Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 và giải pháp nâng cao chất lượng phiên tòa xét xử hình sự
Phiên tòa xét xử phúc thẩm hình sự là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Nâng cao chất lượng phiên tòa hình sự phúc thẩm không chỉ có ý nghĩa trong việc góp phần nâng cao thực hiện hoạt động tư pháp mà còn góp phần cải thiện hệ thống pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
Chất lượng phiên tòa hình sự phúc thẩm không chỉ đòi hỏi sự hoàn thiện về hệ thống pháp luật mà còn hoàn thiện về các yếu tố khác như cơ sở vật chất, năng lực phẩm chất Thẩm phán cũng như Kiểm sát viên là nội dung có ý nghĩa rất qua trọng và cấp thiết.
I.Một số đểm mới quy định của BLTTHS năm 2015 về xét xử phúc thẩm hình sự
1.1. Về bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử
Đây là vấn đề bảo đảm tính hợp hiến và để phù hợp với yêu cầu thực tế đặt ra từ công cuộc cải cách tư pháp, BLTTHS ghi nhận “tranh tụng trong xét xử” là một nguyên tắc của tố tụng nói chung và tố tụng hình sự nói riêng. Theo quy định của BLTTHS năm 2003 thì nguyên tắc tranh tụng chưa được bảo đảm trong xét xử thì BLTTHS năm 2015, đã có nhiều quy định về tranh tụng nằm ở một số điều (như các điều: 73, 81 ,88 , 360, 279, 290, 291, 320, 322, 326) được ghi nhận với tính chất như một nguyên tắc cơ bản, độc lập của tố tụng hình sự Việt Nam.
Có thể nói, “tranh tụng trong xét xử” là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất đảm bảo cho việc ra phán quyết bản án dựa trên một phần quan trọng là chất lượng tranh tụng tại phiên tòa vì có tranh tụng mới nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án. Phiên tòa được tranh tụng đúng nghĩa sẽ giúp cho hội đồng xét xử có cơ sở đưa ra phán quyết cuối cùng đúng người, đúng tội, không oan, sai; làm rõ được các vấn đề có kháng cáo, kháng nghị. Tăng cường và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa sẽ tạo được sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng, thông qua tranh tụng để làm sáng tỏ vụ việc mà không làm mất đi đặc trưng mô hình tố tụng hiện có.
Ngoài ra, việc chính thức ghi nhận nguyên tắc tranh tụng là một nguyên tắc cơ bản của BLTTHS Việt Nam còn là điều hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan của hoạt động tố tụng hình sự trên thế giới hiện nay. Trong bối cảnh của hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa trong mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, chính trị… thì hai mô hình tố tụng điển hình là xét hỏi và tranh tụng đang dần xích lại gần nhau. Trong trình tự của một phiên tòa hình sự theo mô hình tố tụng xét hỏi vốn dĩ đã có “phần tranh luận” là trọng tâm của việc tranh tụng đi liền sau “phần xét hỏi”. Từ đó, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa vừa phát huy bản chất của mô hình tố tụng xét hỏi, vừa bổ sung những ưu điểm vượt trội của mô hình tố tụng tranh tụng.
1.2.Về thành phần hội đồng xét xử
BLTTHS năm 2015 quy định: “Thành phần hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba thẩm phán”.
Điều 349 BLTTHS năm 2015 quy định thành phần của mà không có HTND còn trong BLTTHS năm 2003 quy định thành phần của hội đồng xét xử có ba Thẩm phán trong trường hợp cần thiết có thêm hai Hội thẩm nhân dân. Vì trên thực tế chưa có phiên tòa phúc thẩm nào có thêm Hội thẩm vì tính chất phúc thẩm là xem xét lại bản án sơ thẩm nên cần đòi hỏi người có chuyên môn cao có “ít nhất 10 năm kinh nghiệm mới được xét xử phúc thẩm”. Do đó có thêm Hội thẩm xét xử không mang lại kết quả vì kinh nghiệm, trình độ xét xử của Hội thẩm nhân dân không đồng đều. Việc có thêm Hội thẩm còn làm mất thêm thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án, trong khi đó thời hạn xét xử tố tụng phúc thẩm là 2 tháng kể từ khi thụ lý.
1.3.Về thay đổi giới hạn của việc xét xử
Tại khoản 3 Điều 29 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện Kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện Kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.” Điều này quy định rõ trường hợp cần thiết Tòa án được xét xử bị cáo tội danh nặng hơn trong khi đó tại Điều 196 BLTTHS năm 2003 chỉ quy định “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện Kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Tòa án có thể xử bị cáo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.” Như vậy BLTTHS năm 2015 tăng giới hạn việc xét xử của Tòa án.
1.4.Về hình phạt bổ sung
Tòa án cấp phúc thẩm được áp dụng hoặc tăng hình phạt bổ sung: Tại khoản 2 Điều 357 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Toà án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật Hình sự về tăng nặng hơn; chuyển từ hình phạt tù cho hưởng án treo sang hình phạt tù; áp dụng hoặc tăng hình phạt bổ sung“. Trong khi đó tại Điều 249 BLTTHS năm 2003 không có quy định nào đề cập đến việc Toà án cấp phúc thẩm có quyền áp dụng thêm hình phạt bổ sung đối với bị cáo. Một thực tế đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau đó là đối với những vụ án mà cấp sơ thẩm không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo, sau xét xử sơ thẩm Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm áp dụng hình phạt bổ sung, nếu xét thấy kháng nghị, kháng cáo có căn cứ thì Toà án phúc thẩm có thể áp dụng hình phạt bổ sung cho bị cáo. Vì phạm vi xét xử phúc thẩm đó là việc áp dụng hình phạt bổ sung.
II.Giải pháp nâng cao chất lượng phiên tòa xét xử phúc thẩm theo quy định của BLTTHS 2015
2.1. Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và cán bộ, công chức của hệ thống Tòa án nhân dân
Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong chiến lược cải cách tư pháp đã chỉ rõ: “Tòa án giữ vai trò trung tâm trong chiến lược cải cách tư pháp, trong đó hoạt động xét xử giữ vai trò trọng tâm” [2,17]. Hoạt động xét xử do Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và đội ngũ cán bộ công chức Tòa án tiến hành. Lao động xét xử là lao động sáng tạo và chuẩn mực trong việc áp dụng pháp luật. Trong quá trình xét xử không chỉ đòi hỏi tư duy sáng tạo mà còn cả sự chuẩn mực của người Thẩm phán, sự tập trung cao độ để nghiên cứu hồ sơ vụ án, đánh giá chứng cứ để tìm ra sự thật của vụ án. Trên cơ sở đó có thể ra bản án, quyết định đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Để làm được điều đó, bản thân người Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải tự nghiên cứu hồ sơ vụ án, xem xét các chứng cứ buộc tội, gỡ tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nghiên cứu một cách có hệ thống các văn bản pháp luật. Do đó, những người làm công tác xét xử phải cần có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ pháp lý và kiến thức hiểu biết sâu rộng mới đáp ứng được các yêu cầu đặt ra; đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày càng quan tâm đến chất lượng xét xử của Tòa án.
Xét xử phúc thẩm là một giai đoạn cực kỳ quan trọng của tố tụng hình sự, phát sinh khi có kháng cáo, kháng nghị hợp pháp. Phiên tòa hình sự phúc thẩm có nhiệm vụ xem xét lại bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp dưới nên phải được tiến hành đúng thủ tục tố tụng, đảm bảo sự uy nghiêm và chuẩn mực của phiên tòa. Thẩm phán tiến hành tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm đòi hỏi phải là người mà ngoài trình độ chuyên môn ra còn có kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động xét xử.
Đối với các phiên tòa hình sự phúc thẩm theo quy định hiện nay phải do các Thẩm phán trung cấp hoặc cao cấp tiến hành. Tiêu chuẩn đặt ra để được bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp là người đã là Thẩm phán sơ cấp ít nhất 5 năm; có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp thuộc TAND. Ngoài ra, Thẩm phán trung cấp có thể là do yêu cầu nhân lực của TAND, thì người mà đã có thời gian công tác pháp luật từ 10 năm trở lên, có năng lực xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng thì có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp thuộc TAND.
2.2. Mở các phiên tòa rút kinh nghiệm trên cơ sở việc tăng cường phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân
Trong bối cảnh mà vị trí của tư pháp ngày càng được chú trọng và được xã hội quan tâm, liên ngành TAND và VKSND cần phối hợp để chọn các phiên tòa mẫu theo hướng tăng cường số lượng các phiên tòa mẫu xét xử ở cơ sở để đảm bảo các TAND cấp huyện có thể tham dự, học hỏi và rút kinh nghiệm. Để làm được như vậy cần có sự đầu tư về chiều sâu, sự chuẩn bị kỹ càng của những cán bộ làm công tác xét xử và sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như ngành dọc cấp trên. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của kiểm sát viên rất quan trọng, trách nhiệm, kinh nghiệm của kiểm sát viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa [1,18]. Để đạt được như vậy ngoài kiến thức chuyên môn giỏi, kinh nghiệm ngồi xét xử nhiều đòi hỏi kiểm sát viên phải nắm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ngành Kiểm sát cần xây dựng chế tài xử lý khi Kiểm sát viên không tham gia tranh luận, không đối đáp với Luật sư bào chữa và những người tham gia tố tụng khác ví dụ chế tài cắt thi đua hàng năm, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ [5,37]… Ngoài ra, hàng năm ngành Kiểm sát phải mở thêm các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trao đổi nghiệp vụ định kỳ, hướng dẫn kỹ năng tranh luận, kỹ năng đối đáp và giải quyết các tình huống tại phiên tòa cho kiểm sát viên.
2.3. Tăng cường phương tiện, cơ sở vật chất kỹ thuật
Nhằm đảm bảo hiệu quả cho hoạt động xét xử các vụ án nói chung, các vụ án hình sự phúc thẩm nói riêng và đặc biệt nhằm nâng cao chất lượng các phiên tòa thì việc tăng cường điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện làm việc là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm nhưng đến nay kinh phí hoạt động của các Tòa án hình sự vẫn còn quá hạn hẹp. Điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác của Thẩm phán còn thiếu thốn; hoạt động xét xử cũng bị ảnh hưởng ở một chừng mực nhất định. Nhiều phiên tòa lẽ ra phải được xét xử trong nhiều ngày nhưng do kinh phí hạn hẹp nên thường phải rút ngắn thời gian làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử. Trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu và tìm kiếm chứng cứ của vụ án chưa được Nhà nước trang bị làm cho các Thẩm phán gặp không ít khó khăn trong việc tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Công tác theo dõi hồ sơ, số liệu lưu trữ và việc tìm kiếm chứng cứ vụ án được thực hiện theo phương pháp thủ công, không đáp ứng được yêu cầu của công việc ngày càng đa dạng, phức tạp, tinh vi và hiện đại. Tăng cường điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất cho Tòa án cần được thực hiện trong các lĩnh vực sau
2.4.Thường xuyên tổng kết rút kinh nghiệm kịp thời
Tổng kết rút kinh nghiệm trong hoạt động xét xử nói chung và trong việc giải quyết án hình sự nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng của hệ thống Tòa án nhân dân. Bởi lẽ, thông qua hoạt động tổng kết, rút kinh nghiệm về những gì đã làm được và những gì chưa làm được chúng ta mới rút ra được bài học về việc áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử. Với vai trò và vị trí của phiên tòa xét xử hình sự phúc thẩm, việc tổng kết rút kinh nghiệm giúp chúng ta thấy được những quy phạm pháp luật nào phù hợp với thực tế cuộc sống, quy phạm pháp luật nào không còn phù hợp cần sửa đổi bổ sung từ đó có những kiến nghị, đề nghị xem xét sửa đổi hoặc giải thích, hướng dẫn kịp thời và thống nhất.
Để làm tốt công tác tổng kết rút kinh nghiệm trong hoạt động xét xử chúng ta cần thường xuyên cập nhật kết quả xét xử sở thẩm, phúc thẩm, kết quả công tác giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong toàn ngành để chỉ rõ những sai lầm, thiếu sót trong việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật để rút kinh nghiệm chung và lựa chọn những bản án, quyết định đúng đắn cho toàn ngành tham khảo.
2.5.Tăng cường và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế
Tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế liên quan tới công tác Tòa án; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực tham gia vào các định chế tài phán quốc tế. Cùng với sự hội nhập quốc tế về kinh tế, văn hóa… là sự “lây lan” của các tội phạm có tính chất quốc tế vào Việt Nam. Xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng người Việt Nam phạm tội ở nước ngoài, người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam hoặc dùng Việt Nam là “ bàn đạp” để thực hiện tội phạm ở nước thứ ba [6,29]. Xuất phát từ đòi hỏi của thực tế, BLTTHS năm 2015 đã dành Chương XXXV, XXXVI để quy định chung về hợp tác quốc tế trong hoạt động tố tụng hình sự và Tòa án được xác định là cơ quan đầu mối trong tương trợ tư pháp về hình sự. Hợp tác quốc tế liên quan tới hoạt động xét xử của Tòa án đã góp phần không nhỏ trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm có tổ chức và khủng bố. Mặt khác cũng giúp cho Việt Nam chúng ta học hỏi được kinh nghiệm xét xử, cách thức điều khiển phiên tòa của các nước mà Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác quốc tế trên lĩnh vực liên quan đến Tòa án. Từ đó đổi mới cách thức tổ chức phiên tòa cho phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
III. KẾT LUẬN
BLTTHS năm 2015 đã tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan bảo vệ pháp luật trấn áp tội phạm đồng thời tạo cơ sở pháp lý để người dân tự bảo vệ mình và góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn mới.
Bên cạnh những ưu điểm của các quy định thì hệ thống pháp luật Việt Nam về tố tụng hình sự nói chung và về phiên tòa xét xử hình sự phúc thẩm nói riêng vẫn còn một số hạn chế. Những hạn chế này do các nguyên nhân khác nhau đem lại. Nguyên nhân chủ quan là do hệ thống pháp luật của chúng ta còn nhiều hạn chế và bất cập, đó là sự hạn chế trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự còn thiếu các quy định cụ thể về thủ tục tố tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như thế nào phải dẫn chiếu đến các quy định của phiên tòa sơ thẩm. Sự hạn chế này còn thể hiện ở việc chưa phân định rõ ràng giữa chức năng xét xử, chức năng buộc tội, chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của hệ thống các cơ quan kiểm sát; trình tự xét hỏi chưa được quy định cụ thể; trình độ của đội ngũ cán bộ tư pháp chưa đáp ứng được các yêu cầu của cải cách tư pháp đề ra…
Nguyên nhân khách quan là do cơ sở vật chất phục vụ cho công tác xét xử còn yếu kém; tội phạm diễn ra càng ngày càng phức tạp và quy mô; và do sự thay đổi của các hệ thống pháp luật liên quan làm cho hệ thống pháp luật hình sự còn nhiều bất cập.
Các kiến nghị này góp phần hoàn thiện các quy định của BLTTHS nói riêng và của hệ thống tư pháp nói chung đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp đến năm 2020. Việc nâng cao chất lượng tố tụng tại phiên tòa xét xử phúc thẩm cũng nhằm để hạn chế các vụ án oan sai như một số vụ án trong những năm gần đây gây chấn động trong dư luận. Do đó, việc đưa ra các giải pháp kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật tố tụng hình sự nói chung cũng như nâng cao chất lượng các phiên tòa xét xử hình sự phúc thẩm nói riêng là rất cần thiết và mang tính chất cấp bách đặc biệt trong xu hướng toàn cầu hóa.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 1.Quốc hội (2015), Bộ luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- 2.Quốc hội (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- 3.Nguyễn Mai Thùy (2013), Phiên tòa hình sự sơ thẩm trong pháp luật Tố tụng hình sự Việt Nam từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
- 4.Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2012), Giáo trình Luật tố tụng hình sự, Nxb Hồng Đức.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận