ba ngay tình khi họ tham gia xác lập giao dịch một cách ngay thẳng, thật thà mà họ không biết hoặc không thể biết giao dịch mình đã xác lập không có căn cứ pháp luật. So sánh về quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong BLDS 2005 với BLDS 2015 thì BLDS 2015 đã đưa ra những quy định mới bảo vệ người thứ ba ngay tình trong các giao dịch dân sự liên quan tới bất động sản hay động sản phải đăng ký,... Tuy nhiên, vẫn còn một điểm bất cập trong quy định của BLDS 2015 về bảo vệ người thứ ba ngay tình, bài viết sẽ phân tích những điểm bất cập và kiến nghị phương hướng hoàn thiện quy định của luật.
2.Trường hợp người bán không phải là chủ sở hữu đích thực
Người thứ ba ngay tình nhận tài sản thông qua hợp đồng với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền là chủ sở hữu nhưng sau đó bản án, quyết định bị huỷ sửa. Bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ sở xác thực người xác lập hợp đồng với mình là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản, tuy nhiên một số trường hợp người xác lập hợp đồng không được xác định là chủ sở hữu từ một bản án nhưng họ được cấp quyết định xác định là chủ sở hữu tài sản, về vấn đề này xin viện dẫn bản án như sau: “Ngày 9/4/1991, mặc dù không có mặt ông Nhơn và không có ý kiến của ông Nhơn, nhưng ông Khải, bà Linh, bà Ngẫu làm giấy sang nhượng phần đất thổ cư của ông Nhơn cho ông Long với giá 1.600.000 VNĐ. Vì vậy, Toà án phúc thẩm xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa ông Khải, bà Linh, bà Ngẫu với ông Long vô hiệu, nhưng do ông Long đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đẩt (GCNQSDĐ), xây dựng nhà kho và đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất nêu trên cho Doanh nghiệp tư nhân Tấn Hưng nên Toà phúc thẩm buộc những người xâm phạm quyền lợi của ông Nhơn phải trả giá trị cho ông Nhơn và xác định bồi thường là có căn cứ”[1]. Theo quy định của pháp luật hiện hành, GCNQSDĐ, quyền sở hữu (QSH) nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận QSDĐ, QSH nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất[2], mặc dù BLDS không nêu rõ nhưng theo tác giả có thể xác định việc cấp GCN nêu trên là một “quyết định” vì loại giấy tờ này chỉ có “cơ quan nhà nước có thẩm quyền” cấp và sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định đang phân tích (khoản 2 Điều 133 BLDS 2015) và khi người được cấp giấy GCN QSDĐ đã chuyển nhượng cho người thứ ba ngay tình thì nên theo hướng bảo vệ người thứ ba trong trường hợp này như vụ việc trên vì người thứ ba ngay tình căn cứ vào “chứng thư pháp lý” và loại giấy tờ này chỉ có cơ quan nhà nước cấp nên họ tin tưởng và xác lập hợp đồng với người đó cho nên họ hoàn toàn ngay tình.
Theo tác giả, việc xác định mức độ ngay tình của người thứ ba rất khó do đó nên suy đoán người thứ ba ngay tình khi nào có cơ sở chứng minh người thứ ba “gian tình” thì sẽ kết luận khác, hơn nữa có quan điểm cho rằng khi tham gia xác lập hợp đồng thì người thứ ba có nghĩa vụ phải tìm kiếm mọi thông tin liên quan tới tài sản mà mình giao dịch, theo tác giả, quan điểm này thực sự không thuyết phục, không thể đặt quá nặng trách nhiệm tìm kiếm thông tin cho bên thứ ba, bởi lẽ, nếu họ đã hết mình tìm kiếm thông tin nhưng người bán hoặc người chuyển nhượng cố ý che giấu thông tin hoặc dùng thủ đoạn để người nhận chuyển nhượng có ít thông tin thì trường hợp này người thứ ba rất cần được bảo vệ, hơn nữa người mua hay người nhận chuyển nhượng dựa trên GCN QSDĐ để xác lập hợp đồng chuyển nhượng thì phải bảo vệ họ, nếu chúng ta không theo hướng bảo vệ người thứ ba ngay tình thì đã vô tình làm giảm giá trị của loại “chứng thư pháp lý” này[3].
Ngoài ra, người được xác định là “ngay tình” khi nhận được tài sản thông qua “giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa”, về vấn đề này tác giả xin viện dẫn bản án liên quan như sau: Bà Long và ông Thắng kết hôn năm 1984 sau đó ly hôn, tại bản án ly hôn sơ thẩm và bản án ly hôn phúc thẩm, Toà quyết định chia ngôi nhà số 5 đường Lê Lợi, ở thời điểm bản án dân sự phúc thẩm số 5 nêu trên có hiệu lực, tháng 4/2000 bà Long đã lập hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ nhà đất cho bà Dĩnh, tại Quyết định giám đốc thẩm, Toà dân sự đã huỷ phần chia tài sản chung của hai bản án trước và khi phúc thẩm lại, Toà quyết định giao cho ông Thắng sở hữu, sử dụng toàn bộ nhà đất trong đó có phần của bà Dĩnh đã mua và sử dụng. Như vậy, sau quyết định này bà Long không còn là chủ sở hữu, bà Dĩnh đã nhận bất động sản thông qua giao dịch với bà Long (được công nhận là chủ sở hữu trong bản án năm 1998 sau này bản án này bị huỷ), theo HĐTP bà Dĩnh “giao dịch giữa bà Long và bà Dĩnh là ngay tình”[4], theo tác giả hướng xét xử này là thuyết phục.
Bản án, quyết định của Tòa án là sản phẩm nhân danh Nhà nước, là kết quả hoạt động tư pháp của một nhà nước, về lý thuyết nó chứa đựng kết quả của hoạt động tư pháp, người thứ ba tin tưởng vào phán quyết nhân danh nhà nước để xác lập hợp đồng thì phải bảo vệ họ cho dù sau này phán quyết bị sửa là lẽ hiển nhiên, bởi lẽ phán quyết này nhân danh “quyền lực nhà nước” nếu chúng ta bắt người thứ ba ngay tình gánh chịu hậu quả thì sẽ rất phi lý và gián tiếp làm yếu đi hiệu lực của hoạt động tư pháp.
Tuy nhiên, theo tác giả, việc bản án hay quyết định đó sau này có bị huỷ hay sửa cũng không liên quan tới tính ngay tình của người thứ ba, người thứ ba ngay tình tham gia thiết lập hợp đồng dựa trên bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản tại thời điểm bản án, quyết định công nhận người chuyển nhượng là chủ sở hữu, nếu như như tài sản đã chuyển sang cho người thứ ba ngay tình một cách công khai, không gian dối, tại thời điểm xác lập hợp đồng thì người chuyển giao tài sản được coi là có quyền đó, điều đó cũng đồng nghĩa là giao dịch hợp pháp, người thứ ba ngay tình tham gia hợp đồng phải được pháp luật bảo vệ vì họ đã dựa vào sự nhân danh Nhà nước trên bản án, quyết định. Kể cả trong trường hợp bản án, quyết định đó không bị sửa cũng đã đủ xác định người thứ ba là ngay tình, chúng ta không nên phân biệt là bản án, quyết định có bị huỷ, sửa hay không, hợp đồng đó đều được xác định là có hiệu lực. Về mặt chủ quan lẫn khách quan, người thứ ba ngay tình dựa trên bản án, quyết định của nhà nước, họ tin tưởng vào “hoạt động tư pháp”, sự nhân danh nhà nước nên pháp luật phải bảo vệ họ, nếu không sẽ làm giảm niềm tin của người dân vào pháp luật.
Pháp luật Philippines tại khoản 2 Điều 150 cũng theo hướng công nhận hợp đồng cho người thứ ba ngay tình khi người này mua được tài sản từ người bán được xác định là chủ sở hữu theo bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền, mặc dù người bán không phải là chủ sở hữu đích thực và không có bản án hay quyết định nào bị huỷ, sửa[5].
3.Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật
Điều kiện về bản án, quyết định bị huỷ hoặc sửa là không cần thiết, như đã phân tích, bản án hay quyết định có bị huỷ, sửa cũng không ảnh hưởng tới việc công nhận hợp đồng của người thứ ba ngay tình, theo một tác giả, quy định “chủ sở hữu tài sản do bản án quyết định bị huỷ, sửa là không cần thiết”[6].
Tác giả đề xuất sửa khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 lại như sau: “... cho dù sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa” hoặc chúng ta có thể bỏ luôn quy định “do bản án, quyết định bị huỷ, sửa”. Hoặc có thể tham khảo kinh nghiệm lập pháp từ BLDS Philippines tại khoản 2 Điều 150 theo hướng công nhận hợp đồng cho người thứ ba ngay tình khi người này mua được tài sản từ người bán được xác định là chủ sở hữu theo bản án, quyết định của Toà án có thẩm quyền, mặc dù người bán không phải là chủ sở hữu đích thực và không có bản án hay quyết định nào bị huỷ, sửa.
Tóm lại, có thể thấy hiện nay BLDS 2015 đang đóng vai trò rất quan trọng trong điều chỉnh các giao lưu dân sự bảo vệ tương đối quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình tránh bị xâm phạm, giảm thiểu sự lừa lọc. Sâu hơn thế, dưới góc độ quản lý nhà nước đòi hỏi cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện việc đăng ký đúng trình tự thủ tục, không gây khó dễ cho người dân, tránh những sai sót đáng tiếc. Thêm vào đó, là nâng cao nghiệp vụ xét xử của đội ngũ Thẩm phán trong giải quyết những vụ tranh chấp bảo vệ người thứ ba ngay tình.
Bảo vệ người thứ ba ngay tình khi hợp đồng vô hiệu là một vấn đề quan trọng - Ảnh: Thái Vũ
[1] Quyết định số 58/2011/DS-GĐT ngày 21/1/2011 của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao.
[2] Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013
[3] Theo một tác giả “trong điều kiện bình thường người bên ngoài nói chung, người thứ ba tham gia giao dịch nói riêng không thể hoặc rất khó có thể biết người đứng tên trên giấy chứng nhận (do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, đăng ký) không phải là chủ sở hữu đích thực hoặc chỉ có một phần quyền đối với tài sản đó, bắt người thứ ba phải biết, phải tìm hiểu chẳng khác nào bắt người ngay tình “mò kim đáy bể”” (Tưởng Duy Lượng (2018), “Quy định của các Bộ luật Dân sự về bảo vệ người thứ ba ngay tình và thực tiễn giải quyết”, Tạp chí Toà án nhân dân, số 3/2018, tr. 14-15).
[4] Quyết định số 22/2007/DS-GĐT ngày 10/7/2007 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
[5] Khoản 2 Điều 150 BLDS Philippines: (2) The validity of any contract of sale under statutory power of sale or under the order of a court of competent jurisdiction (Tạm dịch: Hiệu lực của bất kỳ hợp đồng mua bán nào theo quyền bán theo luật định hoặc theo bản của tòa án hay quyết định của cơ quan có thẩm quyền.)
[6] Nguyễn Thị Minh Phượng (2013), “Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi hợp đồng mua bán nhà ở vô hiệu”, Tạp chí Toà án nhân dân kỳ I/2013, tr. 26-27.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận