Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình vắng mặt
Điều 207 BLTTDS 2015 quy định về những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được, có quy định tại khoản 1: “Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt”. Như vậy, nếu bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình vắng mặt thì Tòa án không tiến hành hòa giải được. Tuy nhiên hiểu thế nào cho đúng điều luật là vấn đề cần đặt ra.
Trước đây, khoản 4 Điều 44 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự 1989 quy định: “ Nếu bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử”. Đến Điều 38 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động 1996 cũng quy định tương tự.
Bắt đầu từ Điều 182 BLTTDS 2004 đến Điều 207 BLTTDS 2015, nội dung này có sự thay đổi, cụm từ “vắng mặt không có lý do chính đáng” được thay bằng “cố tình vắng mặt” dẫn tới những khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật, do khó thống nhất thế nào là “cố tình vắng mặt”.
Quy định mang tính định tính này rất khó xác định và áp dụng một cách thống nhất. Bởi thực tiễn xét xử, khi đương sự vắng mặt thường nêu ra rất nhiều lý do, việc xác định yếu tố “Cố tình vắng mặt” là rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể? Trao đổi với một số Thẩm phán về vấn đề này thì thấy các lý do bị đơn vắng mặt được đưa ra là: Do quên không nhớ ngày hòa giải; Do đi ăn cỗ bạn; Do đi du lịch cùng gia đình… Các lý do này được nêu lên không cần thiết phải xác định có chính đáng hay không chính đáng, mà chỉ cần chứng minh đương sự “không cố tình vắng mặt” thì không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 207 BLTTDS 2015.
Có trường hợp đương sự rất muốn hòa giải và có lý do chính đáng không thể có mặt lần thứ hai nhưng Tòa án căn cứ vào khoản 1 Điều 207 BLTTDS cho rằng bị đơn cố tình vắng mặt lần 2 và quyết định đưa vụ án ra xét xử. Như vậy Tòa án cũng không sai nhưng không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
Có ý kiến nhận thức rằng nếu các đương sự đã được triệu tập hợp lệ lần 2 mà vắng mặt, không phân biệt lần thứ nhất có mặt hay không thì đều phải gánh chịu hậu quả pháp lý.
Có ý kiến cho rằng, quy định: “Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt” việc sử dụng từ “mà vẫn”nghĩa là lần trước đã vắng và lần này lại vắng. Như vậy, theo đúng tinh thần nội dung điều luật thì Tòa án phải gửi triệu tập hợp lệ hai lần cho bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và trong cả hai lần triệu tập đó bị đơn; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt thì mới thuộc trường hợp khoản 1 Điều 207. Nếu thực tiễn áp dụng theo đúng nội dung điều luật như vậy sẽ dẫn đến trường hợp các đương sự lợi dụng để kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Chính vì có sự khúc mắc về nhận thức điều luật như thế nên có Thẩm phán dùng mẹo. Thẩm phán cho rằng do “Cố tình vắng mặt” rất khó xác định, nên cần dựa vào kỹ năng của người Thẩm phán, khi nhận thấy các đương sự không thể thỏa thuận được thì có thể đề nghị một bên làm đơn đề nghị không tiến hành hòa giải. Như vậy Tòa án căn cứ khoản 4 Điều 207 BLTTDS để không tiến hành hòa giải, để đỡ tốn thời gian của đương sự và Tòa án. Bởi nếu hòa giải thì cũng khó đạt được kết quả vì một bên không thiện chí. Tuy nhiên, cách giải quyết này không thể hiện tinh thần Tòa án phải tạo điều kiện một cách tích cực để các đương sự hòa giải.
Quy định của điều luật còn có sự khác nhau về kỹ thuật lập pháp giữa Điều 207 với Điều 227 BLTTDS về trường hợp đương sự vắng mặt khi được triệu tập tham gia phiên tòa sơ thẩm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 227 BLTTDS 2015 thì Tòa án áp dụng chế tài xử lý đối với đương sự hoặc người đại diện của họ khi họ vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dù Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai. Trong đó, bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt… thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ. Bị đơn có yêu cầu phản tố mà vắng mặt coi như từ bỏ yêu cầu phản tố…
Do đó, TANDTC cần có hướng dẫn để áp dụng thống nhất Điều 207 BLTTDS 2015. Chúng tôi cho rằng, nên coi vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được nếu đương sự đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia hòa giải nhưng vẫn vắng mặt, mặc dù không thuộc trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận