Bộ sách “Văn hóa – Lịch sử Champa”- một công trình có giá trị, không chỉ dành riêng cho giới hàn lâm
Bộ sách “Văn hóa – Lịch sử Champa” của PGS.TS Trương Văn Món, là một công trình đồ sộ vừa được Nxb Đại học Quốc gia TPHCM xuất bản.
Công trình đồ sộ
Bộ sách gồm 4 tập.
Tập I với tiêu đề “Từ vùng đất Indrapura, Amaravati đến Vijaya (thế kỷ II-XV) cho biết vương quốc Champa được liên kết bởi nhiều tiểu vương quốc, đứng đầu là vị vua liên bang. Các tiểu vương quốc này có lúc liên kết, có lúc ly khai, đòi độc lập… Với chiều dài 13 thế kỷ, tác giả đã tập hợp nhiều nguồn tài liệu để làm sáng tỏ về nền văn minh phía Bắc Champa, rực rỡ rồi suy tàn. Cuốn sách cũng giải đáp nhiều vấn đề về hậu lịch sử như tù binh Chăm ở phía Bắc; Công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân; hiện tượng Chế Bồng Nga và dòng họ Chế, họ Trà; tín ngưỡng thờ Mẫu; vũ khí và nghệ thuật chiến tranh của Champa- Đại Việt.
Tập II “Vùng Paduranga và sự kiến tạo bản sắc” viết về tiểu quốc Paduranga tức vùng Ninh Thuận – Bình Thuận hiện nay, được xem là thánh địa cuối cùng của vương quốc Champa cổ ở miền Trung Việt Nam hội nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nơi đây còn lưu lại nhiều di tích đền tháp, tín ngưỡng, tôn giáo, nghi lễ, hội hè, phong tục Champa mang bản sắc riêng. Đây là vùng đất có sự giao thoa, hỗn dung giữa văn hóa bản địa, tàn dư Ấn giáo, với Phật giáo, Islam giáo… nên cuốn sách như bách khoa thư giúp người đọc tra cứu, tìm hiểu, giải đáp những câu hỏi về nền văn minh Champa kỳ bí ở vùng Paduranga.
Tập III “Mối quan hệ giữa Champa và Thế giới Mã Lai”. Champa và Mã Lai có mối quan hệ lâu đời, cùng ngữ hệ Mã Lai – Đa đảo và nhiều quan hệ khác về lịch sử và văn hóa, nguồn gốc tộc người, nhân chủng. Muốn hiểu sâu về văn hóa, văn minh Champa thì phải hiểu mối quan hệ giữa Champa và Mã Lai.
Tập IV “Cộng đồng Chăm Islam ở Nam Bộ: Di cư, hồi hương và kiến tạo bản sắc”. Chăm Islam ở Nam Bộ là bộ phận dân cư của vương quốc Champa, nhưng đầu thế kỷ XIX họ mới xuất hiện ở Nam Bộ. Vấn đề đặt ra là nguồn gốc cộng đồng này từ đâu, quá trình hình thành và phát triển như thế nào? Họ theo giáo phái nào của Islam? Họ có quan hệ với cộng đồng Chăm Awal, Chăm Ahier ở Ninh Thuận – Bình Thuận và các nhóm Chăm ở Campuchua, Mã Lai… ra sao? Giải đáp những câu hỏi đó, tác giả mang đến cho bạn đọc những kiến giải có căn cứ xác đáng và rất lý thú.
Có thể nói đây là bộ sách bách khoa về lịch sử, văn hóa Champa, trải dài theo lịch sử Champa và không gian Chăm từ miền Trung đến Nam Bộ, đến Hà Nội, mở rộng sang các quốc gia khác.
Công chúa Huyền Trân và giàn thiêu
Tranh thủ tìm đọc về sự kiện công chúa Huyền Trân và vua Chế Mân, chúng tôi thấy tác giả đã dành một chương cho sự kiện này với tiêu đề “Chế Mân (Jaya Simhavarman III) và Huyền Trân công chúa (Bia Tapasi) Giải mã sự thật và huyền thoại”.
Tác giả điểm qua các công trình nghiên cứu đã viết về sự kiện này. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, sau khi Đại Việt và Champa đánh thắng quân Mông Nguyên, vua Trần Nhân Tông (1279-1293) thăm Champa và hứa gả công chúa cho Chế Mân. Ít lâu sau Chế Mân sai người mang lễ vật sang xin cưới, triều đình nhiều người không thuận nên Chế Mân xin dâng châu Ô, châu Lý làm sính lễ. Vua Trần Anh Tông (1293-1314) chấp thuận. Đến tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), công chúa Huyền Trân sang Champa. Hai châu Ô, Lý được nhà Trần tiếp nhận và đổi tên là châu Thuận và châu Hóa. Sau hôn lễ chưa được một năm thì Chế Mân chết, Toàn thư chép: Theo tục Chiêm Thành, hễ vua chết thì các hậu phải lên giàn hỏa thiêu chết theo. Anh Tông nghe tin ấy cử Trần Khắc Chung vào viếng và tìm cách đón công chúa về.
Tác giả phân tích mục đích chính của cuộc hôn nhân này; những nhân vật lịch sử có liên quan; vấn đề châu Ô, châu Lý với hai bên; sự trỗi dậy của Chế Bồng Nga…
Một chi tiết đáng chú ý là tấm bia ở tháp Po Sah ở Ninh Thuận, niên đại 1228 Saka tức năm 1306, ghi lại công lao của Chế Mân, có đề cập đến hai hoàng hậu là Bia Paramesvari (công chúa xứ Java) và Bia Tapasi (công chúa xứ Đại Việt) cho thấy về thời gian thì cả hai bên đều ghi chép chính xác.
Nội dung ghi chép ít ỏi trong sử Việt khiến hậu thế phải đặt ra câu hỏi là công chúa Huyền Trân có phải lên giàn thiêu sau cái chết của Chế Mân hay không? Nội dung này được tác giả giải đáp rất kỹ càng. Tác giả cho biết, theo phong tục truyền thống của Champa, không phải khi vua chết thì tất cả hoàng hậu đều lên giàn hỏa thiêu. Hoàng hậu muốn lên giàn hỏa thiêu phải có hội đồng hoàng gia xem xét, vì hoàng hậu lên giàn thiêu chết theo chồng liên quan đến quyền nối ngôi, quyền thừa kế tài sản và nhiều quyền lợi khác.
Hoàng hậu lên giàn thiêu phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Phải cùng dòng máu, cùng dân tộc Champa; cùng đẳng cấp hoàng gia; không bị tật và bệnh nan y; cá nhân và dòng tộc của hoàng hậu phải chấp thuận và tiêu chí quan trọng nữa là hoàng hậu phải tự nguyện.
Vua Po Rome có ba hoàng hậu là Bia Sucih, gốc Chăm Bani; Bia Sucan, người Ê Đê và Bia Ut, gốc Kinh (được ghi nhận là Công nữ Ngọc Khoa, con chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên). Trong ba hoàng hậu chỉ có Bia Sucan đủ điều kiện hỏa thiêu cùng chồng. Hoàng hậu Bia Út không cùng chủng tộc. Hoàng hậu Bia Sucih không tự nguyện…
Vì vậy, sau khi ba hoàng hậu qua đời, chí có Bia Sucan được tạc tượng thờ ngay cạnh tượng Po Rome trong tháp Po Rome; còn Bia Ut được thờ lẻ loi ở cánh đồng cách xa tháp đến 10 km; riêng Bia Sucih được thờ ở sau tháp, nhưng trên ngực tượng có khắc dòng chữ: “Đây là hoàng hậu Bia Sucih, người phụng sự vua Palei nhưng không chịu lên giàn hỏa cùng chồng. Khắc ghi lên ngực hoàng hậu Bia Sucih”.
Như vậy nỗi lo lắng của triều đình Đại Việt về an nguy của công chúa Huyền Trân là không có cơ sở. Tác giả cũng cho biết phái đoàn Trần Khắc Chung sang đón công chúa được Champa cử đoàn tùy tùng đến 300 người tiễn chân theo nghi thức quốc gia có kèn trống ngựa hoa về đến Hóa châu, ranh giới hai quốc gia. Xem ra, đoạn Toàn thư chép: "Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa mang về"... là không đúng.
Chương này cho thấy dù phạm vi nghiên cứu rất rộng, nhưng từng vấn đề được giải quyết sâu, với những luận cứ thuyết phục.
Bộ sách gồm 4 tập, hơn 2000 trang in
Bao quát về các kết quả nghiên cứu về người Chăm
PGS.TS Trương Văn Món, bút danh Sakay là người Chăm làng Bàu Trúc ở ngay trung tâm thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Bàu Trúc tiếng Chăm cổ gọi là Palei Hamu Trok, có nghĩa là “làng trũng, nhô ra cuối triền sông”. Đây là một trong những làng gốm cổ bậc nhất Đông Nam Á. Hiện nay ông là giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM. Vì thế, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Champa ông có cái nhìn khách quan của nhà khoa học, đồng thời có cái nhìn của người trong cuộc, đây là một lợi thế.
Phát biểu tại buổi lễ ra sách, tác giả chia sẻ: "Năm 1991, tốt nghiệp đại học, tôi trở về vùng đất Champa và cảm thấy rất choáng ngợp không biết bắt đầu từ đâu, đã nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc, nhưng từng ngày từng giờ tôi đi điền dã khắp các vùng đất Chăm gom góp tư liệu, thì tôi nhìn thấy vấn đề văn hoá Chăm rất đồ sộ và không phải viết một cuốn sách là hết mà phải thực hiện con đường, hành trình dài hơi".
Theo PGS. TS Trương Văn Món, trong quá trình đang loay hoay thì ông nhận được học bổng tại Mỹ và quyết định đi du học. Trong suốt 5 năm học tập tại Mỹ ông được tiếp xúc rất nhiều người Chăm các nước trên thế giới. "Văn hoá Chăm hiện nay như những mảnh vỡ không chỉ tại miền Trung Việt Nam mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Sau khi học về, với tài liệu thu gom đã có sẵn và kiến thức đã học được tôi bắt vào viết bộ sách" – PGS. TS Trương Văn Món chia sẻ.
Tham dự buổi giới thiệu ra mắt bộ sách, GS.TS.NGND Ngô Văn Lệ, Nguyên Hiệu trưởng trường ĐH KH XH&VN nhận định bộ sách đã góp phần giải quyết một vấn đề lớn đó là khẳng định lại lãnh thổ của Champa trong bối cảnh chung từ miền Bắc đến Nam. Bên cạnh đó là những gì liên quan đến lịch sử văn hoá như đúng tên gọi của bộ sách.
TS Phú Văn Hẳn (Viện phó Viện KHXH vùng Nam Bộ) bày tỏ sự thán phục bộ sách Văn hoá - lịch sử Champa: "Tôi tin những nội dung trong bộ sách là một tập hợp khá bao quát về các kết quả nghiên cứu về người Chăm cho nên nó sẽ là bộ sách, bộ tài liệu cực kỳ quý cho những ai muốn nghiên cứu, quan tâm, tìm hiểu về người Chăm. Tôi tin với công trình này, thì PGS.TS Trương Văn Món sẽ có những công trình khác lớn hơn, bao quát hơn. Và chúng tôi rất tự hào điều đó" - TS Phú Văn Hẳn cho hay.
Bộ sách này không chỉ phục vụ cho giới hàn lâm mà còn phục vụ cho lớp độc giả bình dân đặc biệt là những hướng dẫn viên du lịch hiện nay.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận